Đào tạo tín chỉ: Hai trở ngại lớn
Đào tạo theo tín chỉ đang được các nhà quản lý giáo dục xem là một trong những giải pháp đột phá nhằm đổi mới giáo dục đại học. Tuy nhiên, phương thức tiến bộ này đang gặp không ít trở ngại.
Đánh giá chưa tương thích
Tại hội thảo toàn quốc về đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn ngày 14/12, ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu: Việc chuyển đổi đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ (chuyển thang điểm 10 sang thang điểm 4) đang làm mất đi độ chính xác và giá trị của việc đánh giá phân loại SV.
Còn theo tính toàn của ThS Đinh Xuân Hảo (Trường ĐH Sài Gòn), quy chế 43/2007/QĐ-BGDĐT, Bộ quy định về cách thức đổi điểm sang chữ như A (8,5 – 10) Giỏi; B (7,4 – 8,5) Khá; C (5,5 – 6,9) TB; C (4,0 – 5,4) TB Yếu; Loại không đạt :F (dưới 4) Kém. Trong khi đó, A tương ứng với 4; B tương ứng với 3; C tương ứng với 2; D với 1 và F với 0 làm cho việc đánh giá không thực chất vì SV dễ được xếp loại cao hơn cách truyền thống.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng, hiện nay, dù nhiều trường đào tạo theo tín chỉ nhưng vẫn mang hơi hướng của đào tạo niên chế.
Đơn cử, Trường ĐH Cần Thơ tính mức điểm chữ, trong khi Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tính mức điểm 100. Việc quy định điểm phải thi lại tại các trường cũng khác nhau, có trường sinh viên 4 điểm thì đạt, có trường thì 4,5 điểm vẫn phải thi lại, có trường làm tròn điểm có trường lại tính điểm lẻ…
TS Nghĩa nhấn mạnh “Sự thiếu thống nhất trong thang điểm không chỉ làm khó cho giảng viên trong quá trình thỉnh giảng tại các trường mà là một thiệt thòi lớn cho sinh viên khi chuyển từ trường này qua trường khác, đặc biệt các trường ở nước ngoài”.
Giáo viên gặp khó
Theo một số nhà nghiên cứu, việc đào tạo theo tín chỉ khiến giáo viên gặp khó trong việc đánh giá.
Video đang HOT
TS Tô Minh Thanh – Phòng khảo và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG TP.HCM, cho rằng khi khảo sát về hoạt động tự học của SV theo học tín chỉ cho thấy, bất chấp sự hỗ trợ định hướng từ phía GV, một số SV vẫn chưa chủ động hợp tác để đạt kết quả cao trong học tập.
Có giảng viên giải thích trách nhiệm từ phía người học: “SV lớp này lười lắm, cả lớp có 6 người làm bài tập, tài liệu đưa photo không chịu học, không tìm ra tài liệu mà GV đưa tài liệu lại không photo sợ tốn tiền, SV đối phó với GV bằng cách lấy bài một bạn photo cho nhiều bạn”.
Ngoài ra, TS Thanh cũng nêu một số ý kiến của GV trong quá trình khảo sát cho hay, khó khăn trong giai đoạn đầu của quá trình học tín chỉ như cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, lớp đông, không gian và tài liệu không đáp ứng được và GV cũng không thể kiểm soát nổi nên SV không tự giác, dựa dẫm vào nhau. Trong khi đó, thời gian lại quá ngắn nên GV không thể cung cấp hết kiến thức được.
PGS.TS Lê Ngọc Trà: “Hiện nay, giáo viên phải gánh quá nhiều sinh viên mới có tình trạng kiểm tra, đánh giá chưa chính xác”
PGS.TS Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có một lý do khác khi cho rằng, hiện nay GV phải gánh quá nhiều SV mới có tình trạng kiểm tra, đánh giá chưa chính xác.
“Các trường ĐH ở nước ngoài luôn có giảng viên chính và trợ giảng nhưng ở nước ta ai cũng lên lớp như nhau. Một lớp học đến 300 – 400 người mà chỉ một thầy giáo thì không cách gì để kiểm tra, đánh giá được”.
TS Tôn Thất Dụng, Trường ĐH Sư phạm Huế nêu quan điểm, theo quy chế, GV được trao quyền đánh giá quá trình học và trọng số lên đến 50%. Tuy nhiên, đa phần hiệu trưởng các trường không giao trọn 50% trọng số đánh giá kết quả cho giảng viên (có lẽ vì sợ không khách quan) mà chỉ cho đánh giá từ 30% – 40%..
Tham gia hội thảo có TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục – Bộ GD&ĐT, nêu quan điểm công tác đổi mới việc kiểm định chất lượng một cách toàn diện, việc cung cấp thông tin phản hồi sau khảo thí đánh giá, tạo động lực cho người học thông qua.
Ngoài ra, cần có một cơ chế đảm bảo chất lượng trong kiểm tra đánh giá, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên, khai thác tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, khả năng trình bày, giao tiếp nơi người học…
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
Đào tạo theo tín chỉ còn nhiều bất cập
Sáng 14.12, Hội thảo khoa học toàn quốc về việc đổi mới, kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã được tổ chức tại ĐH Sài Gòn thu hút 70 bài tham luận của các nhà quản lý đến từ các trường ĐH trên toàn quốc.
Được biết, học chế tín chỉ được áp dụng đầu tiên tại ĐH Bách khoa TP.HCM năm 1993, đến nay đã có 60% trường ĐH, 30% trường CĐ đang thực hiện hình thức đào tạo này.
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo tín chỉ ở Việt Nam hiện chưa thực sự đúng với tinh thần của tín chỉ.
"Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Tính chủ động của sinh viên còn yếu kém", PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng ĐH Sài Gòn nói.
Còn theo PGS-TS Lê Ngọc Trà, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: "Các trường ĐH ở nước ngoài luôn có giảng viên chính và trợ giảng. Ở ta ai cũng lên lớp như nhau, từ giáo sư cho tới giảng viên mới. Một lớp học có 300 sinh viên mà chỉ một ông giáo sư thì cũng không cách gì kiểm tra, đánh giá chính xác từng sinh viên được. Đúng ra nếu có trợ giảng thì việc này sẽ đơn giản hơn".
Không chỉ vậy, cách tổ chức kiểm tra đánh giá, xếp loại của mỗi trường cũng có nhiều điểm khác nhau.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định: "Điều 22 của quy chế 43 đã quy định đánh giá sinh viên trên thang điểm 10, làm tròn đến chữ số thập phân, nhưng hiện nay mỗi trường làm một kiểu. Có trường tính thang điểm 4, có trường thang điểm 100, có trường thang điểm 10 nhưng lại có trường dùng xếp loại theo A, B, C, D, rồi cách làm tròn cũng khác nhau, gây thiệt thòi cho một số sinh viên".
Chẳng hạn theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tại ĐH Sài Gòn và ĐH Y Dược TP.HCM chỉ làm tròn thành số nguyên. Ví dụ sinh viên được 7,5 sẽ làm tròn thành 8, sinh viên đạt 8,4 cũng làm tròn thành... 8.
Trong khi đó, nói về giải pháp để đánh giá chính xác sinh viên, TS Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, nhà trường phải chuyên nghiệp hóa việc ra đề thi, không nên ra 2 đề chọn 1 mà cần có nhiều câu hỏi, đa dạng hóa đề thi (viết, thuyết trình, bài tập).
"Và để chất lượng đào tạo tín chỉ tăng lên, giảng viên cần có phương pháp giảng dạy tốt, tổ chức học nhóm, thúc đẩy khả năng sử dụng thông tin từ internet cho sinh viên, kích thích tư duy độc lập, sáng tạo", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa TP.HCM) nói.
Còn về phía sinh viên, TS Phạm Xuân Thanh cho rằng, cần phải có kiến thức rộng, sâu, khả năng tự học, tự nghiên cứu và làm việc độc lập, có các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp...
Mỹ Quyên
Theo thanh niên
4 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn Sáng nay, 15-12, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho 604 sinh viên Khoa Kinh tế trong tổng số 1.841 sinh viên hệ ĐH chính quy được công nhận tốt nghiệp trong đợt này. TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông lâm TPHCM - trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân Thống...