Đào tạo thừa, tuyển dụng thiếu giáo viên
Trước thềm năm học mới, rất nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, không tuyển được giáo viên. Điều này tạo ra nghịch lý thiếu – thừa, kéo theo nhiều hệ lụy.
Ngay tại TP.HCM, nơi có các trường đào tạo sư phạm nổi tiếng, nhưng vẫn không tuyển được giáo viên (GV). Không những thiếu GV, nhiều quận, huyện hiện nay tìm đỏ mắt không được GV, đặc biệt là GV tiếng Anh.
Tuyển 44 nhưng chỉ có 8 hồ sơ
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Sở GD&ĐT TP.HCM mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, nói đã tổ chức tuyển dụng và phân công GV về các đơn vị trực thuộc.
Các quận, huyện đang khẩn trương thực hiện công tác tuyển dụng GV mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng GV ở các quận, huyện hiện nay thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ. Một số quận, huyện đến tháng 10/2018 mới có quyết định tuyển dụng viên chức trong khi ngày 20/8 học sinh toàn TP đã tựu trường.
Việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học tại TP.HCM đang rất khó khăn. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động.
Thực tế, tuyển dụng GV mầm non, tiểu học lâu nay với các quận, huyện vùng ven vẫn là bài toán khó. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, cho biết quận đang thông báo tuyển GV từ mầm non đến THCS. Hiện nay, mỗi trường thiếu từ một đến hai GV. Tuy nhiên, thuận lợi của quận 6 là nguồn GV lâu nay ổn định, chỉ tuyển bổ sung do mỗi năm có một số GV về hưu.
Xác định tuyển dụng thành nhiều đợt quanh năm, nhưng nhiều quận, huyện, nhất là những quận có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, học sinh đông luôn trong tình trạng phập phù vì khó tuyển.
Video đang HOT
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết lo nhất hiện nay là thiếu GV tiếng Anh tiểu học. Nhu cầu là 44 GV nhưng cho đến nay mới chỉ 8 hồ sơ đăng ký.
Tại quận 12, theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận, nhu cầu tuyển dụng năm học này là 197 GV và dự tính phải gấp rút tuyển dụng để kịp khai giảng năm học mới. Đây cũng là quận có năm phải tuyển thành 3-4 đợt mới tuyển đủ GV cho các bậc học.
Môn đổ dồn, môn lại đìu hiu
2018-2019 là năm đầu tiên ngành GD&ĐT TP tiến hành bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển dụng. Tuy nhiên, dù bỏ hay không, nghịch lý lâu nay vẫn là ứng viên đổ dồn vào bậc THPT.
Năm học 2018-2019, nhu cầu tuyển dụng đối với các trường THPT và 3 trung tâm GDTX trực thuộc sở là 363 GV, 62 nhân viên trong khi có tới 1.682 ứng viên đăng ký. Tính trung bình, tỷ lệ chọi để trở thành viên chức ngành GD&ĐT TP.HCM là 1/3,95. Trong đó, rất nhiều môn có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn môn Vật lý, trong khi chỉ tiêu chỉ có 18, số ứng viên đăng ký xét tuyển lên tới 271 người, tương đương một “chọi” hơn 15; môn Toán có 40 chỉ tiêu, đăng ký 330, tỷ lệ “chọi” 1/8,25; môn Hóa chỉ tiêu 12, đăng ký 180, tỷ lệ “chọi” 1/15. Thậm chí, ngay cả những môn lâu nay ngành GD&ĐT TP đang cần nhiều nhân lực, như môn tiếng Anh, cũng có tỷ lệ “chọi” 1/1,3 (chỉ tiêu 70, đăng ký 91)…
Trái ngược với THPT, bậc mầm non và tiểu học lại là tình trạng đìu hiu, thậm chí nhu cầu còn cao hơn hồ sơ ứng tuyển. Theo lãnh đạo nhiều phòng GD&ĐT, tình trạng thiếu GV mầm non, tiểu học ở nhiều quận, huyện diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng còn có thể khắc phục dần dần vì tuyển dụng nhiều đợt trong năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thiếu GV tiếng Anh tiểu học, bởi đây là lực lượng đặc thù, không thể thay thế hay nhờ GV môn khác cáng đáng được.
Khát giáo viên tiếng Anh
Theo ông Lưu Hồng Uyên, trong trường hợp vào năm học mới nhưng tuyển vẫn chưa đủ, GV bộ môn có thể thêm giờ, luân phiên gánh vác, nhưng GV tiếng Anh thì không. Ông Tạ Tân cho rằng yêu cầu tuyển dụng GV tiếng Anh đang làm khó các trường, lý do là yêu cầu GV phải có bằng sư phạm tiếng Anh mới được đi dạy. Trong khi đó, những GV tốt nghiệp ngành này thường không chấp nhận dạy tiểu học.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học, hơn 70% học sinh tại các trường tiểu học ở TP.HCM hiện nay theo học chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC). Tuy nhiên, về phía các trường, khó khăn nhất là tuyển dụng đội ngũ GV. Lý do chính là thu nhập từ GV dạy ở trường không thể như bằng dạy thêm bên ngoài, nhất là tại các trung tâm.
Rất nhiều trường do không tuyển đủ GV nên phải hợp đồng với bên ngoài, trường nào tuyển rồi thì nơm nớp lo GV dứt áo ra đi.
Cơ chế tuyển dụng hiện nay nhiều bất cập khiến nguy cơ không thể tuyển được GV tiếng Anh tiểu học. Theo khoản 1, điều 6 Thông tư số 28 của Bộ GD&ĐT, quy định về chế độ làm việc đối với GV phổ thông, định mức tiết dạy đối với GV tiểu học dạy TATC, GV tiểu học được tuyển dụng giảng dạy TATC cũng quy định định mức tiết dạy (23 tiết/tuần) như GV tiểu học.
Cụ thể, khi chưa có Thông tư 28, một GV TATC của trường được trả 50.000 đồng/tiết, bắt đầu từ tiết đầu tiên; dạy bao nhiêu tiết thì nhân lên bấy nhiêu tiền. Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 28, định mức tiết dạy của GV TATC trong một tuần phải là 23 tiết.
23 tiết này xem như nghĩa vụ và không được trả lương trong khi đây là chương trình học có thu thêm học phí (80.000 đồng/tháng/học sinh) khiến cho GV tiếng Anh mất một khoản thù lao không nhỏ.
Không bảo đảm chuẩn GV
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với ngành GD&ĐT TP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết chương trình tiếng Anh của một TP phát triển là rất cần thiết, nói đến hội nhập là nói đến trình độ ngoại ngữ và đặc biệt là tiếng Anh.
Tuy nhiên, quy định của Bộ GD&ĐT lại không có vị trí việc làm GV tiếng Anh tiểu học, khiến các trường tuyển dụng hết sức khó khăn. Ngay ở bậc THPT thiếu 80 GV mà chỉ có 90 người dự thi, không bảo đảm được chuẩn của GV TP.
Theo Zing
Đắk Nông: Tiếp tục ký hợp đồng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo, cho phép ký hợp đồng tiếp đối với 385 giáo viên của năm học trước, trong đó ưu tiên cho vùng khó khăn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh này.
Ngày 21/8, UBND tỉnh Đắk Nông có buổi làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông và đại diện UBND các huyện, thị xã về triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương đã nêu ý kiến về tình trạng thiếu biên chế giáo dục trong nhiều năm liền gây khó khăn cho việc dạy và học.
Theo báo cáo của Sở GD- ĐT tỉnh Đắk Nông, năm học 2018-2019, toàn tỉnh này có khoảng 173.000 học sinh, tăng 7.000 học sinh so với năm học trước. Khó khăn lớn nhất hiện nay của toàn ngành là thiếu biên chế giáo viên (GV), đặc biệt là GV mầm non thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, ở bậc tiểu học, việc tuyển dụng, bố trí GV dạy môn tiếng Anh, Tin học còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Tại buổi làm việc, ngành giáo dục cũng kiến nghị các ngành địa phương, ngành chức năng thanh toán tiền cho GV hợp đồng, GV dạy kê, dạy gác đã "nợ" nhiều tháng nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo tiếp tục ký hợp đồng để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Sau khi chỉ rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay như: cơ cấu GV, lớp học chưa hợp lý; nhiều trung tâm giáo dục hoạt động chưa hiệu quả; nhiều trường chuẩn quốc gia chưa đạt chuẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương và trường học tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ GV; thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính trong các cơ sở giáo dục để lấy nguồn dôi dư bổ sung GV mầm non; chuyển biên chế hành chính sang biên chế GV; rà soát sắp xếp lại trường lớp học; sát nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên với trường chính trị; giải thể các trường điểm lẻ, sát nhập vào trường chính; khuyến khích các đơn vị trường học đủ điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ. Tuy nhiên không vì thiếu GV mà bố trí lớp học quá tải.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng khẳng định, năm học 2018-2019 cho phép ký hợp đồng lao động tiếp đối với 385 GV của năm học trước, trong đó ưu tiên cho vùng khó khăn; kiểm tra, rà soát lại các trường học xuống cấp để đầu tư nâng cấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng bể bơi cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2017-2020.
Như trước đó Dân trí đã phản ánh, tình trạng thiếu GV diễn ra tại Đắk Nông nhiều năm nay, có địa phương thiếu GV 3-6 năm liền. Năm học 2018-2019, địa phương này thiếu đến gần 1.000 biên chế giáo dục, trong đó phần lớn là GV. Nguyên nhân của tình trạng thiếu GV là việc dân số cơ học tăng nhanh và việc tinh giảm biên chế theo lộ trình của Chính phủ.
Dương Phong
Theo Dân trí
TPHCM xin thi tốt nghiệp trung học phổ thông riêng, chuyên gia nói gì? TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nên cân nhắc cho phép TPHCM tự tổ chức thi tốt nghiệp riêng. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: KIM ĐỒNG Tại hội nghị tổng kết năm...