Đào tạo nhân lực KHCB: Cần cơ chế Nhà nước đặt hàng
Trước thực tế thiếu hụt nhân lực về Khoa học cơ bản (KHCB) và việc thu hút sinh viên theo học các ngành này đang giảm sút, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải sớm có cơ chế nhà nước đặt hàng đào tạo phù hợp để giải “bài toán” này.
Thực trạng bất cân đối về ngành nghề đào tạo trong giáo dục đại học ViệtNam hiện nay đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ. Nhân lực ngành tài chính – ngân hàng, vốn được xã hội coi là những ngành “thời thượng” hiện nay, đang trở nên dư thừa so với nhu cầu.
Theo TS. Nguyễn Trường Giang, Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) “Điều tra mới nhất của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính và Hay Group cho kết quả năm 2013 sẽ có 12.000 SV chuyên ngành tài chính – ngân hàng thất nghiệp hoặc phải tìm việc khác khi sẽ có 32.000 SV chuyên ngành này ra trường, nhưng chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính – ngân hàng tuyển dụng. Còn trong bốn năm tới, số SV tài chính – ngân hàng không được tuyển là 13.000 người”.
Sức hút của các ngành đào tạo KHCB đối với xã hội bị giảm sút
Trong khi đó, PGS.TS. Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, thừa nhận, ngày càng ít các sinh viên muốn theo học các ngành Khoa học cơ bản và sự thiếu hút nhân lực về KHCB đã và đang xảy ra.
Số sinh viên theo học các ngành Khoa học cơ bản ngày càng giảm sút
“Một thực tế xảy ra là sinh viên vào học các ngành KHCB đều giảm sút cả về chất lượng và số lượng. Đây sẽ là một nghịch lý trong khi sản phẩm đầu ra của các ngành đào tạo sẽ là các nhà khoa học, các cán bộ quản lý trong lĩnh vực KHCB, cần có năng lực học tập và nghiên cứu đặc biệt. Thực tế hiện nay đã có sự hẫng hụt lớn thế hệ các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn”, báo cáo nghiên cứu của PGS.TS Bùi Duy Cam nhấn mạnh.
Bởi vậy, trước tình trạng “nơi thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu”, các chuyên gia cho rằng Nhà nước phải có chính sách can thiệp mạnh để tránh lãng phí nguồn lực đào tạo. “Có thể phải cắt giảm ngay mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua học phí thấp đối với sinh viên tài chính – ngân hàng”, TS. Nguyễn Trường Giang đề xuất.
Video đang HOT
Đối với các nước phát triển, khoa học cơ bản (KHCB) là xương sống để giữ vững vị trí siêu cường của họ. Còn đối với những nước đang phát triển, việc phát triển nhanh hay chậm, bền vững và có đuổi kịp các nước phát triển hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng một nền KHCB vững mạnh và đúng hướng là rất quan trọng.
Trong khi tầm quan trọng của KHCB đối với sự phát triển của quốc gia đã được khẳng định thì xu thế xã hội hiện tại lại ít quan tâm vào KHCB. Sự hẫng hụt đội ngũ các nhà khoa học có năng lực nghiên cứu và các chuyên gia thuộc lĩnh vực KHCB đang diễn ra ngày càng trầm trọng.
Cần cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo với các ngành KHCB
Có thể thấy, dù ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong những năm qua đã tăng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư cho giáo dục đào tạo hiện nay còn phân tán, chưa rõ định hướng ưu tiên cho các ngành KHCB. Với mức đầu tư hiện nay, không đủ đề bù đắp chi phí đối với cơ sở đào tạo và càng không tạo được sức hút đối với sinh viên giỏi vào các cơ sở đào tạo KHCB. Điều này càng làm trầm trọng hơn tình hình thu hút sinh viên vào các ngành KHCB.
Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo cần có bước đột phá nhằm tăng mức đầu tư của Nhà nước hiện nay cho các ngành KHCB. Trước những khó khăn thách thức trong việc đào tạo các ngành KHCB, cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo đối với các ngành KHCB có thể coi là giải pháp thiết yếu và phù hợp với tình hình hiện nay.
Để giải quyết “bài toán” nhân lực cho các ngành KHCB, TS. Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng đồng quan điểm: “Đối với những ngành nghề như khoa học cơ bản, người học không có nhu cầu nhưng nhà nước rất cần thì nhà nước sẽ đặt hàng với các trường và sẽ lo tài chính để đảm bảo không mất cân đối cơ cấu các ngành học”.
Hiện trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã xây dựng và trình Đề án “Áp dụng cơ chế tài chính đặc biệt để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu KHCB”, tham gia thí điểm áp dụng cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Theo đó, trường ĐH Khoa học tự nhiên đã xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chung của ngành và yêu cầu đặc biệt của sản phẩm đào tạo.
Tuy nhiên, đề án cũng khuyến nghị Nhà nước cần ban hành một số cơ chế như: Cơ sở đào tạo cung cấp địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo, số lượng, yêu cầu về chất lượng đạt chuẩn quốc gia, địa chỉ sử dụng sinh viên sau khi ra trường, các quy định tạo cơ chế, phối hợp giữa nhà trường, các viện nghiên cứu, các địa phương, đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực hỗ trợ các cơ sở đào tạo, bám sát nhu cầu xã hội nhằm cung cấp đủ nguồn nhân lực theo yêu cầu.
Cũng theo đề án này, sinh viên cần cam kết làm việc theo phân công của Nhà nước sau khi ra trường, thực hiện chính sách bồi hoàn kinh phí đào tạo khi không thực hiện sự phân công.
Mạnh Hải
Theo dân trí
Ngành Tài chính Ngân hàng vẫn là lựa chọn số 1 của học sinh TPHCM
Theo khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TPHCM năm 2012, ngành nghề Tài chính Ngân hàng đứng đầu trong các lựa chọn của học sinh cuối cấp, chiếm tỉ lệ 33,52%.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), các ngành nghề có nhu cầu học thấp hơn là Điện - Điện tử và Công nghệ thông tin (chiếm 16,92%); Marketing - Nhân viên kinh doanh (chiếm 13,32%); Du lịch - Môi trường - Khách sạn (chiếm 8,05%); Quản lý - Quản trị - Văn phòng (chiếm 6,95%); Cơ khí - Xây dựng - Kiến trúc (chiếm 6,73%); Dược - Mỹ phẩm - Hóa (chiếm 4,33%); Sản xuất và chế biến (chiếm 1,93%); Luật - Khoa học (chiếm 0,95%) và tất cả các ngành nghề khác chỉ chiếm 7,3%).
Biểu đồ nhu cầu học nghề của học sinh TPHCM năm 2012.
Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: "Điều này cho thấy nhu cầu của học sinh hiện nay quá chú trọng nhiều về các ngành Kinh tế, đặc biệt là ngành Tài chính - Ngân hàng".
Trong khi đó, theo dự báo của Falmi về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 - 2015 thì nhu cầu nhóm ngành Cơ khí - Luyện kim - Công nghệ ô tô xe máy lại đứng đầu, chiếm tỷ lệ 28% nhu cầu lao động. Đứng thứ 2, 3 là nhóm ngành Công nghệ chế biến thực phẩm (13%) và Markerting - Kinh tế - Kinh doanh - Bán hàng (12%). Nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Bảo hiểm chỉ đứng thứ 7 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn này, chiếm 6% tổng nhu cầu nhân lực.
10 ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn 2012 - 2015.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec cho biết: "SV ngành Tài chính Ngân hàng hiện nay xin việc rất nhiều, mỗi ngày chúng tôi nhận hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng việc tuyển dụng lại rất ít. Hiện trong ngành này, phải là những SV giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác mới có cơ hội tìm được việc làm".
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: "Thực tế cho thấy, không ít thí sinh đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng theo xu hướng thấy ngành nghề nào đang "nóng" là đăng ký. Trong khi đó hiện nay, nhân lực thị trường lao động đang cần nhất chính là lao động chuyên môn kỹ thuật lành nghề và nhân lực quản lý có trình độ cao".
Còn ông Nguyễn Minh Hiếu thì cho rằng: "Thực ra có rất nhiều ngành không "nổi" lắm nhưng hiện rất "khát" nhân lực, lương cao chót vót mà doanh nghiệp tuyển không ra người làm; nhất là các ngành mà mọi người nghĩ là phải làm trong môi trường độc hại như hóa chất, công nghệ thực phẩm... Hiện chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu tuyển dụng nhân lực trong các ngành này mà không tìm đủ ứng viên cho nhà tuyển dụng".
Điều này cũng đúng theo dự báo nhu cầu nhân lực giai đoạn 2012 - 2015 của Falmi. Trong giai đoạn này, nhu cầu nhân lực trong nhóm ngành Công nghệ chế biến thực phẩm đứng thứ 2, chỉ sau nhóm ngành Cơ khí - Luyện kim - Công nghệ ô tô xe máy; nhóm ngành Hóa - Hóa chất - Y - Dược - Mỹ phẩm cũng chiếm 4% tổng nhu cầu nhân lực.
Về trình độ đào tạo, theo Falmi thì học sinh chú trọng nhiều ở bậc đại học (chiếm tỷ lệ 70,83%); Cao đẳng (chiếm 25,6%); Trung cấp (chiếm 3,57%); trong khi đó ở bậc Sơ cấp nghề hầu như không có.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: "Nhu cầu học nghề của học sinh vẫn tiếp tục xu hướng tập trung nhiều ở trình độ đại học, cao đẳng. Từ đó dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động đối với các ngành nghề trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề...".
Tùng Nguyên
Theo dân trí
Giải đáp băn khoăn khi lựa chọn ngành học Tôi muốn cho con đi du học, nhưng ngành nào sau này sẽ tốt? Tôi thấy nhiều người học tài chính ngân hàng quá, liệu học về có việc làm không? Ngành nào sẽ khan hiếm nhân lực trong những năm tới? Ngành nào có mức lương cao? Ngành nào dễ tìm việc làm và cho phép định cư tại nước sở tại?...