Đào tạo nghề miễn phí cho hàng trăm lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hàng trăm lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh được học nghề miễn phí theo chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ.
Năm 2020, thực hiện chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam do GIZ tài trợ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã đào tạo nghề ngắn hạn (4 tuần) cho 200 lao động với các nghề: Hàn cơ bản, bảo dưỡng xe hơi, điện cơ bản, bảo dưỡng máy điều hòa không khí và cắt gọt kim loại.
Sau khi hoàn thành các khóa học, các học viên đều được nâng cao tay nghề, nhiều lao động đã tìm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Các học viên được đào tạo nghề miễn phí, sau khi tốt nghiệp còn được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/học viên nam và 2,5 triệu đồng/học viên nữ (Ảnh: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh).
Tiến sĩ Cao Thành Lê – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2021, chương trình tiếp tục hỗ trợ 750 lao động Hà Tĩnh mất việc, bị giảm giờ làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong độ tuổi lao động cần được đào tạo lại để chuyển đổi việc làm và những người chưa có việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề để tìm việc làm”.
Khóa học gồm 5 nghề: Hàn, cắt gọt kim loại, điện dân dụng, sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí, sửa chữa ô tô, với thời gian mỗi khóa kéo dài 4 tuần. Toàn bộ học phí được tài trợ bởi GIZ. Ngoài ra, học viên được hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày, 500 nghìn đồng/tháng tiền lưu trú hoặc đi lại. Sau khi học viên tốt nghiệp còn được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/học viên nam và 2,5 triệu đồng/học viên nữ.
Video đang HOT
Đến nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã tuyển sinh 500 học viên theo học ở 20 lớp. Theo kế hoạch, các lớp sẽ hoàn thành khóa học trong tháng 11/2021. Dự kiến tháng 12/2021, nhà trường tiếp tục tuyển sinh 250 học viên.
Các khóa đào tạo này nhằm giúp người lao động nhanh chóng có những kỹ năng nghề cơ bản để chuyển đổi việc làm hoặc tự kinh doanh, đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Các lớp học ngắn hạn tuy nhiên vẫn đảm bảo được kỹ năng nghề cho học viên (Ảnh: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh).
Trước đó, vào tháng 7/2021, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ khai giảng 5 khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho các nghề cắt gọt kim loại, điện dân dụng, hàn, sửa chữa ô tô và sửa chữa máy lạnh, điều hòa không khí cho 125 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Anh Trần Văn Tùng – học viên theo chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam do GIZ thuộc Khoa cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh cho biết, hiện Hà Tĩnh đang có nhiều khu công nghiệp, việc lựa chọn học theo nghề cơ khí sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho anh và các học viên khác.
“Nhờ sự hỗ trợ của chương trình đã tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận được với khóa học, sau khi hoàn thành việc học tập chúng tôi đa số đã tìm được việc làm và có thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/tháng”, anh Tùng nói.
Thành phố Hồ Chí Minh: Đào tạo nghề bằng công nghệ ảo
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức dạy thực hành cho học viên, sinh viên.
Khắc phục khó khăn, hiện nhiều trường nghề đã xây dựng chương trình đào tạo thông minh, đẩy mạnh đào tạo nghề bằng công nghệ ảo để thích ứng với tình hình mới.
Giáo viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (thành phố Hồ Chí Minh) thao tác trên thiết bị ảo ở lớp học trực tuyến môn học sửa chữa phần cứng máy tính. Ảnh: Phạm Thanh
Khó khăn trong tổ chức dạy thực hành
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa thể kết thúc môn học theo lịch trình là tháng 6-2021 bởi từ ngày 10-5-2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đầu tháng 6-2021, trường cơ bản hoàn thành chương trình của học kỳ này cho khoảng 2.000 sinh viên. Khối lượng kiến thức lý thuyết ở nhiều môn gần như đã hoàn tất, nhưng vẫn chưa thể kết thúc môn vì còn vướng về số tiết thực hành. Trong khi đó, đối với các trường nghề, thời lượng thực hành thường chiếm tới 70% chương trình đào tạo.
Tương tự, theo Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt thành phố Hồ Chí Minh, những môn đang được nhà trường giảng dạy trực tuyến phần lớn là lý thuyết. Riêng phần thực hành, nhà trường hiện hỗ trợ sinh viên bằng cách gửi tài liệu, video thầy, cô giáo đang thực hành để sinh viên có thể nắm bắt, tự học và làm theo. "Dù vậy, dạy thực hành trực tuyến gặp khó khăn, hiệu quả không cao do trang thiết bị của sinh viên không ổn định và nhiều trường hợp không thực hiện được. Đối với các trường nghề, việc tổ chức dạy thực hành cho học viên, sinh viên là hết sức quan trọng và cần thiết", Thạc sĩ Lê Lâm nói.
Về vấn đề này, sinh viên năm thứ 2 ngành Điều dưỡng (Trường Cao đẳng Viễn Đông thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Văn Huy cho biết: "Từ tháng 4-2021 đến nay, chúng em phải tăng cường thực hành để chuẩn bị đến bệnh viện thực tập. Theo chương trình, sinh viên phải tiếp xúc với bệnh nhân, thực hành tiêm thuốc, rút máu, hút đờm... nhưng nay thực hiện giãn cách, không thể thực tập với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nên chúng em rất lo".
Xây dựng quy trình đào tạo trực tuyến
Để giải quyết khó khăn đang đặt ra, nhiều trường nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư ứng dụng công nghệ mới giúp sinh viên duy trì việc thực hành. Theo Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đầu tư các phòng thực tế ảo để giúp giảng viên dễ dàng hơn trong việc dạy thực hành cho sinh viên. Điển hình, phòng thực hành ảo chuyên ngành ô tô sử dụng phần mềm Electude để sinh viên học nguyên lý hoạt động, thao tác thực hành, chẩn đoán sửa chữa ô tô; giáo viên có thể giao bài, chia nhóm, đánh giá kiểm tra sinh viên qua mạng một cách chính xác.
Sinh viên năm thứ hai ngành Sửa chữa ô tô (Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh) Trần Ngọc Tiến cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nhà trường chuyển qua hình thức học trực tuyến. Ban đầu em cũng lo lắng, chưa hình dung thực hành trực tuyến sẽ thế nào, nhưng với công nghệ ảo áp dụng vào thực hành, em thấy rất tiện lợi, dễ hiểu... giảng viên dạy thực hành và sinh viên thao tác trên thiết bị ảo giống như đang học thực hành trực tiếp tại xưởng".
Còn Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh đầu tư thiết bị máy hàn ảo, khi sử dụng thiết bị này trên máy tính cho hiệu quả tương đương 85-90% so với hàn thực tế. Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Viễn Đông thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã nhập mô hình đào tạo, thực hành các ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ Cộng hòa Liên bang Đức. Cụ thể, với môn giải phẫu sinh lý của ngành điều dưỡng, các mô hình cơ thể người được số hóa theo mã QR. Sinh viên có thể lên mạng và thao tác với những mô hình này không khác gì ngoài thực tế. Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với những mô hình động cơ trong các ngành công nghệ, sinh viên cũng có thể "bóc tách" ra từng bộ phận trên các ứng dụng nhờ vào mã QR.
Nhận xét về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Minh Sự cho hay, việc nhiều trường nghề biến thách thức thành cơ hội, bắt tay ngay vào xây dựng quy trình đào tạo trực tuyến đã góp phần thực hiện yêu cầu số hóa của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Đặc biệt, các trường đã mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ ảo vào thực hành cho sinh viên. Đây là việc làm cần thiết trong công cuộc số hóa đào tạo nghề hiện nay.
Giáo dục tiến bộ ở tất cả các cấp học; giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tiến bộ của ngành Giáo dục trong 5 năm qua; Bộ GD-ĐT "chốt" phương án thi tốt nghiệp THPT 2021, lý giải vấn đề xếp hạng đạo đức giáo viên,... được dư luận quan tâm. Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa/ INT Giáo dục tiến bộ ở tất cả các cấp...