Đào tạo liên thông: Đi học như… đi chơi
Chỉ cần nhờ người học không cần đến lớp, ngày thi mới đến trường…, nhiều sinh viên học liên thông chỉ xác định chỉ cần có bằng. Nhiều lớp đào tạo liên thông rất lộn xộn.
Thấy tôi hỏi về đào tạo liên thông, đứa em vừa tốt nghiệp ngành kế toán bậc học này cho biết, có thời điểm hàng chục người trong lớp nhờ người khác học hộ.
Không khó khăn để tôi “nhảy dù” vào lớp học liên thông ngành kế toán của một trường đại học chuyên về đào tạo kỹ thuật.
Lớp gần 90 người, ồn ào. Một số người vào muộn, không cần xin phép giảng viên. Học viên ngồi lổn nhổn, túm tụm nói chuyện. Chỉ ở 5 bàn đầu, các bạn nghe giảng và chép bài nghiêm chỉnh, ở những bàn sau thì ai thích gì làm đó. Quanh chỗ tôi ngồi, người đang đếm tiền, kẻ chơi cờ ca rô, hay gục ngủ, soi gương làm dáng…
Cũng trong tình trạng tương tự, tại một lớp liên thông cao đẳng ngành y dược, sĩ số lớp 60 người. Trên lớp, giảng viên chăm chú nói, học viên vừa nghe giảng, chép bài, vừa đan khăn len mà không bị nhắc nhở.
Sinh viên vô tư đan len trong lớp học
Không học được… thì thuê
Video đang HOT
“Nhảy dù” vào những lớp học liên thông mới biết học viên thật đặc biệt. Có khi vài tháng, họ mới đến lớp học một lần. Nhiều bạn đến lớp cũng chỉ điểm danh rồi về.
Trong lớp học liên thông ngành kế toán, tôi hỏi sinh viên tên Dung(*) ngồi bàn trên “đang học môn gì?”, Dung nhìn tôi, rồi lắc đầu: “Mấy tuần rồi mình không đến lớp học, cứ thuê người học hộ, lúc kiểm tra mới đến”.
Dung bảo, đang làm kế toán cho công ty tư nhân, đi học liên thông mong lấy cái bằng để tiện bề “tác chiến” công việc trong tương lai, nhưng vì bận nên phải thuê học hộ.
“Lúc đầu, mình nhờ em họ là sinh viên học hộ, sau thành quen, thuê luôn với giá 80-150 nghìn đồng/buổi học – Dung nói. Còn Hoa, kế toán viên của một Cty ở Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, Hoa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Hưng Yên, và giờ học liên thông lên đại học. Thời gian đầu rảnh rỗi, Hoa đến lớp ngồi đến hết giờ là về, nhưng sắp cưới Hoa phải thuê người học hộ.
Trả lại tên cho… liên thông
Trả lời trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” gần đây của Đài Truyền hình Việt Nam, phần nội dung về những quy định mới trong đào tạo liên thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Chúng tôi không phải siết chặt đào tạo liên thông, mà nhằm đưa Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/1/2013 vào cuộc sống, đảm bảo đầu ra của các văn bằng ngang nhau giữa đào tạo chính quy và liên thông.
“Chúng tôi đang làm việc là đưa liên thông về đúng bản chất của nó, tránh tổ chức và thực hiện liên thông như một hệ đào tạo. Đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định: Quyết định đào tạo liên thông trước đây chưa đủ để bao quát thực tiễn. Quy định mới về liên thông nhằm làm đúng bản chất, trả lại đúng giá trị cho người học.
Ông Tuấn cho rằng, theo quy định đào tạo từ trung cấp liên thông lên đại học phải được Bộ GD&ĐT cho phép, nhưng nhiều trường không đủ điều kiện để thực hiện nên đã đào tạo chui. Bộ phát hiện nhiều trường chương trình đào tạo bị cắt xén, kém chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo không cao, dư luận xã hội bức xúc.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Tuyển liên thông để né quy định mới
Nhiều trường ĐH, CĐ và cả người học đang vội vàng tổ chức và thi tuyển sinh liên thông để né quy định mới.
Đông đảo thí sinh ghi hồ sơ dự thi liên thông ĐH tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM sáng 16-1 - Ảnh: Như Hùng
Quy định mới về liên thông CĐ, ĐH của Bộ GD-ĐT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7-2-2013. Theo các trường và người học, quy định mới buộc người muốn liên thông CĐ, ĐH phải thi chung đề trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, nếu không phải chờ ba năm sau ngày tốt nghiệp mới được dự thi theo đề do trường CĐ, ĐH ra là quá ngặt nghèo.
Người học dao động
Năm 2009, Lương Thanh Tùng (Q.6, TP.HCM) trúng tuyển vào Trường ĐH Hoa Sen với 16 điểm và Trường CĐ Kinh tế đối ngoại với 19 điểm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không kham nổi mức học phí ĐH nên Tùng chọn học CĐ. Năm 2012 Tùng tốt nghiệp và dự định dự thi liên thông lên ĐH nhưng với quy định mới, Tùng lo lắng "bao nhiêu năm học CĐ, giờ còn nhớ gì kiến thức phổ thông nữa đâu mà thi ĐH". Mấy tuần gần đây, Tùng đôn đáo tìm hiểu xem trường nào tuyển sinh liên thông trước khi quy định mới có hiệu lực (từ ngày 7-2, PV) để dự thi né quy định mới.
Cũng tìm cách né nhưng N.V.S. lại chấp nhận bỏ bằng CĐ và sử dụng bằng trung cấp để liên thông ĐH. S. cho biết mình học trung câp ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp và đã liên thông lấy bằng CĐ. S. dự định học tiếp lên ĐH nhưng quy định mới buộc S. phải chờ thêm vài năm nữa. "Mấy năm học liên thông CĐ coi như bỏ, bằng này chỉ để đi làm. Bằng trung cấp của tôi đã hơn 36 tháng nên sẽ sử dụng bằng này để thi liên thông lên ĐH. Tuy thời gian có dài hơn nhưng khả năng tiếp tục học cao hơn. Nếu lấy bằng CĐ liên thông thì phải thi ĐH, như thế khả năng trúng tuyển cực kỳ thấp vì có còn nhớ gì kiến thức phổ thông đâu. Còn chờ cho bằng CĐ đủ 36 tháng thì quá lâu" - S. cho biết.
Ngay cả những sinh viên đang theo học CĐ cũng bị dao động. N.T.B. - sinh viên năm nhất bậc CĐ Trường ĐH Sài Gòn - cho biết năm 2012 B. thi ĐH được 15 điểm khối A, rớt ĐH và chấp nhận học CĐ với hi vọng sau này sẽ tiếp tục học lên ĐH. Tuy nhiên, nếu theo quy định mới, B. sẽ phải mất năm năm nữa mới được liên thông lên ĐH. Do đó, B. cho biết năm nay sẽ ôn thi để thi lại ĐH, tiết kiệm thời gian và công sức học tập, tránh phải thi lại ĐH sau ba năm học CĐ.
Trường lo lắng
Nhiều trường đã tranh thủ ra thông báo tuyển sinh liên thông đợt cuối để chạy đua trước ngày quy định có hiệu lực. Ngày 8-1 Trường CĐ Bách Việt ra thông báo tuyển sinh liên thông CĐ chính quy với thời gian thi tuyển ngay sát ngày quy định mới của bộ có hiệu lực. Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng ra thông báo trong tháng 1 và thi tuyển vào ngày 2-2. Trường CĐ Kinh tế công nghệ thi tuyển vào cuối tháng 1. Trường ĐH Hồng Bàng, Võ Trường Toản tổ chức thi liên thông vào đầu tháng 2...
Ông Trần Mạnh Thành, phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng quy định mới quá ngặt nghèo khiến người học khó có thể vượt qua được kỳ thi tuyển sinh ĐH vì đã bỏ kiến thức phổ thông quá lâu. Trong khi đó, đối tượng đủ 36 tháng đã thi liên thông các năm trước đó nên cũng rất khó để các trường tuyển sinh.
"Vì điều này mà nhiều trường muốn tuyển sinh liên thông theo quy định cũ. Việc đào tạo liên thông bát nháo lâu nay lỗi là do cơ quan quản lý chứ không phải của người học. Bộ cứ thanh tra và xử phạt thật nặng trường nào làm không đúng quy định và phải tạo điều kiện để người học tiếp tục nâng cao trình độ. Tôi cho rằng điều quan trọng không phải siết đầu vào mà là làm sao quản lý chất lượng đào tạo, đầu ra của các trường" - ông Thành nói.
Trong hội nghị tổng kết tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM mới đây, hiệu trưởng một số trường thành viên bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định mới của bộ khi đánh đồng "cá mè một lứa" tất cả các trường. PGS-TS Dương Anh Đức - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - nêu ý kiến: trong quá trình tuyển sinh liên thông, có trường làm tốt, đảm bảo chất lượng nhưng cũng có không ít trường làm không tốt.
Từ điều này mà đánh đồng tất cả các trường là không hợp lý. Quan trọng là quy trình đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra như thế nào. Quá quan trọng đầu vào sẽ làm mất đi tính khách quan và nản lòng những người có nhu cầu học thật sự. Tại sao họ học ba năm rồi phải chờ thêm ba năm nữa mới được học tiếp?
Theo tuổi trẻ
Siết liên thông gây khó cho người học? Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ có hiệu lực. Đồng ý với tinh thần siết chặt và nâng chất lượng đào tạo liên thông nhưng theo lãnh đạo một số ĐH, việc SV phải thi ĐH, CĐ như học sinh phổ thông là "vô vọng", khó thực...