Đào tạo giáo viên trực tuyến cho chương trình phổ thông mới
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đào tạo giáo viên và chuẩn bị cho cơ sở vật chất là hai yếu tố then chốt để hiện thực thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đào tạo giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, sĩ số lớp hiện tại quá đông… là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 9/1.
Giáo sinh phải được “nhúng” vào môi trường sư phạm
Về đào tạo giáo viên, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – cho hay các trường sư phạm đã quan tâm vấn đề này từ lâu, khi chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu xuất hiện, trong đó chú trọng thay đổi về cách dạy, học, kiểm tra đánh giá và các môn học mới.
“Một mặt chúng ta lo về đội ngũ giáo viên khi chuẩn bị chương trình mới nhưng mặt khác yên tâm vì các trường sư phạm đã chuẩn bị. Khó nhưng chắc chắn sẽ làm được vì sự tâm huyết và nỗ lực của thầy cô”, GS Minh nói.
GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – cho hay vấn đề đào tạo giáo viên khó khăn nhưng quyết tâm chắc chắn thực hiện được. Ảnh: Q.Q.
Theo GS Minh, giáo viên sẽ được bồi dưỡng từ tổng thể đến từng môn học, trước hết thực hiện cho sinh viên của các trường đại học sư phạm, sau đó kết nối với địa phương thông qua trường cao đẳng. Hiện tại, thầy cô đều sử dụng smarphone, mạng Internet nên việc bồi dưỡng trực tuyến rất tiện lợi.
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ban chỉ đạo chương trình giáo dục phổ thông mới đã giao nhiệm vụ cho các trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên để đồng hành và xây dựng, triển khai chương trình ngay từ đầu. Giai đoạn này, ban chỉ đạo đề nghị các địa phương không được sắp xếp, sáp nhập các trường để đảm bảo đào tạo lại và bồi dưỡng cho giáo viên kịp thời.
“Giáo sinh phải được ‘nhúng’ vào môi trường giáo dục để thấy và hiểu được cuộc sống trong trường học, học sinh, đồng nghiệp, khi các em ra trường sẽ có kiến thức thực tế hơn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Thiếu hàng nghìn phòng học
Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 567 nghìn phòng học. Trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 424.757, tỷ lệ kiên cố khoảng 75%. Cấp mầm non là 64,9%; tiểu học 72,2%; THCS 83,4%; THPT 93,9%.
Riêng vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa còn thấp hơn nữa. Cá biệt, vùng Tây nguyên, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bậc mầm non chỉ đạt dưới 45%.
Video đang HOT
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, thông tin Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu từng bước giải quyết sự thiếu hụt cơ sở vật chất khi triển khai chương trình mới. Ảnh: Q.Q.
Với chương trình hiện hành, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu. Cả 3 khu vực khó khăn là vùng miền núi phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, thiết bị dạy học tối thiểu đều chưa đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, thông tin địa phương này đã rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất – thiết bị để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị triển khai chương trình mới của tỉnh Phú Thọ là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư cấp tiểu học. Cấp học này, để triển khai chương trình mới lớp 1, năm học 2020-2021, cần bổ sung 436 phòng học, 228 phòng máy tính và 5.500 máy vi tính. Nhu cầu như vậy đối với một tỉnh miền núi như Phú Thọ là rất khó khăn. Dù vậy, địa phương cũng cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình mới đạt hiệu quả.
Ông Phạm Hùng Anh cho biết Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu từng bước giải quyết sự thiếu hụt cơ sở vật chất khi triển khai chương trình mới. Về phòng học, cấp tiểu học bảo đảm 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày. Cấp THCS, THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.
Với thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Dự kiến quý I/2019, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020 – 2021; ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp còn lại theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong quý I/2020. Bộ yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017-2020.
Thành phố lớn lo lắng sĩ số học sinh quá cao
Phát biểu tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đề nghị Bộ GD&ĐT nên sớm công bố bộ sách giáo khoa mẫu để giáo viên và các trường chủ động tự nghiên cứu, hình dung cụ thể về chương trình mới, giảm những ý kiến băn khoăn, thắc mắc.
Người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành các quy định tối thiểu về cơ sở vật chất trường học, các phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học… để UBND các tỉnh, thành phố có thời gian nhất định để chuẩn bị, triển khai hiệu quả.
Hà Nội là thành phố chịu áp lực về sĩ số học sinh lớn, có lớp học lên đến 60 em. Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn Bộ GD&ĐT có những chia sẻ và biện pháp để cơ sở vật chất trường lớp đảm bảo khi thực hiện chương trình mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay với các thành phố lớn, lớp học có sĩ số quá đông, Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ Xây dựng để điều chỉnh chuẩn quy định nhà trường cho phù hợp và khả thi.
Tuy nhiên, địa phương vẫn phải chủ động vì với tốc độ nhà cao tầng ngày càng nhiều thì giải pháp cũng không thể phù hợp nếu không có quy hoạch trường lớp đồng bộ.
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, theo mô hình đang áp dụng, học sinh phải học và ghi nhớ nhiều, trong khi khả năng vận dụng thực tế hạn chế.
Với chương trình mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.
Chương trình này sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa – tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
Theo Zing
Triển khai 8 vấn đề lớn của giáo dục đại học
Ngày 28/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của gần 600 đại biểu đến từ 245 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Ảnh minh họa
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề lớn của giáo dục Đại học trong năm 2019.
Năm 2019 sẽ xây dựng Đề án thành lập một số trường sư phạm trọng điểm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết: Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả giáo dục đáng khích lệ, nổi bật ở lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo giáo viên.
Một số nét nổi bật có thể kể đến như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy giáo dục đại học phát triển; lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lot top 1.000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS; có 7 trường đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất Châu Á năm 2019 (QS Asia 2019).
Công tác kiểm định chất lượng đã đạt được kết quả khả quan, nhất là đối với kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, cả nước đã có 117 cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, chiếm hơn 50% tổng số cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Công tác đảm bảo chất lượng và văn hóa chất luợng đã được các trường chú trọng xây dựng.
Quản trị đại học tiếp tục được nâng cao, đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77; 3 trường chuẩn bị được phê duyệt cơ chế thí điểm không còn Bộ chủ quản, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình tự chủ đại học. Công tác tuyển sinh ổn định, thuận lợi.
Quá trình tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2019, Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh: Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng 2 đề án xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm, thành lập một số trường sư phạm trọng điểm và Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trong năm 2019, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trình Thủ tướng trong năm 2020.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Bộ sẽ xây dựng Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định cơ chế tự chủ - cởi trói cho các trường để có thể thực hiện tự chủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm; kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định...
Cần có thông tin dự báo sớm về thị trường lao động
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về 8 vấn đề lớn cần đẩy mạnh thực hiện trong năm 2019, đó là: Sớm kiện toàn Hội đồng trường để chuẩn bị các điều kiện về tự chủ đại học; nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện trách nhiệm giải trình thông qua cung cấp các thông tin thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường công tác đảm bảo đầu ra cho sinh viên; chú trọng công tác giáo dục chính chị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa ứng xử của sinh viên, thầy cô giáo trong nhà trường; tăng cường hội nhập quốc tế và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho giáo dục đại học.
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Các trường cần khẳng định được vai trò của Hội đồng trường, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập tự chủ chi thường xuyên cần cân nhắc vấn đề tăng học phí, đảm bảo mức học phí để người học chấp nhận được và đảm bảo sự cạnh tranh.
Liên quan đến công tác tuyển sinh, đại diện nhiều trường đại học kiến nghị cần cơ cấu lại chỉ tiêu tuyển sinh theo vùng và có thông tin dự báo sớm về thị trường lao động để các trường có căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, các ngành nghề đào tạo liên tục có sự biến động, Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc các điều kiện về mở ngành đào tạo mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mở các ngành phù hợp với xu thế thời đại, thu hút được người học.
Về tuyển sinh ngành sư phạm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Sự thay đổi phương thức tuyển sinh ngành sư phạm trong năm 2018 với việc đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và một số tiêu chí xét tuyển thu hút học sinh khá, giỏi đã nhận được sự đồng tình của xã hội.
Tuy nhiên, để thực sự thu hút được sinh viên giỏi vào học, thì cần có một số chính sách như: cam kết đầu ra có việc làm; chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên; chính sách học bổng cho sinh viên ngành sư phạm... Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm phải cân nhắc giữa sự tồn tại của các trường và lợi ích quốc gia, từ đó bảo đảm sự cân bằng và có lộ trình triển khai phù hợp.
Đại diện khối ngành sư phạm nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Đào Đăng Phượng chia sẻ: Với việc xét tuyển sinh viên ngành sư phạm nghệ thuật, theo quy định học lực phải loại Khá đang là vấn đề khó khăn đối với lĩnh vực này.
Vì những học sinh có điểm môn văn hóa thuộc loại Khá trở lên thường lại không đạt môn năng khiếu. Trong khi đó, các trường nghệ thuật chủ yếu đánh giá cao môn năng khiếu, điểm môn văn hóa chỉ cần từ 5 điểm trở lên là đạt yêu cầu.
Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá trong các cơ sở giáo dục đại học cũng được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, cần thay đổi cách dạy truyền thống và cách học để thi. Sinh viên nên được học trải nghiệm, vừa học vừa làm để theo kịp xu thế của thời đại.
Theo baotintuc
Môn giáo dục công dân mới dạy gì? Môn giáo dục công dân lâu nay vốn được ví như cái 'bị' chứa tất cả những nội dung cần bổ sung vào chương trình giáo dục phổ thông, từ giáo dục đạo đức lối sống đến hiểu biết chính trị, pháp luật, trong khi việc đào tạo giáo viên thì chưa theo kịp. Một giờ học tích hợp môn giáo dục công...