Đào tạo giáo viên theo đặt hàng của địa phương: Để hiệu quả đi vào thực tiễn
Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương được đánh giá góp phần giải bài toán thừa thiếu giáo viên một cách căn cơ và hiệu quả.
Một buổi học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới tại tỉnh Long An. Ảnh C.Chương
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để chủ trương này đạt hiệu quả cao phải giải quyết thêm một số vấn đề.
Nhu cầu cao nhưng vướng biên chế
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương (29/4), nhiều sở GD&ĐT phía Nam đã triển khai văn bản xuống cơ sở để thống kê nhu cầu về GV các bậc học.
Theo ông Lý Thanh Tâm – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản triển khai, chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên của từng bậc học, ngành học để làm cơ sở lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu và trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện.
Tuy nhiên, giai đoạn này, cơ sở giáo dục trong tỉnh đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại theo chủ trương của Trung ương, ngành Giáo dục và Nội vụ tiến hành điều động viên chức giữa các địa phương trong tỉnh để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Do vậy, việc rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên giai đoạn 2021 – 2025 gặp một số khó khăn nhất định.
“Bình Phước đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mô hình dạy song ngữ ở các bậc học, đồng thời, bảo đảm các quy định về trường, lớp, giáo viên để hoàn thiện các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025. Chính vì vậy, tỉnh vẫn có nhu cầu bổ sung giáo viên, nhất là tiểu học và giáo viên dạy các môn chuyên (Tiếng Anh, Tin học…). Ước tính đến năm 2025, tỉnh cần khoảng 3.300 giáo viên, nhân viên ở các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông” – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm chia sẻ
Tương tự, theo bà Lâm Thị Sang – Giám đốc Sở GDKH&CN tỉnh Bạc Liêu, sở triển khai văn bản xuống các cơ sở để thu thập dữ liệu. Thực hiện Chương trình GDPT mới, địa phương thiếu một số GV, tuy nhiên việc bổ sung bị giới hạn về biên chế từ phía nội vụ.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) cũng xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc – Phó Hiệu trưởng HCMUE cho hay: Trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, sắp tới, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu chính thức về các ngành đào tạo giáo viên cũng như quy trình triển khai quá trình đặt hàng đào tạo, trường sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Ông Lý Thanh Tâm – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, phát biểu tại một sự kiện. Ảnh C.Chương
Video đang HOT
Cân đối cung – cầu
Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương ban hành tạo sự phấn khởi không chỉ cho ngành GD các tỉnh, thành mà cả cơ sở có đào tạo hệ sư phạm. TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM – NLU cho rằng: Đào tạo GV theo đặt hàng của địa phương là cần thiết và cần lưu ý cân đối mối quan hệ cung cầu.
Theo TS Trần Đình Lý, đào tạo GV gắn liền với địa chỉ, giải quyết tốt đầu ra cho SV sau tốt nghiệp. Địa phương (tỉnh, thành) phải đặt hàng các trường uy tín; quản lý tốt cam kết của người học sau khi tốt nghiệp ra trường; làm tốt công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên. Địa phương đồng thời có chế độ ưu đãi học phí, trợ cấp tốt cho SV sẽ giúp thu hút người giỏi vào sư phạm để trở thành những người thầy của các thế hệ thầy cô giáo, điều này vô cùng quan trọng mà không phải ai/địa phương nào cũng làm được.
Tương tự, ông Lý Thanh Tâm – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh việc đào tạo được GV theo đặt hàng có chất lượng cao nhất và bảo đảm cân đối cung cầu, các địa phương phải thực hiện tốt công tác dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục. Từ đó, địa phương đăng ký nhu cầu GV theo từng giai đoạn với số lượng GV cụ thể. Bên cạnh đó, các địa phương phải có cơ chế, chính sách phù hợp để sử dụng hết số GV đã đăng ký nhu cầu đào tạo để tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ và hạn chế tình trạng SV sư phạm thất nghiệp hoặc phải làm các công việc trái ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường.
“Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các quy định về chế độ bồi hoàn kinh phí đào tạo trong trường hợp SV sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học. SV sư phạm không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định” – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Từ thực tiễn là cơ sở đào tạo GV lớn ở khu vực phía Nam, theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc – Phó Hiệu trưởng HCMUE, đào tạo GV theo đặt hàng của địa phương phù hợp với xu thế. Có thể nói đây là một trong những động lực lớn để thu hút “người tài” vì các em được “đặt hàng”, hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập và bảo đảm việc làm trong tương lai.
“Để công tác này đạt hiệu quả, việc phối hợp giữa các bên liên quan rất quan trọng. Các bước tiến hành trong dự thảo quy trình của Bộ GD&ĐT cũng đã rõ, nhưng điều quan trọng vẫn là các bên liên quan (Bộ GD&ĐT, cơ sở GDĐH, địa phương) phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện” – TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc nhận định.
Để làm tốt việc đào tạo GV theo đặt hàng, địa phương cần cam kết ưu tiên sử dụng GV được đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Đồng thời, thực hiện cơ chế “đặt hàng” trong đào tạo nhưng phải có tính cạnh tranh lành mạnh để các cơ sở có cơ hội như nhau khi nhận đơn “đặt hàng” của nhà sử dụng. - Thầy Phạm Trung Hữu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM)
Một hướng đi đào tạo giáo viên phục vụ CTGDPT mới
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sư phạm luôn là mục tiêu của các trường sư phạm. Trong đó, mô hình đào tạo giáo viên A cộng B được đánh giá không chỉ có chất lượng mà còn tạo sự linh hoạt cho người học.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong một buổi học nhóm. Ảnh: A.Xuân.
Mô hình đào tạo giáo viên A B đang bước đầu triển khai tại các trường sư phạm không chỉ dừng lại ở chất lượng đào tạo, mà còn linh hoạt cho người học cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Linh hoạt cho người học
Với mô hình đào tạo giáo viên A B, kiến thức mà người học thu nhận được sẽ như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM
- PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu: Hiện nay, trên thế giới việc đào tạo GV được triển khai theo nhiều mô hình khác nhau: SV có một bằng cử nhân khoa học và sau đó sẽ học thêm chương trình nghiệp vụ sư phạm ở một trường đại học đào tạo giáo viên để lấy một chứng chỉ về giảng dạy (ví dụ ở Anh, Úc, Singapor...); hoặc SV học liên tiếp từ chương trình cử nhân khoa học lên thạc sĩ giảng dạy (như ở Phần Lan); hoặc SV học song bằng (một chương trình cử nhân khoa học và chương trình cử nhân giáo dục) để khi tốt nghiệp có thể có 2 bằng cử nhân (ví dụ như ở Úc, ...); hoặc SV học song song đồng thời phần kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để lấy bằng cử nhân sư phạm (như ở Việt Nam, Thái Lan, Singapor...).
Mô hình đào tạo giáo viên "A B" là một mô hình kết hợp. Theo đó, SV được đào tạo phần A (kiến thức chuyên môn) và phần B (kiến thức nghiệp vụ sư phạm, trải nghiệm nghề nghiệp) tương đối tách biệt nhưng vẫn trong khung thời gian đào tạo để nhận bằng cử nhân sư phạm. Với mô hình này, các SV sư phạm có cơ hội học rất sâu kiến thức lĩnh vực chuyên môn vì các em được học phần A với các giảng viên giỏi của khoa học chuyên ngành đó.
Phần nghiệp vụ sư phạm các em cũng được học với các giảng viên giỏi của bộ môn khoa học giáo dục, phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi thì cũng không nên tách bạch hoàn thành thành A B. Vì trong giai đoạn A chúng tôi đề xuất có triển khai một phần nội dung nghiệp vụ sư phạm giúp SV có thể tiếp cận với nghề giáo viên sớm hơn, khắc phục hạn chế của mô hình tiếp nối trên thế giới.
Vậy, cơ hội việc làm của mô hình này ra sao?
- Một trong các ưu điểm của mô hình A B là cho phép người học có thể tham gia vào các chương trình đào tạo một cách linh hoạt hơn và do vậy cho họ có nhiều cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp hơn. Đây cũng là mô hình tạo cơ hội cho nhiều SV và các đối tượng có liên quan gắn kết với ngành sư phạm và đảm bảo các yêu cầu về nguồn nhân lực và các yêu cầu về phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Cần đầu tư trong khâu thiết kế chương trình
Nhận định của bà về việc triển khai mô hình này tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM nói riêng và hệ thống các trường sư phạm nói chung?
- Việc triển khai mô hình tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) nói riêng và tại hệ thống các trường sư phạm nói chung trong điều kiện hiện nay là khả thi với một số điều kiện đi kèm. Chẳng hạn, HCMUE của chúng tôi là một trường ĐH đa ngành, vốn có truyền thống và thế mạnh tương đối tốt ở các lĩnh vực khoa học cơ bản (tự nhiên, nhân văn) bên cạnh thế mạnh ở lĩnh vực khoa học giáo dục. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẵn có một đội ngũ giảng viên giỏi và có nhiều kinh nghiệm về cả lĩnh vực chuyên môn về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục.
Như vậy, việc triển khai mô hình này dành cho các chương trình đào tạo giáo viên trung học sẽ gặp rất nhiều thuận lợi bởi SV sẽ được học sâu về các kiến thức chuyên môn khoa học cơ bản với các thầy cô giỏi về lĩnh vực này đồng thời cũng được học và thực hành nhuẫn nhuyễn với các thầy cô có kinh nghiệm về phương pháp, kĩ năng sư phạm trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Tuy nhiên, để triển khai được mô hình này đòi hỏi phải có sự đầu tư trong khâu thiết kế chương trình để có thể khắc phục được những điểm vốn được xem là hạn chế của mô hình tiếp nối. Ví dụ như làm thế nào để tránh việc quá trình giảng dạy bị phân thành các mảnh rời rạc giữa kiến thức của môn học với kiến thức sư phạm. Làm sao để sinh viên khi chọn học sư phạm thì sẽ gắn bó với nghề...
Bà có thể chia sẻ thêm việc có thể tận dụng nguồn nhân lực ngành khác trong đào tạo sư phạm của mô hình này?
- Như tôi đã đề cập, trường của chúng tôi vốn dĩ đã là trường đại học đa ngành nên chúng tôi có thể khai thác tối đa nguồn nhân lực giảng viên ở lĩnh vực khoa học cơ bản kết hợp với lĩnh vực khoa học giáo dục. Đồng thời, trường chúng tôi cũng có SV các ngành ngoài sư phạm nên có thể kết hợp tổ chức một số học phần khoa học cơ bản học chung giữa SV sư phạm và ngoài sư phạm cùng lĩnh vực hoặc các lĩnh vực gần nhau để tận dụng nguồn lực giảng dạy của trường.
Liên quan việc triển khai mô hình A B tại trường, dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cá nhân bà có đề xuất gì?
- Theo tôi, đối với các trường sư phạm có đào tạo ngành ngoài sư phạm như HCMUE thì khi thiết kế chương trình đào tạo (CTĐT) có phần A và B, trong đó A là phần giao nhau giữa CTĐT sư phạm và ngoài sư phạm thì có thể cân nhắc triển khai như sau:
Mô hình 1: SV sẽ đào tạo phần chung của khối, nhóm ngành tập trung hơn ở giai đoạn đầu. Phần kiến thức khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm, thực hành, thực tập,... sẽ được đào tạo riêng và tập trung hơn ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho SV được nhúng vào môi trường nghề nghiệp ngay từ sớm thì một số học phần nghiệp vụ sư phạm, thực hành vẫn sẽ được triển khai từ năm thứ 1 và thứ 2. SV nhận bằng cử nhân sư phạm sau 4 năm. Mô hình này không hoàn toàn tách rời phần A và B khi triển khai, không có nhiều thay đổi so với hiện nay nên có thể thực hiện ngay.
Mô hình 2: Về cơ bản mô hình này giống mô hình 1 ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu mô hình 1 đến giai đoạn 2, SV chủ yếu học về sư phạm; còn ở mô hình 2, SV có thêm một nhánh lựa chọn nữa là các học phần nghề nghiệp của ngành ngoài sư phạm để SV có thể lựa chọn tích lũy và nếu sinh viên tích lũy đủ cả hai nhánh này thì khi tốt nghiệp SV sẽ vừa có bằng cử nhân khoa học và bằng cử nhân sư phạm.
Mô hình 3: Với mô hình này, SV được đào tạo cả hai khối A và B của một ngành cử nhân khoa học và có bằng cử nhân khoa học rồi học thêm 1 đến 1,5 năm khối B của ngành sư phạm tương ứng để lấy thêm bằng sư phạm. Ưu điểm của mô hình này là có thể tuyển SV đã có bằng cử nhân và muốn chuyển nghề nghiệp sang làm giáo viên. Thực tế việc đào tạo này hiện nay đã có và còn gọi là đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên, sự cải tiến ở đây là ngay ở khâu xây dựng các CTĐT trong cùng một nhóm đã cấu tạo có nhiều phần giao thoa, liên thông giúp cho các sinh viên tốt nghiệp các ngành cử nhân khoa học có thể tiết kiệm thời gian nếu muốn học tiếp bằng thứ hai về sư phạm trong cùng nhóm ngành.
Mô hình 4: Đây là mô hình SV được đào tạo có bằng cử nhân khoa học chuyên môn rồi học tiếp 1,5 đến 2 năm cao học ngành Lý luận và phương pháp dạy học (PPDH) bộ môn để nhận thêm 1 bằng thạc sĩ Lý luận và PPDH bộ môn.
Đối với Trường ĐH Sư phạm TPHCM, hiện tại, một số ngành đào tạo của nhà trường đã triển khai theo mô hình 1. Với mô hình 2 thì hiện trường cũng đã triển khai đào tạo theo hình thức học cùng lúc hai chương trình với các sinh viên có học lực khá, có nguyện vọng và đạt điều kiện xét tuyển. Với mô hình 4 thì với một số ngành gần phù hợp, SV cũng đã được tạo điều kiện học chuyển đổi để tham dự xét tuyển. Tuy nhiên, với kết quả của nghiên cứu mà trường đã thực hiện, trường dự kiến sẽ cải tiến thiết kế CTĐT một cách đồng bộ, xây dựng các quy định, hướng dẫn để tăng tính liên thông ngang và dọc ở tất cả các ngành phù hợp nhằm tăng tính linh hoạt, giúp SV có nhiều lựa chọn hơn trong thời gian tới.
Xin cám ơn bà.
"Trường ĐH Sư phạm TPHCM có những nhiệm vụ nghiên cứu được Chương trình ETEP giao để khảo sát về nhu cầu đào tạo giáo viên và những dữ liệu này rất quan trọng để Trường định hướng phát triển đào tạo và bồi dưỡng. Các ngành đào tạo mới của Trường như: Sư phạm Sử - Địa, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm công nghệ, Giáo dục công dân, Tâm lý học trường học... đã mở và sắp mở là động thái rất quan trọng Trường thực thi một cách quyết liệt.
Hay với ngành Sư phạm tiểu học, Sư phạm tiếng Anh... là các ngành tiềm năng và đáp ứng rất lớn nhu cầu xã hội sẽ được Trường quan tâm và định hướng phát triển đào tạo theo nhu cầu xã hội... bằng các đề án theo định hướng của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học sửa đổi và các văn bản khác có liên quan.
Song song đó, nhà trường với nhiều chuyên gia phát triển chương trình, nhiều giảng viên bắt nhịp với CTGDPT mới, nhà xuất bản có kinh nghiệm thực hiện sách giáo khoa sẽ tiếp tục gắn kết với các Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai công tác phát triển năng lực triển khai chương trình cho giáo viên...".
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Giải quyết thừa, thiếu giáo viên cục bộ từ cơ chế đào tạo "đặt hàng" Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên và sử dụng giáo viên sát với nhu cầu thực tế là cần xây dựng cơ chế đào tạo theo "đặt hàng" hoặc giao nhiệm vụ. Ảnh minh hoạ/internet Đào tạo sát với nhu cầu Theo lộ trình, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện...