Đánh thức Ba Vì – Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì
Với những phế tích mang giá trị di sản giữa Vườn Quốc gia Ba Vì, đầu tư thái quá tất nhiên là không đúng nhưng theo các chuyên gia, không thể cứ để yên.
Những phế tích Pháp mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử ở Ba Vì. Ảnh: CĐT.
Từ tư duy của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải đến một Ba Vì tâm linh
Khi Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Tập đoàn Melia Hotels International tổ chức bàn về vấn đề Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì, sau những luận bàn, phân tích, cuối cùng các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp theo 5 hướng:
Phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa – kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ. Tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên. Giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường. Xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ- hiện tại. Đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung, có quy hoạch…
Từng có những may mắn được nghe nhiều lãnh đạo quốc gia trăn trở với những phế tích Pháp trên núi Ba Vì, nhà báo Quốc Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên bày tỏ: Đã tới lúc chúng ta nên suy nghĩ về tư duy rất mới, đậm tính thời sự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên.
Vẻ đẹp của những phế tích Pháp ở Ba Vì từng khiến các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải trăn trở. Ảnh: CĐT.
Quan điểm trên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về những phế tích ở Vườn Quốc gia Ba Vì vẫn thường được Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhắc lại nhiều lần.
Trong những câu chuyện của ông Vạn, sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mấy lần lên thăm Vườn Quốc gia Ba Vì và trực tiếp khảo sát những dấu tích về thị trấn Pháp, về khu nghỉ dưỡng mà người Pháp để lại. Chính ông Vạn chứng kiến thái độ ngỡ ngàng của Thủ tướng trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ và rất huyền bí giữa rừng già Ba Vì.
“Thủ tướng thầm khen tầm nhìn của người Pháp, đầu những năm 30 của thế kỷ 20 mà sao đã sớm phát hiện ra khu rừng đặc biệt và đã biến nơi này thành khu du lịch cho các sĩ quan thực dân hưởng thụ, thành một thị trấn nhỏ trên núi cao. Những phế tích trên bình độ 400m, 600m và 800m của núi Ba Vì đầy huyền ảo lại càng làm Thủ tướng Võ Văn Kiệt thêm ước mong xen lẫn nuối tiếc trước một phế tích để hoang”.
Giáo sư Vạn vẫn thường kể lại như vậy và nhớ lời ông Võ Văn Kiệt đại ý rằng: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên…
Qua những câu chuyện Giáo sư Vạn kể, cộng với những chứng kiến của nhà báo Quốc Phong, thì ra, từ khá lâu, những bậc tiền nhân lãnh đạo đất nước đã có những sự quan tâm đối với giá trị của những phế tích ở Vườn Quốc gia Ba Vì, nhưng hoặc là chưa gặp được cơ duyên, hoặc vì điều kiện nào đó đã khiến “giấc ngủ” của “ người đẹp” trong rừng Ba Vì vẫn chưa bị đánh thức.
Video đang HOT
Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Ảnh: CĐT.
Thủ tướng kế nhiệm ông Võ Văn Kiệt là ông Phan Văn Khải cũng đã từng đi cùng Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng lên Vườn Quốc gia Ba Vì và có những trăn trở với di sản mà người Pháp để lại.
Trong lúc thả bộ giữa rừng già, giữa những phế tích người Pháp xây dựng đã bị rong rêu phủ kín, ông Phan Văn Khải nói: Cảnh quan nơi này quá đẹp. Nên phục hồi lại du lịch nghỉ dưỡng của Pháp xây dựa trên cơ sở bảo tồn môi trường rừng.
Thậm chí, theo nhà báo Quốc Phong, Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng có ý chọn chỗ cạnh nhà biệt thự cũ của vua Bảo Đại ở bình độ 400m để làm nhà công vụ của Chính phủ, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên Chính phủ cũng chưa có điều kiện triển khai.
Nhà thờ đá trên núi Ba Vì. Ảnh: CĐT.
Cũng theo ông Quốc Phong, những năm gần đây, vào dịp giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (21/7 âm lịch) nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn thường lên Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Tản Viên sơn để thắp hương dâng lên Người. Còn đối với dân tộc Việt Nam, Ba Vì chính là mảnh đất rất linh thiêng của trời đất, là nơi có Đền thờ Đức Thánh Tản gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh của dân tộc.
Có lẽ vì thế mà Vườn Quốc gia Ba Vì hôm nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh kết hợp về nguồn, nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn du khách. Vào những ngày lễ, ngày sinh, ngày giỗ của Bác Hồ, du khách đến càng nhiều, có lúc còn tắc nghẽn cả đường đi.
Đó là một điều đáng mừng. Song để tạo sự hấp dẫn hơn cho cả vùng du lịch tâm linh này có lẽ cần cho xây dựng thêm nhiều các biệt thự nghỉ dưỡng trên nền biệt thự cũ và có kiến trúc cổ xưa với một tỷ lệ hài hòa.
Rõ ràng, phát triển tiềm năng Ba Vì là nhiệm vụ gần như bắt buộc, vấn đề là bằng cách như thế nào mà thôi.
Hãy ứng xử với Ba Vì như người Pháp
Nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi được tiếp cận với những tư liệu thể hiện tầm nhìn và sự trân trọng với thiên nhiên Ba Vì của những người tạo ra thị trấn Pháp, khu nghỉ dưỡng và nhiều công trình khác cách đây hàng thế kỷ.
Những tài liệu về Ba Vì thể hiện, ngay từ khi đặt chân đến Ba Vì, chứng kiến tình trạng phá rừng làm rẫy trong nhiều năm khiến những dãy núi ngang độ cao 600m trở xuống ở Ba Vì rơi vào cảnh hết rừng, người Pháp đã cho lập 320ha vườn ươm tại Đá Chông, Ba Vì để phục vụ việc trồng lại rừng trên núi.
Năm 1931, người Pháp thành lập Khu bảo tồn rừng Ba Vì rộng 6.500ha và triển khai ngay việc trồng lại rừng. Hơn 300.000 cây được đưa từ các vườn ươm ở Đá Chông lên để phủ xanh 150ha với mật độ 2.000 cây trồng/ha.
Tín hiệu khả thi để đánh thức Ba Vì. Ảnh: CĐT.
Với mục đích bảo tồn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái để đặt vào lòng nó một khu nghỉ mát lý tưởng gần Hà Nội, trong tất thảy các văn bản liên quan đến quy hoạch, xây dựng khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì sau này, người Pháp đều nhấn mạnh việc bảo tồn rừng, nghiêm cấm chặt phá cây, săn bắn, phá hủy môi trường. Phải coi thiên nhiên là “đặc sản” tại khu nghỉ dưỡng này.
Các công trình xây dựng tại Ba Vì gần 100 năm trước đều phải tuân thủ nguyên tắc hài hòa với cảnh quan, môi trường. Không có sự tùy hứng nào về ý tưởng thiết kế được phép tồn tại ở đây. Tất cả phải tuân theo những nguyên tắc bắt buộc để đạt được các yếu tố thẩm mỹ tổng thể cho khu nghỉ mát. Mặt khác, các công trình nghỉ mát cũng đạt được ở mức cao nhất hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan.
Trong quá trình thi công, chính quyền có thể tiến hành thanh tra để xem công trình xây dựng có phù hợp với quy hoạch, bản vẽ và những chỉ dẫn liên đến tiêu chí của vật liệu theo kế hoạch đã được thông qua hay không. Trường hợp công việc thi công không đúng với những cam kết chủ công trình sẽ bị tước quyền sở hữu.
Nhà báo Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa kể: Năm 2009, ông Richard Canu, kiến trúc sư người Pháp được mời đến núi Ba Vì nhằm đánh thức các phế tích tại cốt 600m. Chạm tay vào từng viên gạch, hoa văn ở phế tích; vẽ lại trong sự tưởng tượng của mình những biệt thự trong quá khứ, Richard Canu thốt lên: Quá ấn tượng!
Ấn tượng mà Richard Canu nói đến chính là sự hài hòa giữa thiên nhiên và công trình kiến trúc trên núi với độ lùi cả trăm năm. Với tư duy và góc nhìn của một kiến trúc sư, Richard Canu đã cảm nhận sự giao hòa và cộng hưởng về ý tưởng thẩm mỹ của hai thế hệ ở hai đầu thế kỷ.
Sự giao hòa ấy là nguồn cội nảy sinh trong ông những ý tưởng kiến trúc độc đáo, lãng mạn và giàu ý nghĩa trong tương lai. Với điểm tựa lấy thiên nhiên làm gốc, coi rừng nguyên sinh là đặc sản, Richard Canu cùng với các kiến trúc sư của Việt Nam đã bước đầu cải tạo một số phế tích tại điểm cao 600m theo đúng sơ đồ quy hoạch cũ mà người Pháp để lại.
Phế tích Pháp được phục dựng đẹp như mơ ở Ba Vì. Ảnh: CĐT.
Cốt 600m vốn được coi là đặc khu quân sự của Pháp giờ đẹp như thơ với sự xuất hiện của Melia Ba Vi Mountain Retreat.
Những công trình mới của khu nghỉ dưỡng được đặt lại trên chính nền một số biệt thự nghỉ dưỡng của Pháp trước đây, mặc dù chỉ là cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp. Hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.
Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là đúng hướng. Đó là giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Có thể nói, giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng tại cốt 600 đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển phế tích.
Những lời giải của thế giới
Phân tích về giải pháp phát huy các phế tích để phát triển du lịch mà vẫn bảo vệ được môi trường, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, bà Chu Thị Thu Hằng cho rằng, trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả.
Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy.
Đơn cử, tại Ấn Độ, trên nền kiến trúc đổ nát của pháo đài có từ thế kỷ 14 trên dãy Himalaya, ông Aman Nath, một doanh nhân đã phối hợp với người bạn của mình là một doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng người Pháp, nhập quốc tịch Ấn Độ “đánh thức” phế tích này, biến nó thành chuỗi khách sạn thu hút đông đảo khách du lịch trong 2 thập kỷ qua.
Hay Machu Picchu thành phố trung tâm của nền văn minh Inca cổ đại, với những phế tích cổ xưa được xây dựng theo lối kiến trúc inca cổ xưa, tường xây bằng đá trên cảnh quan kiểu bậc thang, được phát hiện năm 1911. Nơi này hiện là một trong những điểm du lịch hàng đầu ở Peru và được xem là một trong những nơi tuyệt vời nhất thế giới mà bất cứ khách du lịch nào cũng muốn ghé qua…
Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa - tâm linh Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân thủ đô Hà Nội.
Ba Vì không chỉ là lá phối của vùng Thủ đô với khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa không khí, mà quan trọng hơn nó mang trong mình nhiều giá trị, giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Nhất cao là núi Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Tổng diện tích của Vườn là 10,816.6 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Cốt 700 trên đỉnh núi Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì mang giá trị khí hậu khi nhiệt độ trung bình quanh năm 23,4 độ C; ở cốt 400 là 20 độ C, cốt 1000 là 16 độ C. Ngoài ra, giá trị về cảnh quan rừng với tầm nhìn về Hà Nội, tầm nhìn về Sông Đà, với các điểm cao trong đó đỉnh Vua (1296m), đỉnh Tản Viên (1081m), đỉnh Ngọc Hoa (1131m), ngoài ra còn đỉnh Viên Nam, đỉnh Hang Hùm, đỉnh Gia Dê... Cảnh quan của rừng - khe suối, sườn dốc - sông - đồng bằng xen nhau dưới mây và tán rừng .... tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.
Tại tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì" được tổ chức vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn "Nhất cao là núi Ba Vì". Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm "Tứ bất tử" về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho dân tộc ta. Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn "kinh sư muôn đời" Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng "Núi Tản - Sông Đà". Ba Vì là nơi có thể để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ. Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ thâm u của một miền hương khói và tạo nên một sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển.
Cũng tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở nước ta, có nhiều Vườn Quốc gia tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sapa, Cát Bà, Pù mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo.... Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả. Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: "Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km - 1 giờ đi ô tô mà 20 - 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân? Là người gắn bó với Ba Vì gần 20 năm, tôi tự thấy mình có lỗi với Thủ đô, để di sản, tài nguyên ấy ngủ yên, và ngày càng bị lãng quên. Do chúng ta không có năng lực, không có nhu cầu hay không có tài quản lý?. Đó là những câu hỏi đặt ra cho kho tài nguyên Ba Vì, mà chúng ta cần tìm lời giải" - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định.
Cần phát huy, khai thác hiệu quả
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Năm 2008, Hà Nội chính thức được mở rộng ranh giới hành chính, ngày ấy, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia lập đề án mở rộng ranh giới Thủ đô Hà Nội. Trong bản vẽ về cơ cấu tổ chức không gian thành phố, có tuyến đường nối Hồ Tây- Ba Vì - là đại lộ rất quan trọng nối Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng. Là tuyến đường có ý nghĩa văn hóa, lịch sử nên được gọi tên là Đại lộ Thăng Long (tuy nhiên sau khi được phê duyệt, đường Láng - Hòa Lạc lại được đặt tên là Đại lộ Thăng Long, còn tuyến đường này vẫn đang được gọi là tuyến Hồ Tây- Ba Vì).
Như vậy có thể khẳng định rằng, Ba Vì là dãy núi rất quan trọng trong bố cục quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Việc kết nối không gian tâm linh (của núi Tản Viên) với không gian đô thị lịch sử Hà Nội nghìn năm là một việc có ý nghĩa trong việc tạo dựng trục không gian kết nối trung tâm Hà Nội với núi thiêng Tản Viên - Ba Vì hùng vĩ trong cảnh quan của Đồng bằng Bắc Bộ. Ba Vì - Tản Viên không còn là một địa danh của huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây nữa mà Ba Vì - Tản Viên đã trở thành một địa danh quan trọng trong tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, với khoảng 1 giờ xe chạy trên trục đường huyền thoại từ trung tâm Hà Nội, chúng ta đã đến với cảnh quan hùng vĩ và được tiếp cận với thiên nhiên, khí hậu mát mẻ của núi Tản Viên - Ba Vì. Rõ ràng, giá trị của thiên nhiên, cảnh quan ở đây càng được nâng cao tầm giá trị và do vậy cần phải được phát huy, tôn tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tại tọa đàm "Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì" đã tiếp nhận các ý kiến, đề xuất của nhiều chuyên gia quy hoạch nhưng quy tụ lại là phải khai thác đúng và hiệu quả các tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân vùng thủ đô Hà Nội và cả nước tương xứng với vị thế và tiềm năng của Vườn Quốc gia Ba Vì. Trong đó, nguyên tắc là khai thác song song với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên. Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả.
Đối với các phế tích nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp đề xuất phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ - hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.
Cùng chia sẻ và ủng hộ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới đã làm, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: "Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp"./.
Làm thế nào để có 'mỡ nó rán nó' Với các khu như Ba Vì, Bà Nà, Fansipan... nếu không biết cách dùng 'mỡ nó rán nó' thì chẳng những du lịch không phát triển, di tích sẽ hoang phế, mà rừng cũng bị phá. Tôi đã lên khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Melĩa trên núi Ba Vì vài lần và luôn bị ám ảnh bởi những khu phế tích...