Đánh sập đường dây cho vay nặng lãi xuyên quốc gia
Với “vỏ bọc” các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay tài chính, Katerynchyk Roman (sinh năm 1986, Quốc tịch Ukraine) cùng đồng bọn đã dụ dỗ hàng nghìn khách hàng cho vay nặng lãi hàng tỷ đồng.
Với quyết tâm phá án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an vất vả nhiều tháng ròng đeo bám và triệt phá đường dây cho vay nặng lãi với thủ đoạn ranh ma, tinh vi trên.
Nhập cảnh vào Việt Nam để hoạt động “ tín dụng đen”
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, Cục Cảnh sát hình sự phát hiện nhóm đối tượng người nước ngoài câu kết với các đối tượng người Việt Nam thành lập các doanh nghiệp núp bóng, sử dụng công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen” với quy mô lớn.
Hệ thống cho vay nặng lãi hoạt động xuyên quốc gia do đối tượng người nước ngoài điều hành mở đường dây về Việt Nam. Ngoài các khoản góp vốn của các đối tượng trong nước còn nguồn tiền do đối tượng đưa từ nước ngoài về và tiền vay từ các tổ chức nước ngoài… Xét tính chất nghiêm trọng, phức tạp của băng nhóm tội phạm, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Phòng Trọng án xác lập chuyên án và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh.
Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự đấu tranh triệt phá đường dây hoạt động “tín dụng đen” do đối tượng Katerynchyk Roman cầm đầu.
Thượng tá Lê Vĩnh Tùng, Phó trưởng Phòng Trọng án được cử phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, thời điểm vừa phá án, trinh sát gặp nhiều khó khăn do hầu hết các thao tác của đối tượng được thực hiện tự động qua hệ thống CRM do các đối tượng lập trình sẵn, kể cả việc thẩm định, xét duyệt vay… nên khó xác định công ty ở đâu, do ai quản lý. Ngoài ra, các đối tượng thay đổi, thành lập nhiều công ty khác nhau, chia thành nhiều bộ phận theo các công đoạn để che giấu hoạt động phạm tội; sử dụng thủ đoạn thu các khoản phí thay cho lãi thực tế người vay phải trả với mức lãi suất quy đổi rất cao lên đến hàng nghìn phần trăm một năm. Đáng chú ý, khác với tội phạm truyền thống các đối tượng chủ yếu có nhiều tiền án, tiền sự… nhưng một số đối tượng trong đường dây này là những người có trình độ đại học, còn có đối tượng là giảng viên đại học… nên khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính thông thường sẽ khó phát hiện, xử lý.
Sau nhiều ngày điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã lần tìm ra nhiều “nút thắt” quan trọng của vụ án. Ngày 21/3, sau khi xác định 2 đối tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia quản trị, điều hành băng nhóm trên đã nhập cảnh Việt Nam, Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Khánh Hòa đồng loạt khám xét, kiểm tra 4 công ty có trụ sở tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh gồm: Công ty TNHH thương mại – dịch vụ IXORA, địa chỉ 20 Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền; Công ty TNHH dịch vụ Lộc Tín, địa chỉ 140 Nguyễn Hoàng, phường An Phú; Công ty TNHH dịch vụ tư vấn CACTUS, địa chỉ số 150 Trần Não, phường Bình An và Công ty TNHH dịch vụ VINEX, địa chỉ phường An Khánh; đồng thời triệu tập 63 đối tượng. Bên cạnh đó, tạm giữ: 68 laptop, 7 CPU, 1 máy tính bảng, gần 100 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan hoạt động “tín dụng đen” và tiến hành phong tỏa các tài khoản có liên quan hoạt động “tín dụng đen” của 4 công ty trên.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được qua đấu tranh chuyên án và lời khai của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định hoạt động “tín dụng đen” của băng nhóm tội phạm này.
Theo đó, năm 2019, đối tượng Katerynchyk Roman (sinh năm 1986, quốc tịch Ukraine), nhập cảnh Việt Nam và tạm trú tại địa chỉ số 67 đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP Thủ Đức. Sau đó, Roman đã thành lập Cty TNHH thương mại – dịch vụ Lợi Tín và câu kết với các đối tượng người Việt Nam, trong đó có Lê Thanh Huỳnh Cang (sinh năm 1971, trú tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) và Nguyễn Thị Nhất Phương (SN 1990, trú tại phường 1, quận 4, TP Hồ Chí Minh) để hoạt động “tín dụng đen” qua app Oncredit và website Oncredit.asia.com.
Đầu năm 2023, khi thấy cơ quan chức năng của Việt Nam đấu tranh, xử lý mạnh các băng nhóm “tín dụng đen” và tháng 4/2023 Công ty Lợi Tín bị tổ công tác liên ngành của UBND TP Thủ Đức (do Công an TP Thủ Đức chủ trì) kiểm tra hành chính, nên Roman đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chỉ đạo Lê Thanh Huỳnh Cang, Nguyễn Thị Nhất Phương dừng hoạt động của Công ty Lợi Tín.
Các đối tượng: Katerynchyk Roman, Bugaevskiy Tymur và Kravchuk Iryna.
Video đang HOT
Lập ra 4 công ty để cho vay nặng lãi
Sau khi xuất cảnh, đối tượng Roman tiếp tục từ nước ngoài điều hành về Việt Nam thành lập 4 công ty TNHH với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau như Công ty thương mại dịch vụ Ixora, chuyên chăm sóc khách hàng, thẩm định hồ sơ, quảng cáo khách vay; Công ty dịch vụ Lộc Tín, chuyên giải ngân, thu nợ; Công ty dịch vụ tư vấn Cactus, chuyên về hệ thống kế toán, sổ sách, còn Công ty dịch vụ VINEX, chuyên thu các khoản nợ quá hạn. 4 công ty này hoạt động, vận hành quy trình cho vay nặng lãi khép kín, tạo thêm app EasyCard hoạt động song hành với app Oncredit.
Đối tượng Roman chỉ đạo 2 đối tượng quốc tịch Ukraine là Bugaevskiy Tymur (sinh năm 1990) và Kravchuk Iryna (sinh năm 1985) nhập cảnh Việt Nam để quản trị hệ thống, điều hành quy trình kỹ thuật của 4 công ty.
Theo đó, đối tượng Tymur là giám đốc dữ liệu, chịu trách nhiệm viết phần mềm dữ liệu CRM, lập trình quy trình đánh giá người vay của hệ thống CRM. Ngoài ra, Tymur cùng với các đối tượng bộ phận IT của các công ty cài đặt hệ thống bảo mật, không cho phép nhân viên tự ý kết nối các máy tính của công ty hoặc đường truyền internet khác, kết nối với các thiết bị lưu trữ dữ liệu bên ngoài, sử dụng camera nhận diện và tự động ngắt kết nối với máy chủ khi phát hiện người khác sử dụng phần mềm; tự động sao lưu các cuộc gọi của nhân viên để đánh giá chỉ tiêu (KPI), chất lượng, hiệu quả công việc, tính lương, thưởng…
Phần mềm CRM này sẽ tự động thông báo cho bộ phận nhắc nợ của Công ty Lộc Tín các khoản vay sắp đến hạn để nhân viên gọi điện nhắc nợ. Hằng ngày, bộ phận kế toán của Công ty Cactus sao kê các giao dịch từ tài khoản thu nợ, nhập liệu thủ công lên phần mềm CRM để phần mềm tự động xóa nợ (nếu đã trả đủ) hoặc chuyển dữ liệu qua bộ phận đòi nợ quá hạn (do đối tượng Kravchuk Iryna phụ trách) để tiếp tục xử lý.
Còn đối tượng Lê Thanh Huỳnh Cang là người được Roman giao trực tiếp chỉ đạo toàn bộ hoạt động của 4 công ty, trực tiếp phụ trách Công ty Ixora, quản lý, vận hành website, ứng dụng cho vay và hệ thống CRM; đối với đối tượng Lê Huy Hùng, Nguyễn Thanh Trung, Nguyễn Thị Tuyết Xương được Cang giao đứng tên giám đốc các công ty Lộc Tín, Cactus, Vinex.
Các đối tượng còn lại trong các công ty được chia thành nhiều bộ phận như: Bộ phận Telesale quảng cáo khoản vay; chăm sóc khách hàng, hướng dẫn khách vay; kiểm tra, thẩm định khách vay; bộ phận IT; bộ phận pháp chế phụ trách mở công ty, xin giấy phép, kiểm tra hợp đồng; hành chính nhân sự, tuyển dụng, chấm công, tính lương, bảo hiểm… Về hình thức, 4 công ty trên hoạt động độc lập, chia tách từng công đoạn nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Kết quả ban đầu xác định, từ năm 2019, Roman đưa Cang số tiền 400.000 USD để hoạt động cho vay, đến tháng 4/2023 (trước khi bị tổ công tác liên ngành kiểm tra), Roman chỉ đạo Công ty Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ Công ty SCA của Singapore và Ngân hàng TAS của Đảo Síp, qua các tài liệu thu thập được thể hiện các đối tượng đã cho hàng trăm nghìn khách hàng vay, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Tại 4 công ty có khoảng gần 100 người làm việc, lãnh đạo công ty được đối tượng Roman trả lương từ 20 đến 55 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí công việc); nhân viên từ 7 đến 25 triệu đồng/tháng.
Số tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng
Quy trình hoạt động cho vay của các đối tượng rất tinh vi, khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải ứng dụng/app Easycash.vn và Oncredit.vn hoặc vào trang web Oncredit.vn để điền đầy đủ thông tin và đăng ký khoản vay. Hạn mức vay lần đầu tối đa 500.000 đồng, thời hạn dưới 5 ngày và không tính lãi, phí để thu hút khi không có khách hàng, cạnh tranh với các app khác. Đối với các lần vay sau, các đối tượng sử dụng phần mềm để đánh giá điểm “khả tín” của khách vay, hệ thống sẽ duyệt tự động cho vay từ 500.000 đồng – 20.000.000 đồng, thời gian vay từ 5 đến 30 ngày. Trường hợp hệ thống cảnh báo thì các đối tượng sẽ thông qua mạng viễn thông để tương tác với khách hàng và trực tiếp kiểm tra.
Đối với các khoản vay lần đầu, các khách hàng có thông tin đáp ứng 80% điều kiện của phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) thì phần mềm CRM sẽ tự động chuyển dữ liệu đến bộ phận thẩm định xét duyệt hồ sơ vay (Công ty IXORA). Đối với khách hàng chỉ đáp ứng 20% điều kiện của CRM sẽ có bộ phận xác thực, thẩm định, nếu đủ điều kiện thì phần mềm mới chuyển đến bộ phận xét duyệt hồ sơ vay. Từ các lần vay sau, phần mềm CRM tự động dựa trên thông tin cá nhân và lịch sử giao dịch của khách vay đã có trên hệ thống (số lần vay, hạn mức vay, uy tín trả nợ) để tính điểm “khả tín” làm căn cứ xét duyệt và nâng dần hạn mức được vay.
Khi nhận được các dữ liệu từ phần mềm CRM, các đối tượng ở Công ty IXORA sẽ thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay, tiếp tục cập nhật thông tin xét duyệt vào hệ thống CRM. Từ lần vay thứ hai trở đi, các khoản vay đều bị tính lãi và phí, tổng lãi và phí cộng lại tương đương với lãi suất từ 365% – 1.971%/năm (tùy theo điểm “khả tín” của khách mà hệ thống sẽ tự động tính mức lãi suất, phí đối với khách vay). Ví dụ: vay 800.000 đồng kỳ hạn 10 ngày phải trả 1.232.000 đồng. Theo đó, sau khi xét duyệt, hệ thống sẽ tự động giải ngân cho khách hàng vay từ số tài khoản ngân hàng của Công ty Lộc Tín.
Bên cạnh đó, dựa trên tính năng nhắc lịch các khoản vay tới hạn của hệ thống CRM, nhân viên Công ty Lộc Tín sẽ gọi điện nhắc nợ (sắp đến hạn), đòi nợ (đến hạn, quá hạn), yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Công ty Lộc Tín. Khi người vay trả tiền vào tài khoản của Công ty Lộc Tín, bộ phận kế toán của Công ty Cactus sẽ có nhiệm vụ đối soát, cập nhập dữ liệu vào hệ thống CRM để xóa khoản vay. Nếu các khoản vay đã quá 30 ngày mà chưa trả hết gốc và lãi thì nhân viên Công ty Vinex sẽ tiến hành gọi điện để đòi nợ với 3 cấp độ (G1, G2, G3). Đối với các khoản vay quá hạn 90 ngày, Công ty Vinex sẽ tổng hợp, bán cho các đối tượng khác mua lại với giá từ 2-5% giá trị khoản vay…
Ngoài số tiền ban đầu của Roman (400.000 USD) và lợi nhuận thu lời bất chính của Công ty Lợi Tín, Roman chỉ đạo Công ty Lợi Tín đăng ký, mở tài khoản nhận tiền ngoại hối (USD) tại ngân hàng ở Việt Nam để nhận tiền từ Công ty SCA ở Singapore và TAS ở Đảo Síp để sử dụng vào hoạt động “tín dụng đen”… Qua thu thập tài liệu ban đầu từ 2 app nêu trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định có hàng trăm nghìn lượt khách hàng vay. Hằng tháng, tài khoản trên đều giao dịch với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 16 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó có Lê Thanh Huỳnh Cang, thay mặt Roman điều hành toàn bộ hoạt động của 4 công ty tại Việt Nam (góp vốn cùng Roman); Tymur giúp Roman và Cang về mặt kỹ thuật phần mềm app; Iryna giúp Roman và Cang quản lý thu hồi nợ quá hạn; Nguyễn Thùy An giúp Cang chỉnh sửa, hoàn thiện các lỗi phần mềm phát sinh trong quá trình vận hành; Lê Huy Hùng (sinh năm 1985, trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thanh Trung (sinh năm 1990, trú tại tỉnh Bình Định), Nguyễn Thị Tuyết Xương (sinh năm 1992, tỉnh An Giang) đứng tên giám đốc và điều hành 3 công ty Lộc Tín, Cactus, Vine.
9 đối tượng khác là các bộ phận giải ngân, nhắc nợ, đòi nợ, kế toán, marketing, chăm sóc khách hàng gồm Hồ Hoàng Thanh Nhã, Trương Thị Hiền, Bùi Trà Phương Thảo, Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Thị Nhất Phương, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Masa, Nguyễn Quốc Anh và Trần Thanh Hiếu (được giao làm tổ trưởng quản lý, vận hành các bộ phận IT)
Chủ động đấu tranh hiệu quả tội phạm từ sớm, từ xa (Kỳ cuối)
Chỉ sau 3 năm triển khai Kế hoạch 131 về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, Công an TP Hà Nội đã rà dựng, đấu tranh với 46 băng nhóm, 192 đối tượng vi phạm.
Bên cạnh những băng, ổ nhóm hoạt động theo kiểu truyền thống, nhiều tội phạm có tổ chức còn hoạt động kết hợp giữa phương thức truyền thống và hiện đại, cũng như sử dụng hoàn toàn công nghệ cao để hoạt động.
Nhận diện sớm, đúng, trúng tội phạm
Theo đánh giá của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua về cơ bản đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức về trật tự xã hội chủ yếu hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.
Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ ổ nhóm tội phạm có tổ chức khi lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo người dân gửi tiền, vay tiền ngân hàng.
Các băng nhóm không hoạt động công khai, số đối tượng cầm đầu có biểu hiện "nằm im", hoạt động cầm chừng nhưng thực chất luôn đứng sau, tích cực chỉ đạo đám đàn em thân tín thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thường tạo vỏ bọc dưới danh nghĩa một tổ chức hợp pháp như lập công ty, nhà hàng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhằm làm bình phong, che giấu hoạt động phạm tội, thu lợi bất chính.
Tình hình các đối tượng lợi dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển của mạng viễn thông, Internet để hoạt động phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia và có chiều hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet..., phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân cũng như ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Tội phạm có tổ chức cũng như tội phạm hoạt động xuyên quốc gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, ma túy đến hình sự.
Đánh giá của chỉ huy Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội, tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực kinh tế luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm về tham nhũng và chức vụ tập trung ở một số lĩnh vực với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ để vòi vĩnh, sách nhiễu nhằm mục đích đòi "hối lộ", ăn chia với các doanh nghiệp. Tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng câu kết thành những đường dây, ổ nhóm lợi dụng sơ hở trong chính sách xuất, nhập khẩu của Nhà nước để thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang là một trong những thách thức lớn đối với an ninh tài chính, tiền tệ, khi chúng sử dụng công nghệ cao tấn công, lừa đảo. Các đối tượng tội phạm ma túy cũng hoạt động ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ cao để gây án.
Thượng tá Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đánh giá, tình hình băng nhóm tội phạm hoạt động trên không gian mạng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng liên tục thay đổi và thậm chí nhiều chiêu lừa cũ nhưng vẫn có không ít người dân bị mắc bẫy.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thống kê hàng chục thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia để tuyên truyền người dân nắm bắt, phòng tránh. Đối với những vụ án tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao gây án, việc đấu tranh với hệ, loại tội phạm này không hề dễ dàng bởi tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi và biên độ rộng, đa thành phần, không gian gây án, hoạt động.
Phòng ngừa chắc, tấn công mạnh
Cũng theo đại diện lãnh đạo Công an TP Hà Nội, những kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an đã được nhân dân ghi nhận, ủng hộ, đánh giá cao. Tội phạm có tổ chức hoạt động "tín dụng đen", cờ bạc với hàng loạt ổ nhóm hoạt động tại Hà Nội hoặc xuyên quốc gia đã bị xử lý. "Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ sát sao của các cục nghiệp vụ, Công an TP Hà Nội đã nghiêm túc triển khai các chuyên đề, kế hoạch đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm trong đó có tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao để gây án"- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Từ việc chủ động nhận diện những diễn biến, nguy cơ gây mất ANTT của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và lợi dụng không gian mạng để hoạt động, Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều kế hoạch của Bộ Công an, hay như Kế hoạch số 533 ngày 8/9/2021 của Công an TP Hà Nội về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia gắn với phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, kinh tế, buôn lậu, ma túy, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Bên cạnh việc tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP còn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với những băng, ổ nhóm tội phạm này. Nhiều chuyên đề, kế hoạch lớn có liên quan đến phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia cũng đã được các đơn vị trong Công an TP Hà Nội triển khai hiệu quả. Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được đẩy mạnh, có chiều sâu, thực chất và hiệu quả rõ rệt.
Trung tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, đối với số đối tượng trong các băng nhóm nghi vấn tham gia hoạt động đòi nợ thuê, lực lượng Công an yêu cầu chúng cam kết không có hoạt động cho vay, đòi nợ trái phép. Cùng với đó, lực lượng CSHS tích cực rà soát, thống kê, tăng cường quản lý nghiệp vụ để kịp thời có biện pháp xử lý, đấu tranh. Qua kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", đã giúp lực lượng Công an nắm chắc được tình hình đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động và đấu tranh hiệu quả đối với hệ, loại tội phạm này.
Bằng sự chủ động và quyết liệt trong tấn công, trấn áp tội phạm, trong 3 năm qua (từ 2021-2023), lực lượng CSHS đã rà dựng và đấu tranh với 46 băng nhóm, 192 đối tượng tội phạm, trong đó có nhiều tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia. Nhiều băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia đã sử dụng hoàn toàn công nghệ cao để gây án.
Đối với lực lượng Cảnh sát kinh tế, trong 3 năm qua đã phát hiện, triệt xóa 5 băng nhóm, 18 đối tượng tội phạm có tổ chức. Riêng lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong 3 năm qua đã triệt xóa 66 băng nhóm với 155 đối tượng tội phạm có tổ chức, trong đó có 52 băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia. Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã triệt phá 5 băng nhóm, 22 đối tượng tội phạm có tổ chức.
Để làm tốt công tác phòng, chống hiệu quả tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, bên cạnh chủ động trong đấu tranh, trấn áp, triệt xóa tội phạm, Công an TP Hà Nội cũng đã có nhiều kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. Một trong những kiến nghị, đề xuất đó là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị chức năng trong giải quyết triệt để nạn "sim rác", nhanh chóng định danh tài khoản mạng xã hội, quản lý chặt chẽ tài khoản ngân hàng, qua đó đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để gây án, nhất là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, xuyên quốc gia.
Móc nối với tội phạm ngoại để vận chuyển ma túy qua biên giới Với số "hàng nóng" có được từ các tỉnh giáp Lào, Thào Má Sèo và đồng bọn đã móc nối với các đối tượng bên phía Trung Quốc vận chuyển ma túy qua khu vực biên giới thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn để giao dịch với các đối tượng thuộc tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Ngày 10/4, Phòng...