Đánh giá chi tiết máy tính bảng Yoga 2 Pro: Thu hút mọi ánh nhìn với khả năng biến hình
Tự tin với những nét độc đáo của Yoga, Lenovo tiếp tục tung ra phiên bản nâng cấp của Yoga với tên gọi Yoga 2 Pro. Liệu rằng, Yoga 2 Pro có thể kế thừa những điểm mạnh cũng như khắc phục các thiết sót của người tiền nhiệm để hoàn thiện ý tưởng độc đáo của Lenovo hay không?
1. Thiết kế và bàn phím
Lenovo Yoga 2 Pro hấp dẫn người dùng từ cái nhìn ban đầu bằng thân máy mỏng ấn tượng. Chính vì có bề dày khiêm tốn mà tôi có thể đút Yoga 2 Pro vào túi cũng như cầm máy bằng một tay dễ dàng hơn rất nhiều so với những chiếc laptop thông thường. Hơn thế nữa, vẻ bên ngoài tuy có thể quen mắt với nhiều người nhưng Yoga 2 Pro vẫn thực sự bắt mắt, nổi bật và toát lên vẻ cao cấp nhờ được trang bị lớp vỏ bằng kim loại bóng bẩy. Đặc biệt hơn, bề mặt máy bóng cũng được làm “sần” chút ít nhằm tránh bám vân tay cũng như khiến người dùng cầm nắm chắc chắn hơn.
Với kích thước 267×168x8,9 mm, Yoga 2 Pro tỏ ra lớn hơn nhiều so với những tablet lai thông thường. Đây là điều dễ hiểu bởi chiếc máy tính bảng của Lenovo được trang bị màn hình lên tới 13 inch khá cồng kềnh. Thế nhưng, trọng lượng mới là yếu tố đáng nói đến ở đây. Sở hữu cân nặng 1,39 kg, Yoga 2 Pro tuy nặng nề khi đặt cạnh iPad Air hay Nexus 10 nhưng lại nhẹ hơn khá nhiều so với những sản phẩm cùng phân khúc, tạo nhiều thuận tiện với những người dùng hay phải mang máy đi xa.
Kích thước lớn lại là điều kiện bắt buộc để Yoga 2 Pro sở hữu bàn phím “chuẩn” qua đó giúp người dùng dễ dàng soạn thảo văn bản, điểm vốn là thế mạnh của dòng Ultrabook so với máy tính bảng Android hay iPad. Bàn phím lớn của Yoga 2 Pro dễ bấm hơn rất nhiều so với kiểu bàn phím của Surface Pro hay dòng Vaio Duo của Sony. Nếu thường xuyên dùng bàn phím trên laptop thông thường chắc chắn bạn sẽ tìm thấy nhiều điểm quen thuộc khi sử dụng Yoga 2 Pro để chat Facebook hay soạn mail bởi bàn phím có độ nhạy cao dù rằng các phím bấm có hơi mềm và nông.
Không bị giới hạn bởi kích thước như những dòng máy tính bảng Windows 8 màn hình 11 inch, thay vì sử dụng Track pad có nhiều hạn chế và gây khó chịu khi sử dụng hãng sản xuất Lenovo đã trang bị cho con cưng của mình một bàn phím touch pad đầy đủ để hỗ trợ cho màn hình cảm ứng trong những trường hợp bất khả kháng. Thế nên, việc Touchpad này không hỗ trợ các thao tác đa chạm cũng có thể dễ dàng được châm chước.
Không những vậy, phần để tay của bàn phím Yoga 2 Pro còn được phủ một lớp nhựa giả da mỏng tạo cảm giác sang trọng cũng như giúp tránh trươn trượt tay khi soạn văn bản. Bên cạnh đó, đèn nền bàn phím cũng là một chăm chút nhỏ nhưng đáng tiền đối với một Ultrabook cao cấp bởi lẽ khi chấp nhận bỏ ra hơn 20 triệu đồng cho một chiếc laptop, người dùng không muốn thấy chúng thiếu đi bất cứ tính năng nào dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, nâng cấp đèn nền bàn phím cũng là một cải tiến đáng giá so với thế hệ Yoga 13.
Nhờ thiết kế bản lề linh hoạt cho phép xoay gần như 360 độ mà máy tính bảng của Lenovo có thể sử dụng theo nhiều chế độ khác nhau chỉ bằng cách xoay màn hình và đặt máy. Theo hãng sản xuất, có tới 4 chế độ sử dụng mà người dùng có thể tùy biến trên Yoga 2 Pro. Đó cũng là lý do tại sao mà Lenovo tự tin gán cho tablet lai của máy biệt hiệu “biến hình”. Với mỗi tác vụ riêng, ngươi dùng có thể dễ dàng thuần hóa chiếc máy tính bảng này trở nên hữu hiệu hơn cho công việc cũng như giải trí của mình. Phần bản lề của Yoga 2 Pro được thiết kế khá tốt chắc chắn nhưng cũng dễ dàng xoay gập. Nói thế không có nghĩa là bản lề của máy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình bởi lẽ Yoga Pro 2 vẫn cho cảm giác “rung rinh” khi người dùng chạm tay vào màn hình cảm ứng ở chế độ laptop hay chân đế xem phim.
Không phải chiếc laptop nào cũng có thể làm được thế này.
Chế độ chân đế để xem phim hay lướt web.
Chế độ dựng đứng máy.
Chế độ laptop thông thường với bàn phím đầy đủ.
Video đang HOT
Chế độ tablet, màn hình xoay 360 độ ra phía sau lưng máy. Ngoài chế độ laptop thì ở 3 chế độ còn lại người dùng chỉ có thể tương tác với Yoga 2 Pro thông qua màn hình cảm ứng bởi bàn phím sẽ bị vô hiệu hóa tạm thời.
Về các cổng kết nối, Yoga 2 Pro đủ để làm người dùng thỏa mãn với những trang bị bao gồm USB 3.0 cùng cổng micro HDMI và khe cắm thẻ nhớ SD. Hơi đáng tiếc một chút khi cổng mạng Lan không hiện diện nếu không nó sẽ giúp máy tính bảng biến hình của Lenovo trở nên đa năng hơn rất nhiều những khi mạng Wi-Fi có vấn đề hay bị đặt mật khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là đánh đổi của người dùng để có được thiết kế siêu mỏng như Yoga 2 Pro.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật thì cũng không thể không kể tới các “hạt sạn” trong thiết kế của Yoga 2 Pro. Có thể kể đến là nút nguồn vừa nhỏ, lại hơi nông khiến tôi rất nhiều lần phải “mò mẫm” khi muốn mở hay khóa máy. Hay như âm thanh “tẹt tẹt” khá khó chịu phát ra từ phím bấm cảm ứng điện dung bên dưới màn hình cảm ứng. Dẫu vậy, đây là những điểm trừ rất nhỏ và không khó để “sống chung với lũ”.
Nút nguồn nhỏ và hơi lõm xuống khá phiền mỗi khi mở máy.
Âm thanh “tẹt tẹt” phát ra mỗi khi bấm vào nút cảm ứng điện dung này.
Tất nhiên, những lỗi nhỏ là điều khó có thể tránh khỏi ở một sản phẩm sáng tạo như Yoga 2 Pro. Suy cho cùng nỗ lực mạnh dạn áp những những thiết kế mới để khiến máy tính bảng lai của mình trở nên đặc biệt hơn của Lenovo cũng khiến người sử dụng cảm thấy ưng ý và không hối tiếc khi đã lựa chọn. Điều đó được thể hiện qua những ánh mắt ngoái nhìn hay các câu hỏi từ người khác khi thấy bạn sử dụng Yoga 2 Pro.
2. Màn hình
Áp dụng công nghệ màn hình gương, có một điểm trừ có thể thấy ngay được ở màn hình của Yoga 2 Pro là máy rất bóng. Bất kể ở trong nhà hay ngoài trời và ngay cả khi để độ sáng màn hình ở cao nhất thì bạn cũng dễ dàng nhìn thấy được chính mình khi có nguồn sáng chiếu trực diện vào màn hình của Lenovo Yoga 2 Pro.
Bỏ qua điểm yếu chết người đó, Yoga 2 Pro vẫn là một trong những máy tính bảng Windows 8 sở hữu màn hình đẹp nhất hiện nay. Độ phân giải sắc nét lên tới 1.800×3.200 pixel cùng mức sáng màn hình tương đối cao, chiếc tablet Windows 8.1 này đem lại những cảm giác rất “đã” khi bạn thưởng thức một bộ phim HD, khác hoàn toàn so với những tablet Android hay iPad có màn hình 10 inch dẫu cho màn hình của Yoga 2 Pro chỉ lớn hơn 3 inch. Độ tương phản tuy chưa cao nhưng cũng góp phần khiến hình ảnh hiển thị trên Yoga 2 Pro trở nên nên trung thực hơn đồng thời tránh mỏi mắt khi phải nhìn vào những gam màu nóng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, màn hình của Yoga 2 Pro cũng cho góc nhìn khá rộng giúp cho trải nghiệm xem phim, hình ảnh trên chiếc tablet này với bạn bè không bị gián đoạn.
3. Hiệu năng
Được trang bị các thông số phần cứng cực tốt với vi xử lý Intel Core i5-4200U, Haswell, 2 nhân, 4 GB RAM và ổ SSD 256 GB, hiệu năng tổng quan của Yoga 2 Pro thực sự ấn tượng. Máy cho thời gian khởi động siêu nhanh chỉ 5 đến 6 giây từ khi bấm nút nguồn còn khi mở hàng loạt ứng dụng chạy nền, đồng thời xem phim trực tuyến thì không hề có cảm giác lag hay khựng hình xảy đến. Các ứng dụng mở và đóng gần như lập tức khi người dùng kích hoạt. Yoga 2 Pro có thể chạy cùng lúc ba ứng dụng là Facebook, Skype và lướt web đều rất mượt và không gặp tình trạng “đơ” lần nào.
Ngoài ra, tính năng đa nhiệm cũng vận hành tương đối tốt, bạn có thể mở 2 ứng dụng cùng lúc để xem ở chế độ chia đôi màn hình 50/50 hoặc mở 2 cửa sổ từ cùng một ứng dụng. Đây là ưu thế không thể chối cãi của máy tính bảng chạy Windows 8 so với iPad hay tablet Android.
4. Lướt web
Lướt web trên Yoga 2 Pro thực sự đem lại nhiều thích thú. Từ việc trang web hiển thị trên trình duyệt Internet Explore dạng cảm ứng được dựng hình nhanh của trình duyệt Internet Explore dạng cảm ứng cho đến tốc độ “vù vù” khi vuốt trang web bằng ngón tay, tất cả đều khiến bất cứ người dùng khó tính nào cảm thấy hài lòng. Thao tác zoom trang web cũng rất nhanh nhạy và gần như không có độ trễ. Nhờ màn hình sắc nét mà phông chữ và hình ảnh hiển thị trên trình duyệt đều có độ chi tiết cao.
Có cảm tưởng trải nghiệm lướt web trên Yoga 2 Pro còn mượt và “sướng” hơn cả khi lướt web bằng Safari trên iPad Air. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cầm máy theo chiều ngang để xem web hơn thay vì để dọc máy vì hơi nóng tỏa ra từ khe tản nhiệt tuy không bỏng tay nhưng cũng khá khó chịu. Mặt khác, vì trọng lượng của máy cũng khá lớn nên người dùng cũng không thể cầm máy trên tay để lướt web trong một thời gian dài. Ngoài ra, bộ công cụ tìm kiếm tích hợp trong Internet Explore là Bing cũng không được thân thiện lắm so với người dùng Việt Nam.
Lướt web bằng màn hình cảm ứng của Yoga 2 Pro tốt nhất nên cầm máy theo chiều ngang tránh bị nóng tay khi cầm dọc và để trên đùi hoặc mặt bàn để không bị mỏi tay do trọng lượng lớn.
5. Đa phương tiện
Hoạt động trên nền hệ điều hành Windows 8.1 mới nhất của Microoft, Yoga 2 Pro được hỗ trợ đầy đủ các ứng dụng từ gian hàng số Windows Store. So với Windows 8, với Yoga 2 Pro, người dùng đã được bổ sung thêm ứng dụng Facebook cùng nhiều ứng dụng nổi tiếng khác như Flipboard giúp tăng trải nghiệm di động. Ứng dụng Facebook kết hợp cùng trình duyệt IE của Microsoft cũng đã đủ để giúp người dùng nền tảng Windows 8.1 bớt đi phần nào ghen tị so với những gì mà tablet Android hay iOS đã và làm được. Và nếu có sử dụng iPad cùng với Yoga 2 Pro, chắc chắn sẽ có không ít lần bạn đắn đo xem nên dùng Yoga 2 Pro hay iPad để nằm trên ghế để lướt Facebook.
Tuy nhiên, chừng đó chắc chắn không thể thỏa mãn được người dùng có tính cầu toàn và hơi tham lam như tôi vì hệ thống game trên Windows 8.1 vẫn vô cùng non nớt khi so sánh với Android hay iOS. Thế nhưng đây lại là điểm yếu chung và là cái “khó người khó ta” của toàn bộ dòng sản phẩm tablet lai Windows 8 do kho ứng dụng còn nhiều hạn chế.
Giải trí còn nhiều hạn chế nhưng ở khía cạnh phục vụ công việc, một lợi thế không nhỏ dành cho Yoga 2 Pro là máy được hỗ trợ đầy đủ từ bộ công cụ văn phòng Microsoft Office đầy đủ với Microsoft Word, Excel, OneNote, Outlook và PowerPoint, cho phép người dùng sử dụng thiết bị như một văn phòng di động. Với sự trợ giúp của bàn phím dễ dùng cùng Touchpad tiện lợi, Yoga 2 Pro có thể giúp bạn xử lý công việc một cách dễ dàng và nhanh chóng khi đang ở một quán cafe với kết nối Internet ổn định. Ngoài ra là vô số các ứng dụng nền desktop phổ biến, có thể thực hiện được những tác vụ mà máy tính bảng Android hay iPad phải bó tay.
6. Nhiệt độ và thời lượng pin
Không “ồn ã” như nhiều laptop khác, có thể nghe rõ cả tiếng quạt tản nhiệt đang quay Yoga 2 Pro hoạt động khá êm ái và mát mẻ. Ngoại trừ nơi thoát khí tản nhiệt thì toàn bộ bề mặt chiếc tablet này đều khá mát mẻ từ bàn phím cho đến phần để tay.
Yoga 2 Pro được thiết kế theo dạng nguyên khối liền lạc. Do đó, chúng ta không thể tháo rời pin của máy ra. Thỏi pin Lithium-Ion 4 Cell 54 Watt-Hour này có thể hoạt động trong vòng 9 giờ ở chế độ dùng bình thường, hoặc lên đến 6 giờ xem video HD liên tục. Trải nghiệm thực tế cho thấy, với 30% dung lượng pin còn sót lại chiếc máy tính bảng này có thể cáng đáng gần trọn một bộ phim HD ở màn hình 50% và âm lượng loa ngoài 75%, con số tuy chưa được như những gì mà hãng sản xuất và Intel đã hứa hẹn nhưng cũng đã cho thấy ít nhiều cải tiến đáng kể. So với những chiế laptop thông thường hiện nay thì nếu biết cách sử dụng một cách hợp lý, bạn vẫn có thể tự tin mang Yoga 2 Pro ra ngoài mà không cần phải mang theo bộ sạc.
Tạm kết
Với bộ vi xử lý mạnh, thời lượng pin dài và thiết kế phong cách, Yoga 2 Pro có khá nhiều thế mạnh để thu hút người dùng và hoàn toàn đủ sức để trở thành một văn phòng làm việc di động của bạn. Vấn đề lớn khiến rất nhiều người dùng lăn tăn đó là việc kho ứng dụng của Windows 8 còn thiếu cả về chất và lượng cũng như mức giá chát chúa khoảng 28 triệu đồng. Tuy vậy, nếu là một người đặt công việc lên hàng đầu và chỉ có nhu cầu giải trí nhẹ nhàng thì Yoga 2 vẫn rất đáng để bạn bỏ tiền đầu tư.
Theo Genk
Đánh giá điện thoại cỡ lớn Lumia 1520
Chiếc điện thoại lai máy tính bảng (phablet) đầu tiên của Nokia - Lumia 1520 là cột mốc quan trọng trong lịch sử của các dòng điện thoại Windows Phone. Lumia 1520 xuất hiện với màn hình 6 inch, chất lượng Full HD sắc nét, cấu hình mạnh mẽ nhất trên thị trường hiện nay.
Thiết kế
Nokia Lumia 1520 xuất hiện với màn hình Full HD 6 inch, được xem là một trong những phablet lớn nhất trên thị trường hiện nay. Thoạt nhìn có thể thấy Lumia 1520 khá giống với phiên bản Lumia 720 của Nokia ra mắt trước đó. Nhiều người gọi Lumia 1520 là phiên bản phóng lớn từ Lumia 720. Máy có thiết kế quen thuộc của các dòng điện thoại Lumia với nhiều màu sắc từ chất liệu policarbonate nguyên khối.
Có một điểm đặc biệt trên Lumia 1520 là Nokia sử dụng hai chất liệu vỏ khác nhau cho các phiên bản. Với các bản màu trắng, đen và vàng, Lumia 1520 có vỏ sần hơn với khả năng chống bám vân tay tốt, trong khi đó, bản màu đỏ có vỏ nhựa bóng nên dễ bị in hình vân tay khi sử dụng và cảm giác trơn trượt.
Không ai có thể phủ nhận các dòng Lumia luôn cho cảm giác chắc chắn, đầm tay khi chạm và cầm máy trên tay.
Mặc dù màn hình lớn, thân máy to nhưng với bề dày chỉ 8,7 mm, Lumia 1520 có thiết kế mỏng hơn rất nhiều so với "tiền bối" Lumia 1020 do cụm camera của máy được thu gọn. Màn hình của máy được thiết kế tràn viền nên hình ảnh hiển thị tạo cảm giác nổi 3D trên bề mặt.
Với màn hình 6 inch, Lumia 1520 lớn hơn khá nhiều so với đối thủ Galaxy Note 3 màn hình 5,7 inch. Do vậy, việc sử dụng máy bằng một tay là điều rất khó, thậm chí cả với những người có khổ tay lớn.
Một thay đổi trong thiết kế của Lumia 1520 là Nokia đã quyết định sử dụng khe cắm thẻ nano-SIM giống như trên iPhone 5 và iPhone 5S. Ngoài ra, smartphone này cũng được Nokia hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ, hỗ trợ bộ nhớ lên tới 64GB - đây là một điều chưa từng xuất hiện trên các dòng điện thoại Lumia.
Màn hình
Có một điểm có thể những người quan tâm đến các sản phẩm của Nokia sẽ nhận thấy rằng nhà sản xuất này đã quay trở lại sử dụng công nghệ màn hình IPS LCD trên dòng điện thoại Lumia 1520 thay vì màn hình Super AMOLED mà hãng thiết kế trên hai thế hệ Lumia 925 và Lumia 1020. Nhờ đó, chất lượng màn hình trên Lumia 1520 sắc nét, rực rỡ, và màu sắc trung thực hơn.
Một thế mạnh vốn có trên các dòng điện thoại Lumia của Nokia là công nghệ Clear Black, cho phép điện thoại hiển thị tốt dưới ánh nắng mặt trời và cả ở những vùng sáng lớn, không gây lóa màn hình như trên các màn hình khác.
Lumia 1520 được trang bị màn hình 6 inch với độ phân giải Full HD (1920 x 1080), đạt mật độ điểm ảnh 367 ppi, giúp việc đọc sách, duyệt web, xem ảnh và xem video thoải mái. Màn hình 6 inch có thể là một chiếc điện thoại quá lớn khi sử dụng nhưng lại là smartphone lý tưởng để xem phim, chơi game, xem video, duyệt web.
Thế mạnh của màn hình lớn trên Lumia 1520 là người dùng có thể làm việc, xử lý các tài liệu văn bản Microsoft Office một cách dễ dàng, đặc biệt là với những tài liệu sử dụng biểu đồ...
Cũng giống như các dòng Lumia tiền nhiệm, màn hình cảm ứng của Lumia 1520 cho phép người dùng đeo găng tay khi sử dụng. Thử nghiệm có thể thấy độ nhạy của màn hình rất tốt, khi đeo găng tay vẫn cho cảm giác mượt gần tương đương khi sử dụng tay không.
Cấu hình và camera
Các dòng điện thoại Lumia vốn có truyền thống "tụt hậu" so với các đối thủ bởi nền tảng Windows Phone trước đây chỉ cho phép nhà sản xuất thiết kế một cấu hình cơ bản. Lumia 1520 là một dấu mốc quan trọng của Nokia bởi đây là lần đầu tiên điện thoại Windows Phone 8 của hãng di động Phần Lan được trang bị cấu hình mạnh mẽ ngang ngửa, thậm chí là hơn cả các đối thủ, như iPhone 5S, và các dòng điện thoại Android, như Nexus 5.
Lumia 1520 được trang bị bộ vi xử lý lõi tứ Snapdragon 800 cao cấp của Qualcomm, RAM 2GB và bộ nhớ trong 32 GB (có khe cắm thẻ nhớ). Máy có tích hợp công nghệ kết nối NFC và sạc không dây chuẩn Qi.
Về camera, Lumia 1520 được Nokia trang bị cảm biến 20,7 megapixel, khiêm tốn hơn rất nhiều so với camera 41 megapixel của Lumia 1020 nhưng lại quá thừa thãi với nhu cầu chụp ảnh giải trí của người dùng. Camera sử dụng công nghệ PureView của Lumia 1520 có thể chụp ảnh và zoom 2 lần mà không làm vỡ ảnh. Nokia trang bị hệ thấu kính do Zeiss (Đức) sản xuất và công nghệ chống rung quang học OIS trên Lumia 1520.
Thử nghiệm trên Lumia 1520 cho thấy chất lượng ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu rất tốt, vốn là điểm yếu của hầu hết smartphone hiện nay.
Nokia tiếp tục tỏ rõ sự quyết tâm dẫn đầu trên phân khúc smartphone chụp ảnh bằng bộ đôi ứng dụng Camera Pro và Storyteller trên Lumia 1520. Trong đó Camera Pro đã xuất hiện từ trên thế hệ Lumia 1020, cho phép người dùng điều chỉnh các thông số chụp ảnh giống như trên máy ảnh chuyên nghiệp. Tuy vậy, không phải người dùng nào cũng có thể ứng dụng sức mạnh từ Camera Pro bởi nó đòi hỏi nhiều kiến thức về nhiếp ảnh mới có thể tinh chỉnh tạo ra những bức ảnh đẹp ngang với máy ảnh chuyên nghiệp. Trong khi đó, Storyteller là ứng dụng mới của Nokia, cho phép người dùng tạo ra một câu chuyện từ những bức ảnh chụp. Tức người dùng có thể tạo ra album ảnh du lịch, trong đó mỗi bức ảnh sẽ lưu từng vị trí địa lý, từng kỷ niệm của bạn để người xem có thể khám phá thêm về những nơi bạn đã đến. Để sử dụng tính năng này, người dùng có thể zoom nhỏ lại bức ảnh, và từ đó hệ thống bản đồ Nokia Here sẽ định vị bức ảnh đó được chụp ở đâu.
Một số ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu từ Lumia 1520:
Theo VNE
Đánh giá máy tính bảng Yoga 2 Pro: Thu hút mọi ánh nhìn với khả năng biến hình Còn nhớ, trong một quảng cáo dìm hàng iPad Air nhằm phô diễn sức mạnh của hệ điều hành Windows 8, Microsoft đã sử dụng máy tính bảng lai Yoga đến từ Lenovo. Với khả năng xoay màn hình linh hoạt cùng hệ điều hành Windows 8 mạnh mẽ, tablet lai Windows 8 Yoga 13 thực sự tỏ ra vượt trội so với...