Đằng sau ‘thảm họa’ giáo dục là tính hiếu danh và giả dối?
Một loạt sự việc không thể nói khác hai từ “ thảm họa” trong ngành giáo dục gần đây khiến ai ai cũng phải đau xót.
Dù là mục đích phòng chống ma túy nhưng liệu có nên ghép “pháo đài” cho gia đình, nhà trường? – Ảnh: C.M.C
Đau lòng vô cùng khi chứng kiến những chuyện không thể tưởng tượng nổi: từ cô giáo – học trò bị bắt quỳ qua quỳ lại, cô giáo mấy tháng lên lớp “tịnh khẩu” với học trò, cô bắt học trò uống nước giẻ lau bảng đến học trò đâm thầy vì thầy nhắc nhở hình xăm của mình; học trò bóp cổ cô, thầy giáo bị đánh gãy xương mũi vì tát học trò…
Rồi giáo viên tố hiệu trưởng ép phá thai để giữ thành tích trường; rồi áp lực học khiến chỉ trong vài ngày, một nam sinh Cao Thắng nhảy lầu, một học sinh giỏi tự tử…
Dù chỉ một số trường hợp nhưng không thể nói đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Bởi những thầy đánh trò, trò đánh thầy, bảo mẫu hành hạ các bé, học sinh tự tử vì áp lực học… cũng đã xảy ra nhiều lần, chỉ có điều thời gian này nó nở rộ thôi…
Ngành giáo dục phản ứng ra sao? Có hiệu trưởng bị cho nghỉ, có phụ huynh bị khai trừ Đảng, một số cô giáo bị kiểm điểm, cảnh cáo, đình chỉ hoặc thôi việc…
Còn ở cấp cao nhất, làm việc với Tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ tuyên bố: Sẽ chấn chỉnh, sẽ đẩy mạnh giáo dục đạo đức trong nhà trường, cả với thầy lẫn trò bằng quy tắc đạo đức.
Rồi ngày 5-4, Bộ trưởng Nhạ gửi công văn đề nghị chủ tịch các tỉnh, thành tăng cường đảm bảo an ninh trường học.
Toàn những chủ trương, quy định không mới và có lẽ ít ai tin hiệu quả của nó. Trong khi đó, tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam” do Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 11-4, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã quyết tâm đưa giáo dục ĐH Việt Nam vào “cuộc chơi toàn cầu” của các bảng xếp hạng uy tín với “nhiệm vụ trọng tâm” là xếp hạng ĐH.
Video đang HOT
Trước đó, chỉ sau khi Thủ tướng yêu cầu, rà soát một lần và chắc chắn chưa hết, chỉ tính năm 2017, ngành giáo dục lòi ra vài chục ông bà giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn.
Hiện tượng tranh đoạt thành tích, chức danh tràn lan trong ngành, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non như vậy bảo sao môi trường giáo dục không “sôi sục” được.
“Kẻ nào hiếu danh, việc làm thường giả dối” (Lã Khôn). Sống trong môi trường có nhiều hành vi giả dối, tranh giành như vậy, có lẽ những thảm họa là một tất yếu, không hôm nay thì ngày mai.
Chúng ta không phủ nhận những tác động của bên ngoài, xã hội và gia đình, nhưng môi trường mô phạm, tức khuôn mẫu cho học trò xưa nay phải là khuôn mẫu về nhân cách, trình độ của người thầy – dù cho bên ngoài thế nào chăng nữa.
Trong đó, nhân cách lớn nhất mà nhà trường, ngành giáo dục cần phải xem là nhiệm vụ trọng tâm: đó phải là nơi truyền giảng yêu thương, là môi trường thật sự của yêu thương giữa các thành viên trong đó: thầy với trò, trò với thầy, trò với trò, thầy với thầy…
Khi có thầy trò vẫn còn ít nhiều mất niềm tin và chỗ dựa trong cuộc sống, gia đình thì trường lớp phải là tổ ấm cuối cùng, chứ không phải là “pháo đài” như vô số băngrôn trên đường phố, trước cổng trường, trong sân trường lâu nay.
Chiến tranh đã qua từ lâu trên đất nước ta. Xin đừng mải miết dùng từ ngữ khơi gợi ký ức đau buồn ấy trở lại, nhất là trong môi trường giáo dục. Nhà trường hôm nay hãy là tổ ấm, đừng là pháo đài chiến đấu.
Thầy trò là để dạy và học, yêu thương nhau, không phải để đánh đấm! Càng không phải để khoe danh, giành chức, đoạt quyền…
Theo tuoitre.vn
Có sự khủng hoảng đang xảy ra ở hoạt động Sư phạm?
Cô giáo lên lớp không giảng bài; cô giáo phạt học trò uống nước giặt giẻ lau; học sinh nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập... theo cựu nhà giáo, nhà văn Vũ Đức Sao Biển, đang có sự khủng hoảng ẩn sâu bên trong hoạt động Sư phạm hiện nay.
Trong buổi ra mắt cuốn sách "Ơi, cái tuổi trăng tròn"tại Đường sách TPHCM ngày 15/4, cựu nhà giáo Vũ Đức Sao Biển đã dành nhiều quan tâm đối với học trò, các bạn trẻ ngày nay với một sự thương cảm. Ông cảm nhận, các em ở độ tuổi học sinh đang sống trong một tâm trạng phập phồng, bồn chồn, vào lớp cũng lo lắng, về nhà cũng lo lắng với những áp lực rất tội nghiệp.
Nhà giáo, nhà văn Vũ Đức Sao Biển cho rằng hoạt động Sư phạm đang có sự khủng hoảng từ bên trong
Từng là một nhà giáo, ông quan sát kỹ sự bất an ở con trẻ trong môi trường học đường. Thực tế, thời gian qua diễn ra rất nhiều chuyện đau lòng trong ngành giáo dục như cô giáo không giảng bài, em học sinh uống nước bẩn, thầy đánh trò... Đi cùng các sự việc, nhiều học sinh cần được quan tâm như em Phạm Song Toàn - người phản ánh việc cô giáo lên lớp không giảng bài, cậu học trò tự vẫn ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM)...
Theo cựu nhà giáo Vũ Đức Sao Biển, ngành Sư phạm là một ngành nghề rất đẹp, dù không nhiều tiền, giàu có về vật chất nhưng là một ngành cao quý. Thế nhưng, học trò lại đang chịu tổn thương trực tiếp xuất phát từ những người làm công tác sư phạm.
Đối với sự việc cô giáo lên lớp nhiều tháng không giảng bài, nhà giáo Sao Biển nói rằng, người thầy có giận dỗi, có mặc cảm, tị hiềm gì đi chăng nữa thì công việc của họ vẫn là dùng lời nói để giảng dạy, giao tiếp với học sinh. Cô cư xử như vậy, rất tội nghiệp học trò, các em tổn thương và bị mất quyền lợi về học tập - quyền lợi về học kiến thức và học từ hình ảnh người thầy.
"Ngành giáo dục xử lý sự việc của cô giáo không giảng bài đến đây có thể nói là được nhưng đừng quên sự tổn thương đối với hàng chục học sinh, với em Song Toàn là rất lớn", ông nói.
Còn về sự việc nam sinh ở Trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự vẫn hết sức đau lòng, ông Vũ Đức Sao Biển nêu quan điểm: chết vì học tập chính là chết vì thành tích. Người lớn chạy theo thành tích, theo kỳ vọng làm mất đi ý nghĩa thực sự của giáo dục.
Ông bày tỏ: "Tôi cảm thấy đang có một sự bất ổn nào đó trong sử dụng nhân sự ngành Sư phạm. Chúng ta không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động Sư phạm. Tất cả những gì đang xảy ra cho thấy có một sự khủng hoảng bên trong ngành Sư phạm".
Ông cũng nói thêm, ngày trước người thầy đứng lớp được lựa chọn rất kỹ về kiến thức, đạo đức, lời ăn tiếng nói, tác phong nhưng gần đây thì với một số trường, đầu vào ba điểm một môn đã... thành thầy, tiêu chuẩn về đạo đức, nhân cách cũng không được coi trọng.
Ông thở dài bày tỏ, Việt Nam là một dân tộc nhân hậu, đầy lòng yêu thương. Vậy mà sao bây giờ lại xảy ra những chuyện người đối với người rất khủng khiếp, đáng sợ?
Thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường, giáo viên tiếng Anh bày tỏ, người trẻ ngày nay quá tội nghiệp khi không gian sống rất chật hẹp, bó buộc. Các em chìm ngập trong quảng cáo, thế giới mạng với những thông tin tiêu cực, thiếu những chất liệu làm giàu cho tâm hồn, sự nhân ái, yêu thương từ bên trong.
Thầy Tường nhấn mạnh, bố mẹ Việt Nam hãy hạn chế việc bắt học con kiến thức, kiến thức bị "ép" vào người nhiều quá càng làm bào mòn tâm hồn con trẻ. Cha mẹ có thể dạy con đọc sách, cho học học một môn nghệ thuật nào đó, chơi thể thao, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, tương tác với cuộc sống thật nhiều vào để "bồi bổ" lòng yêu thương ở con trẻ.
Theo thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường, trẻ bị ép học kiến thức vào người nhiều quá nên bào mòn về mặt tâm hồn
Là người khởi nghiệp từ những khốn khó, thiếu thốn, anh Tường cho rằng, đối với kiến thức, những người lập nghiệp giàu có quay đi quay lại cũng chỉ dùng đến 4 phép tính. Vậy nhưng, họ thành công vì họ có chỉ số cảm xúc, đời sống tâm hồn rất phong phú.
Đối với việc học, anh Trần Trinh Tường khẳng định, học rất vui. Nhưng con trẻ ngày nay ám ảnh vì việc học do nhà trường, bố mẹ đã làm các em sợ học vì chạy đua, dò bài, kiểm tra, bắt học thuộc, chạy theo điểm số, bảng xếp hạng...
Hoài Nam
Theo Dân trí
Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành Em bé bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau bảng làm chúng ta đau xót quá, nhưng còn một chi tiết đau xót không kém chính là cô giáo không hề ý thức về hành động của mình cho tới khi bị phát giác và lên án. Sau khi bị phát giác việc bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau...