Đằng sau những bức ảnh chế “Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”
Những bức ảnh, câu nói quanh chuyện họp phụ huynh được nhiều bạn trẻ “chế” đăng tải trên mạng xã hội. Chúng có thể gây cười, tạo sự thích thú với mọi người nhưng cũng là tâm tư quanh chuyện họp phụ huynh.
Đầu năm họp vì tiền, giữa năm họp vì điểm
“Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”, “Mấy con số quan trọng gì so với một cái tết gia đình sum vầy, vui vẻ”, “Cần người đi họp phụ huynh hộ”… Rất nhiều câu nói, hình ảnh quanh chủ đề họp phụ huynh được chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nhất là ở thời điểm nhiều trường học trong cả nước tổ chức họp phụ huynh tổng kết học kỳ 1 của năm học.
Nhiều thông điệp liên quan đến vấn đề học phụ huynh được “chế” trên mạng xã hội
Có thể là những câu vui đùa, thậm chí là để gây cười, “câu like” nhưng ẩn đằng sau đó là tâm tư của không ít bạn trẻ đứng trước mùa họp phụ huynh có thể gọi là căng thẳng nhất với học sinh. Không phải là chuyện đóng góp tiền bạc, ủng hộ như những cuộc họp đầu năm mà họp phụ huynh thời điểm giữa năm học tập trung vào vấn đề học tập, điểm số của các em.
Nhiều phụ huynh gây áp lực với con trẻ qua điểm số, kết quả học tập. Phía bố mẹ đã làm căng, nếu gặp thêm giáo viên trọng thành tích, chuộng điểm số, làm mọi cách thúc ép học trò… thì “cuộc họp mặt” này với nhiều học sinh thật sự là nỗi sợ hãi. Có những học sinh không dám đối mặt, tìm cách né tránh, không thông báo cho bố mẹ là có thật…
Chị Nguyễn Phương Thúy, có con học tại một trường THCS ở quận 1, TPHCM cho biết, chị hiểu vì các con lại sợ họp phụ huynh, nhất là khi rơi vào gia đình quá chú tâm điểm số, vào trường điểm, lớp chọn, giáo viên thì “say” thành tích.
Như trường hợp ở lớp con chị, học kỳ học sinh nào thi được dưới 8 điểm thì cả học sinh lẫn phụ huynh đều bị nhắc nhở làm ảnh hưởng kết quả chung của lớp. Chị đã động viên con chị, không quá căng thẳng nhưng thực sự cả hai mẹ đều không hề dễ chịu.
Video đang HOT
Nếu buổi họp đầu năm nặng về chuyện đóng góp, tiền bạc thì cuộc họp phụ huynh học kỳ 1 nặng về điểm số. Đây là lúc giáo viên thông báo kết quả học tập một học kỳ của học sinh và qua đó, giáo viên lên kế hoạch cho học kỳ 2. Và cách “tạo động lực” quen thuộc nhất của nhiều giáo viên vẫn là cùng phụ huynh “thúc ép” học sinh.
Không chỉ những học sinh yếu, “cá biệt” mới “ngán” họp phụ huynh vì sẽ nghe giáo viên nhắc nhở, yêu cầu đủ điều để tiến bộ, để không làm ảnh hưởng đến thành thích của lớp, của giáo viên mà những em học khá, giỏi cũng sợ.
Có những em điểm các môn cao nhưng chỉ một hai môn dính điểm thấp là cũng khó được yên, nhất là điểm liên quan đến các môn thi.
Em Nguyễn Đức Việt, học sinh một trường THPT ở quận 3 bày tỏ: “Dường như người lớn không bao giờ bằng lòng về tụi con, điểm cao thì đòi cao hơn nữa, điểm cao môn này thì lại soi điểm môn khác. Mọi người không hiểu được cảm giác bị áp lực về điểm số đáng sợ đến thế nào”.
Học sinh chịu đựng áp lực
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, nguyên giáo viên Trường THCS Đức Trí, TPHCM cho biết, cô từng gặp những trường hợp học sinh bị bố mẹ đánh, lột quần áo vì điểm thấp. Nhiều em sau khi biết điểm không dám về nhà, bỏ đi… việc điểm số gây ra nỗi sợ lớn rất trong học sinh.
Mới đây, nhóm học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM công bố đề tài nghiên cứu khoa học “Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần” với kết quả khảo sát với gần 1.900 học sinh bậc THPT.
Phụ huynh làm việc nhóm đưa ra giải pháp hỗ trợ con trong một buổi họp phụ huynh
Theo khảo sát, số lượng học sinh phải đối diện với áp lực của cả 3 khối lớp THPT thì có đến gần 97,4%. Và trong tổng số học sinh nói trên, có 1.365 học sinh, chiếm tỷ lệ 73,31%, cho hay không chia sẻ áp lực của mình với bất kỳ ai.
Trong các yếu tố gây áp lực được chỉ ra như từ chương trình học, gia đình, giáo viên…, thì gia đình là yếu tố gây áp lực nhiều nhất. Áp lực đó thường đến từ việc phụ huynh thường xuyên đặt yêu cầu kết quả học tập cho học sinh (38,45%), học sinh áp lực khi bị so sánh (37,65%), áp lực khi chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng (17%)…
Đối với chương trình học, thi cử như hiện nay, việc để nói không với điểm số, áp lực học tập là chuyện gần như không thể. Chính giáo viên, phụ huynh cũng rơi trong vòng xoay đó, họ phải “gò” con trẻ để các em vượt qua những thách thức phía trước. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để tạo động lực học tập tích cực mà không phải gây áp lực làm con trẻ hoảng sợ.
Nhóm học sinh thực hiện đề tài trên còn chỉ ra, theo thống kê từ phiếu khảo sát, học sinh rất ít chia sẻ áp lực của mình với người khác, chỉ có 26,96%. Đây là một lời cảnh báo nhưng cũng là lời kêu cứu, vì việc học sinh sẽ có xu hướng chịu đựng những áp lực thì có thể đến một lúc nào đó các em bị mất kiểm soát, có những hành vi dại dột.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Con học giỏi sao cha mẹ lại hoang mang, lo lắng?
Gần như 100% học sinh xếp loại khá giỏi, xuất sắc, nhưng các bậc cha mẹ lại vô cùng lo lắng vì nó không phản ánh chính xác chất lượng dạy-học hiện nay.
Hầu hết các trường học trong cả nước đã tiến hành họp phụ huynh thông báo kết quả học tập học kỳ 1. Trên trang cá nhân, nhiều cha mẹ hân hoan khoe thành tích học tập của con nhưng đằng sau đó cũng ẩn chứa quá nhiều lo lắng.
Áp lực học tập, điểm số đang đè nặng lên học sinh.
Cô bé lớp 3 sát nhà tôi học một trường công lập ở giữa Hà Nội, viết chính tả còn sai be bét, cộng trừ nhầm lẫn liên miên. Cha mẹ cháu rất phiền lòng, phải thuê người dạy kèm, cho học thêm, thỉnh thoảng ức chế còn đánh con... nhưng con cũng không tiến bộ là mấy. Xin nói rõ, cháu là người hoàn toàn bình thường, giao tiếp, sinh hoạt không có gì phải chê trách; nói năng lễ phép, biết nghe lời người lớn, không gây lộn với ai bao giờ. Học kỳ vừa rồi con thi được 2 điểm 9 môn Toán và Tiếng Việt. Các môn học còn lại đều đạt. Cầm phiếu điểm của con trên tay mà mẹ cháu cười méo xệch, bởi biết rằng đó không phải kết quả thực sự của con. Mẹ cháu bảo: "Cháu không được phép có điểm thấp. Mẹ có muốn cho con đúp học lại cũng không được. Bởi, nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường".
Có lẽ đây là căn nguyên của câu chuyện học sinh học lực khá giỏi mới được tham gia lớp học của các cô giáo thi giáo viên dạy giỏi? Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh khá giỏi nhưng chưa chắc chất lượng dạy - học đã đạt yêu cầu.
Chúng ta đòi hỏi đổi mới giáo dục, đưa nhiều bộ môn mới vào giảng dạy, cho học sinh thực hành nhưng lại không thay đổi thước đo, chuẩn đánh giá học sinh, giáo viên. Chính điều này đã tạo áp lực vô cùng lớn lên cả người dạy và người học. Cách đánh giá, xếp loại học sinh vẫn dựa vào điểm số lại là cơ hội cho những lớp học thêm, dạy thêm; cha mẹ, học sinh lại bị lôi vào một guồng quay không lối thoát.
Thời chúng tôi đi học, có những bạn học 3 năm 1 lớp, còn chuyện 2 năm một lớp không phải là hiếm. Không biết từ khi nào, giáo dục nước nhà không còn chuyện học sinh lưu ban nữa? Nếu như vậy thì giáo dục đang vì ai, có vì học sinh không?
Đồng nghiệp của tôi cho con sang Úc học. Cuối năm bạn được cô giáo và trường khen. Giấy khen dành cho con không phải vì con vượt trội so với các bạn khác mà là sự tiến bộ của con được so sánh với chính con khi bước chân vào trường. Sự đánh giá này khiến cho con thêm tự tin khi đến trường, con không phải chịu bất kỳ áp lực nào.
Chúng ta đã thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học nhưng vẫn còn quá nặng về điểm số. Giờ đây, nhiều cha mẹ đã "buông" chuyện chạy theo thành tích, muốn con mình có một tuổi thơ thật thoải mái, vui vẻ... nhưng vẫn chưa thực sự thoải mái khi cuối học kỳ, cuối năm học vẫn áp dụng một chuẩn đánh giá.
Nhân lực của ngành giáo dục hiện nay cũng là điều đáng bàn. Thầy giỏi mới có trò giỏi. Vẫn "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" thì không thể trông mong một sự đột phá về chất lượng nhân lực ngành giáo dục. Thực trạng tuyển sinh vào các trường sư phạm hiện nay đã cho thấy khó tìm được sự bứt phá trong tương lai 5-10 năm tới.
Nếu giáo dục vẫn nặng thành tích, điểm số, vẫn thiếu minh bạch (xin điểm, cho điểm)... thì làm sao tránh cho những học sinh "ảo tưởng" về bản thân? Nguy hại hơn, cách làm này tạo ra sự bất công với chính các em, bởi bạn học kém và giỏi bị đánh giá tương đồng. Điều này cũng tạo ra một thế hệ có tư tưởng sống dựa, ỷ lại vào sự ban phát của người khác.../.
An Nhi
Theo VOV.VN
Họp phụ huynh ở Pháp: Từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác... Vẫn biết chuyện họp phụ huynh ở "trời tây" khác với "trời ta", nhưng khi đến trường hợp của mình, vợ chồng tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ảnh minh họa Ngày con còn học cấp 1 tại một trường công tại Pháp, hàng năm sau khi năm học mới bắt đầu khoảng vài tuần, chúng tôi...