Đắng lòng vụ án con kiện mẹ
Con trai kiện mẹ đòi nhà. Dù tòa tuyên cho con được sở hữu căn nhà nhưng cái mất lớn hơn là tình mẹ con thiêng liêng không gì có thể cân đong đo đếm…
Cụ H.H (SN 1931) ngồi run rẩy trên chiếc ghế cũ trong căn nhà cấp bốn 54 m2, thẫn thờ ngóng về phía cửa. Nhác thấy vợ chồng cháu ngoại về, cụ vội vàng hỏi: “Tòa xử sao rồi?”. Anh L.H.L (SN 1972, cháu ngoại, sống cùng nhà với cụ H.) lắc đầu. Cụ thở dài, lẩm bẩm: “Con bất hiếu, giành nhà, đuổi mẹ ra đường…” rồi ngồi bất động.
Của con, của mẹ
Theo đơn khởi kiện của ông H.K (SN 1964, ngụ quận 11, TP HCM, con trai cụ H.), năm 2001, cha ông qua đời, mẹ ông bán căn nhà tại quận 10, chia cho mỗi người một số tiền. Phần của ông là 16,5 lượng vàng. Sau đó, ông mua một miếng đất tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân cất nhà. Vì theo vợ về Hải Phòng, ông tạm đưa nhà cho mẹ ở. Năm 2009, các chị ông xúi mẹ bán căn nhà trên rồi về ở với các chị. Vì thế mới phát sinh tranh chấp.
Video đang HOT
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân xét thấy nguồn gốc đất tranh chấp do ông K. mua, có làm giấy tay. Sau đó, đương sự tự xây dựng không phép và sử dụng từ đó đến nay. Hiện căn nhà vẫn chưa được hợp thức hóa chủ quyền theo quy định pháp luật. Về phần xây dựng căn nhà, lời khai của chủ thầu cho thấy ông K. là người đưa tiền. Ngoài ra, phía bị đơn không chứng minh được căn nhà là của mình. Vì vậy, HĐXX xác định căn nhà trên là của ông K.
Cụ H. kháng cáo. Hôm TAND TP HCM mở phiên phúc thẩm, cụ H. không đến được vì sức khỏe yếu. Bà H.L (SN 1958), con gái cụ H., là người đại diện theo ủy quyền.
Tại tòa phúc thẩm, ông K. đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh miếng đất và căn nhà là của mình. Trước những lý lẽ của em trai, bà L. thở dài trình bày: “Mẹ tôi là người Hoa, lớn tuổi, lại không biết chữ nên mới nhờ K. đi coi đất, làm giấy tờ và đứng ra trông nom thợ xây, còn tiền do mẹ trả. Trong khi trông coi, K. còn bán bớt một phần đất này với giá 3,5 chỉ vàng. Cất nhà xong, còn dư 3 lượng vàng, mẹ tôi cũng cho K. mượn mua xe nước mía buôn bán. Sau đó, K. làm ăn thua lỗ, nhiều lần hỏi mượn tiền nhưng không trả cho mẹ đồng nào. Gần đây, K. có ý định bán nhà, mẹ tôi không đồng ý nên K. mới kiện…”.
Nghe vậy, ông K. đứng bật dậy, trình bày: “Tháng 5-2001, tôi theo vợ ra Bắc một thời gian. Tôi có kinh doanh, có hợp đồng thuê nhà ở Hải Phòng hẳn hoi đây…”. Bà L. chất vấn: “Vậy sao lại viết thư về xin tiền mẹ? Đến tiền mua vé xe vào lại Sài Gòn cũng không có, phải đi xin mà…”. Ông K. im lặng.
Ở tuổi 83, cụ H.H còn mang nỗi đau bị con trai kiện.
Một giọt máu đào… thua ao nước lã
Phiên tòa nghị án kéo dài 1 tuần. Chúng tôi tranh thủ ghé thăm cụ H. Nghe nhắc đến đứa con trai út, cụ nấc nghẹn: “Thằng đó tôi không nhờ được. Nó muốn đuổi tôi đi để lấy nhà. Già rồi, muốn mua miếng đất để ở mà con gái không nhờ được, con trai thì muốn giật. Tôi đau lắm…”.
Ngừng một lúc, cụ cay đắng kể: “Hồi đó, tôi nói với nó: “Mắt má kém, không coi gì được, con coi nhà giùm má…”. Ai ngờ nó bán bớt một phần đất để tiêu xài. Nuôi con khôn lớn, giờ nó có thèm ngó ngàng gì đến mẹ đâu. Nó nói nhà của tôi là nhà của nó. Nó đòi bán nhà, về gây sự với mấy đứa cháu ở cùng để chăm sóc tôi…”.
Theo lời của anh L., chỉ có anh với người em trai sống cùng và chăm sóc cụ. “Mỗi lần cậu về lại đuổi anh em tôi ra khỏi nhà. Cậu nói sẽ thuê người chăm sóc cho ngoại. Chúng tôi ra ngoài mướn nhà trọ ở, lúc đó, ngoại còn khỏe nên vẫn đi chợ, tự lo cho mình. Gần đây, sức khỏe ngoại yếu, không thấy cậu thuê ai chăm sóc ngoại nên tôi lại quay về. Cậu nhiều lần tìm đến quậy. Nói ngoại bán nhà, cậu cho 50 triệu đồng dưỡng già. Ngoại tức giận, lên cơn đau tim, phải nhập viện mấy lần nhưng cậu không hề vào thăm. Từ lúc đó, ngoại suy sụp hẳn. Lâu lâu, ngoại lại mê sảng nói: “Nhà của tao, nhà của tao…”. Tôi thương ngoại mà chẳng biết làm gì…”.
Chúng tôi chào cụ H. ra về, cụ gật đầu, để rơi giọt nước mắt. 83 tuổi, phải hầu tòa theo đơn kiện của con, có gì chua xót hơn?
Cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, người con trai đều thắng kiện vì cung cấp được chứng cứ. Nhưng đúng – sai, thắng – thua liệu có ý nghĩa gì khi tài sản, của cải mất đi có thể tìm lại được, mẹ không còn, làm sao tìm lại được tình yêu thương?
Theo Kha Miên (Người Lao Động)