Đan Mạch phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên
Ngày 5/3, giới chức y tế Đan Mạch đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên, khi viện dẫn kết quả nghiên cứu về vaccine này ở Scotland (Vương quốc Anh).
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch Bolette Soborg cho biết kết quả nghiên cứu ở Scotland đã chứng tỏ vaccine AstraZeneca làm giảm mạnh nguy cơ nhập viện của các bệnh nhân COVID-19 và cũng ở bệnh nhân lớn tuổi. Bà cho biết thêm kết quả này đã được khẳng định trên quy mô lớn.
Trước đó, các chuyên gia quốc gia vùng Scandinavia này cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của vaccine AstraZeneca để khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm người từ 65 tuổi trở lên.
Đan Mạch là một trong số những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) triển khai nhanh nhất chương trình chủng ngừa COVID-19. Đến nay, 8,3% dân số nước này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 3,2% được tiêm cả hai mũi. Đan Mạch hy vọng rằng tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm phòng vào cuối tháng 6 tới.
* Cùng ngày, Bộ Y tế CH Séc cho biết nước này đã đề nghị Đức, Thụy Sĩ và Ba Lan hỗ trợ bằng cách tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của nước này trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang bị quá tải.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ: “Một số lượng lớn bệnh nhân mới đã làm tăng áp lực lên hệ thống y tế và số bệnh nhân đòi nhập viện ngày một gia tăng”.
Tính theo tỷ lệ dân số, Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới do COVID-19, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong.
* Kenya ngày 5/3 đã bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên đầu tiên là nhân viên y tế sau khi lô vaccine đầu tiên tới nước này ngày 3/4.
Kenya đã tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất theo cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu.
Trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên, Kenya sẽ tiêm vaccine cho khoảng 400.000 nhân viên y tế trước khi tới các nhóm đối tượng ưu tiên khác như cảnh sát và giáo viên. Chương trình này dự kiến kéo dài đến tháng 6/2021.
Trong giai đoạn tiêm chủng thứ hai từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, Kenya sẽ tập trung tiêm chủng cho những đối tượng có nguy cơ tử vong hoặc lây nhiễm cao do COVID-19.
Giai đoạn cuối cùng sẽ kéo dài đến tháng 7/2023, tiêm chủng cho những người còn lại.
Đến nay, Kenya ghi nhận 107.000 ca mắc COVID-19 và 1.870 ca tử vong.
Vaccine AstraZeneca 'chống biển chủng nCoV Brazil hiệu quả'
Dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể chống lại biến chủng nCoV P1 ở Brazil hiệu quả.
Nghiên cứu cho biết vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển có thể chống P1, còn gọi là biến chủng Brazil, một cách hiệu quả mà không cần sửa đổi, một nguồn tin cho biết ngày 5/3. Biến chủng nCoV P1 được cho là bắt nguồn từ thành phố Manaus thuộc bang Amazon, Brazil.
Nguồn tin không tiết lộ hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong việc chống lại biến chủng P1, song cho biết kết quả của nghiên cứu sẽ sớm được công bố và có thể trong tháng 3.
Một nghiên cứu khác cho thấy AstraZeneca kém hiệu quả đối với biến chủng được phát hiện ở Nam Phi, tương đồng với P1. Nam Phi sau đó dừng sử dụng vaccine AstraZeneca.
Lọ đựng vaccine của AstraZeneca. Ảnh: Reuters .
Thông tin về hiệu quả của vaccine AstraZeneca được đưa ra sau khi một nghiên cứu cho thấy sản phẩm của hãng Sinovac không hiệu quả với biến thể nCoV từ Brazil. Fiocruz, đơn vị gửi mẫu phục vụ nghiên cứu, cho biết không có bất cứ thông tin nào do Đại học Oxford và AstraZeneca là bên chủ trì.
Đại học Oxford và AstraZeneca chưa bình luận về thông tin trên.
Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 116 triệu ca nhiễm, gần 2,6 triệu ca tử vong và gần 92 triệu người đã bình phục.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với gần 11 triệu ca nhiễm và hơn 261.000 ca tử vong. Quốc gia Nam Mỹ đang đối mặt với đợt bùng phát thứ hai, ghi nhận ngày chết chóc nhất từ khi Covid-19 xuất hiện hôm 3/3 với 1.910 ca tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định biến thể P1 là một trong những yếu tố khiến ca nhiễm và tử vong vì nCoV gần đây tăng lên. Giới khoa học bày tỏ quan ngại về khả năng kháng vaccine Covid-19 của biến chủng P1.
Thêm ba người Hàn Quốc chết sau tiêm vaccine Covid-19 Ngày 4/3, Hàn Quốc báo cáo thêm ba người tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca. Tổng số ca tử vong sau tiêm chủng tại nước này đã lên 5 người. Theo giới chức tỉnh Bắc Jeolla, người thứ nhất 52 tuổi, là bệnh nhân chăm sóc dài hạn tại bệnh viện Jeonju, cách Seoul 243 km về phía nam....