Đám tang giả của trường học Mỹ giúp học sinh thoát áp lực cuộc sống
Hoạt động thường niên của trường học ở bang Atlanta, Mỹ nhằm ngăn ngừa những trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập, bắt nạt học đường và rắc rối trong cuộc sống.
Thánh ca vang lên như muốn làm nổ tung hội trường. Một mục sự đang rao giảng về sự chuộc lỗi và giá trị bản thân. Đâu đó trong căn phòng, những người mẹ đau buồn nhớ về đứa con trai của mình đã chết cách đây một năm.
Khi học sinh cuối cùng bước qua, chiếc quan tài đang mở đã được lấp đầy bởi hàng trăm tờ giấy. Nỗi buồn, áp lực, đau khổ được các học sinh viết ra trên mỗi tờ giấy này hôm nay sẽ được chôn vùi theo đúng nghĩa đen.
Quan tài là thật. Nhưng đám tang chỉ là biểu tượng, được tổ chức hàng năm tại trường trung học Frederick Doulass nằm ở phía tây Atlanta (Mỹ) với mục đích giúp học sinh đối mặt và giải tỏa những căng thẳng, cảm xúc tiêu cực sau một năm học, theo The Washington Post.
Zing.vn trích dịch bài viết trên The Washington Post kể về đám tang giả được trường học tổ chức hàng năm như một phần của chương trình giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh đang ngày một phổ biến ở Mỹ.
Các thành viên của đội bóng rổ đưa chiếc quan tài vào hội trường trong một đám tang mô phỏng ở trường trung học Frederick Doulass, Atlanta.
‘Bạn đã đủ tốt rồi’
Frederick Doulass nổi tiếng là ngôi trường mà hai người con của Martin Luther King Jr., rapper Killer Mike và thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms từng theo học nhưng cũng két tiếng là nơi có điểm kiểm tra tồi tệ nhất.
Năm ngoái, chỉ 9% học sinh vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Anh của tiểu bang và 2% qua được môn Toán.
Trong lần đầu tiên đám tang giả được tổ chức tại trường, học sinh được xem một video các giáo viên, nhân viên xã hội kể về tuổi thơ khó khăn của họ: mẹ là phạm nhân, cha mất tích, chứng kiến hai vụ giết người, tuổi thơ bị bắt nạt, có thai năm 17 tuổi, nghèo khó…
Sau đó, các học sinh được yêu cầu viết bài luận về cuộc sống của chính mình. Điều gì khiến bạn không thể trở nên tốt đẹp hơn? Bạn muốn chôn vùi điều gì?
“Điều này quá riêng tư”, “Tôi không có cảm xúc gì”, nhiều học sinh bất mãn với đề bài.
Nhưng trong một lớp học gần đó của giáo viên Tremetrice Wheeler, học sinh không cần quá nhiều sự thôi thúc đã bắt đầu viết câu chuyện của mình.
Trước buổi lễ, Kristin White (17 tuổi, học sinh lớp 12) nói với các bạn cùng lớp về những vấn đề cô gặp phải và ý định tự tử của mình.
“Tất cả chúng ta đều có một câu chuyện cần được kể, cần phải giải quyết, cần phải chôn vùi”, Wheeler nói với các học sinh của mình. Sau khi kết thúc, cô hỏi liệu có ai muốn chia sẻ những gì họ đã viết không.
Năm cánh tay giơ lên.
Video đang HOT
“Tôi là một người hay giận dữ và luôn có thái độ không tốt với mọi thứ”, một cô gái nói khi nắm chặt cặp kính và không thể kìm được nước mắt.
Một người khác cho biết cô đã cố tự tử. “Tôi cảm thấy như không ai hiểu cảm giác của mình”, nữ sinh nói.
Cũng trải qua thời niên thiếu đầy khó khăn, nhân viên xã hội Ed Morris là người lên ý tưởng cho đám tang giả tại trường Frederick Doulass.
Lớn lên ở Saint Louis, Morris nói rằng cha anh là một kẻ buôn ma túy, luôn đánh mẹ. Những người đàn ông lạ mặt từng đến nhà, dí súng vào đầu hai mẹ con Morris khi anh mới lên 5.
Anh bắt đầu làm việc tại Frederick Doulass vào năm 2015 và mỗi ngày đi qua hành lang gặp những học sinh của mình, anh luôn nói những câu như:
“Em đang làm tốt hơn đấy”.
“Thầy tin em! Tạm biệt!”.
“Đây là chìa khóa của giáo dục. Phải yêu thương học sinh của mình”, Morris nói.
Việc tham dự đám tang giả là tự nguyện, nhưng hôm nay hội trường kín chỗ.
Các cầu thủ trong đội bóng rổ nữ vô địch quốc gia đưa chiếc quan tài vào hội trường qua lối đi trung tâm. Hoa được đặt trên quan tài lót vải satin.
Khi tang lễ vừa bắt đầu, vẫn có tiếng xì xào và cười đùa trên khán đài. Nhưng tất cả im bặt khi ba bà mẹ bước lên sân khấu.
Con trai họ từng học tại Frederick Doulass, không may bị bắn chết vào năm ngoái. Những bức ảnh của các cậu bé chưa tròn 18 tuổi được chiếu lên màn hình lớn.
Nhân viên xã hội học đường Ed Morris cho rằng sự cảm thông, yêu thương chính là chìa khóa của giáo dục.
Penny Brown Reynold, cựu thẩm phán tòa án tiểu bang, đến tang lễ với tư cách một diễn giả.
Bà kể câu chuyện của mình: chưa từng biết đến cha, sinh ra trong nghèo khó, được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân.
Sau này khi có thành tích học tập tốt, bằng cấp cao, công việc nhiều người mơ ước nhưng bà Reynold chưa bao giờ thấy hài lòng chỉ đến khi một vị giáo sư nói với bà: “Bạn đã đủ tốt rồi”.
“Tôi đã khóc vì chưa từng một ai nói với tôi điều đó. Tôi biết rất nhiều người trong các bạn cũng vậy, không ai nói với chúng ta rằng: ‘Bạn đã đủ tuyệt vời.’”
Và khi mỗi học sinh bước qua, thả những tấm giấy vào quan tài, bà Reynold nói: “Chúng ta đã đủ tốt rồi”. Giọng nói bà cựu thẩm phán lặp đi lặp lại, vang vọng trong hội trường.
Học từ cách chào buổi sáng đến cách chia sẻ cảm xúc
Sau khi đám tang giả kết thúc, nhân viên xã hội và hiệu trưởng của trường trung học ở lại để đọc hàng trăm mẫu giấy được lấy từ quan tài.
“Mùa đông, trời rất lạnh, không có đèn, không có nước…
Mọi người xung quanh tôi đều bán thuốc, ma túy…
Tôi còn không biết cha tôi trông như thế nào…”
“Đây là lý do chúng không thể học”, Bác sĩ Morris nói với Hiệu trưởng Ellis L. Duncan. khi đọc mẫu giấy được viết bởi một học sinh đang muốn tự tử.
“Tôi cần tìm đứa trẻ này”, Morris nói.
Nhiều học sinh, giáo viên khóc trong suốt đám tang giả.
Đám tang giả ở Atlanta là một phần của phong trào giáo dục cảm xúc xã hội đang được áp dụng tại nhiều trường học trên toàn nước Mỹ.
Trong bối cảnh những chương trình học tập hiện tại còn nặng nề về kiểm tra, quá tập trung vào đọc hiểu, toán học, chương trình mới đề cao cảm xúc, nhu cầu xã hội, hướng đến việc giải tỏa căng thẳng, áp lực cho học sinh đang ngày một phổ biến và được ủng hộ.
Học sinh được học về việc giải quyết mâu thuẫn, đưa ra quyết định đúng đắn và phát triển các mối quan hệ lành mạnh. Thông thường, các kiến thức này được dạy thông qua những bài học thực tế, đơn giản như chào hỏi vào buổi sáng, chia sẻ cảm xúc khi ngồi trong một vòng tròn.
Nghiên cứu cho thấy chương trình này không chỉ giải quyết các vấn đề xúc cảm mà còn giúp học sinh cải thiện điểm kiểm tra.
Tuy nhiên trên thực tế, vì không có một chương trình thống nhất, việc áp dụng tại các trường còn gặp nhiều khó khăn. Một khảo sát cho thấy 1/3 trường học ở Mỹ có chương trình giáo dục cảm xúc xã hội nhưng số lượng các trường đạt chuẩn lại rất ít. Nhiều chương trình không được thiết kế hợp lý, mang tính ngẫu hứng.
Nhiều giờ sau đám tang giả, Morris không thể ngừng suy nghĩ về những ghi chú anh đã đọc. Anh muốn tiếp cận và giúp đỡ những học sinh đang gặp khó khăn, nhưng các bài viết đều là nặc danh.
Những người mẹ có con bị bắn chết năm ngoái và cựu thẩm phán Brown Reynold xuất hiện tại buổi lễ.
Buổi sáng ngày hôm sau, Morris nói trên loa trong giờ phát thanh: “Tôi đã đọc các bài viết vào tối qua. Và tôi chỉ muốn nói rằng, chúng tôi ở đây vì các em vì vậy nếu có bất kỳ vấn đề gì, hãy đến và cho chúng tôi biết”
“Họ đọc chúng. Đáng ra chúng phải được chôn đi”, một học sinh hét lên trong lớp.
Giọng nói của Morris tiếp tục phát ra từ loa.
“Chúng tôi sẽ không để các em một mình”, anh hứa.
Sau đó, anh nhắc lại những gì Brown Reynold đã nói ngày hôm qua: “Bạn đã đủ tốt rồi. Tôi không muốn các em quên, tất cả các em đều rất tuyệt vời”.
Theo Zing
Muốn chơi thì phải đi xa
Kết thúc năm học lớp 7 với thành tích học sinh khá, bé Nguyễn Minh Đào (học sinh Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh) lại phải vội vàng chuẩn bị sách vở học thêm hè bên ngoài. Áp lực phải đạt thành tích học sinh giỏi từ ba mẹ, khiến mùa hè của em như một học kỳ thứ 3 đúng nghĩa.
Ảnh minh họa
Khác với Đào, gia đình bé Công Trí (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) không đặt nặng vấn đề thành tích hay bắt ép con mình phải học thêm hè. Nhưng chuyện gửi bé ở đâu khiến cả nhà phải đau đầu, vì học sinh nghỉ hè nhưng người lớn trong gia đình vẫn phải đi làm. "Nghỉ hè cho tụi nhỏ thảnh thơi bớt lo bài vở nhưng mà mình thì rầu, ở nhà ai cũng đi làm, nghỉ hè nó ở nhà không ai coi chừng. Không lẽ, tới hè thì cả nhà lại cùng nhau nghỉ hè hết, mà cho đi học thêm thì tội nghiệp con quá, học trên trường cũng nhiều rồi", cô Nguyễn Kim Ba (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), mẹ bé Trí than vãn.
Vì là khu vực ngoại thành, nên gần nhà không có nhiều các lớp năng khiếu hay ngoại khóa hè dành cho trẻ em. Tại Nhà Thiếu nhi huyện Bình Chánh các lớp học như luyện chữ đẹp, thể dục nhịp điệu, lớp vẽ, giải toán nhanh, lớp võ... được chiêu sinh liên tục, với mức học phí khoảng 300.000 đồng/tháng/lớp. Các lớp học được chia thời gian linh hoạt, bao gồm các lớp buổi sáng lẫn tối để phụ huynh và các bé lựa chọn, tuy nhiên nhà thiếu nhi huyện lại khá xa nên không tiện trong việc đưa đón. Nên các bé ở cánh xã Qui Đức, Đa Phước, Phong Phú... ít được ba mẹ cho theo học.
Vừa được nghỉ hè, nhiều gia đình chọn cho các bé học thêm ngay, còn những bé muốn vui chơi thì chờ những buổi sinh hoạt hè từ các anh, chị cán bộ Đoàn xã. Mỗi tuần khoảng 2-3 buổi sinh hoạt tại các sân trường, hoặc ủy ban xã để các bé dễ dàng đi lại và phụ huynh tiện đưa đón. Buổi sinh hoạt gồm những trò chơi đơn giản, hoặc những buổi học về cách làm đồ chơi từ giấy, chai lọ cũ... phần thưởng là những gói bánh, cái kẹo ăn vặt nhưng lại là cả một niềm mong chờ vào mỗi dịp hè của nhiều trẻ em khu vực ngoại thành.
Không như trẻ em khu vực trung tâm và nội thành, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa các quận trong thành phố liên tục chiêu sinh với nhiều lớp học năng khiếu hấp dẫn. Như chuỗi lớp học về mỹ thuật ở Trung tâm Toa Tàu (Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), trung tâm Magic Art (Hoa Lan, quận Phú Nhuận) với các lớp vẽ tranh, nhiếp ảnh, nặn đất sét, trung tâm âm nhạc Armuli (quận 2), Blessed Music School (quận Tân Bình) với các lớp chuyên về thanh nhạc, đàn ghi ta và piano... Bên cạnh đó, là Học kỳ quân đội được biết đến trong nhiều năm qua, Học kỳ thể thao với lớp học 1 tuần và 2 tuần dành cho trẻ từ 7 - 16 tuổi.
Trẻ em vùng ven ngoại thành không có nhiều lựa chọn như thế cho những ngày hè, do đường sá xa xôi, cũng có thể do phụ huynh không thể kham nổi chi phí cho những lớp học kỹ năng dao động từ 8 triệu đến hơn 15 triệu đồng/khóa. Và hơn tất cả, các em vẫn thiếu những thiết chế văn hóa gần gũi ngay ở nơi mình sống để có thể vui chơi thỏa thích. "Muốn chơi thì phải đi xa", là nỗi khổ của mỗi bậc phụ huynh và học sinh mỗi khi hè về...
THIÊN THANH
Theo SGGP
Ấn Độ: 19 học sinh tự tử vì bị "chấm điểm sai" Mười chín học sinh lớp 12 ở bang Telangana - Ấn Độ đã tự tử sau khi nhà trường công bố kết quả thi cuối cấp. Đài CNN hôm 30-4 dẫn lời các quan chức bang Telangana cho biết các vụ tự tử xảy ra từ cách đây 2 tuần. Toàn bộ 19 học sinh đều trải qua kỳ thi cuối cấp và...