Đạm Phú Mỹ: Vì sao lợi nhuận liên tục ‘rơi’?
Đạm Phú Mỹ mới đây đã công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018 với các chỉ số tài chính tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch công bố đầu năm 2018.
Mới đây, Tổng Công ty Phân bón Hóa chất và Dầu khí (gọi tắt là Đạm Phú Mỹ, PVFCCo, mã chứng khoán: DPM) đã công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) với các chỉ số tài chính tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch công bố đầu năm 2018. Trong đó doanh thu tăng từ 8.577 tỷ đồng lên 9.050 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,5%, lợi nhuận sau thuế tăng từ 371 tỷ đồng lên 620 tỷ đồng, tương ứng tăng 67%.
Nhìn vào con số này có thể thấy, kế hoạch công bố đầu năm 2018 cho thấy những con số khá “khiêm tốn” ở doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế.
Bên cạnh đó, PVFCCo cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu sản xuất và kinh doanh các sản phẩm do PVFCCo sản xuất, cụ thể một số chỉ tiêu sau điều chỉnh là: sản lượng kinh doanh Đạm Phú Mỹ là 800.000 tấn; sản phẩm NPK Phú Mỹ do Nhà máy công nghệ hoá học của PVFCCo sản xuất có sản lượng sản xuất và kinh doanh lần lượt là 50.000 tấn và 35.000 tấn; sản lượng UFC85 sản xuất là 13.000 tấn.
Theo lý giải của đơn vị này, các chỉ tiêu tài chính của PVFCCo tăng mạnh chủ yếu là vận hành Nhà máy hiệu quả; tăng sản lượng kinh doanh của các sản phẩm có giá bán và lợi nhuận biên cao; chủ động, linh hoạt điều độ và tiêu thụ vào thời điểm thị trường thuận lợi; tiết giảm chi phí mọi mặt; chi phí khấu hao dự án NH3 -NPK chưa phải trích trong kỳ.
Đạm Phú Mỹ mới đây đã công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh 2018. (Nguồn: ĐPM).
Về tổng sản lượng kinh doanh (gồm các sản phẩm sản xuất và nhập khẩu) của PVFCCo năm 2018 ước đạt 1.266.100 tấn phân bón và hoá chất các loại, trong đó, nổi bật là kinh doanh Đạm Phú Mỹ là 800.000 tấn; NPK Phú Mỹ (gồm cả sản lượng sản xuất và nhập khẩu) là 141.000 tấn; hoá chất đạt 116.100 tấn. Đặc biệt, so với năm 2017, sản lượng kinh doanh NPK Phú Mỹ các loại của PVFCCo đã tăng hơn 40%, trong đó, toàn bộ lượng NPK Phú Mỹ do Nhà máy của PVFCCo mới sản xuất đã được tiêu thụ rất khả quan do có sự chuẩn bị thị trường kỹ lưỡng trong các năm gần đây cũng như trong năm 2018, PVFCCo đã kịp thời khai thác tốt các “thị trường mới nổi” cho sản phẩm NPK Phú Mỹ.
Video đang HOT
Doanh thu và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ qua các năm (nguồn: DPM).
Thực tế, trong khoảng năm 2007, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất D.ầu khí từng khuấy đảo thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế mà doanh nghiệp này vẽ ra trong suốt những năm qua lại không được như kỳ vọng. Hơn nữa, trong gần 10 năm trở lại đây, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Doanh thu của doanh nghiệp giống như đồ thị hình sin, lúc tăng, lúc giảm nhưng biến động giảm mạnh là không có.
Năm 2010 và 2011, lãi sau thuế của Đạm Phú Mỹ chiếm khoảng 30% cơ cấu doanh thu. Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lãi sau thuế/doanh thu giảm dần từ 25%, 20% và mấy năm gần đây chỉ còn trên dưới 10%.
Trong khi năm 2011, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng gần gấp 2 lần 1.707 tỷ đồng lên 3.141 tỷ đồng thì sang năm 2012 giảm nhẹ xuống 3.068 tỷ đồng. Sang tới năm 2013, con số này tiếp tục giảm xuống còn 2.252 tỷ đồng, năm 2014, cổ đông chứng kiến lợi nhuận một lần nữa rơi mất khoảng 50%, xuống còn 1.134 tỷ đồng.
2015 là năm duy nhất lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ tăng trưởng dương với 1.522 tỷ đồng, sau đó lại giảm trong các năm 2016, 2017, 2018 lần lượt chỉ còn 1.165 tỷ đồng, 708 tỷ đồng và 620 tỷ đồng. Cổ tức giảm và chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng chút. Cụ thể, năm 2015, với kết quả lợi nhuận vượt 46% kế hoạch, cổ đông Đạm Phú Mỹ đã đồng ý nâng mức chia cổ tức 2015 từ 25% lên 40%. Sang năm 2016, tỷ lệ cổ tức đạt con số khá cao 30% (tương ứng mức chi 1.174 tỷ đồng). Năm 2017, cổ tức chỉ còn 20%, và năm 2018, tỷ lệ này chỉ còn 10%.
Nguyễn Huệ
Theo vietq.vn
Vênh số liệu tài chính tại 'ông lớn' PVFCCo
Kiểm toán nhà nước đã yêu cầu PVFCCo rà soát lại một số nghiệp vụ trong công tác tài chính - kế toán, điều chỉnh số liệu trên sổ kế toán và báo cáo tài chính năm 2016, 2017.
Quá trình kiểm toán tại Tổng công ty Phân bón, hóa chất và dầu khí PVFCCo (mã chứng khoán DPM), Kiểm toán nhà nước đã đưa ra báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của doanh nghiệp trong hai năm 2016 - 2017.
Một trong các điểm chính trong quá trình kiểm toán tại đơn vị là số liệu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của PVFCCo.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của PVFCCo năm 2016, các chỉ tiêu này lần lượt là 8.170 tỷ đồng, 1.393 tỷ đồng và 1.165 tỷ đồng.
Tương tự, các số liệu tương ứng của năm 2017 lần lượt là 8.178 tỷ đồng, 853 tỷ đồng và 708 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo kết quả của Kiểm toán nhà nước, các con số này của năm 2016 lần lượt là 8.171 tỷ đồng, 1.400 tỷ đồng và 1.167 tỷ đồng. Của năm 2017 lần lượt là 8.187 tỷ đồng, 1.052 tỷ đồng và 895 tỷ đồng(năm 2017).
Các số liệu này có sự "vênh" nhau giữa hai báo cáo của PVFCCo và Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, số liệu lợi nhuận trước thuế và sau thuế 2017 theo kết quả kiểm toán tăng 199 tỷ đồng và 187 tỷ đồng so với kiểm toán độc lập.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ. (Ảnh: PVFCCo)
Kiểm toán nhà nước đã yêu cầu PVFCCo rà soát lại một số nghiệp vụ trong công tác tài chính - kế toán để phản ánh kịp thời các nghiệp vụ này trong niên độ kế toán. Cụ thể là điều chỉnh số liệu trên sổ kế toán và báo cáo tài chính năm 2016, 2017, đồng thời nộp bổ sung khoản thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm là 17 tỷ đồng do thay đổi kết quả sản xuất kinh doanh.
Theo PVFCCo, số liệu lợi nhuận trước thuế và sau thuế có sự chênh lệch là do một số nguyên nhân. Trước hết, một số chi phí sửa chữa lớn do thời điểm kết thúc vào 31/12/2017 nên công ty mẹ chưa ghi nhận giảm giá vốn vào báo cáo tài chính năm 2017 (111 tỷ đồng). Công ty mẹ đã hạch toán tăng tài sản vào báo cáo tài chính 9 tháng 2018.
Thứ nữa, chi phí sửa chữa bảo dưỡng tổng thể thực tế giảm 43 tỷ đồng so với dự toán làm giảm giá vốn tương ứng. Công ty mẹ đã hạch toán hoàn nhập chi phí sửa chữa vào báo cáo tài chính 6 tháng 2018.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm 9 tỷ đồng do phân bổ lại chi phí vận chuyển đối với lượng hàng tồn kho cuối kỳ.
Cùng đó, chi phí quản lý giảm 23 tỷ đồng do phân loại lại một số mục chi phí tiền lương, hoàn nhập một số chi phí trích trước và phân bổ lại công cụ dụng cụ tại công ty mẹ và công ty con.
PVFCCo cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để hoàn thiện công tác nghiệp vụ của mình.
Hoàng Hưng
Theo vtc.vn
Có thêm hàng chục doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng đột biến, vượt xa kế hoạch năm Danh sách những doanh nghiệp báo lãi vượt xa kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng đang ngày một nối dài ra. Mùa báo cáo tài chính quý 2 đã dần khép lại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, trải qua nửa đầu năm 2018 này,...