Đầm ấm bữa cơm tình thương thầy trò
Bữa cơm trưa tình thương nâng bước hàng trăm học sinh quê nghèo huyện miền núi Quế Sơn đến trường
GD&TĐ – Chương trình “Cơm trưa tình thương” của Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã giúp học sinh an tâm với chuyện học, còn phụ huynh học sinh giảm bớt đi nỗi âu lo về sức khỏe, yên tâm hơn khi con cái chấm dứt được tình cảnh “cơm đường, cháo chợ” sau buổi học…
Trích góp từ những đồng lương ít ỏi và góp nhặt từ những khoản tiền đi vận động các tổ chức, cá nhân khắp các nơi, cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn, Quảng Nam) tổ chức bữa cơm trưa tình thương cho học sinh nghèo, học sinh các xã vùng xa trong suốt 4 năm học qua.
Trích tiền lương nuôi học trò nghèo
Suốt 4 năm nay, đều đặn vào các ngày trong tuần: Thứ Hai, Ba, Tư và thứ Sáu, các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có quãng đường từ nhà đến trường từ 10 km trở lên được ăn cơm trưa miễn phí ngay tại nhà trường sau buổi học sáng.
Chương trình “Cơm trưa tình thương” của Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã giúp học sinh an tâm với chuyện học, còn phụ huynh học sinh giảm bớt đi nỗi âu lo về sức khỏe, yên tâm hơn khi con cái chấm dứt được tình cảnh “cơm đường, cháo chợ” sau buổi học hay phải hì hục đạp xe cả giờ đồng hồ về nhà chỉ để ăn bữa trưa rồi lật đật quay lại lớp học buổi chiều.
Một điều đáng trân trọng hơn khi kinh phí tổ chức bữa cơm trưa tình thương dành cho học sinh lại được cán bộ, giáo viên nhà trường trích từ những đồng lương ít ỏi của mình.
Video đang HOT
Theo lãnh đạo Trường THPT Trần Đại Nghĩa, bữa cơm trưa tình thương được nhà trường tổ chức từ năm học 2011 – 2012 và duy trì đều đặn cho đến tận hôm nay.
Trung bình mỗi năm học có đến 10.000 lượt học sinh được thụ hưởng chương trình “Cơm trưa tình thương” ngay tại trường, với trị giá mỗi suốt cơm từ 12.000 – 14.000 đồng.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Chín – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ phụ trách chương trình “Cơm trưa tình thương”, mặc dù Trường THPT Trần Đại Nghĩa đóng tại trung tâm huyện Quế Sơn, tuy nhiên, số lượng học sinh đang theo học tại trường lại sống phân tán, rải đều khắp các xã trên địa bàn.
Có học sinh ở cách xa trường hơn 15km, việc đi lại gặp phải không ít khó khăn và mất rất nhiều thời gian, nhất là những ngày tổ chức dạy học 2 buổi, hay trường lớp có tổ chức hoạt động gì.
Bên cạnh đó, hầu hết học sinh đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em thuộc hộ nghèo, gia cảnh đặc biệt khó khăn nên chuyện học hành càng khó khăn hơn.
Chính vì điều đó, mà đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường hết sức trăn trở và luôn đau đáu nỗi niềm muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa thiết thực để giúp học sinh giảm bớt những gánh nặng âu lo hằng ngày, yên tâm đến trường học tập.
“Một lý do khác thôi thúc nhà trường tổ chức chương trình “Bữa cơm trưa tình thương” cho học sinh, đó là xuất phát từ những lần nhìn thấy hình ảnh học sinh “cơm đùm, mắm bới” hay vất vả ăn mì tôm sống, hoặc lang lang dọc quán chợ ăn cơm, ăn cháo hết sức thương tâm…
Cho nên, Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên họp bàn cùng thống nhất tổ chức bữa cơm trưa cho các em học sinh.
Để có kinh phí tổ chức, cứ vào cuối tháng, mỗi thầy cô tình nguyện trích một phần tiền lương quyên góp cho chương trình. Ngoài ra, giáo viên trong trường không ngần ngại đi gõ cửa các đơn vị hảo tâm gần xa xin tiền hỗ trợ cho chương trình với mục đích duy trì và bổ sung cho bữa ăn tình thương, nhằm san sẻ một phần khó khăn với học trò nghèo”, thầy Chín chia sẻ.
Vun đắp nghĩa cử cao đẹp
Nhắc đến chương trình “Cơm trưa tình thương” mà cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa đang ngày ngày thực hiện, các em học sinh được thụ hưởng trong nhiều năm qua đều rất xúc động.
Em Trần Hoàng Mỹ Lệ – Học sinh lớp 11C3 – vui mừng: “Gần hai năm theo học tại trường cũng chừng đó năm em được dùng bữa cơm trưa do chính thầy cô giáo giảng dạy mình góp tiền tổ chức. Bữa cơm thật đầm ấm như càng tạo động lực giúp em nỗ lực phấn đấu học tập mỗi ngày”.
Không còn chịu cảnh vất vả, tất bật sau những buổi học sáng đạp xe xuống nhà, lên trường như những anh, chị cùng quê các khóa học trước, em Lê Bảo Yến – quê ở xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn) cách trường gần 15 km, phấn khởi:
“Được dùng bữa cơm trưa ngay tại trường không chỉ giúp em tiết kiệm được các khoản chi tiêu hằng ngày, mà còn tạo điều kiện cho bản thân em cũng như các bạn có thời gian ôn bài, nghỉ ngơi chuẩn bị sức khỏe cho buổi học chiều”.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Chín, năm học 2014 – 2015, toàn trường có hơn 800 học sinh, trong đó có 77 em được hưởng lợi từ chương trình “Bữa cơm trưa tình thương”.
Tuy nhiên, mong muốn của nhà trường là vừa mở rộng được đối tượng học sinh, vừa tiếp tục duy trì, phát triển chương trình có ý nghĩa thiết thực này; chính vì thế mà vấn đề lo lắng nhất của tập thể cán bộ, giáo viên hiện nay là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của chương trình “Bữa cơm trưa tình thương”.
Thầy Chín cho biết: “Để tổ chức được những bữa cơm miễn phí cho các thế hệ học sinh trong suốt 4 năm học qua là sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ở trên địa bàn huyện, tỉnh Quảng Nam và cả ở nước ngoài.
Theo đó, trong thời gian tới, để giúp học sinh ngày càng có bữa ăn chất lượng hơn, nhà trường dự định sẽ tổ chức triển khai xây dựng bếp ăn ngay tại trường, chứ không phải thuê người ngoài nấu cơm như hiện nay.
Bởi nếu làm được như vậy sẽ giúp giảm bớt chi phí thuê mướn, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa tạo thuận lợi cho công tác tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh”.
Cũng theo thầy Chín, chương trình “Bữa cơm trưa tình thương” không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh mà còn tạo dựng cho nhà trường một môi trường giáo dục lành mạnh, tình cảm thầy trò ngày càng gắn kết, tạo động lực cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh.
Ghi nhận tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa dành cho các thế hệ học sinh trong những năm học qua, ông Trần Ngọc Du – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quế Sơn, nói:
“Từ những kết quả tốt đẹp mà chương trình “Bữa cơm trưa tình thương” của Trường THPT Trần Đại Nghĩa thực hiện trong những năm qua và hiện nay đang được cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục triển khai, thì có thể khẳng định rằng, đây là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc và có ý nghĩa rất thiết thực đối với phụ huynh, học sinh, tác động tích cực đến nhận thức và suy nghĩ của người dân địa phương, cộng đồng xã hội. Đây thực sự là một việc làm hay, hành động có ý nghĩa nhân văn cần được giới thiệu, nhân rộng”.
Theo GD&TD