Đắk Nông: Lớp tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao của cô giáo M’Nông
Đều đặn cuối tuần, hàng chục học sinh xã Đắk Ha (huyên Đắk G’Long, tinh Đăk Nông) lại tập trung tại nhà cô giáo H’Brông để học tiếng Anh. Lớp học ngoại ngữ miễn phí của nữ giáo viên người M’Nông được mở ra với hy vọng sẽ giúp học sinh xã vùng cao này mang ước mơ đi xa hơn.
Mỗi mỗi buổi sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, căn nhà đơn sơ tại bon Kon Hao (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) rộn rã tiếng học sinh đọc bài. Chủ nhân của căn nhà và cũng là người trực tiếp giảng dạy là cô H’Brông, giáo viên Trường THPT Đắk Song (huyện Đắk Song).
Lớp học đơn giản chỉ có 1 chiếc bàn tròn, vài chiếc ghế nhựa cho học sinh khối tiểu học ngồi học bài. Trong lớp phần lớn là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã.
Lớp học của cố H’Brông đơn sơ với vài chiếc ghế nhựa và chiếc bảng nhỏ
Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, cô H’Brông cho biết, lớp học được duy trì từ đầu năm học 2018-2019 đến nay. Học sinh chủ yếu là các em của Trường tiểu học Nguyễn Trãi tại địa bàn , và người dân tộc M’Nông, Tày ở các thôn khác của xã Đắk Ha.
“Các em phần nhiều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm rẫy ít có điều kiện quan tâm, chăm sóc, nhất là việc học hành. Thương các em, không có điều kiện đi ra đi học ở trung tâm nên sẵn có chuyên môn sư phạm, tôi mở lớp học giúp các em hiểu biết thêm về tiếng Anh. Lớp học hoàn toàn tự nguyện và miễn phí nên em nào có nguyện vọng học thì cứ đến đăng ký là được vào lớp”, nữ giáo viên sinh năm 1989 cho hay.
Phần lớp học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện đi học thêm
Những ngày đầu tiên lớp khai giảng, chỉ có vài em ở bon Kon Hao đến học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, nhiều phụ huynh trên địa bàn biết đến đã cho con đến nhà cô H’Brông học thêm. Điều này không chỉ khiến nữ giáo viên cảm thấy hạnh phúc mà còn tạo động lực cho cô tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
“Ngay từ nhỏ, tôi đã ước mơ được trở thành một giáo viên để đứng trên bục giảng. Cơ duyên đưa tôi đến với ngành Sư phạm tiếng Anh rồi trở thành giáo viên của một trường THPT trong tỉnh. Tôi luôn có một ước mơ là những đứa trẻ ở bon làng có điều kiện được đến trường, được học những môn chúng yêu thích và sớm tiếp cận với ngoại ngữ để sau này có thể vươn xa hơn. Chính vì thế, ngoài việc dạy học ở trường, tôi đã quyết tâm mở một lớp học ngay tại nhà vào cuối tuần để trẻ em trong xã có thể đến học”, cô H’Brông chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Gắn bó với lớp học được gần nửa năm, cô H’Brông cho biết, bản thân cô là người dân tộc M’Nông nên rất cảm thông với các em. Việc tiếp thu tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh lại còn khó hơn, vì vậy khi học, cô giảng rất chậm, hướng dẫn từng em một với mong muốn các em nắm vững kiến thức, tự tin trong giao tiếp.
Việc tiếp thu tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh lại còn khó hơn nên nữ giáo viên hướng dẫn từng em
Em Siu H’Hi, dân tộc M’Nông cho biết: “Những năm trước, cuối tuần thì chúng em thường theo bố mẹ lên nương lên rẫy. Năm nay có lớp học của cô H’Brông, chúng em vừa được học, vừa được chơi nên rất vui. Hàng ngày, bố mẹ đi làm rẫy xa, trưa không đón được, chúng em còn được cô nấu cơm để ăn ngay tại nhà nữa”.
Theo cô Hồ Thị Lý, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi, lớp cô cũng có 5 học sinh theo học tiếng Anh ở lớp của cô H’Brông. So với những em khác trong lớp, 5 em này tiến bộ rõ rệt, nhất là môn tiếng Anh. Có một vài em trước đây nghịch ngợm nhưng với sự trợ giúp của cô H’Brông thì ngày càng ngoan hẳn lên.
Ông Trần Văn Sáng (thôn 8, xã Đắk Ha) tâm sự, biết cô H’Brông mở lớp học miễn phí tôi đã cho con đi học. Cô H’Brông rất nhiệt tình nên cháu tiến bộ rõ rệt. Hơn nữa gửi cháu theo học, chúng tôi đi làm rẫy cũng rất yên tâm. Thương cô cứ cuối tuần lại chạy xe máy gần 70km về dạy cho các cháu nên phụ huynh cũng ngỏ ý muốn hỗ trợ cô một phần, nhưng cô kiên quyết từ chối vì sợ mang tiếng. Thực sự, đối với người dân chúng tôi, việc làm của cô H’Brông rất có ý nghĩa”.
Bữa cơm miễn phí của cô giáo M’Nông dành cho học trò vùng cao
Được biết, không chỉ rèn chữ, cô H’Brông còn dạy các em cách cư xử, giữ gìn vệ sinh, thói quen ngăn nắp… Đặc biệt, vào buổi trưa cô còn nấu cơm cho các em ăn, buổi chiều học tiếp không phải về nhà, mặc dù điều kiện kinh tế gia đình cô không mấy khá giả.
Cô H’Brông cho biết: “Chồng tôi làm rẫy xa nên các bữa trưa như thế này thường chỉ có tôi và các em nhỏ. Một số phụ huynh cũng có ý đưa tôi tiền ăn cho các em nhưng tôi không nhận. Tôi thực sự muốn giúp nên sợ mang tiếng… dạy thêm, với lại các em còn nhỏ ăn uống cũng không tốn bao nhiêu nên tôi nấu cơm luôn cho các em. Mỗi bữa chỉ mất thêm một ít, nhưng các em vui, đi học đầy đủ là tôi cũng hạnh phúc rồi”.
Dương Phong
Theo Dân trí
Hàng trăm học sinh và giáo viên bất an vì trường xuống cấp
Chính quyền Đắk Lắk cần khắc phục ngôi trường khiến giáo viên và hàng trăm học sinh luôn nơm nớp lo sợ vì đã xuống cấp trầm trọng.
Trường tiểu học Nguyễn Bá Học ở xã Ea Knuêch (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) hiện có 320 học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tường bong tróc phía bên hông của ngôi trường.
Được xây dựng cách đây 33 năm, ngôi trường này vốn là trụ sở UBND xã. Hiện, trường có 6 phòng, tất cả đều xuống cấp nghiêm trọng.
Tại nhiều phòng học vôi vữa không còn kết dính, bong tróc từng mảng lộ cả gạch. Nền lớp học bong tróc, thầy cô giáo phải mua xi măng về vá dặm. Móng nhà nhiều chỗ đứt gãy, sụt lún dẫn đến nứt tường.
Gắn bó với Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hơn 30 năm nay, cô Hoàng Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1 cho biết, hàng ngày lên lớp, các giáo viên và học sinh đều nơm nớp lo sợ, vì trường lớp đã xuống cấp trầm trọng.
Trần của lớp học từ lâu đã không được che chắn.
Mỗi lần mưa to, gió lớn là giáo viên phải cho các em nghỉ học hoặc di chuyển sang các phòng học an toàn hơn để trú tránh.
"Hàng ngày đứng trên bục giảng, vấn đề chúng tôi lo nhất là an toàn cho học sinh. Bởi vì mỗi năm có bao nhiêu là học sinh. Mỗi lần chúng tôi đến lớp, đặc biệt trong thời gian những ngày mưa, gió rất lo lắng. Có lần lá phông trên trần nhà rơi xuống, chúng tôi phải bỏ dở tiết học, ra nhờ phụ huynh đến cùng dọn dẹp lớp học nên ảnh hưởng rất lớn đến thời gian học tập, cũng như an toàn của các em", cô Hằng cho biết thêm.
Theo cô Thân Thị Nhung - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, không chỉ trường lớp xuống cấp mà cả phòng học đang thiếu trầm trọng. Do thiếu phòng học và các phòng xây từ xưa không đủ diện tích nên các môn học như tin học, tiếng anh, kỹ năng, lịch sử địa phương nhà trường phải cắt bỏ.
Nền lớp học bị bong tróc lộ cả gạch .
"Ngoài vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp, trường học không đảm bảo nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh cao. Hiện tại nan giải thứ hai là số phòng học không đủ để cho các em học hai buổi trên ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mười lớp nhưng chỉ có 6 phòng học, rất khó khăn cho việc phân công thời khóa biểu, nâng cao chất lượng giáo dục dạy học. Chính vì vậy nhiều môn chúng tôi cắt đi gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh của trường", cô Nhung nói thêm.
Trước tình trạng trường lớp xuống cấp, Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và chính quyền xã Ea Knuêch đã làm tờ trình kiến nghị lên UBND huyện Krông Pắk xem xét, tạo điều kiện xây dựng cơ sở mới.
Ông Y Djoang Niê-Chủ tịch UBND xã Ea Knuêch cho biết, sau khi có tờ trình của nhà trường và địa phương, huyện Krông Pắk đã cử cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng và phòng Tài chính kế hoạch, phòng Giáo dục và Đào tạo xuống kiểm tra và kết luận các phòng học không còn giá trị sử dụng.
"Trường Nguyễn Bá Ngọc hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, để đảm bảo cơ sở vật chất cho con em học sinh tại địa phương học tập, an toàn cho tính mạng. Đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng trường Nguyễn Bá Ngọc giúp cho con em đi học và thấy cô giáo an toàn về tính mạng và từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia", ông Y Djoang Niê nói thêm.
Mỗi ngày đến lớp, hàng trăm học sinh cùng giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Ea Knuêch, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn nơm nớp lo âu vì ngôi trường xuống cấp trầm trọng. Chính quyền và ngành giáo dục địa phương cần có phương án kịp thời nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng lại ngôi trường này để việc dạy và học ở đây được an toàn, yên tâm; tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra./.
Theo vov
Chú trọng giải quyết đầu ra cho sinh viên dân tộc miền núi sau tốt nghiệp: Chú trọng... Ngày 18.12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) ở Yên Bái, nhiều đại biểu đến từ các địa phương bày tỏ mong muốn các trường PTDTNT thực sự trở thành "vườn ươm" chứ không phải nơi thực hiện chế độ chính sách. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thăm Trường PTDTNT THCS Văn...