Đắk Nông: “Cơm trưa tặng bạn xa nhà” của đội ve chai trường huyện
Đều đặn mỗi ngày, học sinh trường THPT Nguyễn Du (xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) phân công nhau đi thu gom vỏ chai, lon nước ngọt xung quanh trường. Số ve chai sau đó sẽ được bán để lấy kinh phí nấu cơm trưa cho những học sinh nhà ở xa, những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Sáng thứ 6, tiếng trống tan học vừa dứt, nhiều học sinh của trường THPT Nguyễn Du lại tập trung về Văn phòng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Sau khi phân công công việc, các em tỏa ra các hướng, mang theo bao bố để nhặt vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt và các phế liệu khác. Kể từ đầu năm học 2018-2019, hưởng ứng phong trào giúp bạn học xa nhà, bạn có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh trường huyện này đã nảy ra ý tưởng thu gom phế liệu, bán lấy tiền gây quỹ.
Việc thu gom phế liệu diễn ra sau buổi học sáng
Vừa nhặt ve chai, Ngô Xuân Nguyễn Đức, học sinh lớp 11A3 vừa chia sẻ: “Ban đầu, chúng em chỉ có kế hoạch là thu gom phế liệu và sách báo vụn để bán lấy tiền gây quỹ học bổng. Trong một lần, khi đi nhặt vỏ chai nhựa xong thì một số bạn nhà ở xa trường phải mua bánh mì hoặc lấy cặp lồng cơm ra ngồi ăn chờ học chiều nên chúng em mới đề xuất thay đổi mục đích gây quỹ. Sau đó toàn bộ đoàn viên trong trường đều tán thành chủ trương không tặng học bổng nữa mà dùng số tiền bán ve chai ấy để nấu cơm cho các bạn”.
Chủ yếu là vỏ lon nước ngọt, sách báo cũ được thu gom về
Cũng tranh thủ thời gian sau buổi học, Nguyễn Thị Hoàng Diệu, học sinh lớp 10A2 cho biết: “Tranh thủ sau mỗi buổi học, chúng em thường rủ nhau đi nhặt ve chai. Ban đầu, mọi người xung quanh cũng tò mò rồi xét nét, nghi ngờ lắm nên không xin được nhiều mà chủ yếu nhặt trong trường, ven đường và các thùng rác. Một số bạn còn gom góp ở nhà rồi mang lên ủng hộ nên cứ một tuần là chúng em bán được một số lượng lớn”.
Video đang HOT
Nữ sinh này cũng cho biết thêm, mỗi bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút cuối buổi học sáng để nhặt ve chai. Đây cũng là hoạt động hoàn toàn tự nguyện, “tùy tâm” từng người nên có buổi đông, có buổi chỉ hơn chục người tham gia. Hơn hai tháng triển khai, mỗi tuần các em sẽ phấn đấu, đặt mục tiên được 500- 700.000 đồng góp vào quỹ.
Mỗi tuần, các em phấn đấu gom gom đủ tiền cho cơm trưa cho 15-20 bạn
Vì là hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao lại được thực hiện sau khi tan học (trừ những buổi học 5 tiết) nên phong trào đã thu hút được học sinh tham gia. Không khí đi nhặt ve chai khá háo hức và rôm rả nên chẳng bao lâu các bao phế liệu đã được chất thành đống ngay ngắn.
Số ve chai nhặt được sẽ được tập hợp tại một kho trong trường, cứ một tuần bán một lần. Số tiền bán ve chai hàng tuần sẽ giao cho một người dân gần trường nấu cơm cho các bạn có nhu cầu. Những bữa cơm đảm bảo, đủ chất dinh dưỡng hàng ngày sẽ phục vụ khoảng 15-20 bạn thuộc các xã Long Sơn, Đức Minh, Đức Mạnh (huyện Đắk Mil).
Đặc biệt, hoạt động trên không những được sự hưởng ứng của toàn trường mà nhiều người dân xung quanh còn tích cực ủng hộ.
Một người dân ủng hộ chương trình bằng số ve chai của nhà tự gom góp
Chú Hoàng Văn Hồng, chủ một quán tạp hóa ngay cổng trường cho biết nói: “Hễ khi nào thấy giấy vụn hay sách vở cũ không còn sử dụng là tôi lại gom vào bao. Nhà tôi lại bán đồ ăn vặt cho các cháu nên cũng được rất nhiều vỏ chai. Bán đi thì cũng chẳng được mấy đồng nên cứ nhiều lại kêu bọn nhỏ ra lấy về để gom góp lại, bán lấy tiền mua thức ăn cho bạn. Tiền kiếm được dùng mua quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, nấu cơm cho bạn nghèo thì có nghĩa hơn chứ”.
Là một trong số những học sinh được “hưởng lợi ích” từ hoạt động này, Ngô Thanh Tao, học sinh lớp 12A3 niềm nở: “Nhà em ở xã Long Sơn, cách trường hơn 15 cây số nên học cả ngày thì em phải ở lại trường. Những năm học trước thì em mang cơm đi ăn, thế nhưng cơm mang từ sáng đến trưa thì nguội ngắt, thậm chí bị hỏng nên em chuyển sang ăn bánh mì. Từ đầu năm học này, chúng em không cần ăn cơm nguội với bánh mì nữa mà được ăn đồ nóng, nhờ số tiền từ việc nhặt ve chai”.
Như một cách cảm ơn hành động ý nghĩa ấy, Tao hàng ngày cũng tham gia cùng các bạn thu gom phế liệu, bìa, giấy vụn để gây quỹ. Thi thoảng, nhà trồng được rau, nam sinh này còn mang đến để ủng hộ bếp ăn.
Những bữa trưa cho học sinh được hình thành từ việc nhặt ve chai, phế liệu
Thầy Nguyễn Trường Thi, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Du cho biết, đầu năm học 2018- 2019, Đoàn trường THPT Nguyễn Du phát động phong trào giúp đỡ học sinh đi học xa nhà, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm trưa đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng. Sau khi bàn bạc, các đoàn viên đã thống nhất triển khai mô hình thu gom ve chai, phế liệu ở quanh trường và xin tại các của hàng tạp hóa.
“Cái hay của việc gây quỹ này là giáo dục các em biết nhường cơm sẻ áo, san sẻ yêu thương với những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Không chỉ vậy mà còn dạy các em cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy số tiền quyên góp được hàng tuần chưa cao, những bữa ăn còn đạm bạc nhưng nó đã kịp thời giúp đỡ các học sinh khó khăn và trên hết là phát huy tinh thần tương thân tương ái trong toàn thể học sinh của nhà trường vào mỗi năm học”, thầy Thi khẳng định.
Vườn ra xanh được trồng sắp đến ngày thu hoạch
Cũng theo Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Du, việc gom ve chai, phế liệu đã được rất nhiều người ủng hộ. Trong thời gian này, để phong trào thêm sinh động, ý nghĩa, Đoàn trường còn triển khai thêm mô hình trồng rau xanh, để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Những luống rau xanh trồng ngay trong khuôn viên nhà trường sẽ được các chi đoàn thay nhau chăm sóc, trong thời gian tới sẽ được thu hoạch và bổ sung vào bữa ăn của các học sinh.
Dương Phong
Theo Dân trí
Tiếp sức người Thầy - một chương trình giàu tính nhân văn
"Tiếp sức người Thầy" là một chương trình ý nghĩa, giàu tính nhân văn được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang triển khai từ năm 2011 đến nay. Từ chương trình này, nhiều cán bộ, giáo viên đã nhận được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn, gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Cô Trần Thị Liễn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá được trợ giúp từ Chương trình "Tiếp sức người Thầy." (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ở Kiên Giang có hơn 24.000 cán bộ, giáo viên ở hơn 700 trường học, cơ sở giáo dục. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, tai nạn... Nhằm chia sẻ, hỗ trợ những đồng nghiệp gặp khó khăn, ngoài việc vận động các cơ quan, đơn vị, cộng đồng, một số công đoàn giáo dục huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động vận động thành lập quỹ với nhiều tên gọi khác nhau như: Quỹ Tương tế, Quỹ Mệnh sự...Tuy cách thức triển khai chưa được đồng đều giữa các cơ sở giáo dục, các địa bàn, địa phương trong tỉnh nhưng đều có cùng mục đích là hỗ trợ các gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
[Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường]
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết, khởi đầu chương trình "Tiếp sức người Thầy" với tinh thần đồng nghiệp lo cho đồng nghiệp, vận động mỗi giáo viên đóng góp 1.000 đồng/năm. Sau đó, số tiền quyên góp được nâng lên 2.000 đồng/người/năm, số người được thăm hỏi, hỗ trợ vì vậy cũng tăng lên.
Đến năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục mở rộng chương trình "Tiếp sức người Thầy" giai đoạn 2016-2020, mỗi giáo viên ủng hộ 1 ngày lương/năm. Nhờ đó, Quỹ của chương trình huy động được khoảng 2,2 tỷ đồng/năm và nguồn ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được gần 1,2 tỷ đồng.
Trong những năm qua, chương trình đã hỗ trợ hơn 1.700 trường hợp tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng (trong đó kinh phí trong chương trình là 3,3 tỷ đồng, còn lại của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đóng góp). Trong năm 2018, tính đến cuối tháng 8, chương trình đã hỗ trợ 426 trường hợp với tổng số tiền 901 triệu đồng.
Công đoàn cơ sở ở các trường học, địa phương tìm hiểu, chọn các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật sau đó lên danh sách để đồng nghiệp chia sẻ, thăm hỏi, tùy vào mức độ khó khăn sẽ hỗ trợ với các mức từ 1 triệu đến 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chương trình "Tiếp sức người Thầy" phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình tuyên truyền hằng tháng với số tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng. Thông qua sóng truyền hình, nhiều đơn vị, tổ chức xã hội đã biết thông tin và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các trường hợp giáo viên gặp khó khăn. Từ năm 2019, chương trình "Tiếp sức người Thầy" dự kiến nâng mức hỗ trợ mỗi trường hợp lên từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Cô giáo Trần Thị Liễn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Khánh Dư, tỉnh Kiên Giang là một trong những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt. Cô Liễn bị bệnh tiểu đường từ năm 2011, đến năm 2016, bệnh trở nặng đúng lúc gia đình cô đang vay nợ làm nhà, chồng cô lại bị tai nạn giao thông. Mặc dù vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Khánh Dư Nguyễn Đỗ Xuân Nguyện chia sẻ: Cô Liễn là giáo viên đã công tác tại trường 27 năm. Cô đã tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường trong nhiều năm. Gia đình cô từng phải thuê nhà ở trọ, đến năm 2016 mới vay mượn để làm nhà, bệnh lại trở nặng, chồng bị tai nạn khiến cô suy sụp. Tuy vậy, cô vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao. Cô Liễn rất xúc động khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình "Tiếp sức người Thầy."
Cô Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang, Phó Ban vận động chương trình "Tiếp sức người Thầy" cho biết, trong suốt những năm làm chương trình, cô Mạnh đã gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, cô Nguyễn Thị Nguyệt (cũng là giáo viên Trường Tiểu học Trần Khánh Dư) là một trường hợp bị bệnh ung thư. Nhận được sự thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của chương trình "Tiếp sức người Thầy", cô từng bước hồi phục, chiến thắng bệnh tật. Hiện nay, cô Nguyệt cô đã đi dạy trở lại.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang Lâm Thị Mạnh cho biết thêm: Dịp 20/11 năm nay, chương trình "Tiếp sức người Thầy" tổ chức tặng quà cho 380 giáo viên đang gặp khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Thời gian qua, chương trình đã nhận được sự đóng góp của nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm. Phong trào quan tâm chăm lo giúp đỡ đồng nghiệp gặp khó khăn đang lan tỏa trong từng cơ sở giáo dục ở Kiên Giang, góp phần xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang, chương trình "Tiếp sức người Thầy" giờ đây không chỉ dừng lại là hoạt động từ thiện mà còn góp phần giáo dục lòng nhân ái. Đặc biệt, nhiều thầy cô từng nhận được hỗ trợ, sau khi nghỉ hưu đã đóng góp cho chương trình mỗi tháng 100.000-200.000 đồng từ tiền lương hưu của mình.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang đã quyết định chọn Chương trình "Tiếp sức người Thầy" trong ngành giáo dục và đào tạo là mô hình Dân vận khéo giai đoạn 2016-2020, nhằm tiếp tục tạo sự lan tỏa của chương trình./.
Theo vietnamplus.vn
Học sinh vẽ tranh trên đá, gây quỹ giúp bạn Từ những viên đá, các bạn học sinh miền núi Nghệ An đã vẽ nên những bức tranh sinh động để gây quỹ giúp các bạn học sinh nghèo, mồ côi. Học sinh hào hứng tham gia cuộc thi vẽ tranh trên đá - Ảnh: NHUNG NGUYỄN Buổi chào cờ đầu tuần một ngày đầu tháng 11 ở Trường phổ thông Dân tộc...