Đắk Lắk nỗ lực vượt khó trong năm học mới
Tỉnh Đắk Lắk bắt đầu năm học mới từ ngày 15/9 và triển khai các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến theo phân vùng nguy cơ dịch COVID-19.
Điều này tạo điều kiện cho các địa phương, nhà trường lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên cũng tạo nên nhiều khó khăn cho cả thầy và trò, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi sự nỗ lực của cả đội ngũ giáo viên và học sinh để hoàn thành chương trình dạy và học.
Khó khăn chồng chất
Một tiết dạy trực tuyến của giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk).
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc dạy và học đang có xu hướng tổ chức theo hình thức trực tuyến trên truyền hình, internet. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk có đặc thù nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đối với nhiều hộ gia đình việc học trực tuyến là điều “xa xỉ” khi thiếu thiết bị học tập lẫn đường truyền kết nối mạng internet.
Trước thềm năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã khảo sát khả năng học trực tuyến của học sinh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến ở bậc Trung học Phổ thông là 3,24%; Giáo dục thường xuyên 4,53%; Trung học Cơ sở 17,54%; nhiều nhất là ở bậc Tiểu học 61,7%.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, một trong những khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến là nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập. Năng lực sử dụng công nghệ thông tin của học sinh Tiểu học, một bộ phận học sinh Trung học còn hạn chế. Một số giáo viên lớn tuổi kỹ năng dạy học trực tuyến chưa thành thạo.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, Lê Hữu Quynh cho biết: Năm học 2021-2022 hết sức đặc biệt khi bắt đầu và diễn ra trong bối cảnh địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16/CT-TTg. Việc dạy và học cũng được tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, có 50% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn còn khá nhiều học sinh không có thiết bị để học trực tuyến, nhiều “vùng lõm” về sóng để kết nối mạng internet. Bên cạnh đó, nhiều học sinh vẫn chưa tiếp cận được sách giáo khoa do việc đi lại bị hạn chế vì dịch bệnh hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) hướng dẫn bài tại nhà cho học sinh.
Video đang HOT
Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, Trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, cho biết: Cả lớp có 31 học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số và chỉ 14 em có thiết bị để học trực tuyến. Do đó, giáo viên phải áp dụng hình thức đến từng nhà học sinh để giao bài.
“Dạy học trực tuyến hay giao bài tận nhà là hình thức dạy và học đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là ở cấp tiểu học khi sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh rất hạn chế. Do đó, mỗi giáo viên cần cố gắng để bao quát, đánh giá việc tiếp thu bài học của học sinh, đặc biệt mỗi phụ huynh phải đóng vai trò là “người thầy thứ hai” quan tâm, hướng dẫn học sinh học tập, phối hợp chặt chẽ với giáo viên để hỗ trợ con em mình”, cô Lê Thị Tuyến chia sẻ.
Đối với nhiều phụ huynh, việc dạy và học trực tuyến đang trở thành vấn đề nan giải khi diễn ra trong hoàn cảnh thiếu thốn các điều kiện cần thiết. Chị H Brắc Ayun, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar cho biết: Gia đình có hai cháu học lớp 7 và lớp 2, đều không có thiết bị, mạng internet để học trực tuyến. Cháu lớp 7 phải sang nhà bạn cùng lớp để “học ké”, cháu lớp 2 học theo hình thức giao bài tại nhà.
“Gia đình phải đi làm nương, rẫy nên việc kèm cháu lớp 2 học bài chỉ tranh thủ buổi tối, do đó cũng rất khó khăn trong theo dõi quá trình học tập của con em và lo lắng con không theo kịp bài học, chương trình học. Gia đình cũng cố gắng hết sức để hỗ trợ cháu và mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để cháu đến trường học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn”, chị H Brắc Ayun nói.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa: Dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là thách thức rất lớn trong năm học 2021-2022, nhất là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đặc biệt, học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học trực tuyến, học sinh lớp 1 không có thời gian làm quen môi trường học tập mới như các năm học trước, khiến việc duy trì chất lượng dạy và học gặp nhiều khó khăn.
Không để học sinh bị bỏ lại phía sau
Giáo viên trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) đến tận nhà học sinh không có điều kiện học trực tuyến để giao bài.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm học mới, nhất là dạy và học thích ứng với diễn biến dịch bệnh thì mỗi giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải chủ động, linh hoạt và cố gắng gấp nhiều lần để duy trì ổn định việc dạy và học, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm học mới. Trong bối cảnh ấy, mỗi phụ huynh cần đồng hành với học sinh, phối hợp chặt chẽ với giáo viên trong việc dạy và học, nhất là ở cấp tiểu học. Các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cũng cần chung tay hỗ trợ ngành Giáo dục triển khai tốt nhiệm vụ dạy và học.
Theo ông Y Wem H’wing, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar, Đắk Lắk: Để vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả vừa tổ chức dạy và học, huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng phương án tổ chức dạy học sát với tình hình thực tế, linh hoạt trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Để giải quyết những khó khăn như thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet, thầy, cô giáo sẽ lựa chọn hình thức giao bài, phát phiếu học tập tại nhà. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo linh động trong việc hướng dẫn bài tập, tận dụng mọi điều kiện tương tác với học sinh để các em đều được học tập và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tích cực với ngành Giáo dục trong việc triển khai dạy và học; đồng thời giám sát chặt chẽ để đảm bảo năm học mới được diễn ra an toàn, hiệu quả.
Là một trong những giáo viên giảng dạy ở điểm trường cách xa trung tâm xã, thiếu thốn các điều kiện học tập, cô Lê Thị Hải Đường, giáo lớp 1, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar chia sẻ: Ngay từ đầu năm học mới, giáo viên đã “gõ cửa” từng nhà học sinh để khảo sát điều kiện học trực tuyến, hướng dẫn cách học trên điện thoại di động. Cả lớp có 33 học sinh thì chỉ 14 em có thiết bị học tập trực tuyến. Tuy nhiên, khu vực các em sinh sống thuộc vùng xa nên sóng điện thoại lẫn đường truyền internet đều không ổn định. Vì vậy, giáo viên đã linh hoạt vận dụng nhiều hình thức từ dạy trực tuyến đến giao bài, hướng dẫn bài tại nhà cho tất cả học sinh để đảm bảo các em đều được học tập trong bối cảnh không được đến trường vì dịch bệnh.
“Dạy học bằng nhiều hình thức với học sinh lớp 1, trên địa bàn đặc thù khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng lên rất nhiều và phần nào khó khăn trong dạy và học, thậm chí mất nhiều thời gian khi phải di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Tuy nhiên, được sự động viên, chỉ đạo sát của lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương, mỗi giáo viên luôn nỗ lực để truyền tải nội dung bài học đến học sinh, giúp các em nhanh chóng làm quen với môi trường học tập mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp”, cô Lê Thị Hải Đường cho hay.
Phụ huynh tại xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar hướng dẫn học sinh học tại nhà khi không có điều kiện học trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng lưu ý, các nhà trường khi triển khai các hình thức dạy học phải thông báo, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh các thông tin cụ thể về nền tảng, phương tiện sử dụng dạy học; cách thức giao nhiệm vụ học tập; nội dung bài học; phương thức kiểm tra, đánh giá và nội quy học tập đối với từng hình thức dạy học. Các trường bố trí thời gian học phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Cuối mỗi tuần học, nhà trường đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời; tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ chương trình làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học, gây khó khăn cho học sinh, gia đình học sinh trong việc tiếp cận các hình thức dạy học. Các trường quan tâm đặc biệt đến học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tuyệt đối không để bất cứ học sinh nào không được học.
Bên cạnh việc linh hoạt lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với thực tế, các nhà trường cũng cần sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy và học trực tiếp, nhất là đối với những nội dung thực hành, thí nghiệm và kiến thức cốt lõi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Đối với những khó khăn liên quan đến thiết bị học trực tuyến, đường truyền viễn thông, chính quyền các địa phương đang phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, đánh giá các điều kiện dạy và học trực tuyến, từ đó tổng hợp, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, mỗi địa phương, mỗi giáo viên sẽ chủ động, linh hoạt các hình thức dạy và học, vừa đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.
Hải Phòng linh hoạt kế hoạch giảng dạy trực tiếp và trực tuyến
Đón năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã sẵn sàng phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến để thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19.
Đến thời điểm này, các nhà trường, thầy, cô giáo và học sinh đều phấn khởi chuẩn bị để đến trường học tập, bắt đầu những ngày đầu tiên của năm học mới từ ngày 6/9.
Học sinh ngồi học giãn cách đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN
Mong chờ những buổi học trực tiếp
Gia đình chị Lê Thị Sen, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân có hai con là học sinh lớp 8 và học sinh lớp 4. Những ngày qua, ba mẹ con háo hức chuẩn bị đồ dùng học tập, bọc sách vở, sẵn sàng cho một năm học mới. "Sau hơn 4 tháng học sinh Hải Phòng tạm dừng đến trường do dịch bệnh và nghỉ hè, sang tuần tới các con sẽ được trở lại trường học, gặp gỡ thầy, cô giáo và bạn bè", chị Lê Thị Sen vui vẻ chia sẻ.
Cháu Trần Khôi Nguyên, con trai chị Sen hào hứng khoe hộp bút mới, sách vở mới và kể, học trực tuyến, các bạn trong lớp vẫn trả lời câu hỏi của cô giáo, làm bài tập nhưng không vui bằng học ở trường. Khi gặp nhau trực tiếp, ngoài việc học các bạn còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện, tham gia trò chơi cùng nhau.
Cô Trần Thị Lợi, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân cho biết, dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh do khi học trực tuyến, giáo viên khó có thể kèm cặp, nhắc nhở từng em. Dù đã quán triệt phương án giảng dạy năm học 2021-2022 của ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng là linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, song cô Trần Thị Lợi luôn mong muốn, năm học này, cả thầy, cô giáo và học sinh liên tục được tương tác trực tiếp trong những giờ dạy và học.
Cùng tâm tư, cô giáo Vũ Thị Thúy Hằng, Trường Tiểu học An Lư, huyện Thủy Nguyên, Tổ trưởng chuyên môn khối 1 tâm sự: Điều lo lắng của các giáo viên lớp đầu khối năm học 2021-2022 là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các con lớp 5 tuổi học mầm non chưa được làm quen hết với bảng chữ cái và số để bắt kịp ngay với nền nếp của học sinh lớp 1. Như vậy, các thầy, cô giáo sẽ phải dành nhiều thời gian, sức lực để truyền đạt kiến thức cũng như rèn các thói quen của học sinh bậc tiểu học cho các con.
Tận dụng "thời gian vàng"
Theo kế hoạch mới nhất của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Lễ khai giảng năm học 2021-2022 sẽ tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 5/9, với tinh thần trang trọng, an toàn, ngắn gọn và thiết thực. Về thời gian dạy và học, các nhà trường, cơ sở giáo dục, các trung tâm và đơn vị liên quan hoạt động trở lại từ ngày 6/9/2021.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp, xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo an toàn trường học trước ngày khai giảng năm học 2021-2022, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho tất cả cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên và người lao động của các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị liên quan (cả công lập và ngoài công lập), bắt đầu từ ngày 1/9 và hoàn thành trước ngày 5/9, chi phí do thành phố chi trả.
Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đến thời điểm này, Hải Phòng là một trong những địa phương kiểm soát tốt dịch COVID-19, do đó học sinh của thành phố sẽ đến trường học trực tiếp. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đang tranh thủ "thời gian vàng" này để giảng dạy trực tiếp ở tất cả các khối lớp. Các nhà trường sẽ dạy tăng buổi để đảm bảo chương trình. Toàn ngành đều sẵn sàng để đón năm học mới.
Cùng với kế hoạch giảng dạy trực tiếp, để chủ động ứng phó với điều kiện dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã cấp tài khoản dạy và học trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams cho toàn bộ giáo viên và học sinh từ khối 3 đến khối 12 để các thầy, cô giáo và học sinh cùng làm việc trên một nền tảng. Đối với học sinh khối 1 và 2, việc học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn nên các nhà trường dùng các hình thức khác như quay video các bài học gửi qua các kênh truyền thông để phụ huynh đồng hành với giáo viên hướng dẫn con học tập.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm học 2021-2022, toàn thành phố Hải Phòng có trên 510.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Những năm qua, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu của cả nước về chất lượng học sinh giỏi. Hơn 20 năm liên tục, Hải Phòng có học sinh giành huy chương quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững.
Thành tích này đến từ sự nỗ lực của các thày, cô giáo, học sinh, cha mẹ các em và không thể không kể đến sự động viên, khuyến khích kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần bằng những chính sách cụ thể của thành phố Hải Phòng. Trong 3 năm qua, Hải Phòng đã khen thưởng mức cao nhất là 500 triệu đồng đối với các thầy, cô giáo và học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong dạy và học. Từ năm học 2020-2021, thành phố Hải Phòng đã triển khai chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với toàn bộ học sinh mầm non và học sinh từ bậc học trung học cơ sở đến bậc học trung học phổ thông. Hàng năm, thành phố đều tổ chức lễ vinh danh học sinh giỏi, học sinh thủ khoa trước thềm năm học mới.
Năm học 2021-2022, Thanh Hóa tổ chức hoạt động giáo dục theo 3 cấp độ Trong năm học mới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức hoạt động giáo dục theo 3 cấp độ để phòng, chống dịch với các hình thức dạy học trực tiếp, dạy trực tuyến hoặc qua truyền hình. Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vừa có văn bản về...