Đại học Tôn Đức Thắng muốn tự bổ nhiệm hiệu trưởng
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng ngày 14/3, ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng kiến nghị cho trường được tự bổ nhiệm hiệu trưởng.
Theo ông Danh, hiện nay, trường có 50% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, mục tiêu của trường là 7 năm nữa sẽ có 80% đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, trở thành đại học hàng đầu Việt Nam; về chất lượng đào tạo và trong 20 năm tới sẽ lọt vào tốp 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
Ông Danh dẫn chứng về lương của cán bộ giảng viên hiện nay khá cao. Cụ thể, thu nhập của giảng viên trung bình là 10 triệu đồng/tháng, thu nhập của trưởng bộ môn 25 triệu đồng, lãnh đạo các phòng ban, khoa là 35 triệu đồng, các chuyên gia nước ngoài mức lương từ 2.500- 3.000 USD…
Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh. Ảnh: Tiền Phong.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng, đề xuất lãnh đạo TP HCM cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm chỉ đạo trường hoàn thành đề án trở thành trường cấp quốc tế, có hướng đi phù hợp trong tiến trình phát triển của ASEAN và quốc tế. Ông Tùng cũng ủng hộ chủ trương, cơ chế tự chủ theo mô hình doanh nghiệp của trường.
Theo ông Tùng về cơ chế, Điều 20 của Luật Giáo dục quy định hiệu trưởng và hiệu phó của đại học phải thuộc biên chế Nhà nước. Do đó, các chức vụ này Đại học Tôn Đức Thắng đều phải chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động bổ nhiệm.
Chỉ đạo vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng trường thực hiện nhiệm vụ của trường công nhưng cơ chế tự chủ còn nhiều vướng mắc. Ông Thăng đề nghị Tổng Liên đoàn trao quyền bổ nhiệm cho trường, đồng thời cần xem xét sửa điều luật, nếu chưa sửa luật được thì đề xuất cho thí điểm.
Ngoài ra, ông Thăng còn đề nghị trường chuyển sang mô hình doanh nghiệp để trả lương cho phù hợp, các chính sách học bổng cho học sinh, mong muốn nhà trường ngoài đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, còn đào tạo khát vọng làm giàu cho sinh viên, tăng cường kết nối, gắn kết với các trung tâm khoa học, viện trường nghiên cứu…
Video đang HOT
Theo Huy Thịnh – Nguyễn Dũng/Tiền phong
Đại học Luật TP HCM: Bổ nhiệm GS, PGS là đúng luật
Trước khi trường đại học bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì cá nhân đó phải được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Việc ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau thì mới đây trên một trang mạng lại xuất hiện thông tin hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM tự phong GS cho mình.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP HCM, khẳng định không nên nhầm lẫn giữa cách làm của hai trường, hai cách làm này hoàn toàn khác nhau về bản chất.
- Vậy hiện có các cách bổ nhiệm chức danh GS, PGS nào, thưa bà?
- Chung quy hiện có hai mô hình bổ nhiệm chức danh GS, PGS đang được áp dụng ở Việt Nam và ở nước ngoài. Mô hình 1 có một hội đồng cấp quốc gia xem xét chứng nhận những người đủ điều kiện làm GS, PGS; sau đó các trường ĐH sẽ lựa chọn bổ nhiệm những người này vào chức danh GS, PGS của trường mình. Đây cũng là mô hình Việt Nam đang áp dụng. Mô hình 2 thì hoàn toàn do trường ĐH tự quyết định, ví dụ như ở Mỹ.
Tại thời điểm này, văn bản pháp luật điều chỉnh việc công nhận đủ tiêu chuẩn và bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh PGS, GS ở Việt Nam là Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg). Vì vậy, dù có ủng hộ cái mới, ủng hộ việc nghiên cứu để sau này giao quyền tự chủ bổ nhiệm GS cho các trường thì ở thời điểm hiện nay trường ĐH nào tự quy định để tự công nhận và tự bổ nhiệm GS, PGS là làm sai quy định của pháp luật.
- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc trao quyền tự bổ nhiệm GS, PGS cho các trường ĐH là phù hợp xu thế đổi mới, bà có ý kiến gì?
- Tôi nghĩ cần tách bạch hai vấn đề: Nhu cầu đổi mới cách thức bổ nhiệm GS, PGS và quy định đang có hiệu lực pháp luật về bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Các ý kiến vừa qua thường nhìn vấn đề dưới một góc độ nào đó của nhu cầu đổi mới bổ nhiệm GS và kinh nghiệm ở nước ngoài chứ vẫn chưa phân tích kỹ quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam.
Việc bổ nhiệm GS, PGS hiện nay cần đổi mới nhưng không thể vì vậy mà làm sai luật. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.
Nếu nói về nhu cầu đổi mới, cần trao quyền công nhận và bổ nhiệm GS cho các trường thì tôi cũng ủng hộ khi có các điều kiện chín muồi, mà tôi nghĩ cần thêm một thời gian nữa. Khi nào các trường ĐH của Việt Nam đã phát triển ở trình độ nhất định, có sự tự chủ gần như hoàn toàn, có chất lượng được nâng cao, có nhiều trường đạt trình độ quốc tế và có cơ chế tốt bảo vệ quyền lợi của người học... thì nên quy định trao quyền tự chủ công nhận và bổ nhiệm GS cho các trường ĐH thay cho cách làm hiện nay.
Còn xét dưới góc độ pháp luật hiện hành thì rõ ràng việc ĐH Tôn Đức Thắng tự cho mình quyền quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là không đúng pháp luật về bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cũng không đúng Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng về đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Tôn Đức Thắng trong giai đoạn 2015-2017.
Tôi nghĩ họ đã hiểu không đầy đủ và chưa chính xác nguyên tắc công dân được làm những gì mà luật không cấm. Cần lưu ý rằng ĐH Tôn Đức Thắng là một đơn vị sự nghiệp công lập; hành vi ra quyết định công nhận và bổ nhiệm GS, PGS là một hành vi hành chính và hơn nữa cũng cần phải hiểu cho đúng thế nào là luật không cấm thì được làm.
- Gần đây, một trang mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM đã ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS cho mình, bà có thể nói rõ hơn về những "nghi vấn" này?
- Thông tin sai lệch này gây hiểu lầm, làm cho một số người tưởng rằng việc hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM bổ nhiệm GS vào thời điểm năm 2012 cũng giống như cách làm của ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay.
Cần phải nói rõ như thế này: Vào năm 2012 thì quy định có hiệu lực pháp luật liên quan đến việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng như việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS là Quyết định số 174 và Quyết định số 20 như đã đề cập ở phần trên.
Điều 17 (trình tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS) của Quyết định số 174 (sửa đổi) quy định: Những người đã được Hội đồng Chức danh GS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục ĐH.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục ĐH để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS hoặc PGS cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Tôi đã được Hội đồng Chức danh GS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS trong Quyết định số 127 ngày 20/12/2012. Sau đó, theo đúng quy trình tại Điều 17 nói trên, nhà trường đã tiến hành đầy đủ thủ tục bổ nhiệm tôi vào chức danh GS và hai thầy giáo khác đạt tiêu chuẩn chức danh PGS vào chức danh PGS. Ngày 13/1/2013, với tư cách là hiệu trưởng, tôi đã ký quyết định bổ nhiệm.
Cũng xin lưu ý rằng theo đúng Điều 17 của Quyết định số 174 (sửa đổi) thì thủ trưởng cơ sở đào tạo phải ký quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS; cho nên việc tôi ký bổ nhiệm ba người, trong đó có tôi vào chức danh GS, PGS là hoàn toàn đúng luật như các trường ĐH khác đã làm. Tôi nghĩ dù ai ký quyết định bổ nhiệm GS, PGS thì một căn cứ pháp lý không thể thiếu là quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Không thể đánh đồng
Sự khác biệt lớn nhất với ĐH Luật TP HCM là ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm một người vào chức danh GS mà không có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS của Hội đồng Chức danh GS nhà nước.
Như vậy là không đúng pháp luật vì các quy định về công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS là áp dụng chung cho tất cả cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam; kể cả khi được thí điểm trao quyền tự chủ thì cũng không thấy có quy định nào cho phép ĐH Tôn Đức Thắng được tự quy định điều kiện GS, PGS và tự công nhận, tự bổ nhiệm GS, PGS.
Tóm lại, không thể đánh đồng việc tự bổ nhiệm GS, PGS theo cách của ĐH Tôn Đức Thắng với việc công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ĐH Luật TP.HCM. Hai việc này khác nhau hoàn toàn về bản chất.
GS-TSMai Hồng Quỳ,Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP HCM
Theo Nguyễn Phong/Pháp Luật TP HCM
Yêu cầu ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo việc phong giáo sư Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu ĐH Tôn Đức Thắng báo cáo tình hình cụ thể vấn đề phong giáo sư, phó giáo sư cho giảng viên nhà trường. Chiều 23/9, ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (cơ quan chủ quản của ĐH Tôn Đức Thắng), cho...