Đại học Huế dừng đào tạo 2 ngành, tuyển sinh thêm 3 ngành mới
Bên cạnh tuyển sinh thêm ba ngành mới thì trong năm 2018, Đại học Huế sẽ dừng tuyển sinh hai ngành đào tạo đại học.
Thí sinh nộp đơn nhập học vào các trường đại học thành viên của Đại học Huế. Ảnh: TL
Ngày 13/1, Đại học Huế cho biết, dự kiến tuyển sinh năm 2018 là 12.250 chỉ tiêu cho 118 ngành đào tạo đại học của 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, một phân hiệu.
Theo đó, Đại học Huế tuyển sinh thêm ba ngành mới gồm: ngành Quản trị khách sạn, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của Khoa Du lịch và ngành Kinh tế xây dựng của phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.
Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Nông Lâm Huế cũng đang hoàn thiện hồ sơ mở mới một số ngành mới (sẽ có thông báo bổ sung trước khi xét thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học Huế năm 2018).
Theo đại diện Đại học Huế, đây là những ngành mà khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang cần. Việc đào tạo sẽ đáp ứng như cầu nhân lực cho từng địa phương.
Đại học Huế cũng thông báo, trong năm nay sẽ dừng tuyển sinh hai ngành đào tạo đại học gồm: ngành Đồ họa của Trường Đại học Nghệ thuật, ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp của Trường Đại học Sư phạm và tất cả các ngành đào tạo trình độ cao đẳng của Trường Đại học Nông Lâm.
Đây là những ngành tuyển sinh rất khó khăn do số lượng thí sinh thi vào rất ít.
Về phương thức tuyển sinh, Đại học Huế có ba phương thức gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo của các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.
Thứ hai là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu.
Áp dụng đối với các ngành năng khiếu của Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất.
Video đang HOT
Thứ ba là xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông. Áp dụng cho phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị (60% chỉ tiêu ngành) và một số ngành đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm (16/22 ngành).
Năm 2018, để tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, các trường đại học thành viên thay đổi và bổ sung thêm tổ hợp môn xét tuyển.
Đồng thời, không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 để tuyển sinh.
Về xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), Đai học Huế cho biết, sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng sau khi có hồ sơ xét tuyển chung vào Đai học Huế.
Các quy định và khung thời gian công bố chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất trên toàn quốc.
Đại học Huế cũng đưa ra điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm là xếp loại hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11 và 12 phải đạt từ loại khá trở lên (căn cứ theo học bạ trung học phổ thông).
Những ngành có quy định môn chính thì môn chính có hệ số 2 và điều kiện xét tuyển là điểm môn chính chưa nhân hệ số phải>=5.0.
Theo Giaoduc.net
Ngay tại Việt Nam, có một trường đại học tuyển sinh không qua bảng điểm
Sắp tới, Đại học Fulbright Việt Nam chỉ tuyển 50 sinh viên, những sinh viên này sẽ được lựa chọn qua các bài luận, quá trình phỏng vấn chứ không qua bảng điểm.
Ngày 16/11, tại Hà Nội, lãnh đạo Đại học Fulbright Việt Nam đã có buổi chia sẻ mô hình giáo dục khai phóng đặc sắc kiểu Mỹ mà Trường theo đuổi, cũng như chương trình giảng dạy và kế hoạch tuyển sinh khóa cử nhân đầu tiên vào năm sau.
Trước đó vào ngày 2/11, Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức công bố kế hoạch tuyển sinh khóa sinh viên đại học đầu tiên cho "năm học Đồng kiến tạo", dự kiến bắt đầu vào mùa thu năm 2018.
Được truyền cảm hứng bởi truyền thống giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ và những sáng kiến đổi mới hàng đầu về giáo dục, Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đang xây dựng một mô hình giáo dục hoàn toàn mới ở Việt Nam, với mục tiêu giúp cho sinh viên phát triển như một con người hoàn thiện.
Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot, Giám đốc học thuật Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết trong chương trình cử nhân của FUV có một năm học gọi là "Năm học đồng kiến tạo".
Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot - Giám đốc học thuật Trường Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định, trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi. (Ảnh: Nguyễn Thảo)
Hầu hết các trường đại học khi mới thành lập sẽ mời các giảng viên nhóm họp trong các phòng kín, thảo luận các ý tưởng và cuối cùng đưa ra một chương trình giảng dạy theo suy nghĩ chủ quan của họ.
Nhưng FUV sẽ kiến tạo một chương trình dành cho sinh viên. Điều quan trọng là chương trình đó không chỉ thiết kế cho sinh viên mà chương trình đó được thiết kế cùng sinh viên.
Có thể hiểu, "Năm học đồng kiến tạo" không chỉ đơn thuần là năm mà các giảng viên và đội ngũ quản lý cùng nhau thiết kế chương trình giảng dạy, mà sinh viên sẽ tham gia vào trải nghiệm giáo dục này ngay từ những ngày đầu tiên, để cùng giảng viên hoàn thiện chương trình, cùng nhau kiến tạo văn hóa FUV và cùng nhau quyết định những vấn đề trọng đại khác.
Theo kế hoạch đó, sẽ có 50 sinh viên ưu tú được chọn tham gia "năm học đồng kiến tạo".
Những sinh viên này đồng thời được nhận Học bổng sáng lập FUV (FUV Founding Scholarship), được đảm bảo một vị trí chính thức cho khóa đại học đầu tiên khai giảng mùa thu 2019, được tính tín chỉ cho một học kỳ trong tổng thời gian học cử nhân.
Tất cả những sinh viên Đồng kiến tạo sẽ nhận được học bổng toàn phần trong năm này, bao gồm học phí và tiền ăn ở.
Đối với mỗi năm học tiếp theo, học phí hàng năm dự kiến khoảng 20.000 USD (tương đương 460 triệu đồng). Chi phí sinh hoạt dự kiến khoảng 3.000 USD (tương đương 70 triệu đồng) mỗi năm.
Tuy nhiên, chương trình Học bổng sáng lập FUV sẽ cung cấp cho các sinh viên Đồng kiến tạo một học bổng trị giá khoảng 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng) cho mỗi năm sau năm Đồng kiến tạo.
Do vậy, tổng chi phí sinh viên phải chi trả sẽ không vượt quá 18.000 USD (tương đương 415 triệu đồng) mỗi năm.
FUV cho biết đây không phải là chi phí thực tế vì mọi sinh viên đều được quyền nộp đơn xin hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế.
Mức hỗ trợ tài chính sẽ được quyết định dựa trên điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Ngoài ra, học phí và chi phí sinh hoạt có thể thay đổi tùy theo tỷ lệ lạm phát.
Sinh viên khó khăn bên cạnh học bổng toàn phần cho năm Đồng kiến tạo và học bổng sáng lập còn có cơ hội nộp đơn xin thêm hỗ trợ tài chính dựa trên hoàn cảnh kinh tế.
Đối với những sinh viên thật sự khó khăn, nhà trường dự kiến sẽ hỗ trợ phần lớn chi phí (khoảng 75%).
Và đối với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khá hơn, nhà trường có thể hỗ trợ phần nào chi phí (khoảng 25%).
Đại diện nhà trường cho biết, Đại học Fulbright Việt Nam tìm kiếm ứng viên toàn diện, có khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, kết nối, tư duy, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp...
Hồ sơ ứng tuyển được công bố vào ngày 1/12/2017. Ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển trước 1/2/2018.
Theo bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam, lãnh đạo trường mong muốn được định nghĩa lại khái niệm về giáo dục.
Giáo dục truyền thống thầy, cô giáo thường truyền đạt kiến thức một chiều cho học sinh, sinh viên.
"Chúng tôi đặt sinh viên ở trung tâm của mọi hoạt động. Chương trình đào tạo đại học của trường sẽ không mang tính áp đặt từ giảng viên, mà là những trao đổi, thảo luận giữa giảng viên và sinh viên.
Trong đó, sinh viên được trao quyền và đóng vai trò làm chủ quá trình học tập của mình", bà Thủy nhấn mạnh.
Và trong khóa tuyển sinh đầu tiên, trường chỉ tuyển 50 sinh viên, những sinh viên này sẽ được lựa chọn qua các bài luận, quá trình phỏng vấn, chứ không qua bảng điểm. Trường cũng xây dựng chương trình học theo "block plan".
Ở mỗi thời điểm, sinh viên chỉ tập trung học một môn. Thời gian học khoảng 3 tiếng mỗi ngày trong vòng 4 tuần.
Phương pháp học này giúp đào sâu, tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề, thay vì tìm hiểu "bề nổi của tảng băng chìm" và thuộc lòng đáp án.
Cũng tại buổi chia sẻ, Tiến sỹ Ryan Derby-Talbot đã có một buổi giảng thử phương pháp giáo dục của FUV để lắng nghe các đánh giá, góp ý và câu hỏi từ các chuyên gia để FUV hoàn thiện chương trình, đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Theo đó, Tiến sĩ Ryan Derby-Talbot khẳng định, trường không muốn đào tạo sinh viên đi xin việc, mà tạo ra những người có kiến thức, tư duy, kỹ năng cần thiết để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào họ theo đuổi.
Theo GDVN
Mớ bòng bong hay búi tơ vò trường sư phạm! Trong thời gian Đại học Sư phạm Hà Nội tiến hành các thủ tục xin phép mở phân hiệu tại Hà Nam thì trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam sẽ hoạt động như thế nào? Vào tháng 8/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về vấn đề chất lượng đào...