Đại học Harvard đào tạo ngành Y như thế nào?
Năm 2015, Đại học Harvard thay đổi chương trình đào tạo ngành Y nhằm hạn chế tình trạng sinh viên nhồi nhét kiến thức vào những ngày gần thi và quên ngay sau đó.
Theo bảng xếp hạng những trường đào tạo ngành Y tốt nhất thế giới của QS, Đại học Harvard ở bang Massachusetts, Mỹ, đứng thứ nhất.
Tháng 9/2015, trường Y Harvard quyết định cải cách chương trình đào tạo. Đây là lần cải cách lớn đầu tiên kể từ thập niên 80 thế kỷ trước.
Trước đó, Harvard áp dụng chương trình đào tạo tập trung cách học dựa trên vấn đề. Sinh viên học một môn thông qua kinh nghiệm giải quyết vấn đề y học. Họ học cả chiến lược tư duy và kiến thức chính, The Crimson cho hay.
Trường Y thuộc Đại học Harvard áp dụng chương trình đào tạo mới từ tháng 9/2015. Ảnh:The Crimson.
Với chương trình mới, trường hợp nhất nhiều môn phức tạp thành các khóa học, đưa thực tập vào chương trình sớm hơn trước.
Những giáo sư giảng dạy từ năm 2012 cho biết, chương trình mới yêu cầu sinh viên học tập chủ động hơn là chỉ nhồi nhét và cố ghi nhớ kiến thức. Nó tập trung vào hai năm đầu, được gọi bằng thuật ngữ “tiền học thuật”. Hiện tại, sinh viên năm nhất Đại học Harvard áp dụng chương trình này.
Cuộc cải cách cũng liên quan vấn đề nội dung khóa học. Theo Richard M. Schwartzstein, một trong những giáo sư trong đội thiết kế lại chương trình giảng dạy tại trường Y Harvard, mỗi khóa học sẽ nghiên cứu nhiều vấn đề và môn học thay vì chỉ tập trung một lĩnh vực như trước đây.
Video đang HOT
Ví dụ, khóa “Nền tảng Y khoa” của giáo sư Randall W. King bao gồm bệnh lý, sinh học tế bào, vi sinh. Trước đây, chúng được giảng dạy thành các môn riêng. Các khóa học mới giữ nguyên nội dung từ những môn học cũ, nhưng xen lẫn chúng nhằm tạo ra mối liên hệ.
Cuộc cải cách cũng thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức của giáo sư trường Y Harvard. Sinh viên tìm hiểu kiến thức qua các video thay vì lên giảng đường nghe giảng. Sau đó, họ áp dụng chúng tại lớp học và phòng khám.
Chương trình mới yêu cầu sinh viên học tập tích cực, chủ động hơn. Ảnh: Harvard.edu.
Với Schwartzstein, sự thay đổi này đồng nghĩa việc sinh viên không thể chỉ dành mấy ngày trước khi thi để ôn lại kiến thức là có thể thuận lợi qua môn. Nó buộc họ phải thường xuyên học hành chăm chỉ, tích cực.
“Tình trạng sinh viên cố nhồi nhét kiến thức trong những ngày gần thi và quên ngay sau đó sẽ không diễn ra. Phương pháp ấy vốn không phù hợp nghề nghiệp tương lai, khi các em phải sử dụng kiến thức trong khoảng 30 đến 40 năm”, ông nói.
Theo chương trình mới, sinh viên Harvard quay lại với các khóa học lâm sàng, còn được gọi là học thuật cốt lõi. Họ áp dụng kiến thức vào thực tế sớm hơn, khoảng 14 tháng sau khi học tập thay vì gần 18 tháng như trước đây.
“Chúng tôi cho rằng, điều này thúc đẩy tinh thần học tập, ý thức về nghề bác sĩ trong tương lai. Chương trình mới cho các em thấy mối tương quan giữa những gì sinh viên đang học ở lớp học và công việc của các em tại bệnh viện”, Schwartzstein nói.
Theo giáo sư Schwartzstein, nhờ có Internet, con người có thể tiếp cận thông tin theo nhiều cách, vì thế, Harvard cũng phải thay đổi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Sau khi đại học hàng đầu thế giới cải cách chương trình đào tạo, chính phủ cũng thay đổi nhiều quy định trong lĩnh vực y tế. Theo đó, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên phải nghiên cứu thêm về những phát triển gần đây.
Haiden A. Huskamp, giáo sư ngành chăm sóc sức khỏe, đánh giá chương trình đào tạo mới góp phần quan trọng vào việc đảm bảo y tế luôn hữu ích và tân tiến, phù hợp sự thay đổi của ngành y và chính sách y tế.
Tuy nhiên, giáo sư Schwartzstein khẳng định, họ vẫn chưa hoàn thiện chương trình mới và đang nghiên cứu nhằm đưa ra nội dung học tập đầy đủ trong năm 2016.
Theo Zing
Dạy Lịch sử theo hình thức giải đấu bóng rổ
Nhằm tăng hứng thú với môn Sử cho học sinh, một thầy giáo ở Mỹ cho các em chọn nhân vật rồi tranh luận theo hình thức tương tự giải đấu bóng rổ.
Ở tuổi 39, thầy Josh Hoekstra (giáo viên trường Trung học Rosemount ở ngoại ô thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ), có kinh nghiệm 13 năm dạy Lịch sử. Thầy rất buồn khi học sinh đánh giá môn học này tệ nhất trường.
Các học sinh tìm hiểu về nhân vật lịch sử như Martin Luther King Jr. Ảnh: CNN.
Giáo viên này nghĩ ra cách Dạy học cùng giải đấu, nhằm chuyển tải nội dung lịch sử Mỹ qua các vòng thi giữa học sinh, CNN cho hay.
Mục đích của Dạy học cùng giải đấu rất đơn giản. Josh Hoekstra muốn học sinh tìm hiểu tính cách và phẩm chất của những con người vĩ đại qua các vòng đấu.
Học sinh tự chọn một nhân vật mà các em cho là hiện thân của lòng dũng cảm, từ các anh hùng quân đội như Alvin York, nhà lãnh đạo phong trào dân quyền như Martin Luther King Jr. và Rosa Parks, đến người tiên phong trong cuộc vận động vì nhân quyền Clara Barton. Các em sẽ thi đấu theo cặp dưới hình thức loại trực tiếp.
Các em tự tìm hiểu về thành tựu của nhân vật họ chọn rồi tranh luận. Sau đó, cả lớp bỏ phiếu bình chọn. Người được nhiều phiếu hơn sẽ đi tiếp vào vòng sau. Cuộc thi có 64 trận đấu như các giải đấu thể thao thông thường.
Học sinh chọn một nhân vật cho tất cả các vòng đấu nhưng không được dùng lại bài trình bày ở vòng trước. Thầy Hoekstra cho hay, nó giống việc huấn luyện viên thay đổi chiến thuật trong các trận đấu khác nhau. Với yêu cầu này, các em buộc phải tìm hiểu cẩn thận và hiểu biết sâu sắc về nhân vật.
Cuộc thi giúp học sinh gắn kết hơn với nhân vật lịch sử. Trong vòng một, Tom Burnett, anh hùng trên chuyến bay 93 trong sự kiện 11/9, thua cuộc trước Michael Murphy, thành viên nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (Navy SEAL). Nữ sinh trình bày về Burnett bật khóc ngay khi nghe kết quả.
"Em ấy đã tạo nên mối liên hệ chặt chẽ với nhân vật. Có thể nhìn thấy niềm đam mê như vậy ở một nữ sinh 16 tuổi là món quà tuyệt vời nhất. Tôi không có từ nào để diễn tả cảm giác này", Hoekstra nói.
Cuối năm học, hai nhân vật lọt vào vòng chung kết là Michael Murphy và John Basilone, anh hùng thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trước khi bỏ phiếu, Hoekstra yêu cầu học sinh trình bày bài tranh luận cuối cùng. Một học sinh khuyết tật chủ động phát biểu về Murphy. Em ca ngợi hành động hy sinh để bảo vệ đồng đội ở Afghanistan nhưng lại cho biết chọn nhân vật này vì hồi còn học lớp 8, Murphy đã đứng ra bảo vệ một học sinh tàn tật bị bắt nạt.
"Đối với cậu ấy, mối liên hệ không hình thành dựa trên những thành tựu nhân vật đã đạt được. Hôm đó, mọi người trong lớp, kể cả tôi, học được một điều rằng, những học sinh bình thường có vẻ yếu đuối sẽ khai thác vấn đề theo cách rất xúc động", thầy giáo này cho biết.
Một nam sinh khuyết tật đã khám phá ra điều mà hàng triệu người khác bỏ lỡ - mối liên hệ cá nhân, sâu sắc với lịch sử Mỹ.
Theo Zing
Trường học một thầy dạy một trò Cuộc cải cách giáo dục nông thôn và quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc khiến nhiều trường học đóng cửa. Một trường tiểu học tại Trùng Khánh trở nên đặc biệt khi chỉ có hai thầy trò. Với cuộc cải cách giáo dục nông thôn và ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, ngày càng nhiều học sinh ở Trung...