Đại học đẩy mạnh thi trực tuyến
Các trường đại học đều tiếp tục dạy trực tuyến và đang lên kế hoạch tổ chức cho sinh viên thi kết thúc học phần, học kỳ trực tuyến.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến – Ảnh: NGUYỄN NGỌC
Theo các chuyên gia, để đảm bảo chất lượng đào tạo, xét tốt nghiệp, kết thúc môn học thì cần phải xây dựng hệ thống và thực hiện đánh giá quá trình, kết quả thích ứng với dạy học trực tuyến.
Thi tại nhà
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh – phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, học kỳ trước trường áp dụng 100% hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho sinh viên làm bài tại nhà như thi trực tuyến, làm bài tập lớn, làm tiểu luận, làm dự án, vấn đáp trực tuyến…
“Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, trường tiếp tục lên kế hoạch tổ chức thi trực tuyến. Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho giảng viên và hướng dẫn cho sinh viên chuẩn bị thi. Các khoa và bộ môn được giao quyền chủ động chuyên môn, dựa trên chuẩn đầu ra môn học để đưa ra phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với thi online” – ông Thịnh cho biết.
Trường ĐH Sài Gòn cũng đã tổ chức thi kết thúc học phần cho sinh viên năm thứ tư các ngành sư phạm. PGS.TS Phạm Hoàng Quân – hiệu trưởng – cho biết: “Giảng viên cung cấp đề thi cho sinh viên qua SGU Moodle. Sinh viên nộp bài thi cho giảng viên qua SGU Moodle. Mỗi học phần khoa đều bố trí hai cán bộ chấm thi. Trong quá trình chấm thi, cán bộ chấm thi phải ghi hình, ghi âm đầy đủ các buổi thi và lưu trữ để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát”.
Video đang HOT
Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức thi giữa kỳ và cuối kỳ theo hình thức trực tuyến từ học kỳ 2 năm học 2019 – 2020 do dịch COVID-19. Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng nhà trường, đối với kỳ thi cuối kỳ, trường triển khai năm hình thức thi khác nhau để các khoa, bộ môn khác nhau linh động thực hiện, gồm: thi trắc nghiệm trực tuyến, thi vấn đáp trực tuyến, bài tập nhóm có thuyết trình trực tuyến, bài tập nhóm không có thuyết trình trực tuyến và bài tập cá nhân.
Giá trị tương đương thi trực tiếp
Với tình hình dịch COVID-19 kéo dài, Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc môn học theo hình thức trực tuyến (trực tiếp hoặc gián tiếp) được công nhận giá trị tương đương như đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống. Kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến được ghi vào bảng điểm trong hồ sơ học tập và công nhận.
ThS Trần Thị Dung – khoa mạng máy tính và truyền thông Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho rằng cách tốt nhất để biết được tính hiệu quả của việc giảng dạy online là các bài kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình học của sinh viên.
“Phương pháp kiểm tra, đánh giá tương ứng với thời gian học của sinh viên mà tôi đã sử dụng gồm: kiểm tra đầu giờ, đánh giá giữa giờ, bài tập về nhà và đồ án. Các môn học chuyên ngành đều có đồ án để giải quyết một vấn đề do giảng viên đưa ra. Để đánh giá khách quan và sinh viên có thể hiểu được đồ án của mình được chấm như thế nào và thực hiện tự đánh giá, một bảng đánh giá được đưa cho sinh viên ngay khi giao đề tài.
Đến ngày thuyết trình, sinh viên thuyết trình và demo qua Microsoft Teams. Một nhóm có thể cử một sinh viên đại diện thuyết trình hoặc phân chia thuyết trình các phần khác nhau, các sinh viên có thể hỗ trợ nhau qua chức năng cho phép điều khiển của Microsoft Teams. Khi một nhóm thuyết trình, các nhóm còn lại vừa theo dõi vừa sử dụng bảng đánh giá để đánh giá nhóm thuyết trình.
Sau phần thuyết trình và thảo luận, giảng viên có thể sử dụng Poll để lấy ý kiến nhanh của các sinh viên về phần thuyết trình của nhóm và nhận xét tổng quát về kết quả của đồ án” – bà Dung chia sẻ.
Tăng tỉ trọng đánh giá thường xuyên
Theo TS Nguyễn Huy Cường – trưởng bộ môn tiếng Anh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), các giảng viên tại Trường ĐH Quốc tế đã thực hiện hai giải pháp ngắn hạn và đưa ra một giải pháp dài hạn cho vấn đề kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Thứ nhất, trường đã hạ tỉ trọng của điểm thi cuối kỳ và tăng tỉ trọng của đánh giá thường xuyên trên lớp.
Thứ hai, trường đã nhắc nhở giảng viên tăng cường sử dụng các phần mềm chống đạo văn tích hợp trên Blackboard.
Thứ ba, về lâu dài có lẽ mỗi trường cần xây dựng một trung tâm khảo thí của riêng mình.
Sinh viên bảo vệ khóa luận online
Một số trường đại học đã lên kế hoạch cho sinh viên thi trực tuyến hết học phần, sinh viên năm cuối được bảo vệ khóa luận trực tuyến.
Thêm một mùa sinh viên học, thi trực tuyến vì dịch COVID-19. Ảnh: Diệp An
Trường ĐH Thương mại cho biết, ngay sau khi thông tin tổ chức thi hết học phần bằng hình thức trực tuyến, trường nhận được rất nhiều phản hồi của sinh viên trên fanpage.
Ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Truyền thông của trường, cho biết, năm học trước, trường cho sinh viên thi trực tuyến được kéo dài 1 tuần mới nộp bài, nhưng vẫn có sinh viên nộp chậm.
Năm nay, để đảm bảo chất lượng cũng như hạn chế tiêu cực, trường yêu cầu nộp bài trong vòng 24 giờ. Sinh viên có thể nộp bằng nhiều hình thức như gửi email, chụp ảnh bài thi để gửi... Hôm nay (10/5), trường họp với các trưởng khoa để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất đến sinh viên.
Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, khi bảo vệ khóa luận bằng hình thức trực tuyến sẽ có nhiều yếu tố tác động đến kết quả, như đường truyền internet, điện lưới...
Ngoài ra, chưa có tiền lệ nên sinh viên không biết hỏi kinh nghiệm từ ai. PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, trường luôn đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, đã gửi thông báo sớm; sinh viên có ít nhất 2 học kỳ học trực tuyến nên cũng đã quen với hình thức này. Trường cũng nghĩ đến các tình huống sự cố khách quan nên tùy từng trường hợp, sẽ có hướng giải quyết cụ thể có lợi cho sinh viên.
Về cơ bản, quy trình tổ chức bảo vệ khóa luận trực tuyến khá đơn giản và không khác so với khi bảo vệ trực tiếp, chỉ khác ở chỗ sinh viên và hội đồng bảo vệ mỗi người ngồi một nơi và trao đổi thông qua màn hình máy tính. Sinh viên trình bày, trình chiếu, minh họa kết quả của mình trước hội đồng; sau đó, hội đồng đặt các câu hỏi để sinh viên có thể bảo vệ, nêu quan điểm và giải đáp thắc mắc.
Mới đây, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, từ ngày 3/5, các trường, học viện, viện nghiên cứu được phép đánh giá đồ án, khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến trong thời kỳ dịch. Việc tổ chức bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến phải được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học. Thành viên hội đồng, người học phải được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để sử dụng các thiết bị, phần mềm hỗ trợ họp trực tuyến trước buổi bảo vệ. Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo ghi hình, ghi âm đầy đủ diễn biến buổi bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến và lưu trữ kèm theo hồ sơ của người học.
Thư ký hội đồng chịu trách nhiệm ghi chép biên bản của buổi bảo vệ tốt nghiệp trực tuyến, công khai ngay trong buổi bảo vệ tốt nghiệp, sau đó gửi đến các thành viên hội đồng tham gia buổi bảo vệ và người học để xác nhận, rồi gửi lại cơ sở đào tạo cùng phiếu đánh giá của từng thành viên hội đồng. Cơ sở đào tạo lựa chọn phần mềm hỗ trợ truyền hình trực tuyến, cơ sở hạ tầng kết nối tổ chức các buổi bảo vệ trực tuyến, bảo đảm độ an toàn, tính bảo mật, chất lượng về âm thanh, hình ảnh kết nối tới tất cả các cá nhân tham gia.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở đào tạo có điều kiện hỗ trợ địa điểm và kỹ thuật tổ chức bảo vệ trực tuyến cho thành viên hội đồng và người học. Bộ lưu ý, những hướng dẫn trên không áp dụng đối với trường hợp luận án tiến sĩ bảo vệ theo chế độ mật.
Lần đầu tiên sinh viên thi học kỳ trực tuyến Lần đầu tiên, sinh viên nhiều trường đại học ở TP.HCM chuyển sang thi học kỳ theo hình thức trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội đến gần một tháng. Đáng nói, đây cũng là thời gian kết thúc học kỳ 2 năm học 2020-2021 của các trường...