‘Đại dịch bạo lực’ phủ bóng trường học thế giới
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ước tính mỗi năm, 246 triệu trẻ em bị bạo lực trong và xung quanh trường học.
Nhiều học sinh thích học trực tuyến vì giáo viên không thể đánh các em.
Trong đó, việc trừng phạt thân thể vẫn còn tính hợp pháp ở hơn 60 quốc gia.
Bà Susannah Hares, chuyên gia giáo dục toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu, Anh, cho biết: “Trẻ em đang đối mặt với “đại dịch bạo lực”.
Tuy nhiên, vấn đề trên chưa được làm rõ trong các báo cáo, hội nghị giáo dục và điều này cần phải thay đổi. Những nỗ lực giúp trẻ học hành sẽ không còn giá trị nếu các em không được an toàn ở trường”.
Các nghiên cứu chỉ ra trải nghiệm bị bạo lực thể chất và tâm lý khi còn nhỏ gây ra hậu quả đối với sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như kết quả giáo dục. Ngân hàng Thế giới ước tính toàn cầu sẽ mất 11 nghìn tỷ USD trong tương lai do bạo lực trong và xung quanh trường học.
Tuy nhiên, dữ liệu về vấn đề trên còn chắp vá. Các trường hợp học sinh bị bạo lực, nhất là lạm dụng tình dục, thường không được báo cáo đầy đủ do nạn nhân sợ bị trả thù hoặc bị xã hội kỳ thị. Dù vậy, các khảo sát toàn cầu vẫn cho thấy một bức tranh ảm đạm.
Theo nghiên cứu của nền tảng truyền thông Devex, một trong những bạo lực trẻ em thường gặp trong trường học là trừng phạt thân thể. Cách phạt học sinh này vẫn phổ biến và ảnh hưởng đến 50% dân số trong độ tuổi đi học trên thế giới, ngay cả tại những quốc gia cấm trừng phạt thân thể trong trường học.
Đơn cử, tại Uganda, 90% học sinh tiểu học ở một số tỉnh, thành từng bị giáo viên bạo hành thể xác. Một cuộc điều tra trên phương tiện truyền thông tiết lộ hơn 30 nữ sinh bị lạm dụng tình dục ở một trường phổ thông tại Liberia. Trong đại dịch Covid-19, nhiều học sinh chia sẻ thích ở nhà hơn vì giáo viên không thể đánh các em.
Video đang HOT
Theo bà Hares, những con số trên nói lên rằng, nhiều trường học và hệ thống trường học đang thất bại trong nhiệm vụ cốt lõi là giữ cho trẻ em được an toàn. Ngoài ra, các bên liên quan đã quá chậm chạp trong việc ưu tiên và khắc phục vấn đề trên.
Theo ông Dipak Naker, đồng sáng lập tổ chức ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ ở Uganda, Raising Voices, những ý tưởng cố chấp về kỷ luật và bạo lực trong trường học khiến việc giải quyết vấn đề trên bị đình trệ.
Trên thực tế, giáo dục trẻ bằng bạo lực đã trở thành truyền thống ở nhiều quốc gia nên nỗ lực can thiệp bị coi là “ý tưởng xa lạ”. Do đó, việc xây dựng trường học an toàn đòi hỏi quá trình hỗ trợ phức tạp và cần có thời gian.
Còn theo bà Haldis Holst, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Giáo dục Quốc tế, tổ chức đại diện cho các hiệp hội giáo viên trên thế giới, trừng phạt thân thể có thể là một hậu quả của việc thiếu đào tạo giáo viên.
“Nếu giáo viên không có kiến thức về cách giải quyết các tình huống khó khăn bằng công cụ khác, việc trừng phạt thân thể vẫn sẽ xảy ra. Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo giáo viên chuyên nghiệp. Giáo viên phải là một phần của giải pháp”, bà Holst bày tỏ.
'Ngăn sóng' bạo lực học đường
Câu chuyện bạo lực học đường một lần nữa lại xuất hiện, khiến dư luận băn khoăn. Làm sao để ngăn sóng bạo lực học đường khi học sinh trở lại trường học trực tiếp đang nhận được sự quan tâm của xã hội.
Cần quan tâm tới tâm tư, tình cảm của học sinh để hóa giải sớm những vụ bạo lực học đường.
Cần tiếp tục báo động
Tối 25/3, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau. Qua xác minh, được biết các em trong clip học sinh Trường TH và THCS Triệu Vân, em L. lớp 7 bị 2 học sinh lớp 8 là T. và K. Trong clip, em L. đã bị một học sinh khác túm tóc kéo đi một đoạn. Sau đó, L. bị đè đầu xuống, bị đấm, đạp liên tục và còn bị một học sinh khác bắt quỳ xuống xin lỗi. Lúc bị đánh, L. không có bất kỳ một kháng cự nào.
Dù đã quỳ xuống như yêu cầu nhưng L. tiếp tục bị 2 học sinh kia đấm, đá túi bụi. Có một người đã can ngăn "tha đi T." nhưng L. vẫn tiếp tục bị đánh đập. 2 học sinh đánh bạn còn tiếp tục có hành động như xé áo của L.
Điều đáng nói, chứng kiến vụ việc, nhiều học sinh khác đã cười đùa, quay video mà không quyết liệt can ngăn. Phía nhà trường cũng như gia đình không biết về chuyện này cho đến khi clip được đăng tải trên mạng xã hội.
Trước đó, hai nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) xảy ra mâu thuẫn và đánh nhau. Cụ thể, trong giờ ra chơi tiết thứ 2 buổi chiều ngày 22/3, em P.T.N.L. (lớp 10C5) và em V.T.D.L. (lớp 11B2) có xích mích trong lúc đi rửa tay và có lời qua tiếng lại, sau đó xảy ra mâu thuẫn. Sự việc này đã được quản sinh nhà trường can ngăn và yêu cầu học sinh giải tán về lớp.
Sau buổi học, hai học sinh tự hẹn nhau ra ngoài trường để giải quyết mâu thuẫn dẫn đến việc đánh nhau. Hậu quả vụ việc khiến nữ sinh P.T.N.L. bị chấn thương phải điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp, nữ sinh V.T.D.L. phải điều trị tại Bệnh viện huyện Kiến Thụy.
Vụ việc đang được Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ phối hợp cùng chính quyền địa phương, Công an Thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy) xác minh trước khi có các quyết định liên quan đến việc xử lý kỷ luật học sinh.
Đây không phải trường vụ bạo lực học đường cá biệt. Còn nhớ, sáng 18/9/2021, tại Trường THPT Lục Ngạn 3 (tỉnh Bắc Giang) xảy ra vụ học sinh xô xát, đánh nhau rồi quay clip đưa lên mạng xã hội. Cũng trong năm học trước, nhiều vụ bạo lực học đường khá nghiêm trọng đã xảy ra. Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 14/1/2021 tại Trường THPT Lang Chánh, Thanh Hóa, khi em P.T.L. vừa tan học ra tới cổng trường thì bất ngờ bị Nguyễn Bá Thuận cầm một cây gậy sắt vụt thẳng vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.
Tại thời điểm nhập viện, qua chụp chiếu, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa xác định L. bị vỡ sọ não, tổn thương cơ thể tới 49%. Công an huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bá Thuận để điều tra về hành vi "Giết người".
Chuyện bạo lực học đường không phải là chuyện mới. Với từ khóa "bạo lực học đường" gõ trên thanh công cụ Google, chỉ trong 0,44 giây cho ra 629.000 kết quả. Điều đó phần nào phản ánh mức độ "phổ biến" đáng báo động của hiện tượng này.
Nó cũng cho thấy những nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn cần có nhiều biện pháp để tháo gỡ, nếu không, môi trường học đường ngày càng trở nên bất an hơn, nhất là khi học sinh cả nước sẽ trở lại trường sau một thời gian dài phải học trực tuyến.
Giáo dục kỹ năng phòng ngừa bạo lực
Cứ sau mỗi vụ bạo lực học đường xảy ra, người ta đều thấy sự vào cuộc khá nhanh của cơ quan chức năng, từ nhà trường, công an địa phương, cho tới Sở GDĐT nơi vụ việc xảy ra. Nhất là khi các clip ghi lại cảnh bạo lực học đường được tung lên mạng xã hội và gây sự bức xúc trong dư luận thì sự vào cuộc tìm hiểu, chỉ đạo càng khẩn trương. Thông thường, ngay sau đó, các hình thức kỷ luật, nhắc nhở hay cảnh cáo học sinh cũng sẽ được đưa ra.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, đó chỉ là cách thức giải quyết "phần ngọn" các vụ việc cụ thể. Còn xét về bản chất, bạo lực học đường là một "tảng băng chìm", cần có nhiều biện pháp căn cơ, dài hơi. Bởi lẽ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, mà nhiều trường hợp, khởi nguồn lại từ những lí do hết sức nhỏ nhặt, như: không chào, nhìn đểu, rửa tay vẩy nước trúng người bạn...
TS Tâm lý học Lê Minh Công (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, trong độ tuổi dậy thì (lứa tuổi THCS, THPT), học sinh sẽ trải qua những biến đổi mạnh mẽ về tinh thần và thể chất. Điều đó có thể dẫn đến những suy nghĩ muốn thể hiện và khẳng định bản thân, hoặc gây nên sự thiếu đồng cảm lẫn nhau. Đây chính là nguyên nhân của rất nhiều vụ bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, theo TS Công, những yếu tố xung quanh cũng tác động đến suy nghĩ và hành vi của học sinh đặc biệt là trong gia đình và nhà trường. Hiện nay, học sinh ít được trang bị kĩ năng sống và đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Trên thực tế, có khoảng 5-10% học sinh mắc những chứng rối loạn, tuy nhiên nhà trường lại không chú ý đến những khó khăn của các bạn mà chỉ cho rằng đó là kém đạo đức.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) từng phân tích một nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường: xuất phát từ quan niệm của cha mẹ, coi việc bạo lực, mắng con là cách giáo dục hiệu quả. Bên cạnh đó, việc học sinh xem các chương trình, chơi trò chơi điện tử mang tính bạo lực, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường tăng cao.
Trong khi đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tâm lý học đường vì đây là cách tháo gỡ tích cực nhất. Cần kết hợp công tác xã hội trong cộng đồng và trường học để phòng ngừa, giải quyết những vụ việc liên quan đến bạo lực của học sinh và trẻ em.
Để sớm có thể hóa giải những vụ bạo lực học đường, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh. Những giáo viên có kỹ năng nắm bắt tâm lý học sinh và những giáo viên chủ động xây dựng cho mình nhiều "nguồn tin" sẽ nhanh chóng xóa tan những xích mích của học trò.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi học sinh trở lại học trực tiếp, phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo cần quan tâm tới những tâm tư, tình cảm của các em. Nên mở các buổi sinh hoạt chung giữa từng lớp, từng khối lớp để tạo những môi trường sinh hoạt lành mạnh, đồng thời có biện pháp phổ biến, ngăn chặn bạo lực học đường.
Cần truyền thông với các em về một môi trường học tập lành mạnh, chia sẻ, không giấu diếm. Ban giám hiệu các trường cũng cần tăng cường các "nguồn tin" để sớm phát hiện, ngăn chặn các ý định sử dụng bạo lực trong học đường. Ngoài ra, mỗi trường học cần chủ động mở cửa những phòng tư vấn tâm lý để sẵn sàng chia sẻ và cùng các em tìm giải pháp tích cực trước những xích mích học đường khi mới manh nha...
Cách các trường học Australia khuyến khích học sinh đọc sách Các trường học tại Australia đang thay đổi chương trình để cải thiện kỹ năng đọc cho học sinh. Bà Briony Schroor cho phép các học sinh được đọc sách các em muốn và nói rằng chúng mang đến giá trị thực tiễn. Ảnh: The Age. Các học sinh của bà Briony Schroor nằm trong số những học sinh tham vọng nhất khu...