Đại án tham nhũng: Tiếp tục phần thẩm vấn các cựu lãnh đạo
Phiên tòa ngày 22/12 xét xử Phạm Thanh Tân nguyên Tổng giám đốc Agribank cùng 17 đồng phạm trong đại án thất thoát 2.500 tỉ đồng tại Agribank bước vào phần thẩm vấn.
Bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank (Ảnh: TTXVN)
Thiếu trách nhiệm trong thẩm định
Theo đó, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó Giám đốc, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội).
Trả lời chủ tọa, bị cáo Kim Hiền cho biết, sau khi Cty Enzo Việt hết hạn mức cho vay, dưới sự chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương, Kim Hiền đã giới thiệu Cty của Lê Minh Hiếu – Chủ tịch HĐQT Cty CP Lifepro Việt Nam và Cty Vietmade. Sau đó, Cty của bị cáo Hiếu đã có hợp đồng liên kết vay vốn đối với Cty Enzo Việt. Số tiền cho vay là 400 tỷ, trong đó đã có 80 tỷ cho vay theo hạn mức cho phép của cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương. Nói về việc ký giải ngân số tiền 320 tỷ, bị cáo Kim Hiền cho biết mình không nhớ đã ký như thế nào.
Nói về việc cho hai Cty của Lê Minh Hiếu vay mà không có tài sản đảm bảo, bị cáo Kim Hiền thừa nhận, đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định hàng hóa.
Trước đó, ngày 21/12, bị cáo Chử Thị Kim Hiền mở đầu phần thẩm vấn. Nói về nhận thức về hành vi của mình, bị cáo Kim Hiền cho rằng, trong việc giải ngân tiền mua 6 thương hiệu, bị cáo được phân công và làm theo chỉ đạo của cựu GĐ Agribank chi nhánh Nam Hà Nội chứ không được hưởng lợi.
Cáo trạng xác định quá trình thẩm định cho Công ty liên doanh Lifepro VN (tiền thân là Công ty cổ phần Enzo Việt) vay vốn để thực hiện dự án, Phạm Thị Bích Lương (nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) cố tình tìm mọi cách để cho công ty này vay được tiền của ngân hàng.
Số tiền vay được, lãnh đạo Công ty liên doanh Lifepro VN đã chuyển ra nước ngoài và chiếm đoạt.
Cụ thể, quá trình hoạt động, lãnh đạo Công ty liên doanh Lifepro VN lập hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng sáu thương hiệu thời trang không có thật để vay vốn ngân hàng, chỉ đạo đồng bọn kê khai khống số lượng vải, hóa chất, máy móc thiết bị nhập khẩu trong dự án để chiếm đoạt tiền vay sau khi được giải ngân.
Tính đến tháng 9/2012 (thời điểm khởi tố vụ án), số dư nợ của các công ty tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội hơn 3.400 tỉ đồng
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định trong việc Agribank thất thoát hàng ngàn tỉ đồng có sự giúp sức tích cực của các cán bộ đều là lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này.
Video đang HOT
Cụ thể, Phạm Thị Bích Lương đã có hàng loạt sai phạm như: chỉ đạo giải ngân đối với Công ty liên doanh Lifepro VN, các khoản cho vay hoàn toàn không có căn cứ, thực tế không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp, không tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau cho vay nên không phát hiện việc ngân hàng bị lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Biết Công ty liên doanh Lifepro VN hết hạn mức được vay tiền, Lương đã lợi dụng quyền hạn giám đốc chi nhánh cố tình giúp công ty tìm cách “lách” để được tiếp tục vay tiền.
Dưới sự chỉ đạo của Lương, Chử Thị Kim Hiền (nguyên phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội) giới thiệu Lê Minh Hiếu (đại diện pháp nhân của Công ty cổ phần Lifepro VN và Công ty Vietmade) gặp gỡ, bàn bạc, thống nhất với lãnh đạo Công ty cổ phần Enzo Việt ký hợp đồng hợp tác kinh tế.
Mục đích sử dụng các hợp đồng này để tiếp tục vay vốn của ngân hàng.
Thực hiện thỏa thuận, Lê Minh Hiếu đồng ý đứng tên ký hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ với Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Theo đó, Hiếu cùng cán bộ ngân hàng chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ pháp lý, tạo lãi khống cho hai công ty để đủ điều kiện vay vốn và thực hiện ký hợp đồng như thỏa thuận.
Thực chất Hiếu sử dụng pháp nhân hai công ty của mình để vay tiền và ký giấy nhận nợ, sau đó nhận phần trăm trên tổng số tiền vay được. Toàn bộ số tiền giải ngân được chuyển ra nước ngoài để các bị cáo khác chiếm đoạt.
Sau khi Agribank Nam Hà Nội giải ngân, Hiếu được nhận số tiền hoa hồng hơn 19,5 tỉ đồng. Trong đó, Hiếu đưa cho Chử Thị Kim Hiền 3 tỉ đồng.
Quá trình điều hành, ông Phạm Thanh Tân ký cho chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của hội sở. Từ tháng 3 đến tháng 4-2011, Phạm Thanh Tân đã bốn lần nhận tiền từ Phạm Thị Bích Lương với tổng số tiền 310.000 USD.
Cho vay hàng trăm triệu USD, không thẩm định
Agribank bị thất thoát gần 2.500 tỉ đồng nhưng đứng trước vành móng ngựa, cả hai bị cáo Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền đều cho rằng mình làm đúng chức trách, nhiệm vụ tại Agribank Nam Hà Nội.
Không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố nhưng bị cáo Hiền thừa nhận đã “theo chỉ đạo của chị Lương, nhận từ Công ty Enzo Việt và Công ty cổ phần Lifepro VN số tiền 400.000 USD và 3 tỉ đồng”. Toàn bộ số tiền này các bị cáo chia nhau chiếm hưởng.
Khi nghe cấp dưới khai chỉ thành lập tổ thẩm định dự án và làm báo cáo chứ không đi thẩm định, bị cáo Phạm Thị Bích Lương tỏ ra khá bất ngờ vì “bây giờ mới biết”.
Chủ tọa phiên tòa đặt rất nhiều câu hỏi về vai trò của Lương trong việc phê duyệt giải ngân cho Công ty liên doanh Lifepro VN, nhưng bị cáo Lương đều khẳng định mình làm đúng trách nhiệm.
Bị cáo cũng không thừa nhận được hưởng tiền “hoa hồng” sau khi giải ngân như lời khai của bị cáo Hiền.
“Tiền được chuyển về sau khi giải ngân là do khách hàng nhờ chuyển cho anh Phạm Thanh Tân và một số nhân viên khác mà bị cáo không nhớ. Việc chi tiền do khách hàng nhờ, các anh không đòi hỏi” bà Lương khai trước tòa.
Tổng hợp
Theo vnmedia
Các "sếp" Ngân hàng Agribank vướng lao lý trong vụ án gần 2.800 tỷ
Trong 18 bị can bị truy tố thì có 14 bị can là "sếp" và cán bộ thuộc Agribank.
Cơ quan tố tụng chuẩn bị đưa vụ án làm thất thoát gần 2.800 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội ra xét xử. Vụ án này liên quan đến hàng loạt "sếp" của Ngân hàng NN&PTNT.
Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam thành lập năm 2011, có tiền thân là Công ty cổ phần Enzo Việt thành lập từ năm 2007, do một nhóm cổ đông người nước ngoài thành lập.
Các đối tượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân, tạo lập hồ sơ vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang....
Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Tổng cộng khoản tiền bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 2.523 tỉ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn gây ra khoản thiệt hại hơn 231 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án.
Để xảy ra vụ án gây hậu quả nghiêm trọng này, các cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân là cán bộ ngân hàng có các hành vi phạm tội.
Đứng đầu trong danh sách này là bị can Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định) - cựu Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội.
Bị can Phạm Thị Bích Lương được cơ quan tố tụng xác định là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định dẫn tới thiệt hại tiền vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
Hỗ trợ đắc lực cho bị can Lương trong hành vi vi phạm quy định về cho vay được xác định là Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, trú tại Hà Nội) - cựu Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội.
Với chức trách là người giúp Giám đốc Phạm Thị Bích Lương phụ trách tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Nam Hà Nội, Hiền đã tham gia lập hồ sơ nâng quyền phán quyết cho vay không có căn cứ, tham gia đề nghị Agribank Việt Nam nâng quyên phán quyết, trực tiếp tham gia giải ngân, thẩm định đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam. Hiền đã không kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau khi cho vay nên không phát hiện việc Ngân hàng bị lừa đảo.
Hai bị can Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền số tiền hơn 2.400 tỷ đồng. Hai bị can bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
"Sếp" lớn nhất của Agribank Việt Nam vướng vào lao lý là bị can Phạm Thanh Tân (SN 1955, quê Thái Bình) - cựu Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Bị can Phạm Thanh Tân bị truy tố hai tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quá trình điều hành bị can đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch số tiền 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Agribank. Hậu quả, số tiền này đã bị chiếm đoạt thông qua hành vi vi phạm quy định về cho vay của Phạm Thị Bích Lương và các đồng phạm.
Ngoài ra, bị can Tân còn thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ Dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty Enzo Việt. Hậu quả hành vi thiếu trách nhiệm là khoản tiền 320 tỷ đồng được nâng thêm, trong đó giá trị thiệt hại là hơn 306 tỷ đồng.
Bị can Tân còn thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách Tổng giám đốc khi ký trình HĐQT ban hành nghị quyết và thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện nghị quyết của HĐQT nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro vay bị giải ngân sai và chiếm đoạt trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng giám đốc là gần 1.900 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại liên quan đến hành vi của bị can Phạm Thanh Tân là hơn 2.100 tỷ đồng.
Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, quê Nam Định) - cựu Ủy viên HĐQT Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Là Ủy viên HĐQT của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam được Chủ tịch HĐQT ủy quyền thực hiện một số thẩm quyền, Hoàng Anh Tuấn đã ký quyết định nâng quyền phán quyết cho Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội cho Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam vay 400 tỷ đồng để liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty Cổ phần Enzo Việt. Vì vậy Hoàng Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm liên đới về hậu quả thiệt hại xảy ra đối với khoản vay được nâng thêm là 320 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến một dự án của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn là người được Chủ tịch HĐQT ủy quyền ký nghị quyết nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội theo các nghị quyết của HĐQT theo đề nghị của giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội, Ban tín dụng doanh nghiệp và tổng giám đốc Phạm Thanh Tân nâng quyền phán quyết cho Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội vay lên đến 150 triêu USD đối với Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, tạo ra những sơ hở để cho các bị can là nhà đầu tư chiếm đoạt số tiền là tiền vay của ngân hàng với số lượng đặc biệt lướn, không có khả năng thu hồi hơn 2.100 tỷ đồng.
Bị can Kiều Trọng Tuyến - cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã ký phê duyệt nâng quyền phán quyết của Chi nhánh Nam Hà Nội cho Công ty Cổ phần Enzo Việt vay bổ sung vốn lưu động nay bị thất thoát, bị can Tuyến phải chịu liên đới trách nhiệm về thiệt hại trong giai đoạn này là hơn 231 tỷ đồng. Ngoài ra, từ khi bị can Phạm Thanh Tân được điều động sang công tác khác, Kiều Trọng Tuyến là phó giám đốc nhưng được phân công phụ trách thay nhiệm vụ của Phạm Thanh Tân. Từ thời điểm này đến khi vụ án được phát hiện thì Chi nhánh Nam Hà Nội còn giải ngân tiếp hơn 323 tỷ đồng. Do Tuyến không chỉ đạo sát sao theo trách nhiệm được giao nên số tiền này đã bị chiếm đoạt. Tổng cộng bị can Tuyến phải liên đới chịu trách nhiệm là hơn 564 tỷ đồng.
Ngoài 5 "sếp" của Agribank thì còn hàng loạt cán bộ của ngân hàng này bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./.
Việt Đức
Theo_VOV
Bóc vụ liên doanh Lifepro lừa Agribank 2.700 tỷ đồng Agribank đã bị một số đối tượng nước ngoài lừa đảo, gây thiệt hại lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Nhưng chính các cựu cán bộ cấp cao của ngân hàng này đã giúp hành vi phạm tội được thực hiện trót lọt. Trong số 18 bị can của vụ án, có 13 bị can nguyên là cán bộ của Agribank Theo cáo...