Đà Nẵng tạm dừng hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo thành phố, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana – Ý và Công ty Cổ phần thép Dana – Úc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 1/3, UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến kiến nghị của các hộ dân thuộc xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bức xúc trước việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm.
Theo đó, ngày 28/2, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp xử lý các nội dung liên quan đến việc một số người dân thuộc thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tập trung trước trụ sở Công ty Cổ phần thép Dana – Ý.
Sau khi nghe lãnh đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương và đại diện cho các doanh nghiệp có liên quan phát biểu ý kiến; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất kết luận chỉ đạo.
Người dân bức xúc yêu cầu đóng cửa nhà máy thép tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng chiều 28/2
Cụ thể, giao Văn phòng UBND thành phố tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực hai nhà máy thép; trình Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy. Thời gian hoàn thành chậm nhất trước ngày 2/3.
Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo thành phố, yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana – Ý và Công ty Cổ phần thép Dana – Úc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tạm dừng kể từ ngày 28/2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức giám sát việc tạm dừng hoạt động nêu trên.
Các hoạt động vận chuyển, bốc, dỡ; xuất, nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Khi thực hiện việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa yêu cầu các doanh nghiệp thông báo cụ thể thời gian, loại phương tiện, số lượng người tham gia cho UBND xã Hòa Liên biết để thực hiện việc giám sát.
Video đang HOT
Thông báo cũng giao Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Hòa Liên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân được rõ, ủng hộ chủ trương của thành phố và chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi lôi kéo, kích động người dân gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Như Dân trí đã đưa tin, chiều 28/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi đối thoại với người dân sống gần Công ty CP thép Dana – Ý và Công ty CP thép Dana – Úc gây ô nhiễm.
Tại buổi đối thoại, người dân tỏ ra rất bức xúc và yêu cầu lãnh đạo thành phố trả lời rõ ràng: “Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy?”. Người dân cũng yêu cầu đóng cửa nhà máy cho đến khi dân di dời hết đến khu tái định cư.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Đà Nẵng đối thoại về 2 nhà máy ô nhiễm: "Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy?"
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và người dân sống gần hai nhà máy thép gây ô nhiễm, người dân yêu cầu phải đóng cửa nhà máy.
Chiều 28/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi đối thoại với người dân sống gần Công ty CP Dana - Ý và Công ty CP Dana - Úc gây ô nhiễm.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Nhạn (trú thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đặt ngay câu hỏi: "Các anh lãnh đạo sống vì dân hay vì nhà máy?".
Theo ông Nhạn, nhà máy thép hoạt động đã lâu, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Người dân đã nhiều lần phản ứng nhưng đâu lại vào đấy.
Một người dân bức xúc trước việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm và yêu cầu chính quyền có biện pháp giải quyết sớm
"Bây giờ yêu cầu đóng cửa lò nấu của nhà máy. Nếu giải tỏa thì đưa dân chúng đi nơi nào chứ không đưa lên khu tái định cư Hòa Liên 6 vì lên đó khói bụi từ nhà máy cũng bay lên", ông Nhạn nói.
Ông Trương Vân Long (trú thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) yêu cầu lãnh đạo thành phố cần phải trả lời dứt điểm ngay tại buổi đối thoại để người dân yên ổn sống.
"Thành phố chọn dân hay chọn nhà máy? Thành phố chọn thế nào dân chúng tôi chọn thế đó. Nhưng tôi vẫn kiến nghị là di dời nhà máy đi. Dân di dời lên khu tái định cư cũng không khỏi ô nhiễm. Nhà máy hoạt động vẫn ảnh hưởng. Vì thế di dời nhà máy là hợp lý hơn", ông Long kiến nghị.
Ông Long cũng đề nghị, hai nhà máy cần dừng hoạt động dứt điểm để tránh xung đột quyền lợi, sức khỏe của người dân chứ bây giờ dân chịu không nổi nữa.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trả lời người dân tại buổi đối thoại
Ông Phạm Mai (Vân Dương 2) đề nghị lãnh đạo thành phố đừng hứa nữa, đừng đổ thừa nữa.
"Đổ thừa mệt lắm. Một là nhà máy đi, hai là dân đi, lộ trình đi như thế nào? Nếu dân đi thì có thể một năm, hai năm hoặc ba năm là xong nhưng khi dân đi hết thì nhà máy mới được hoạt động", ông Mai nói.
Sau khi nghe một số ý kiến của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, cuối 2016 khi xảy ra những vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy thép, bà con có ý kiến, thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn gặp gỡ, tiếp xúc với bà con. Sau một số cuộc đối thoại, giữa thành phố, bà con và hai nhà máy cùng thống nhất phương án sẽ di dời nhà máy có lộ trình, đồng thời di dời dân.
"Giải quyết vấn đề nhà máy như thế nào bản thân lãnh đạo thành phố cũng rất lúng túng. Cả hai phương án đưa ra (di dời nhà máy hay phương án di dời dân) đều không có phương án tối ưu. Hai phương án đều xấu, vấn đề là chúng ta phải chọn ra được một phương án ít xấu nhất cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền", ông Hồ Kỳ Minh nói.
Theo ông Minh, đầu tiên, lãnh đạo thành phố định di dời nhà máy, nhưng qua rà soát vẫn không tìm được vị trí để di dời hai nhà máy.
Bây giờ có hai phương án dời dân và di dời nhà máy chậm hơn một chút và phương án di dời nhà máy. Cả 2 phương án đều phải đối mặt với lượng kinh phí lớn. Nếu di dời dân, phải đối mặt với áp lực tái định cư. Di dời hai nhà máy tức là họ phải đóng cửa thì phải đền bù. Cả 2 phương án đều không có phương án tối ưu.
"Lần trước người dân đều đồng ý là di dời dân trước, dời nhà máy sau. Lần này đa số có ý kiến của bà con là đóng cửa nhà máy và không di dời dân. Chúng tôi xin ghi nhận và sẽ báo cáo lại thành phố", Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho hay.
Sau khi nghe phát biểu của ông Hồ Kỳ Minh, một người dân đứng dậy cho biết, tất cả người dân ở đây đều thống nhất đóng cửa nhà máy, khi nào dân đi thì nhà máy hoạt động.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh tiếp nhận ý kiến của người dân và cho biết sẽ báo cáo kết quả với người dân vào sáng thứ 2 tuần tới.
Khánh Hồng
Theo Danviet
Dân mang ruồi đến phản đối nhà máy rác vì ô nhiễm Hàng chục người dân ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vô cùng bức xúc và đã mang ruồi đến trước cổng Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà để phản đối trước thực trạng nhà máy này gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Nhiều hộ dân đã tập trung trước Nhà máy xử...