Da mịn như lụa nhờ tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết đúng cách sẽ làm giảm tình trạng da thô ráp và xỉn màu, giúp chúng ta sở hữu làn da mịn màng hơn.
Tẩy tế bào chết tạo điều kiện cho các sản phẩm bôi ngoài da được thẩm thấu tốt hơn. Ảnh: Polina Kovaleva/Pexels.
Theo Marisa Garshick, bác sĩ da liễu được cấp phép hành nghề tại New York và trợ lý giáo sư da liễu lâm sàng tại Trường Y khoa Weill Cornell (Mỹ), da sẽ “tự” tẩy tế bào chết theo chu kỳ 28 ngày/lần.
Tuy nhiên, theo thời gian, tốc độ làn da tự loại bỏ tế bào chết sẽ chậm lại. Lúc này, chúng ta nên chủ động để có thể duy trì làn da khỏe khoắn và rạng rỡ.
Bên cạnh đó, hoạt động tẩy tế bào chết còn tạo điều kiện để các sản phẩm bôi ngoài da như kem dưỡng ẩm hoạt động tối ưu. Đặc biệt,với những người có làn da thô ráp hoặc mắc các bệnh lý như dày sừng nang lông (xảy ra khi các tế bào da chết tích tụ xung quanh nang lông), tẩy tế bào chết là một phương pháp cải thiện hiệu quả.
“Bằng cách loại bỏ các tế bào da chết, hoạt động này hỗ trợ ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông và mụn trứng cá, giúp các sản phẩm chăm sóc da thẩm thấu hiệu quả hơn”, bác sĩ Garshick nói.
Rủi ro từ tẩy tế bào chết
Đâu là rủi ro lớn nhất của tẩy tế bào chết? Ivy Lee, bác sĩ da liễu được cấp phép hành nghề tại California và Chủ tịch Ủy ban Trí tuệ tăng cường thuộc Viện Hàn lâm Da liễu Mỹ, khuyến nghị đừng lạm dụng hoạt độgn này.
Cần hiểu rõ tình trạng da và có tần suất tẩy tế bào chết phù hợp để tránh gây kích ứng. Ảnh: Karolina Kaboompics/Pexels.
Các bệnh da liễu như chàm, vẩy nến có thể khiến da bong tróc, thậm chí, nhiều người mắc bệnh da liễu giai đoạn đầu còn hình thành thói quen bóc da.
Video đang HOT
“Hành động đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến bệnh bùng phát và thậm chí lây lan”, bà nói.
Bác sĩ Garshick đồng tình và lưu ý rằng việc sử dụng tẩy tế bào chết vật lý, hóa học quá thường xuyên với cường độ mạnh có thể gây kích ứng và nhạy cảm cho da.
Nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc mắc các bệnh như chàm, trứng cá đỏ hoặc vảy nến, hãy dừng tẩy tế bào chết cho đến khi nhận được sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
Phân biệt tẩy tế bào chết vật lý và hóa học
Có 2 loại tẩy tế bào chết: vật lý và hóa học. Tẩy tế bào chết vật lý bao gồm các phương pháp sử dụng vật dụng như bàn chải khô, găng tay tẩy tế bào chết hoặc sử dụng các chất dạng hạt như cà phê, muối biển, đường hoặc gạo xay. Phương pháp này hoạt động bằng cách làm bong tróc lớp da trên cùng.
“Điều quan trọng khi sử dụng các chất tẩy tế bào chết vật lý là không dùng loại quá mạnh hoặc gây bào mòn da”, bác sĩ Garshick cho biết. Tẩy tế bào chết vật lý có thể sử dụng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng vì dễ lạm dụng, bác sĩ Lee khuyến khích chỉ nên sử dụng ở những vùng da dày như cẳng chân, bàn chân hoặc khuỷu tay.
Đối với tẩy tế bào chết hóa học, bác sĩ Lee cho biết phương pháp này hoạt động dựa vào axit để phá vỡ liên kết giữa các tế bào da chết trên cùng. Tẩy tế bào chết hóa học thường được điều chế cùng với các AHA, như axit glycolic hoặc BHA, như axit salicylic và axit lactic.
Trong khi BHA sử dụng hiệu quả nhất cho những làn da dễ bị mụn trứng cá, AHA lại phát huy tốt công dụng làm mờ các nếp nhăn và đều màu da. Điều tuyệt vời là hầu hết sản phẩm hiện nay đều có sự kết hợp của cả hai.
Tẩy tế bào chết hóa học giúp hạn chế lạm dụng và kiểm soát lượng sử dụng tốt hơn. Đồng thời, phương pháp này có thể được ưa chuộng bởi những làn da nhạy cảm và phù hợp với các vùng da mỏng như cổ, tay, ngực.
Có thể sử dụng kết hợp cả hai loại để nhận thấy hiệu quả rõ rệt và tức thời. Ảnh: Miriam Alonso/Pexels.
Bác sĩ Lee khuyến khích nên kết hợp tẩy tế bào chết vật lý và hóa học cho những vùng da dày như bàn chân, các vết chai, bàn tay hoặc khuỷu tay.
Với phương pháp vật lý, sử dụng 1-2 lần/tuần là phù hợp. Còn phương pháp hóa học, vì được kiểm soát và dịu nhẹ hơn, có thể sử dụng cách ngày tùy thuộc vào nồng độ của các thành phần hoạt tính.
Ngoài ra, bác sĩ Lee khuyến khích những ai có hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nên tránh tất cả loại tẩy tế bào chết, dù là thủ công hay hóa học, cho đến khi da lành hẳn.
Tinh dầu hương thảo có thực sự giúp mọc tóc?
Mặc dù bằng chứng khoa học ủng hộ tác dụng chống rụng tóc và giúp mọc tóc của tinh dầu hương thảo vẫn còn hạn chế, có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của tinh chất này.
Nhiều người sử dụng tinh dầu hương thảo để kích thích mọc tóc.
Nếu từng nghiên cứu các biện pháp tự nhiên khắc phục tình trạng gãy rụng tóc - dù là trên Google hay bằng #HairTok - rất có thể bạn đã nghe nói đến tinh dầu hương thảo (rosemary). Nhiều người dùng mạng xã hội ca ngợi tinh dầu hương thảo rất tốt cho sự phát triển của tóc, khẳng định loại tinh chất này làm tăng mật độ và đẩy nhanh quá trình mọc tóc.
Nhưng liệu tinh dầu hương thảo có thực sự hiệu quả như mọi người vẫn nói không? CNN đã tham khảo ý kiến của một số bác sĩ da liễu để có được hiểu biết chuyên sâu về vấn đề này.
Tinh dầu hương thảo có tác dụng gì với tóc?
Được chiết xuất từ cây Rosmarinus officinalis, tinh dầu hương thảo nổi tiếng trong thế giới chăm sóc da và tóc vì đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn mạnh mẽ. "Tinh dầu hương thảo có thể giúp dưỡng và làm chắc tóc, đồng thời có tác dụng giảm hư tổn và gãy rụng, giúp tóc trông chắc khỏe hơn", Tiến sĩ Marisa Garshick, bác sĩ da liễu được cấp phép tại New York, cho biết.
"Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu hương thảo có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc. Người ta cho rằng tinh dầu này giúp cải thiện lưu thông máu ở da đầu, từ đó có thể kích thích tóc mọc".
Cây hương thảo được điều chế thành tinh dầu.
Tiến sĩ Michele Green, bác sĩ da liễu thẩm mỹ được cấp chứng chỉ tại New York, cho biết các đặc tính chống oxy hóa của dầu hương thảo cũng giúp bảo vệ tóc khỏi stress oxy hóa và các tác nhân gây hại từ môi trường như bức xạ UV và ô nhiễm.
"Các đặc tính chống viêm của loại tinh chất này có thể giúp làm dịu và ngăn ngừa rụng tóc do viêm nang tóc và da đầu. Nó cũng có thể thúc đẩy lưu thông máu, cho phép nhiều oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của tóc được đưa đến nang tóc và da đầu hơn", bác sĩ nói.
Tiến sĩ Sejal Shah, bác sĩ da liễu được cấp chứng chỉ và là người sáng lập SmarterSkin Dermatology, đồng tình với cả hai ý kiến trên. Bà cho biết: "Tinh dầu hương thảo có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn, đồng thời có thể làm tăng lưu lượng máu đến da đầu. Đây có thể là lý do nó có thể giúp tóc mọc lại, vì cơ chế này rất giống với cơ chế hoạt động của minoxidil (hay còn gọi là rogaine)".
Cách dùng tinh dầu hương thảo
Mặc dù bằng chứng khoa học ủng hộ tác dụng chống rụng tóc và giúp mọc tóc của tinh dầu hương thảo vẫn còn hạn chế, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tiềm năng của tinh chất này.
"Một nghiên cứu phát hiện ra rằng dầu hương thảo kích thích mọc tóc ở những con chuột bị rụng tóc do điều trị bằng testosterone. Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng dầu hương thảo có hiệu quả như minoxidil 2% trong việc mọc lại tóc ở những người đàn ông bị rụng tóc theo kiểu nam giới", Shah giải thích chi tiết.
Tuy nhiên, bà cho biết điều quan trọng là chúng ta vẫn cần nhiều dữ liệu hơn để đưa ra kết luận chắc chắn về hiệu quả của tinh dầu hương thảo.
Tinh dầu hương thảo được sử dụng nhiều trong chăm sóc da và tóc.
"Dầu hương thảo có thể để trên da từ vài giờ đến qua đêm, vì vậy điều quan trọng là phải làm theo bảng hướng dẫn sử dụng trên từng sản phẩm", Green nói.
Dầu hương thảo cũng có thể được trộn vào dầu gội hoặc kem dưỡng tóc của bạn như một phần của quy trình chăm sóc tóc. Nhưng khi sử dụng riêng hương thảo, bác sĩ khuyên nên pha loãng nó với một loại dầu nền như dầu jojoba, dầu dừa hoặc dầu argan trước khi thoa lên da đầu.
Về cách pha loãng chính xác dầu hương thảo để điều trị tóc và da đầu, chỉ cần thêm 2-3 giọt tinh dầu hương thảo vào khoảng hai thìa dầu nền.
Garshick lưu ý rằng có thể mất vài tháng để thấy được hiệu quả - giống như bất kỳ phương pháp điều trị rụng tóc nào khác - vì vậy người dùng cần kiên trì. Bà cũng cảnh báo những người có làn da nhạy cảm nên thử nghiệm dùng tinh dầu hương thảo trên một vùng nhỏ để thử kích ứng trước khi sử dụng lên toàn bộ da đầu.
Chăm sóc da đúng cách sau khi tập thể dục Nếu không chăm sóc cẩn thận, làn da đẫm mồ hôi sau khi tập thể dục sẽ dễ bị ảnh hưởng xấu, như lên mụn trứng cá. Rửa mặt sạch sẽ sau khi tập luyện giúp hạn chế nổi mụn. Ảnh minh họa: Alena Darmel/Pexels. Làm sạch Bước đầu tiên trong quy trình chăm sóc da sau tập luyện luôn là rửa mặt...