Đa dạng hóa phương pháp dạy học
Hiện nay, nhiều trường học đã và đang đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
Lớp học của cô Nguyễn Thị Chiến
Giáo viên không ngừng đổi mới
Theo cô Nguyễn Thị Chiến, giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), việc đổi mới phương pháp dạy học đã trở thành phong trào, được ban giám hiệu và tất cả các giáo viên quan tâm, trở thành yêu cầu, mục tiêu của Hội đồng giáo dục. Giáo viên luôn chú trọng các kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo định hướng năng lực người học, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Cô Chiến cho biết: “Với những bài giảng phát huy năng lực của HS tôi giao những nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. HS tham gia làm thí nghiệm, đồ dùng học tập, thuyết trình về nội dung được giao, cho HS tham gia làm đề kiểm tra, vẽ sơ đồ tư duy khi kết thúc một chương học”.
Ví dụ trong bài giảng về hiện tượng Khúc xạ ánh sáng (lớp 11), cô giáo đưa ra hiện tượng chiếc đũa bị gãy khi cắm trong cốc, hiện tượng đáy bể nâng lên gần mặt nước hơn… để thôi thúc, khơi dậy trí tò mò giúp các em có hứng thú tiếp thu bài giảng.
Là giáo viên luôn tìm tòi những kĩ năng đổi mới phương pháp giảng dạy môn Sinh học, cô Nguyễn Phương Thanh – giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: Tùy từng bài học mình có thể áp dụng các phương pháp khác nhau một cách linh hoạt.
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, giáo viên nên sử dụng các hiện tượng thực tế, mẫu vật thật hoặc các thí nghiệm đơn giản để giúp HS dễ dàng hình thành khái niệm, phân tích được các quá trình sinh học.
Trong một bài học, có nhiều phần kiến thức, giáo viên nên tổ chức các hoạt động học tập khác nhau để tránh sự nhàm chán, tăng hứng thú cho HS. Ví dụ: Phần 1, HS làm việc cá nhân, độc lập với sách giáo khoa; phần 2 là thảo luận nhóm; phần 3 là thuyết trình. Giáo viên cũng có thể tổ chức các trò chơi khác nhau tương ứng với từng phần kiến thức giúp HS hào hứng tích cực hơn trong các hoạt động học tập.
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, có nhiều nguyên lý, quá trình sinh học rất trừu tượng, khó hình dung. Cũng có nhiều kiến thức khoa học mới được khám phá ra mỗi ngày. Vì vậy, tài nguyên trên Internet rất cần thiết và hữu ích đối với việc dạy – học môn Sinh học. Giáo viên và HS cần sử dụng tài nguyên này một cách chọn lọc, nên quan tâm đến độ tin cậy, nguồn cung cấp của các thông tin, hình ảnh, clip trước khi sử dụng trong bài học.
HS Trường THPT Chu Văn An
Xây dựng lớp học hạnh phúc
Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, các giáo viên còn tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho HS dưới nhiều hình thức khác nhau như các câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, cầu lông, nhảy hiện đại, hát nhạc, vẽ tranh, làm bánh; tổ chức các chuyên đề dưới cờ hằng tuần theo chủ đề tháng dưới nhiều hình thức phong phú: Các trò chơi, thảo luận, tọa đàm, sân khấu hóa.
Theo cô Nguyễn Thị Chiến, để HS hứng thú hơn với môn học, cần tạo ra những lớp học thực sự hạnh phúc. Đó là nơi mà cả thầy cô và HS đều có được những cảm xúc tích cực. Thầy cô hạnh phúc, thăng hoa trong giảng dạy, HS hạnh phúc khi được tham gia các hoạt động học tập và lĩnh hội được những kiến thức mới.
Video đang HOT
Thầy cô và HS đều có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm đối với giờ học. Thầy cô hạnh phúc, HS hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không chỉ ở lại mái trường mà còn lan toả về gia đình để phụ huynh cũng hạnh phúc với niềm vui của HS.
Theo cô Nguyễn Phương Thanh, để tạo nên lớp học hạnh phúc, thầy cô cần thay đổi nhiều trong tư duy cũng như phương pháp dạy học. Với mỗi một bài học, thầy cô phải lên kế hoạch thật chi tiết, hấp dẫn, hoạt động học tập giữa các phần kiến thức không nên trùng lặp tạo sự nhàm chán. Phải căn chính xác thời gian cho các hoạt động nhưng vẫn phải chuẩn bị thêm các hoạt động dự phòng và sẵn sàng lấp đầy thời gian trống để các hoạt động liên tục diễn ra, có thể điều chỉnh kế hoạch của mình một cách linh hoạt.
Các thầy cô cần thường xuyên lắng nghe, giao tiếp với HS. HS cần biết đang làm đúng, những gì các em đang tiến bộ và những gì cần phải cải thiện thêm. Thầy cô giao tiếp nhiều với HS, các em sẽ càng đạt kết quả tốt hơn trong lớp học. Có thể tương tác với HS qua email, nhóm chat, sẵn sàng ở lại lớp lắng nghe và trả lời các câu hỏi ngoài giờ của HS.
Vân Anh
Theo giaoducthoidai
Cô giáo dạy văn từ chuyện kể lớp mình, talkshow truyền hình
Cô giáo Thu Hà đã chứng minh cho học trò thấy rằng, thế giới của văn học có rất nhiều thứ tuyệt vời và đáng khám phá.
Cô giáo Lưu Thị Thu Hà là giáo viên dạy Văn của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Hơn 10 năm công tác tại trường, cô được nhiều học sinh yêu quý và gọi bằng cái tên "cô giáo thông thái". Lý do là bởi, "cái gì cô Hà cũng biết và cô luôn hiểu học trò muốn gì".
"Cần có sự rung động cần thiết trong mỗi giờ Văn"
Là một giáo viên dạy Văn, cô Hà luôn tâm niệm, dù có ứng dụng công nghệ thông tin hay vận dụng các phương pháp dạy học tích cực thế nào đi chăng nữa, mỗi giờ Văn nhất định vẫn phải có chất văn.
Vì vậy, trong mỗi giờ dạy, bên cạnh việc truyền thụ bài giảng sinh động, cô giáo trẻ vẫn khéo léo lồng ghép cảm xúc để tạo nên những tiết học lắng đọng, xúc động.
Cô giáo Lưu Thị Thu Hà là giáo viên dạy Văn của Trường THPT Việt Đức (Ảnh: Thúy Nga)
"Để học trò hiểu và thấm thía hơn về các giá trị của tác phẩm, trước hết mình phải khiến học trò đồng cảm với chính các nhà thơ, nhà văn. Đó là lý do vì sao mình thích bắt đầu bài giảng bằng việc kể cho học trò nghe những câu chuyện về cuộc đời tác giả.
Những điều đó thường khiến học sinh cực kỳ xúc động. Và khi học trò dành nhiều thiện cảm cho tác giả, điều đó sẽ tạo đà và tâm thế giúp các em dễ dàng bước vào tác phẩm hơn".
Bằng cách này, dù nhiều năm trôi qua, có thể học trò đã quên đi những gì giáo viên giảng dạy, nhưng việc khơi gợi cảm xúc qua câu chuyện sẽ trở thành một kênh trực tiếp đi vào trái tim.
Ví dụ, học đến tiết Hàn Mặc Tử, có những giây phút kể về cuộc đời tác giả, cả cô và trò đã cùng rơi nước mắt. Sau này, khi có dịp tới Quy Nhơn, Bình Định, các em thường hay mang về tặng cô những cuốn sách, bức ảnh gắn với cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử".
Cô Hà cho rằng, đó chính là những rung động cần thiết trong mỗi giờ giảng văn và cũng là mục tiêu cô hướng tới trong các tiết dạy của mình.
Để học sinh được "chín" trong những cảm xúc rất nhân văn, cô cũng thường trao quyền chủ động cho học trò. Nhờ tinh thần mở, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại ấy mà mỗi giờ Văn của cô Hà lúc nào cũng rất sôi nổi.
Để học sinh được "chín" trong những cảm xúc rất nhân văn, cô cũng thường trao quyền chủ động cho học trò.(Ảnh: Thúy Nga)
Học sinh tự do thể hiện cá tính và quan điểm, miễn ý kiến đó thuyết phục được cả cô và các bạn.(Ảnh: Thúy Nga)
Ngoài ra, cô Hà còn khơi gợi cảm xúc của học trò thông qua các dự án như "Talkshow truyền hình, tại sao không?". Ví dụ, học đến bài Thái sư Trần Thủ Độ - vốn là văn bản học sinh chưa thấy hào hứng nhưng với sự gợi ý của cô, học trò đã chuyển hóa nội dung kiến thức văn học sử thành chương trình talkshow rất hấp dẫn.
Học sinh tự phân vai MC, giáo sư Sử học để cùng nhau thảo luận, phân tích. Nhờ vậy, các mục tiêu kiến thức của bài đạt được mà giờ học cũng trở nên sôi nổi, cuốn hút hơn hẳn.
Hay như dự án "Chuyện kể lớp mình" được cô Hà ấp ủ với mong muốn "gieo điều thiện, ươm lòng nhân" cho mỗi học trò một cách nhuần nhị, tự nhiên nhất. Dự án này cũng đem lại cho cả cô và trò những giây phút thực sư xúc động.
Ở đó, học sinh sẽ được lựa chọn và đứng lên bàn luận về một vấn đề đời sống xã hội mà các em quan tâm, trăn trở. Đến khi dự án kết thúc, các em vừa có một tài liệu học tập bổ ích, vừa hình thành tư duy đa chiều và được lan tỏa các giá trị nhân văn ý nghĩa.
"Có học trò đã chia sẻ câu chuyện về những em nhỏ vùng cao, đi bộ suốt 40 cây số đường rừng với ước mơ bám trường, bám lớp. Các em gọi đó là một phút giật mình rất nhân văn khiến bản thân nhận ra mình đã lãng phí cơ hội, thời gian và 'chưa bao giờ nhìn ra thế giới ngoài cái bóng ở dưới chân mình'".
Tất cả những điều đó đã giúp cô giáo trẻ chứng minh cho học trò thấy rằng, học Văn cũng có thật nhiều điều thú vị.
"Khi mình chứng minh được cho học sinh thấy điều này thì các em sẽ tự giác, tự nguyện và tự thấy cần học tập với niềm vui thích. Mình cho rằng, mọi sự áp đặt không phải là một liệu pháp bền vững của giáo dục".
"Luôn mong muốn bước chung nhịp bước khi đồng hành với trò..."
Dạy học sinh THPT cũng có những điều "ẩm ương hết sức". Vì vậy, để giao tiếp được với học trò, cô giáo sinh năm 1985 đặc biệt quan tâm đến việc nói cùng một tiếng nói, nhịp chung một bước chân với học trò.
Mỗi ngày, việc cập nhật tin tức dành cho giới trẻ là điều khiến "cô giáo thông thái" không bao giờ bỏ qua. Tất cả những điều này chỉ để đi được vào thế giới của trò, xóa nhòa khoảng cách thế hệ.
"Dạy đối tượng cấp III khiến mình luôn phải làm mới mình để không lạc hậu. Hiểu được học sinh muốn gì thì mình mới có thể dùng một giọng nói để các bạn ấy thấy dễ nghe, dễ đồng điệu", cô Hà rút ra kinh nghiệm sau hơn 10 năm đi dạy.
"Dạy đối tượng cấp III khiến mình luôn phải làm mới mình để không lạc hậu" (Ảnh: Thúy Nga)
Biết học trò luôn cảm thấy "sợ hãi" về những cuộc gặp giữa cô giáo và cha mẹ, trong buổi họp phụ huynh, cô Hà dành nhiều thời gian để nói về việc học trò đã tiến bộ thế nào, học sinh học vui ra sao. Chính vì thế, dần dần học trò đã tự cởi bỏ rào cản tâm lí và cảm thấy rất nhẹ nhàng nếu các bậc phụ huynh có liên lạc với cô giáo để hỏi thăm tình hình con em.
"Ngay từ đầu năm mình đã nói với các cha mẹ rằng, chúng ta gặp nhau là để chia sẻ về những điều đã làm được và cùng nhau vạch ra con đường giúp các con tiến bộ hơn trong tương lai".
"Yêu thương trao đi là yêu thương còn lại mãi..."
Cô cho rằng, có những điều rất nhỏ, nhưng nếu biết cách quan tâm và trao đi thì cuộc sống sẽ trở nên nhân văn và ý nghĩa.
Cho nên, khi được các bạn nam tổ chức chúc mừng ngày 20/10, cô giáo trẻ nói: "Hôm nay cô cảm thấy các bạn nam trong lớp đã trở thành những người đàn ông thực sự tuyệt vời. Nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu ngay phút giây này, cả lớp mình cùng gửi một tin nhắn chúc mừng đến những người mẹ đã luôn yêu thương, hi sinh thầm lặng vì các em".
Rồi cô cho học sinh thời gian 3 phút để nhắn tin chúc mừng mẹ. Sau này, nhiều phụ huynh có chia sẻ lại rằng, khi đang ngồi làm việc, nhận được tin nhắn của con chị rất xúc động. Dường như càng lớn khoảng cách giữa bố mẹ và con cái càng xa nhau hơn.
Gần gũi với học sinh, cho nên học trò cũng thường tìm đến cô Hà để chia sẻ. Khi thấy học sinh buồn bã, cô giáo trẻ lại kể:
"Củ cà rốt tưởng rất cứng rắn nhưng khi nấu trong nhiệt độ sôi lại trở nên yếu mềm. Quả trứng tưởng mong manh dễ vỡ nhưng qua điều kiện khắc nghiệt của nước lại trở nên cứng rắn hơn. Một hạt cà phê tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có thể biến đổi nước cả về màu sắc và mùi thơm. Con muốn bản thân mình sẽ là ai?".
Những câu chuyện nhỏ như thế luôn khiến học trò cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng.
Hơn 10 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Hà cho rằng, bản thân đều làm mọi thứ chân thành, vô tư, vì học trò trên hết.
"Với mình, khi làm giáo dục, điều mình cố gắng là luôn luôn làm mọi thứ để không học sinh nào có cảm giác bị bỏ quên trong chính lớp học của mình".
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Đổi mới dạy học nhờ công nghệ Năm học 2019-2020 đánh đấu sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy học hiện đại tại các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, làm sao để thiết bị công nghệ thật sự phát huy hiệu quả, qua đó...