Cựu vụ trưởng nhận hối lộ 300.000 USD để ‘nhắm mắt’ giúp Công ty Việt Á
Để được giúp đỡ trong quá trình kiểm tra, đánh giá, tham mưu để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á trái quy định, ông Phan Quốc Việt đã hối lộ cán bộ này 300.000 USD.
VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ Việt Á. Trong đó, ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chuẩn đoán- Bộ Y tế) bị truy tố tội Nhận hối lộ.
Theo cáo buộc, do Công ty Việt Á không thuộc đối tượng cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm nên ngoài việc nhờ ông Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ), cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc- Cục Quản lý dược; nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) can thiệp, tác động, ông Phan Quốc Việt còn trực tiếp gặp, nhờ ông Nguyễn Minh Tuấn tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành và được ông Tuấn đồng ý.
Cáo buộc cho rằng ông Tuấn biết rõ test xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm của Đề tài thuộc sở hữu Nhà nước, không đủ điều kiện cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á. Ông Tuấn cũng được cấp dưới báo cáo rõ hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành thiếu 4 tài liệu, không đủ điều kiện để cấp số.
Ông Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống
Tuy nhiên, do ông Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh và cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tác động chỉ đạo và ông Phan Quốc Việt trực tiếp đặt vấn đề nên ông Nguyễn Minh Tuấn đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm.
Cụ thể, ông Tuấn đã trao đổi, hướng dẫn Công ty Việt Á làm việc với Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để có kết quả đánh giá chất lượng test xét nghiệm và phải được Hội đồng khoa học của Bộ KH&CN nghiệm thu test xét nghiệm.
Ông Tuấn trực tiếp báo cáo và chỉ đạo cấp dưới gửi email báo cáo rõ với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về việc không đủ điều kiện cấp số đăng ký lưu hành cho test xét nghiệm của Công ty Việt Á. Nhưng khi nhận được chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Long, ông Tuấn vẫn chủ trì họp Hội đồng tư vấn cấp sổ đăng ký lưu hành và ký tờ trình để ông Nguyễn Trường Sơn (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho test xét nghiệm của Công ty Việt Á trái quy định tại Nghị định số 36 và 169.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Tuấn đã phối hợp với ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính- Bộ Y tế) xác định giá hiệp thương test xét nghiệm là 470.000 đồng/test không có căn cứ, trái quy định.
Ông Tuấn còn chủ trì họp Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán thông qua và trình ông Nguyễn Trường Sơn quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm theo chỉ đạo của bị can Nguyễn Thanh Long trái quy định.
Video đang HOT
Cáo buộc cho rằng, để được ông Nguyễn Minh Tuấn giúp đỡ trong quá trình kiểm tra, đánh giá, tham mưu để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á trái quy định của pháp luật, vào tháng 3 và tháng 7/2020, Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt đã gặp và đưa tiền hối lộ ông Tuấn 2 lần với tổng số tiền 300.000 USD (tương đương hơn 6,9 tỷ đồng).
Theo cáo trạng, hành vi của ông Nguyễn Minh Tuấn giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, biến test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm của Công ty Việt Á, được sản xuất, bán thương mại, gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.
Vụ Việt Á: Cựu Giám đốc CDC Bắc Giang nhận 5 tỷ từ một người phụ nữ
Người phụ nữ đến phòng làm việc của ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang đưa cho 2 sổ tiết kiệm tổng trị giá 5 tỷ đồng kèm lời nhắn: "khi nào em cần rút thì gọi cho chị".
Ngày 30/3/2020, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản gửi Công ty Việt Á, đề nghị cấp phát sinh phẩm do công ty nghiên cứu, chế tạo thuộc Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, hỗ trợ các tỉnh phục vụ phòng, chống dịch.
Trong đó tỉnh Bắc Giang được cấp phát 200 test xét nghiệm. Sau khi sử dụng hết số test xét nghiệm trên, ông Đặng Thanh Minh (khi đó là Giám đốc CDC Bắc Giang) đã chỉ đạo cán bộ CDC Bắc Giang liên hệ với Công ty Việt Á để xin hỗ trợ sản phẩm test xét nghiệm, nhưng phía Việt Á từ chối hỗ trợ mà đề nghị CDC Bắc Giang phải ký hợp đồng mua sản phẩm.
Ngày 8/4/2020, ông Minh ký tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Tài chính Bắc Giang phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu kèm theo danh mục, số lượng hàng hóa và giá dự toán của gói thầu: Mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế (bổ sung đợt 3) của CDC Bắc Giang phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn nghe tống đạt lệnh khởi tố chiều 20/1/2022. Ảnh: Sơn Hà
Trong đó gồm 2.000 test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, đơn giá 509.250 đồng/test, tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng (dựa trên hồ sơ thẩm định giá do CDC Bắc Giang thuê đơn vị thẩm định giá lập), hình thức chỉ định thầu.
Ngày 3/4/2020, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký quyết định về việc bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra trên địa bàn tỉnh (đợt 3).
Đến ngày 13/4/2020, ông Lê Ánh Dương, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Sau đó vài ngày, ông Đặng Thanh Minh, Giám đốc CDC Bắc Giang và ông Đồng Sỹ Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á ký hợp đồng kinh tế về việc mua 2.000 test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, đơn giá 509.250 đồng/test, tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 4/5/2020, CDC Bắc Giang hoàn thiện thủ tục và được Kho bạc Nhà nước Bắc Giang giải ngân vốn ngân sách và thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền trên.
Sau khi CDC Bắc Giang ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Việt Á nêu trên thì đến tháng 4/2020, ông Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh (là đơn vị đã cung cấp các sản phẩm y tế cho CDC Bắc Giang) gặp Giám đốc CDC Bắc Giang đặt vấn đề xin cung cấp test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.
Khi đó, ông Minh đồng ý nhưng yêu cầu Công ty Phan Anh phải có giấy ủy quyền của Công ty Việt Á thì mới đáp ứng được hồ sơ thầu và ký hợp đồng mua bán.
Vì vậy, ông Phan Huy Văn đã liên hệ, trao đổi và được Công ty Việt Á đồng ý, ký văn bản ủy quyền cho Công ty Phan Anh cung cấp test xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo lời khai của Chủ tịch Việt Á, tại CDC Bắc Giang, Công ty Việt Á chỉ trực tiếp bán test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế theo 1 hợp đồng. Sau đó, theo đề nghị của Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh, Công ty Việt Á không bán trực tiếp cho CDC Bắc Giang mà bán cho Công ty Phan Anh để Công ty Phan Anh cung cấp cho CDC Bắc Giang.
Chi hoa hồng
Khoảng đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại tỉnh Bắc Giang, ngày 13/5/2021, Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt cùng Vũ Đình Hiệp (Phó TGĐ Việt Á) đến Công ty Phan Anh, gặp và trao đổi với ông Văn về chính sách bán hàng của Công ty Việt Á.
Ông Việt nói với ông Văn rằng, dù CDC Bắc Giang có nhờ Công ty Việt Á hỗ trợ chống dịch, nhưng việc bán hàng Công ty Việt Á sẽ chỉ bán cho CDC Bắc Giang thông qua Công ty Phan Anh chứ không bán trực tiếp cho CDC Bắc Giang.
Hai bên thống nhất, Công ty Việt Á sẽ chi tiền % ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh theo tỷ lệ 40% giá trị hợp đồng, nếu Công ty Phan Anh nhận hàng hoá là test xét nghiệm; tỷ lệ 30% nếu Công ty Phan Anh nhận bằng tiền.
Sau đó, ông Văn đưa ông Việt và Hiệp đến CDC Bắc Giang để gặp ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang (người kế nhiệm ông Minh).
Tại CDC Bắc Giang, từ năm 2016- 2020, ông Đặng Thanh Minh giữ chức vụ Giám đốc. Từ 1/2021- 1/2022, ông Lâm Văn Tuấn giữ chức vụ Giám đốc (thay ông Minh nghỉ hưu).
Tại buổi gặp này, ông Việt trao đổi với ông Tuấn việc Công ty Việt Á sẽ thực hiện vai trò kỹ thuật của Công ty Phan Anh, còn việc bán hàng do Công ty Phan Anh thực hiện. Công ty Việt Á sẽ hỗ trợ CDC Bắc Giang trong việc cử nhân viên kỹ thuật và máy xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm.
Sau đó, quá trình Công ty Việt Á chi tiền % ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh, ông Việt làm việc và cho bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột của ông Phan Huy Văn) số điện thoại của Kế toán trưởng Công ty Việt Á để liên hệ đối chiếu số lượng các đơn hàng, chốt số tiền % chiết khấu thực tế.
Theo yêu cầu của bà Vân, từ ngày 16/6/2021 đến ngày 25/11/2021, thủ quỹ Công ty Việt Á đã 7 lần chuyển hơn 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng giữa Công ty Phan Anh và Công ty Việt Á cho bà Vân.
Theo lời khai của bà Vân, sau khi nhận được tiền từ Công ty Việt Á, bà đã 2 lần đến phòng làm việc của ông Lâm Văn Tuấn tại CDC Bắc Giang, đưa cho ông Tuấn 2 sổ tiết kiệm tổng trị giá 5 tỷ đồng mang tên Phan Thị Khánh Vân.
Khi đưa, bà Vân đều nói: "Công ty Việt Á gửi cảm ơn em" và "khi nào em cần rút thì gọi cho chị". Đến đầu tháng 12/2021, khi biết tin CQĐT khởi tố điều tra sai phạm tại Công ty Việt Á, ông Tuấn đã gọi điện hẹn gặp và trả lại cho bà Vân 2 sổ tiết kiệm trên.
Số tiền Công ty Việt Á chuyển còn lại, bà Vân nhờ người thân đứng tên 7 sổ tiết kiệm tổng số tiền 25,19 tỷ đồng, số tiền còn lại được đưa vào quỹ phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty Phan Anh.
Theo CQĐT, bị can Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh) và chị gái ruột là bà Phan Thị Khánh Vân (kinh doanh tự do) đã phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 104 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ Việt Á, ông Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang) đã phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.
Cựu giám đốc CDC Bắc Giang và 2 sổ tiết kiệm "Công ty Việt Á gửi cảm ơn" Cựu giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn đã nhận 2 sổ tiết kiệm tổng giá trị 5 tỉ đồng với lời nhắn "Công ty Việt Á gửi cảm ơn em" và "khi nào em cần rút thì gọi cho chị". Liên quan vụ Việt Á, CQĐT Bộ Công an xác định, CDC Bắc Giang tự thông đồng, hợp thức hồ sơ...