Công ty Việt Á có thực sự sản xuất kit test?
“Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt Công ty Việt Á) có thực sự sản xuất kit test?” là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra.
Tháng 12.2021, Bộ Công an khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị có liên quan. Báo chí từng ghi nhận “bên trong xưởng sản xuất kit xét nghiệm” của công ty này.
Hình ảnh cho thấy cơ sở vật chất tỏ ra khá “khiêm tốn” với căn phòng rộng chừng 10 m 2 dành cho kỹ thuật viên pha chế, phối trộn; phòng sản xuất có khoảng 10 người; hệ thống máy móc gồm một số tủ cấp đông và máy tách chiết đã cũ…
Khi ấy, và cả đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: Công ty Việt Á có thực sự sản xuất kit test Covid-19?.
Hình ảnh “bên trong xưởng sản xuất kit xét nghiệm” của Công ty Việt Á, tháng 12.2021. Ảnh VTV
Sự thật về chất lượng kit test Việt Á
Vì sao Việt Á “chen chân” vào sản xuất kit test?
Theo kết luận điều tra, Công ty Việt Á có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, do bị can Phan Quốc Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Vợ chồng ông Việt sở hữu hơn 71% vốn điều lệ.
Công ty có trụ sở chính đặt tại P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; chi nhánh tại P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương và 2 địa điểm kinh doanh tại xã Quế Phú, H.Quế Sơn và xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tháng 2.2020, do nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Bộ KH-CN phê duyệt đề tài KH-CN cấp quốc gia về nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (gọi tắt là đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 – PV).
Vốn quen thân từ trước, ông Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật Bộ KH-CN, một trong những quan chức tích cực “hậu thuẫn” cho Việt Á) đã đề nghị đưa công ty này tham gia phối hợp nghiên cứu đề tài.
Kết quả không nằm ngoài dự tính, qua một số bước, Bộ KH-CN đã tự ý đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp thực hiện đề tài, dưới sự chủ trì của Học viện Quân y.
Theo phân công, Học viện Quân y chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng quy trình test xét nghiệm; Công ty Việt Á sẽ tiếp nhận quy trình này để tối ưu, hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm rồi bàn giao quy trình hoàn chỉnh cho Học viện Quân y, để nghiệm thu, bàn giao kết quả cho Bộ KH-CN.
Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh T.N
Giữa tháng 2.2020, sau khi đạt được những kết quả ban đầu, Công ty Việt Á đã nhập nguyên liệu và mua vật liệu để sản xuất thử nghiệm 200.000 kit test. Bộ KH-CN sau đó thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 (lẽ ra chỉ nghiệm thu khi đã hoàn thành đề tài). Từ cơ sở này, Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiên cứu (thuộc sở hữu nhà nước) để lập hồ sơ và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành (không đúng đối tượng).
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2020 – 2021, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test; bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước.
Thực nghiệm quy trình sản xuất, giám định chất lượng kit test
Tháng 3.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiểm tra hiện trường về máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại Phòng Sản xuất test xét nghiệm của Công ty Việt Á (tại P.An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Cuộc kiểm tra có sự tham gia của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện Cục Khoa học hình sự Bộ Công an, chính quyền TP.Dĩ An, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế (Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM).
Trong 2 năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất được hơn 8,7 triệu kit test Covid-19 (ảnh minh họa). Ảnh TUYẾN PHAN
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Những người tham gia thực nghiệm điều tra gồm 13 nhân viên Công ty Việt Á, gồm Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất, 9 nhân viên Phòng Sản xuất và 2 nhân viên Phòng Kiểm tra chất lượng.
11 loại hóa chất và 16 loại phương tiện, máy móc được chuẩn bị để thực nghiệm sản xuất một lô gồm 2.500 test xét nghiệm Covid-19, theo đúng quy trình và điều kiện sản xuất bình thường của Công ty Việt Á.
Cơ quan chức năng sau đó tổ chức cho nhân viên Công ty Việt Á thực hành lại toàn bộ quá trình sản xuất ra một lô test xét nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Kết quả thực nghiệm điều tra xác định, trong thời gian 2 giờ 5 phút, Công ty Việt Á sản xuất được 2.432 test xét nghiệm.
Để trả lời cho câu hỏi về chất lượng kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn ra quyết định trưng cầu giám định thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả (đối với mẫu test xét nghiệm khi thực nghiệm điều tra và test xét nghiệm thu giữ tại CDC Hải Dương).
Kết luận của hội đồng giám định tư pháp (do Bộ Y tế thành lập) cho thấy kit test đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành.
Bộ Công an kiến nghị 7 vấn đề từ vụ kit test Việt Á
Vì sao Việt Á có thể bán kit test với 'giá trên trời', thu lợi nghìn tỷ?
Nhờ bán kit test Covid-19 với "giá trên trời", Công ty Việt Á thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, đã có sai phạm trong việc hiệp thương giá.
Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, giá sản xuất 1 test xét nghiệm là 143.461 đồng (bao gồm toàn bộ chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức 5%). Thế nhưng ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã nâng khống giá trị nguyên vật liệu đầu vào trong cơ cấu đơn giá đưa ra để hiệp thương và được Bộ Y tế xác định giá 470.000 đồng/test. Nhờ vậy, Công ty Việt Á đã thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, đã có sai phạm trong việc hiệp thương giá.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế hiệp thương giá, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định giao ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính) đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá test xét nghiệm với Công ty Việt Á.
Khi tổ chức hiệp thương ngày 26/3/2020, hồ sơ hiệp thương của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá, Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá. Dù vậy, ông Liên vẫn báo cáo Bộ trưởng Y tế và quyết định thống nhất giá hiệp thương với Công ty Việt Á 470.000 đồng/test là không có căn cứ, trái quy định.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Tài chính phân công làm Phó trưởng Đoàn kiểm tra giá. Khi kiểm tra, ông Nguyễn Anh Tuấn và các thành viên Đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài chính được ông Nguyễn Nam Liên, Trưởng Đoàn kiểm tra phân công kiểm tra chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung (chiếm 21% giá thành trong phương án giá hiệp thương).
Nhóm kiểm tra của Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, xác định một số khoản chi phí chung không có hóa đơn chứng từ, chi phí nhân công giảm do tính cả chi phí nhân công bộ phận khác vào bộ phận sản xuất sinh phẩm và đã đề nghị ông Liên chỉ đạo nhóm kiểm tra chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của Bộ Y tế xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung.
Sau khi cùng Đoàn kiểm tra Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra giá tại Công ty Việt Á, ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra.
Việc Đoàn kiểm tra chưa có kết luận về giá hiệp thương, nguyên nhân chính là chưa có kết quả kiểm tra về nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất test xét nghiệm bị thay đổi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng báo cáo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Tài chính) về kết quả hiệp thương và ký thông báo ngày 27/3/2020 nêu giá hiệp thương là tạm tính, không có trong quy định.
Do giá hiệp thương không có căn cứ nên sau khi ra thông báo giá hiệp thương tạm tính, Bộ Tài chính có văn bản đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở thanh toán, nhưng Bộ Y tế không thực hiện.
Sau đó, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, ngày 1/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì kiểm tra giá hiệp thương, nhưng Bộ Y tế không kịp thời thực hiện. Ông Trương Quốc Cường (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) còn ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đùn đẩy trách nhiệm kiểm tra giá hiệp thương cho Bộ Tài chính.
Đến khi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, ngày 29/8/2020 ông Trương Quốc Cường mới ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra giá hiệp thương.
Lờ đi sai phạm
Khi kiểm tra giá hiệp thương, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất. Thậm chí, có thành viên Đoàn kiểm tra đã đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Công ty Việt Á.
Ông Nguyễn Nam Liên báo cáo nhưng ông Nguyễn Thanh Long, ông Trương Quốc Cường không chỉ đạo kịp thời. Đến nay không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Bộ Y tế công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
Công ty Việt Á đã tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế (đã được Phan Quốc Việt nâng khống), tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Sau khi Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất và tiêu thụ test xét nghiệm, bị can Phan Quốc Việt đã chi rất nhiều tiền hối lộ.
Kết luận điều tra cho rằng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn có trách nhiệm trong việc ban hành thông báo nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/test là tạm tính, không có trong quy định của Luật Giá, nhưng mục đích để tạm thanh toán, không sử dụng làm căn cứ quyết toán.
Khi thấy giá test xét nghiệm không có căn cứ, phía Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ Y tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá. Khi kiểm tra giá đã đề nghị Bộ Y tế xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung, để xác định chính xác giá test xét nghiệm.
Theo CQĐT, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á; cũng không được hưởng lợi, đã chủ động khai báo, tích cực hợp tác làm rõ bản chất tội phạm và người phạm tội.
Vì vậy, CQĐT cho rằng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn.
Vụ Việt Á: Phan Quốc Việt chi hơn 80 tỉ cho nhiều quan chức Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), đã trực tiếp chi tới hơn 80 tỉ đồng cho nhiều quan chức, để có thể hiệp thương và phân phối hàng triệu kit test Covid-19. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra,...