Bộ Công an kiến nghị 7 vấn đề từ vụ kit test Việt Á
Từ vụ kit test Việt Á, Bộ Công an kiến nghị 7 vấn đề, trong đó nhấn mạnh Bộ Y tế và Bộ KH-CNcần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
Theo kết luận điều tra vụ án Việt Á của Bộ Công an, đề tài nghiên cứu kit test Covid-19 do ngân sách đầu tư kinh phí, vì thế kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Tuy nhiên, Công ty CP công nghệ Việt Á (sau đây viết tắt là Công ty Việt Á) đã biến thành của riêng, được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá; sản xuất quy mô lớn rồi bán cho các đơn vị, cơ sở y tế; thu lợi bất chính cả nghìn tỉ đồng.
Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, và một số bị can liên quan đến vụ án. Ảnh T.H
Sai phạm ở nhiều khâu, nhiều nơi
Cơ quan điều tra xác định, để sai phạm của Công ty Việt Á có thể xảy ra, ngoài các cá nhân tại doanh nghiệp này còn có sự hậu thuẫn của một số quan chức thuộc Bộ Y tế và Bộ KH-CN.
Trong đó, Bộ KH-CN đã buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về kit test Covid-19.
Sai phạm xảy ra tại nhiều khâu như phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, đơn vị phối hợp; kinh phí, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý thực hiện đề tài, xử lý kết quả thực hiện đề tài…
Bên cạnh đó, nội dung thuyết minh đề tài không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KH-CN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; không có phương pháp phối hợp, phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ…
Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cũng thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá.
Sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát của 2 bộ đã giúp Công ty Việt Á thông đồng, móc ngoặc để được tham gia nghiên cứu đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký, được cấp số đăng ký lưu hành; biến kit test từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu của Nhà nước thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Công ty Việt Á nâng khống cơ cấu đơn giá kit test, nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test, là không có căn cứ. Thậm chí, khi phát hiện công ty thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành, Bộ Y tế không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý.
Bộ Công an kiến nghị 7 vấn đề từ vụ kit test Việt Á
Ngoài 2 bộ nêu trên, cơ quan điều tra còn xác định một phần nguyên nhân xảy ra sai phạm thuộc về các đơn vị, địa phương trong quá trình mua kit test, vật tư, sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á.
Các đơn vị này chưa kịp thời phân bố dự toán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa.
Hai bị can Nguyễn Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN (trái), và Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh NGỌC THẮNG
Kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Từ những nguyên nhân đã nêu, Bộ Công an kiến nghị 7 nội dung. Thứ nhất, Bộ KH-CN và Bộ Y tế cần nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Thứ hai, Bộ KH-CN cần rà soát cơ cấu tổ chức và các văn bản pháp luật liên quan, chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có cơ quan chuyên trách quản lý nhiệm vụ KH-CN.
Thứ ba, Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm y tế; phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý giá đối với các vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Thứ tư, Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành có liên quan chủ động hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa… ; nhất là các gói thầu có giá trị lớn, chưa được phân bổ dự toán ngân sách thực hiện.
Thứ năm, các tỉnh, thành phố cần chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cơ sở y tế công lập trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mua sắm, đấu thầu cho cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm.
Xem nhanh 20h ngày 20.8: Những túi quà bạc tỉ trong vụ Việt Á
Thứ sáu, Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với các công ty thẩm định giá có sai phạm (đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…).
Thứ bảy, ngoài các bị can đã bị đề nghị truy tố, Bộ Công an kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi liên quan nhưng chưa đủ hoặc chưa đến mức xử lý hình sự.
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương nhận hối lộ qua tài khoản của bảo vệ, thông gia
Liên quan đến vụ Việt Á, CQĐT làm rõ, cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận hối lộ 27 tỷ đồng.
Kết thúc điều tra vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 6 bị can tội "Nhận hối lộ". Trong số đó có ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương).
Theo kết luận điều tra, từ ngày 1/2/2021, ông Tuyến đã thỏa thuận, thống nhất với Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và chỉ đạo ông Bùi Đình Long (Trưởng khoa Dược vật tư y tế) làm việc với ông Vũ Đình Hiệp (Phó TGĐ Công ty Việt Á) để CDC Hải Dương nhận test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác của Công ty Việt Á để sử dụng trước.
Quá trình hợp thức hồ sơ đấu thầu để thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, để thanh toán tiền theo đúng đơn giá Công ty Việt Á đưa ra, ông Tuyến chỉ đạo ông Nguyễn Văn Cường (Kế toán trưởng CDC Hải Dương) phối hợp với Phó TGĐ Việt Á và bà Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) lấy báo giá của Công ty Việt Á và báo giá của các đơn vị khác, trong đó giá của Công ty Việt Á là thấp nhất.
Ông Phan Quốc Việt (trái) và ông Phạm Duy Tuyến.
Ông Tuyến còn chỉ đạo ông Cường liên hệ làm việc với Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương để bảo vệ được đơn giá của Công ty Việt Á. Trên cơ sở đó, làm thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, ông Tuyến ký 4 hợp đồng giữa CDC Hải Dương và Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác.
Theo đó, CDC Hải Dương phải thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó thanh toán hơn 106 tỷ đồng tiền test xét nghiệm cho Công ty Việt Á, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 73 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, hành vi chỉ đạo, thông đồng với Công ty Việt Á và đơn vị thẩm định giá hợp thức hồ sơ thầu để Công ty Việt Á trúng thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đúng đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra là không đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu, gian lận đấu thầu.
Chi "hoa hồng"
Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, ông Tuyến và bị can Phan Quốc Việt thỏa thuận, thống nhất việc Công ty Việt Á sẽ chi cho ông Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20- 25% giá trị hợp đồng, để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng test xét nghiệm của Việt Á (hạn chế sử dụng test xét nghiệm của các đơn vị cung cấp khác) và tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà công ty đưa ra.
Thực hiện thỏa thuận chi "hoa hồng" nói trên, từ ngày 19/5- 19/11/2021, ông Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển.
Số tiền này được bà Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á chuyển đến các tài khoản mà ông Tuyến cung cấp. CQĐT xác định, phía Việt Á đã chuyển 22 tỷ đồng đến tài khoản của ông Phạm Văn Cường là bảo vệ CDC Hải Dương (bạn học của ông Tuyến); chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hiện (chủ tiệm vàng Kim Hiển), là thông gia với gia đình ông Tuyến.
Theo lời khai của bà Hiển, khoảng tháng 7/2021, vợ ông Tuyến có gọi điện mượn tài khoản để nhận tiền và bà đã đồng ý. Sau đó tài khoản của bà Hiển nhận 13 tỷ đồng, trong đó có 5 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản với nội dung: "HO THI THANH THAO: nhờ tt tiền mua hàng". Bà Hiển đã rút tiền mặt đưa cho vợ ông Tuyến.
Số tiền nhận hối lộ được ông Tuyến dùng hơn 10 tỷ đồng đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương. Ông Tuyến đã nhờ ông Phạm Văn Cường là bảo vệ CDC Hải Dương mở 1 sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng vào ngày 27/7/2021. Số tiền còn lại, ông Tuyến khai đã sử dụng cá nhân nhưng không nhớ được việc chi tiêu.
Đến nay, vợ ông Tuyến đã nộp khắc phục tổng hơn 12 tỷ đồng.
Vụ Việt Á: Phan Quốc Việt chi hơn 80 tỉ cho nhiều quan chức Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á), đã trực tiếp chi tới hơn 80 tỉ đồng cho nhiều quan chức, để có thể hiệp thương và phân phối hàng triệu kit test Covid-19. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra,...