Cựu sinh chuyên Anh: ‘Tôi từng xé bìa sách để giấu tài liệu luyện thi’
“Dù đã 6 năm từ ngày trải qua kì thi vào lớp 10 chuyên Anh, nhưng trong tôi, những giây phút căng thẳng chờ phát đề, gói xôi mẹ chuẩn bị sáng đi thi, hay tâm trạng hồi hộp so đáp án vẫn như mới chỉ hôm qua…”
Sau khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 qua đi, VietNamNet nhận được bài viết của 1 cựu học sinh chuyên Anh (đã giành học bổng du học Mỹ) kể về những trải nghiệm của mình.
Để truyền tải ý kiến đa chiều từ chính những thí sinh đã trải qua các kỳ thi chuyên, chúng tôi giới thiệu bài viết này với độc giả (Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả).
Sau đây là nội dung bài viết:
Kì thi cuối cấp luôn là bước ngoặt quan trọng với các bạn học sinh, tôi cũng không phải ngoại lệ.
“Dù đã 6 năm từ ngày trải qua kì thi vào lớp 10 chuyên Anh, nhưng trong tôi, những giây phút căng thẳng chờ phát đề, gói xôi mẹ chuẩn bị sáng đi thi, hay tâm trạng hồi hộp so đáp án vẫn như mới chỉ hôm qua…”
Cạnh tranh không lành mạnh
Với các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kì thi đầy cam go, có lẽ điểm số là mối quan tâm hàng đầu. Xếp hạng điểm số ở trường, lẫn ở lớp học thêm tạo nên nhiều gánh nặng cạnh tranh, thi đua cho các học sinh.
Bởi điểm thấp trong các kì thi thử hay ở lớp học sẽ khiến bố mẹ thêm lo lắng, dù nếu hỏi, thì hầu hết đều nói rằng “không tạo áp lực cho con”.
Để cổ vũ cho bạn thân dự thi vào lớp chuyên Anh trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua ở Hà Nội, một nhóm bạn đã bắt xe bus hơn 1 tiếng, cầm ảnh đứng đợi ở cổng trường và hò reo khi bạn kết thúc môn thi… Ảnh: Thúy Nga
Tôi đã ngầm ganh đo từng 0,25 điểm với các bạn bằng cách tự sửa bài, chấm sai cho bạn để đạt thứ hạng cao ở các lớp học. Tôi cũng từng xé bìa sách tham khảo để giấu tên tài liệu luyện thi.
Thậm chí, tôi nghe lời bố mẹ nói dối chỗ học thêm với ý nghĩ “ngu ngốc” là bớt được đối thủ cạnh tranh.
Dường như kiến thức không được chia sẻ mà phải giấu kín để bạn không đạt điểm cao hơn mình.
Nhưng khi kì thi qua đi, liệu điểm cao hơn bạn có làm tôi hạnh phúc?
Từng muốn bỏ nhà ra đi…
Những đứa trẻ như tôi lúc đó còn non nớt. Vì áp lực từ cha mẹ hay chính kì vọng của bản thân hay cả hai, đã phải trải qua nhiều căng thẳng đến kiệt sức.
Bạn thân của tôi lớn lên trong một gia đình với “mẹ hổ Châu Á”. Bà luôn so sánh điểm mọi bài kiểm tra của bạn với những bạn cùng lớp khác, chì chiết con “vô dụng, có học cũng không nên hồn” khi bạn ngủ gật trên bàn sau 2 ca học thêm buổi chiều.
Một số người, như bạn tôi, sẽ chuyển hoá năng lượng tiêu cực thành thái độ luôn cạnh tranh, căng thẳng trong học tập, và suy sụp nếu kết quả không như ý. Tôi cũng biết có bạn sẽ trải qua nhiều rối loạn phức tạp về mặt tâm lí, ví dụ như ngày càng xa lánh cha mẹ hay rơi vào trầm cảm.
Kể cả khi đã bước vào cấp ba ở ngôi trường cha mẹ mong muốn, tôi và bạn mình – những đứa học sinh gương mẫu, “con nhà người ta” từng muốn bỏ nhà ra đi vì quá mệt mỏi.
Áp lực không dừng lại ở danh sách báo đỗ. Bước vào môi trường còn khắc nghiệt gấp bội đồng nghĩa chúng tôi lại tiếp tục cạnh tranh trong những kì thi chuẩn hoá, cạnh tranh vào đội tuyển hay so đo điểm phẩy trên lớp.
Những ảnh hưởng về mặt tâm lí lẫn hành vi từ áp lực cha mẹ đặt lên không dừng lại khi kì thi kết thúc mà có thể đeo bám chúng tôi suốt đời.
Nếu có thể quay ngược thời gian, tôi mong được động viên. Tôi cũng sẽ tâm sự với những bạn học khác trong hoàn cảnh tương tự nhiều hơn, thay vì vô tình hùa theo số đông mà gắn mác cho những học sinh vật lộn với vấn đề tâm lí là “ngỗ nghịch, thiếu bản lĩnh”.
Chờ con ở cổng trường thi (Ảnh có tính minh họa)
Suy sụp trước thất bại
Tôi đã vô cùng suy sụp khi thi trượt đội tuyển. Tan học trên trường, tôi thấy nhục nhã, xấu hổ đến mức không dám nói chuyện với bạn bè. Tôi chỉ mong nhanh chóng về nhà. Rồi khi bước vào phòng, tôi đã khoá cửa rồi òa khóc. Ngày hôm đó, tôi bỏ ăn cơm.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi còn thấy khá hài hước.
Ai cũng có những lần làm bài không tốt hay mắc lỗi sai ngớ ngẩn, hãy học cách tha thứ cho bản thân và tiến lên phía trước. Kì thi cuối cấp tuy quan trọng, nhưng thất bại không có nghĩa là cả thế giới của bạn sẽ sụp đổ.
Với tinh thần chăm chỉ và cầu tiến, bạn sẽ thành công ở một môi trường khác, dù đó không nằm trong giấc mơ hay dự định ban đầu của bạn.
Bỏ bê sức khoẻ
Tôi cũng từng “chạy đua” khi bạn mình khoe có thể thức đến 5h sáng để giải bài tập, hay có bạn một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng. Tôi đã từng chỉ mua gói bim bim hay tô mì tôm ăn tạm để kịp “chạy sô” giữa các lớp học thêm.
Từ ngày hay tin một bạn trường bên bị đột quỵ vì học tập quá sức, tôi mới sợ hãi.
Tôi từng nghĩ chỉ có thể chọn một trong hai: sức khoẻ hay thành tích cao. Nhưng giờ tôi biết, cuộc sống luôn có cách cân bằng cả hai. Và nếu buộc phải chọn một, tôi sẵn lòng chọn sức khoẻ.
Dù đang theo đuổi ước mơ ở những trường đại học lớn trên thế giới, tôi và cô bạn thân nhận thấy, chúng tôi thực ra đã rất may mắn mới có thể vượt qua được những áp lực đó.
Sau tất cả, chúng tôi muốn nhớ về thời cấp 3 như mọi học sinh Việt Nam khác: những hôm lén lút ăn vặt cuối lớp, những trò chơi khi đi dã ngoại hay ngày lớp chụp ảnh kỉ yếu.
Những ganh đua, những đêm mất ngủ chờ điểm thi là điều chúng tôi sẽ giúp con cái mình tránh khỏi.
Nữ sinh thi chuyên, bạn thân reo hò như 'thần tượng'
Để cổ vũ cho cô bạn thân dự thi vào lớp 10 chuyên Anh, nhóm của Khánh Linh đã bắt xe bus hơn 1 tiếng, cầm ảnh đứng đợi ở cổng trường và hò reo khi bạn kết thúc môn thi...
Đây là món quà bất ngờ được nhóm 6 học sinh của Trường THCS Ngọc Hồi (Thanh Trì) chuẩn bị để động viên bạn thân ngay sau khi kết thúc môn cuối cùng trong kỳ thi vào lớp 10 chuyên tại Hà Nội.
Ngóng đợi bạn thân bước ra khỏi phòng thi
Chia sẻ với VietNamNet, Kim Thị Khánh Linh cho biết: "Nhóm của chúng em gồm 7 bạn chơi thân với nhau trong suốt những năm cấp 3. Trong số đó, có những bạn đã thân với nhau từ thời mẫu giáo.
Nhóm có hai bạn dự thi vào trường chuyên. Một bạn đã thi xong môn chuyên Toán vào chiều qua và một bạn hoàn thành môn chuyên tiếng Anh vào sáng nay. Cả hai bạn đều được chúng em chào đón theo cách đặc biệt như thế".
Để tạo bất ngờ cho cô bạn thân, cả nhóm đã phải dậy từ sớm chuẩn bị, bắt xe bus và di chuyển tới điểm thi mất 1 tiếng đồng hồ.
"Bạn em tên là Phan Dạ Thi. Bạn học giỏi tiếng Anh nên đã quyết tâm phải thi đỗ vào chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Vì chơi thân với nhau nên chúng em rất ủng hộ bạn và mong trong những thời điểm quan trọng nhất, cả nhóm sẽ có mặt và ở bên bạn".
Cách chào đón hơi... "dìm hàng", nhưng lại khiến người bạn cảm thấy thoải mái hơn sau một kỳ thi căng thẳng.
Những bức ảnh này đã được cả nhóm sưu tầm từ trước khi thi, sau đó đem đi in.
"Đó là những khoảnh khắc có phần hơi "dìm hàng", nhưng không sao cả. Với cách chào đón như thế, tụi em mong rằng bạn sẽ thoải mái hơn sau một kỳ thi căng thẳng. Và hơn hết, dù có thế nào, chúng em vẫn luôn ở sau cổ vũ cho Thi", Kim Thị Khánh Linh (học sinh Trường THCS Ngọc Hồi) nói.
Học sinh Phan Dạ Thi (thứ 3 từ phải qua trái) được bạn chào đón sau kỳ thi.
Linh cũng cho biết, dù hơi tiếc vì hôm nay một bạn trong nhóm có việc bận đột xuất nên không đến được, nhưng ngay sau khi kỳ thi kết thúc, cả nhóm sẽ tụ tập lại để "ăn uống linh đình" sau chuỗi ngày thi cử căng thẳng.
"Bọn em hẹn nhau dù sau này có được học cùng nhau nữa hay không thì vẫn sẽ gắn bó, thân thiết với nhau như bây giờ", Linh nói.
Mẹ mang hoa tặng con
Còn tại điểm Trường THPT Chu Văn An, trước giờ kết thúc môn thi chuyên gần một tiếng, người mẹ này đã đứng đợi con ngoài cổng trường, trên tay ôm một bó hoa.
Người mẹ ngóng chờ con bước ra khỏi cổng trường thi
Đó là chị Chung Anh (Long Biên), phụ huynh có con dự thi vào lớp chuyên Văn của Trường THPT Chu Văn An. Việc ngóng chờ khoảnh khắc con bước ra khỏi cổng trường, kết thúc một kỳ thi quan trọng sau những ngày tháng ôn luyện vất vả, với chị mang rất nhiều ý nghĩa.
"Đây là thành quả của sự nỗ lực, cho nên các con xứng đáng được đón chào. Không có lý do gì mà mình không chúc mừng và tặng con một món quà tinh thần như vậy. Mình nghĩ rằng, các con đã nỗ lực hết mình, còn kết quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Cho nên, sự nỗ lực này là điều đáng được ghi nhận", người mẹ chia sẻ.
Vui sướng khi con hoàn thành môn thi cuối cùng
Là một giáo viên tiếng Anh, dù đã từng dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò qua các kỳ thi lớn nhỏ, nhưng ngày đưa con đi thi lớp 10, chị không giấu được sự hồi hộp, xúc động.
"Giai đoạn nước rút, mình chỉ biết đồng hành cùng con, tạo cho con sự thoải mái và tin tưởng nhất có thể. Với mình, con luôn xứng đáng với những cố gắng của bản thân. Con đích thị là một chiến binh dũng cảm", chị Chung Anh nói.
Mẹ và con tranh cãi nảy lửa khi chọn nguyện vọng thi vào 10 Những ngày này, nhiều gia đình có con thi vào lớp 10 ở Hà Nội vô cùng đau đầu, căng thẳng, stress vì chọn nguyện vọng cho con. Việc cân nhắc vô cùng khó khăn bởi "sai một li đi một dặm". Thời điểm này, học sinh lớp 9 Hà Nội đang phải đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT công...