Cựu Phó chánh thanh tra nhận tiền để “làm mờ” hồ sơ, giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt ngàn tỷ
Nhận 390.000 USD từ lãnh đạo SCB để bao che, lấp liếm, làm mờ các sai phạm tại ngân hàng SCB, Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước ra tòa với mái tóc bạc trắng, khóc nghẹn xin giảm tội cho các thuộc cấp của mình.
Nguyễn Văn Hưng và nhóm bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra bị xét hỏi trong phiên tòa ngày 8/3. Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Văn Hưng, là người ra quyết định thanh tra, có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB; tiếp nhận các báo cáo từ Đoàn thanh tra và báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.
Sau khi thanh tra, Đoàn thanh tra nhận thấy SCB có nhiều sai phạm nên đề xuất đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, khi trình lên, Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo Ngân hàng Nhà nước để báo cáo Chính phủ. Đồng thời, các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ, “làm mờ” đi sai phạm, vi phạm của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu, sai phạm cho vay với các khách hàng tại địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai so với báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra; báo cáo không trung thực, không đúng về việc phân loại nợ xấu…
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 8/3
Tại cuộc họp ngày 12/3/2018, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra, kiểm tra làm rõ các vi phạm của SCB; đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng của SCB đối với các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…
Ngày 10/4/2018, Nguyễn Văn Hưng ký Quyết định số 85 về việc gia hạn thanh tra tại SCB thêm 15 ngày làm việc. Lần thứ hai, Nguyễn Văn Hưng ký văn bản gửi CIC (Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia trực thuộc NHNN) đề nghị cung cấp dư nợ của khách hàng mới phát sinh tại SCB trên 300 tỉ đồng từ ngày 30/6/2017 đến ngày 30/4/2018. CIC đã cung cấp danh sách 109 khách hàng mới, trong đó có 11/71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (dư nợ phát sinh là hơn 9.538 tỉ đồng). Tuy nhiên ông Hưng, bà Nhàn không đưa vào báo cáo kết quả thanh tra gửi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Chính phủ.
Tại báo cáo này, Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát NHNN) biên tập, cố tình che giấu, báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không trung thực về thực trạng tài chính của SCB tại thời điểm ngày 30/6/2017; bỏ ngoài một số nội dung của Tổ Thanh tra số 3; giảm tỉ lệ nợ xấu từ 20,92% tại ngày 30/6/2017 xuống còn 6,82% tại ngày 30/4/2018.
Sau cuộc họp Chính phủ ngày 28/6/2018, Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo bỏ ngoài nội dung phải phân loại nợ Nhóm 4 và 5, thoái lãi dự thu (tổng số hơn 25.000 tỉ đồng) tại Chi nhánh Cống Quỳnh; không kiến nghị Cơ quan điều tra xử lý đối với sai phạm của 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Do đó, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Giúp SCB “ làm đẹp” hồ sơ qua thanh tra, Nguyễn Văn Hưng được nhận 390.000USD từ lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành – cựu Chủ tịch HĐQT và Võ Tấn Hoàng Văn – cựu Tổng Giám đốc.
Các bị cáo trong phiến xét xử ngày 8/3
Video đang HOT
Phiên tòa kết nối trực tuyến tời phòng báo chí cho phóng viên tác nghiệp
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng thừa nhận điểm mấu chốt của thanh tra đợt 1 là phân loại các khoản nợ không đúng quy định (thực tế rơi vào nợ nhóm 3-5 nhưng lại cho về nợ nhóm 1). Đến thanh tra đợt 2 (nội dung chủ yếu là 71 khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai) để làm việc về tiền vay thực tế của các khách hàng có địa này, thời điểm đó chỉ thanh tra 20/71 khách hàng. Bị cáo Hưng là người ký kế hoạch điều chỉnh để thu hẹp phạm vi thanh tra. Giải thích về điều này, Hưng nói do Đỗ Thị Nhàn đề xuất vì thời gian không còn nhiều…
Nguyễn Văn Hưng thừa nhận đã nhận 390.000 USD từ lãnh đạo ngân hàng SCB, nhưng không nhớ vì đưa nhiều lần. Tại tòa, Hưng đã khóc khi nói về các thành viên trong Đoàn thanh tra: “Các thành viên trong đoàn thanh tra đã công tác trong ngành rất lâu năm, trước đó chưa bao giờ mắc khuyết điểm. Đây là những cán bộ rất tốt, kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”.
Vụ Vạn Thịnh Phát và chuyện SCB rải tiền hối lộ cho đoàn thanh tra
Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, CQĐT làm rõ, trong suốt quá trình thanh tra Ngân hàng SCB, các thành viên trong đoàn thanh tra của NHNN đã nhiều lần nhận tiền, quà từ SCB.
Như VietNamNet đã đưa, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Số tiền bà Nhàn nhận hối lộ từ SCB được xác định là 5,2 triệu USD.
Theo tài liệu điều tra, bà Nhàn không phải người duy nhất trong đoàn thanh tra của NHNN nhiều lần nhận tiền, quà từ SCB. Ngân hàng SCB đã mạnh tay rải tiền hối lộ các thành viên khác của đoàn thanh tra.
Tại CQĐT, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) thuộc NHNN thừa nhận, từ tháng 4/2016 - 1/10/2018, ông đã nhiều lần nhận tiền từ lãnh đạo SCB tổng cộng 390.000 USD. Ông Hưng khai, đã sử dụng số tiền trên vào mục đích cá nhân.
Theo kết luận điều tra, với vai trò là Chánh TTGSNH, người ra quyết định thanh tra tại ngân hàng SCB, ông Hưng đã trực tiếp ký và chỉ đạo đối với đoàn thanh tra tại SCB năm 2017, 2018.
Việc thanh tra đã làm rõ thực trạng tài chính bê bết của SCB với chỉ số CAR âm, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế..., đủ điều kiện phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; sai phạm, vi phạm hầu hết tại các dự án, phương án.
Nhưng ông Hưng đã chỉ đạo báo cáo lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về thực trạng tài chính của ngân hàng SCB và không kiến nghị dừng giải ngân, thu hồi đối với các dự án, phương án tái cơ cấu.
Ông Hưng cũng thừa nhận việc chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn và Tổ tổng hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Kết luận thanh tra, trong đó có nội dung bỏ ngoài và không kiến nghị đối với các sai phạm của ngân hàng SCB, sai lệch với kết quả thanh tra.
Việc này nhằm mục đích tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục thực hiện các phương án tái cơ cấu, dẫn đến NHNN, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Tiếp nối sai phạm
Từ tháng 10/2018, ông Nguyễn Văn Du thay nhiệm vụ của ông Hưng, nhận chức vụ Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan TTGSNH. Ông Du đã ký kết luận thanh tra và kết luận thanh tra không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính; vi phạm sai phạm và các kiến nghị đối với SCB.
Ông Du thừa nhận có quen biết, nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo ngân hàng SCB, ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc). Trong các lần gặp gỡ, ông Thành và Văn có đưa quà, nhưng ông Du đều không nhận và trả lại.
Kết quả điều tra cho thấy, bà Nguyễn Thị Phụng với vai trò là Phó trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng Tổ tổng hợp, đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hưng và bà Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo cấp dưới tổng hợp số liệu, kết quả thanh tra của đoàn và xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình về kết quả thanh tra để trình bà Nhàn và ông Hưng duyệt, báo cáo lãnh đạo NHNN và Chính phủ.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn trước khi bị bắt. Ảnh: SCB
Kết quả thanh tra và tổng hợp, bà Phụng thừa nhận đã xác định khoản cho vay đối với các khách hàng thuộc dự án Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A và Dự án Royal Garden đều có sai phạm, vi phạm về cho vay, vi phạm các điều kiện cho vay...
Tuy nhiên sau đó theo chỉ đạo của bà Nhàn, bà Phụng cùng cấp dưới đã bỏ ngoài toàn bộ dữ liệu nợ xấu với 3 dự án trên. Tất cả nội dung kết luận, kiến nghị phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu đối với 3 dự án trên; kiến nghị thu hồi đối với Dự án 6A và Dự án Mũi Đèn Đỏ tại SCB Chi nhánh Cống Quỳnh đều bị bỏ ra ngoài tại các dự thảo kết luận thanh tra và kết luận thanh tra.
Theo sự chỉ đạo của ông Hưng và bà Nhàn, bà Phụng đã chỉ đạo cấp dưới tổng hợp, dự thảo báo cáo lãnh đạo NHNN và Chính phủ nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của ngân hàng SCB tại các dự án; báo cáo không trung thực về phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu.
Bà Phụng cũng thừa nhận đã nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng; nhận đồng hồ, túi xách, khăn từ SCB trong quá trình thanh tra.
Ngoài ra, 2 lần ông Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho 9 thành viên đoàn thanh tra thuộc TTGSNH tại trụ sở ở Hà Nội túi trái cây và phong bì đựng 50 triệu đồng/thành viên đoàn không giữ chức vụ. Những thành viên này gồm các ông bà Bùi Tuấn Khoa, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh, Phạm Hồng Linh, Phạm Quốc Thịnh, Nguyễn Lan Hương.
Theo lời khai của Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, bị can đã 4 lần nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ SCB. Sau 2 lần cùng các thành viên của Cơ quan TTGSNH trả lại cho SCB, số tiền nhận hối lộ là 100 triệu đồng.
Bị can Bùi Tuấn Khoa không chịu thừa nhận việc nhận tiền, quà từ SCB trong thời gian thanh tra. Nhưng CQĐT cho rằng, tài liệu điều tra đủ cơ sở xác định người này 4 lần nhận tiền, quà từ ngân hàng SCB thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn, trong đó có 2 lần trả lại, còn giữ lại 100 triệu đồng.
Vương Đỗ Tuấn Anh khai đã nhận được từ SCB 4 lần, mỗi lần 10.000 USD, tổng cộng 40.000 USD, đã trả lại 20.000 USD, đã phối hợp cùng gia đình trả lại 20.000 USD.
Các thành viên khác của đoàn thanh tra cũng thừa nhận việc cầm tiền của SCB. Cụ thể, Trần Văn Tuấn: 4 lần nhận tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà: 5 lần nhận tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương: 2 lần được SCB đưa tiền tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng, số tiền 5.000 USD nhận từ SCB trong đợt nghỉ lễ 2/9/2017 bị can không nhớ nhưng CQĐT xác định được việc nhận tiền này của Phương.
Nguyễn Văn Thùy khai: 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng cùng quà là áo, hộp yến từ SCB. Riêng bị can Trương Việt Hưng chưa thừa nhận việc nhận tiền, quà từ SCB trong thời gian thanh tra.
Các bị can Phạm Quốc Thịnh, Nguyễn Lan Hương và Phạm Hồng Linh đã chủ động khai báo 4 lần nhận tiền, trong đó 2 lần trả lại; mỗi người đã nhận, sử dụng 10 triệu đồng và nộp khắc phục hậu quả từ trước khi CQĐT khởi tố vụ án.
Các bị can Lại Văn Bách, Bùi Vũ Hồng Trang và Phạm Thị Thùy Linh đều chủ động khai báo được SCB đưa 5 lần tiền, tổng cộng mỗi người 9.000 USD và 100 triệu đồng, đã chủ động nộp lại toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Những ai đã cảnh báo nhằm ngăn chặn hậu quả đại án Vạn Thịnh Phát? Có hàng loạt cán bộ ngân hàng, thanh tra, kiểm toán "dính chàm" và bị truy tố trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, cũng có những người liên quan nhưng được Cơ quan điều tra, VKSND tối cao không đưa vào diện phải xem xét trách nhiệm hình sự. Cáo trạng được VKS công bố vào buổi chiều ngày xét xử...