Cựu lưu học sinh Campuchia có nhiều tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam
Trong những ngày hạ tuần tháng 6 này, các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam và Campuchia đang tất bật với các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967- 24/6/2022) giữa hai đất nước, gắn với ‘Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022′ với điểm nhấn là lễ kỷ niệm long trọng dự kiến diễn ra ngày 24/6 tới tại Hà Nội, với sự góp mặt của nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tại Campuchia, trong các cuộc tiếp xúc với phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh, nhiều cựu lưu học sinh Campuchia đã bồi hồi xúc động khi ôn lại những kỷ niệm về quãng đời sinh viên xa nhà tại “Đất nước hình chữ S”, gửi lời cảm ơn, bày tỏ những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách.
Ông Chin Tara, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Việc làm và Đào tạo nghề Campuchia, cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Vũ Hùng/TTXVN
Ông Chin Tara, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Việc làm và Đào tạo nghề Campuchia) – một cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam – đã tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc khang trang, bài trí đúng phong cách công sở ở Campuchia, với hình ảnh Quốc vương, Hoàng thái hậu và người đứng đầu chính phủ được treo trang trọng.
Cách đây hơn 30 năm, chàng trai trẻ Chin Tara đặt chân đến Việt Nam, không biết ngôn ngữ bản địa, không người thân họ hàng, bắt đầu hành trình đi tìm tri thức. Ông chia sẻ: “Hồi đó, chúng tôi rất khó khăn, thiếu thốn. Học bổng giúp chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức và kỹ năng ở Việt Nam để khi về nước làm việc với Chính phủ Hoàng gia ở Campuchia”.
Video đang HOT
Ông Chin Tara là một trong số không nhiều lưu học sinh được trải nghiệm môi trường học tập và nếp sống văn hóa ở cả miền Nam, Bắc của đất nước Việt Nam. Năm 1990, năm đầu tiên của đời lưu học sinh, ông học tiếng Việt ở Trường Hữu nghị T80 (Hà Nội). Từ năm thứ hai đến hết khóa học, năm 1997 ông là sinh viên Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông kể lại: “Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm trong quá trình học tập ở đó. Tôi thấy người dân Việt Nam tốt tính và thân thiện. Xin cảm ơn sự thân thiện của người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc và các thầy cô ở trường, đã trao cơ hội, giúp đỡ sinh viên nước ngoài rất nhiều, cả trong giai đoạn tôi học ngôn ngữ ở T80 và học chuyên ngành nông nghiệp ở Thủ Đức”.
Gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cấp học bổng cho các thế hệ lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, Viện trưởng Học viện Kỹ thuật Công nghiệp Chin Tara bồi hồi: “Tôi phải công nhận là các bạn sinh viên Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên Campuchia rất nhiều. Người nước ngoài khi đến học ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Việt. Chúng tôi được các bạn cùng lớp và các thầy cô giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ bảo… nên đó là quãng thời gian với nhiều kỷ niệm không thể nào quên, nhất là việc trao cơ hội cho chúng tôi được học tập và mang kiến thức, kỹ năng về nước, giúp phát triển đất nước như hôm nay”.
Đồng quan điểm trên, ông Mak Chan Narith – quan chức Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia – cho biết: Sau ngày giải phóng 7/1/1979, Đảng và nhân dân Việt Nam hỗ trợ rất nhiều và thường xuyên cho Campuchia trên mọi lĩnh vực như giáo dục, truyền thông, nông nghiệp, quốc phòng… Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã hỗ trợ cấp nhiều suất học bổng, mở nhiều khóa đào tạo, giúp sinh viên và cán bộ của Campuchia có điều kiện nghiên cứu, học tập, lĩnh hội và vận dụng kiến thức phục vụ phát triển nền kinh tế Campuchia.
Ông chia sẻ: “Riêng bản thân tôi cũng có may mắn được học bổng đi học ở Việt Nam trong thời gian 6 năm. Tôi đã mang những kiến thức lĩnh hội được quay về phục vụ công việc trong cơ quan nhà nước, giúp phát triển nguồn nhân lực, cũng như phát triển nền kinh tế đất nước Campuchia”.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng, mỗi năm Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Campuchia cũng dành cho phía Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khmer trong vòng hai năm. Hiện có khoảng 100 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Campuchia và 2.427 sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Ngoài ra, hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực. Đây thực sự là nguồn bổ sung nhân lực rất quan trọng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh: “Quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, góp phần tích cực củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, lâu dài giữa nhân dân hai nước vì mục tiêu phát triển của mỗi nước”.
Bảo tàng đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa di sản đến với học đường
Các Bảo tàng xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 3809/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng.
Theo đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo tàng tại các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong tình hình hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở, các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động bảo tàng.
Cụ thể, các Sở chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các bảo tàng trực thuộc thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của Bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.
Các bảo tàng chủ động và linh hoạt trong phối hợp với các trường trên địa bàn để đưa học sinh đến với bảo tàng và di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới. (Ảnh minh họa)
Các Bảo tàng xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.
Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.
Về xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, địa phương tổ chức các chương trình ngoại khóa, tham quan cho học sinh, sinh viên tại các bảo tàng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, tìm hiểu lịch sử dân tộc, thấm nhuần tư tưởng của Bác "Dân ta phải biết sử ta", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, các Sở chủ trì xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học để chỉ đạo các bảo tàng và các trường trên địa bàn phối hợp triển khai. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục của bảo tàng, nhằm thực hiện hiệu quả việc sử dụng di sản văn hóa trong giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Các bảo tàng chủ động và linh hoạt trong phối hợp với các trường trên địa bàn để đưa học sinh đến với bảo tàng và di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới. Cụ thể: Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp.
Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng như: tổ chức tham quan, trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa. Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... vào các chương trình ngoại khóa và kết nối, mời nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ./.
Vùng an toàn có thể tổ chức dạy học trực tiếp từ tháng 10 Nội dung này được đề cập trong nghị quyết số 127 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021. Ảnh minh họa. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan, địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại, phù hợp với diễn biến dịch bệnh....