Cựu học sinh trường Thực nghiệm: “May mắn vì được hưởng phương pháp của GS. Hồ Ngọc Đại!”
“Bây giờ học sinh tiểu học phải học ngày, học đêm, học thêm. Còn lứa chúng tôi theo chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, kiến thức do thầy cô dạy ở trường bằng một phương pháp tốt. Về nhà, bố mẹ không cần dạy cái gì hết, chúng tôi được chơi hoặc học những kiến thức ngoài sách vở”.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Vinh – một học sinh khóa 3 chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội).
Cần có đội ngũ chuyên môn phân tích, đánh giá
Là một học sinh khóa 2 chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại, anh Trần Hồng Quang (đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, hiện là Tổng Lãnh sự danh dự Đại công quốc Luxembourg tại Hà Nội) nêu quan điểm: “Dư luận chỉ trích chương trình thực nghiệm Giáo dục công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại một cách bức xúc và gay gắt trong khi chỉ thông qua những điều mọi người thấy (hoặc chỉ nghe) về phương pháp dạy môn Tiếng Việt.
Nếu muốn nghiên cứu và tranh luận sâu cần có đội ngũ có chuyên môn phân tích và đánh giá, việc đánh giá không phải ngồi một nhóm với nhau rồi đưa ra kết luận. Cần có triển khai đánh giá thực tế phương pháp đó được áp dụng trong giảng dạy thế nào và phải đặt mình vào vị trí của trẻ 6 tuổi chứ không phải của người lớn đã có hoặc không có chuyên môn nhưng có… định kiến. Ngoài ra việc đánh giá phải có thời gian, một quá trình”.
Anh Trần Hồng Quang (bên trái) là một học sinh khóa 2 chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
Thứ 2, phương pháp giáo dục Thực nghiệm không phải là chỉ có môn Tiếng Việt hay Toán mà đây là việc tạo ra một môi trường tự do cho học sinh được phát huy những lợi thế, tiềm năng của bản thân. Học sinh được khuyến khích trước hết là biểu đạt ý kiến và cảm nhận của bản thân trong mọi khía cạnh của cuộc sống tại trường cũng như ở nhà và xã hội. Biết độc lập và biết yêu thương giúp đỡ người khác.
Dạy một đứa trẻ 6 tuổi những điều này không thể bằng lý thuyết được mà phải thông qua quá trình thực hành, đây là ý nghĩa của chữ Thực nghiệm chứ không phải là một thí nghiệm trên người như mọi người nghĩ.
Việc học sinh Thực nghiệm nhận mình là “chuột bạch” chỉ là sự hài hước (cũng là đặc tính của Thực nghiệm) và cũng thể hiện sự tự hào của bản thân chúng tôi trong quy trình thực hiện phương pháp dạy và học. Cần hiểu đây là việc có sự tham gia của cả học sinh chứ không chỉ là phương pháp dạy, nó là mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò.
“Điều đọng lại trong mỗi người từng học ở Thực nghiệm là khác nhau. Với tôi, đó là nhận thức về việc chúng ta không ai giống ai, vậy cần học cách tôn trọng sự khác biệt các quyền và giá trị riêng của mỗi cá thể.
Học sinh Thực nghiệm là người bình thường, không có gì đặc biệt, nhưng môi trường học đó đã giúp học sinh nhận thức được những điều tưởng như đơn giản đó mà càng ngày càng thiếu vắng ở xã hội ta”, anh Quang chia sẻ.
Phải chăng khâu đào tạo, tập huấn giáo viên hiện nay chưa bài bản?
Nhà báo Hà Việt Anh – nguyên Thư kí tòa soạn tạp chí Mẹ & Bé, một cựu học sinh trường Thực nghiệm cho rằng, ai có lên tiếng phủ nhận về chương trình Công nghệ giáo dục thì đó là quyền của họ. Tuy nhiên, chương trình và tinh thần của Công nghệ giáo dục đã mang đến cho nhiều thế hệ học sinh Thực nghiệm những trải nghiệm, giá trị khác biệt.
Nữ nhà báo chia sẻ: “Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hài lòng với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.
Xin hỏi các vị, khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất điều gì?
Theo tôi có 2 điều. Một là mong con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go. Cả 2 điều ấy CNGD đã làm được một cách xuất sắc. Hồi tôi còn bé, lúc nào chị em tôi cũng chỉ mong đến trường, mong gặp thầy, gặp bạn. Nhiều chục năm sau các con và cháu ruột tôi dù sốt 39 độ cũng nằng nặc đòi đi học.
Có thể chúng tôi chưa nổi tiếng và thành công như nhà toán học Ngô Bảo Châu, như bác sĩ – Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu hay nhiều học trò Thực nghiệm khác nhưng chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người. Vì dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm… mà thầy Đại và các thầy cô giáo dù là dạy môn gì cũng luôn nuôi dưỡng trong chúng tôi những giá trị sống nhân văn qua từng tiết học.
Đành rằng cách đánh vần không làm cho con trẻ thông minh hay giỏi giang hơn người nhưng cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên “thực nghiệm” chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa học “thử – sai – thử lại”, tự xây dựng kiến thức cho mình từ những gợi ý của thầy cô theo tôn chỉ: “thầy thiết kế – trò thi công”, “lấy học trò làm trung tâm của bài giảng”.
Những phương pháp tiếp cận kiến thức được học từ thuở thơ ấu dưới mái trường Thực nghiệm tôi đã mang theo mình tới tận những năm tháng du học tại ngôi trường số 1 của nước Nga, chúng đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và nghiên cứu ngôn ngữ”.
Video đang HOT
Nhà báo Hà Việt Anh cho biết, chương trình Công nghệ giáo dục đã mang đến cho nhiều thế hệ học sinh trường Thực nghiệm những giá trị, hành trang quý báu.
Theo chị Việt Anh, cá nhân chị không gặp bất cứ khó khăn, khúc mắc nào khi học chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại.
“Có lẽ vì hồi ấy thầy cô dạy chúng tôi được GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tập huấn và chia sẻ thường xuyên và các thầy cô cực kì tâm huyết và yêu trẻ. Có lẽ bây giờ một số người họ chỉ trích công nghệ giáo dục là do khâu đào tạo và tập huấn giáo viên chưa bài bản và thường xuyên dẫn đến việc giáo viên lúng túng, phụ huynh cũng không được truyền thông đầy đủ về phương pháp mà nhà trường sẽ áp dụng nên gây hoang mang và băn khoăn chăng?”, nhà báo đặt câu hỏi.
Học sinh không phải gồng mình, vùi đầu vào sách vở
Là một học sinh khóa 3 chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội), anh Nguyễn Hồng Vinh cho hay: “Thực ra đến bây giờ những cựu học sinh Thực nghiệm như tôi đều đã trưởng thành, không đi học rất lâu rồi nhưng cả lứa có dịp trò chuyện chia sẻ lại thì đều cảm giác may mắn vì được hưởng phương pháp CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại, được học môi trường nhẹ nhàng hơn so với học sinh cùng thời kỳ và so với học sinh tiểu học thời nay”.
Khi được hỏi, liệu phụ huynh có lo lắng khi không thể kèm thêm được con ở nhà, việc dạy theo chương trình này là do thầy cô đảm nhiệm, anh Vinh nói: “Thực chất, lựa chọn của cho con đi học trường nào lớp 1 là do bố mẹ đưa ra. Các phụ huynh ở trường Thực nghiệm cũng đa phần hiểu được, tin tưởng mới lựa chọn như vậy”.
Là một cựu học sinh Thực nghiệm, với trải nghiệm của mình, anh Vinh khẳng định, chương trình Giáo dục công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại rất hiệu quả, giúp học sinh không phải quá gồng mình, nặng nề vì việc học.
“Và giờ đây khi đã ngoài 40 tuổi, tôi thấy các bạn đi học cùng chương trình này của mình thời ấy đều lớn lên một cách “không đến nỗi nào”. Có nghĩa, với một phương pháp dạy tốt, học sinh sẽ không phải lao tâm khổ tứ quá nhiều, hay vùi đầu vào sách vở ngày đêm nhưng vẫn có kết quả tốt.
Các cựu học sinh trường Thực Nghiệm theo học chương trình Công nghệ giáo dục tới thăm GS. Hồ Ngọc Đại. Nhiều người cho biết, họ may mắn vì được học chương trình Công nghệ giáo dục.
Do vậy, khi nghe đến những luồng ý kiến chỉ trích, “ném đá” về Tiếng Việt – CNGD trên mạng, tôi thực chất không quá quan tâm đến việc dư luận “hùa” theo phong trào. Cuối cùng, sự thật thế nào cũng là sự thật”, anh Vinh chia sẻ.
Anh Vinh cho biết thêm: Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi được học rất nhiều, trải nghiệm môi trường ấy hơn các trường đơn thuần khác, cho nên học sinh sau này trưởng thành có khả năng lên kế hoạch rất tốt, có tầm nhìn và ít bị giao động.
Giờ đây, đã trở thành một ông bố, anh Vinh cho rằng, các phụ huynh hiện đại nên để trẻ được lớn lên như những gì nó muốn, không nên can thiệp vào việc học của con mà cần định hướng cởi mở.
“Tại sao con mình phải giống mình, mà không phải là học cái nó thích, cách nó thích và trở thành người nó mong muốn trở thành. Đó là điều không ít người Việt khó chấp nhận”, cựu học sinh Thực nghiệm bày tỏ.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Câu chuyện "bé xách đỡ mẹ" trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện
Nguyễn Siêu (tốt nghiệp xuất sắc ĐH Vassar - Mỹ, hiện làm việc tại tập đoàn truyền thông lớn Paramount Network) cho biết, bản thân cũng từng được học câu chuyện "Bé xách đỡ mẹ" mà đang bị nhiều người phê phán là vô giáo dục. Tuy nhiên, chàng cựu học sinh Thực nghiệm khẳng định, bài đọc ấy không dạy cho trẻ em thói hư tật xấu, trái lại dạy chúng tư duy phản biện từ rất sớm.
Từng là một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội), trước tranh cãi của dư luận về chương trình này, Nguyễn Siêu có bài phân tích "Công nghệ giáo dục: Một cách nhìn toàn cảnh".
Dưới đây là phần 1 của bài phân tích. Theo đó, Nguyễn Siêu chỉ rõ trải nghiệm của bản thân về một số điểm đáng lưu ý trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trong đó, có mẩu chuyện "bé xách đỡ mẹ" đang gặp không ít phê phán, tranh cãi về tính giáo dục:
Ngày xưa tôi học trường tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội). Chương trình tôi được giảng dạy trong suốt 5 năm 2001-2005 chính là chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại mà dư luận đang có nhiều tranh luận. Sau bài viết hôm trước giải thích tại sao chúng tôi lại học ngôn ngữ từ những hình tròn, hình vuông, tôi nhận được nhiều tin nhắn hỏi rằng ngoài những khối tròn vuông ấy thì chúng tôi còn được học gì ở trường Thực nghiệm nữa. Để đưa ra một bức tranh toàn cảnh hơn về chương trình giáo dục mà mọi người đang cho là "khác biệt" này, tôi muốn chia sẻ tất tần tật những điều dưới đây về 5 năm đi học có lẽ là vui nhất, hạnh phúc nhất, hiếu kỳ nhất của mình.
Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi luôn tự hiểu rõ bộ sách giáo khoa mình học có rất nhiều điểm khác biệt so với các bạn trường khác. Tôi vẫn luôn thấy tự hào về điều này, mặc dù trong con mắt của nhiều người sự khác biệt là một điều mạo hiểm. Thấm thoắt 17 năm đã trôi qua từ ngày tôi bắt đầu cắp sách tới trường, nên những chia sẻ dưới đây chỉ là những mảnh ghép vụn vặt của ký ức mà tôi cố gắng lục lọi mấy ngày qua, có lẽ cũng chưa thể đầy đủ để lột tả hết một công trình giáo dục đồ sộ.
Bên cạnh đó, tôi cũng chưa một lần được học theo bộ sách đại trà của các bạn ở trường khác, nên nếu có những điểm trùng lặp, giống nhau, không đáng mang ra so sánh, mong mọi người thông cảm. Điều số 1 tới số 7 ở dưới đây nói về chương trình tiếng Việt. Từ điều số 8, tôi viết về chương trình Toán, Tiếng Anh, một số môn khác, cũng như việc trường không chấm điểm, không xếp loại, cho các bạn quan tâm.
Nguyễn Siêu (thứ 3 từ trái sang), một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm.
1. Tôi đã thi vào lớp 1 trường Thực nghiệm thế nào?
Ngày ấy, tôi không đơn giản chỉ nộp hồ sơ rồi nghiễm nhiên trở thành một học sinh Thực nghiệm. Tôi phải đăng ký dự thi cùng rất nhiều bạn khác. Bài thi không kiểm tra vốn hiểu biết, mà kiểm tra phản xạ và lối suy nghĩ logic. Chúng tôi được phát cho những mẩu giấy hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Cô giáo sẽ đọc một bài thơ, cứ khi nghe thấy một từ nào đó được yêu cầu trước (ví dụ như khi nghe thấy từ "cò" trong một bài ca dao cô đọc), thì sẽ đặt một hình tam giác xuống bàn. Hoặc như trong bài thi của tôi, cô giáo đọc một truyện ngắn và sau đó hỏi lại là con gấu trong truyện "gừ" mấy tiếng. Đó một trong những bài thi đầu đời tôi phải vượt qua để có một suất trong ngôi trường này.
2. Chúng tôi học khối vuông, khối tròn, vì trong tự nhiên con người phát âm trước khi biết viết chữ
Trong bài viết trước, tôi đã giải thích tại sao học sinh lớp 1 ở trường Thực nghiệm lại chỉ từng hình vuông, hình tròn, rồi đọc vanh vách một câu thơ. Nếu sách giáo khoa đại trà dạy chữ viết trước (và bắt đầu bằng chữ "e"), thì trường Thực nghiệm dạy về âm trước, do thuận theo tự nhiên thì chúng ta biết nói trước khi biết viết. Ký hiệu mỗi "tiếng," tức đơn vị ngữ âm hoàn chỉnh được phát ra, bằng hình tròn, hình vuông là để chúng tôi nhận biết nếu mắt nhìn thấy 8 tiếng, thì miệng cũng phải phát ra 8 tiếng, 8 âm thanh. Hình khối cũng chỉ là "vật thay thế" cho "vật thật," tức âm thanh, một triết luận cơ bản của ngôn ngữ và truyền thông.
Đây chỉ là những bài học đầu, trước khi học sinh Thực nghiệm bắt đầu học cụ thể về mặt chữ, rồi mới học về nghĩa. Khi học về âm, điều quan trọng là làm thế nào để học sinh "quên" đi nghĩa, khiến chúng tập trung 100% vào cách phát âm, rồi sau khi nắm chắc kiến thức ngữ âm thì mới học tiếp các khía cạnh khác của ngôn ngữ. Đó chính là phương pháp căn bản của khoa học giáo dục mà có lẽ nhiều người không hiểu.
Khi đã bạn biết tới tận ngọn ngành của một thứ gì đó và bạn muốn truyền đạt điều này cho ai đó, bạn luôn muốn truyền đạt tất cả mọi thứ một lúc, giải thích thật cặn kẽ để họ có thể hiểu được một vấn đề từ A tới Z. Tuy nhiên, học sinh tiểu học không suy nghĩ như vậy. Muốn giảng dạy một vấn đề phức tạp như ngôn ngữ, phải đi thật chậm, thật dần dần, phải dạy riêng rẽ từng thứ một. Đây là tại sao "giáo dục" là một ngành, chứ không phải ai muốn "dạy" là cũng "dạy" được. "Giáo dục" cần phương pháp.
Một ví dụ là tôi học Hoá cấp 2, có những hợp chất với sắt (tại sao có cả FeS lẫn FeS2) tôi thấy được viết không giống quy tắc được học khi cân bằng phương trình hoá học, nhưng lúc ấy cô giáo bảo cứ biết là như vậy, tới cấp 3 mới bắt đầu học về hoá trị với số oxi hoá, lúc ấy mới hiểu lý do đằng sau những cái "bất quy tắc" kia. Có những cái phải để từ từ, theo thời gian rồi dần dần học sẽ hiểu, không thể một dạy một lúc được luôn. Trong trường hợp này cũng vậy, để tập trung vào "âm," học sinh cần quên phần "nghĩa" tạm thời. Những hình vuông, hình tròn sinh ra để thay thế cũng một phần vì mục đích này.
3. Khối vuông, khối tròn trở nên hữu ích cho việc tách vần
Từ việc sử dụng hình khối để "đại diện" cho "tiếng," chúng tôi bắt đầu "đặt" tiếng vào hình khối để phân tách chúng ra. Chúng tôi đặt tiếng "ba" vào một hình chữ nhật, kẻ hai vạch thẳng song song để tách âm "b" và âm "a" ra (nhìn hình minh hoạ bên dưới).
Đây là một cách học phát âm giàu tư duy hình ảnh, và chính vì nó mà tôi phát âm tiếng Việt rất nhanh.
Từ đây, chúng tôi được học là một "tiếng" có thể có hai phần, là "phần đầu" và "phần vần." Tiếp theo, trong "phần vần," chúng tôi tiếp tục kẻ hai vạch thẳng để tách thành 3 phần: "âm đệm," "âm chính" và "âm cuối." Ví dụ như từ "Loan" (tên mẹ tôi), "L" là phần đầu," "O" là âm đệm, "A" là âm chính, "N" là âm cuối. Chúng tôi được học là trong 4 phần trên, một tiếng có thể mất âm đầu, âm đệm và âm cuối, nhưng luôn có âm chính, không thể thiếu được. Dấu thanh cũng được đặt lên phía trên của mô hình chữ nhật này để thay đổi cách phát âm.
Đây là một cách học phát âm giàu tư duy hình ảnh, và chính vì nó mà tôi phát âm tiếng Việt rất nhanh. Mỗi khi nhìn vào một "tiếng," tôi đầu hình dung trong đầu mô hình này và có thể phát âm được ngay lập tức. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chia sẻ về phương diện cá nhân rằng nhờ cách học này mà tới hiện nay tôi tư duy hầu hết mọi thứ đều bằng hình ảnh. Tôi ghi nhớ một kỷ niệm bằng hình ảnh. Tôi phân tích truyền thông bằng hình ảnh. Tôi thậm chí cũng dùng một ấn tượng hình ảnh để ghi nhớ âm thanh. Tôi không biết lối tư duy hình ảnh này có vượt trội hơn những lối tư duy khác hay không, nhưng nó khiến cá nhân tôi đánh giá một sự vật, sự việc nhanh nhẹn hơn, cuộc sống cũng dễ dàng hơn nhiều phần.
4. Đánh vấn "ie" là "ia" là theo âm chứ không phải theo chữ
Ngoài hình vuông, hình tròn, một trong những điều mọi người tranh cãi là tại sao lại đánh vần "iê" là "ia" mà không phải là "i-ê." Theo như tôi đã viết ở trên, triết lý Công nghệ giáo dục là dạy âm thanh trước, chữ viết theo sau và phục vụ cho âm thanh.
Đánh vần vì thế dựa vào âm thanh chứ không phải dựa vào cách viết. Theo đó, "iê" không phải là hai nguyên âm, mà là một nguyên âm đôi, vì chúng ta không bao giờ để chúng đứng một mình không có âm cuối. Ví dụ như chúng ta viết "Sia" chứ không bao giờ viết "Siê," và để viết "Siê" thì phải có một âm cuối, ví dụ như "Siêu" thì nó mới tồn tại. Vì thế, "iê" chỉ là một thể dạng khác của nguyên âm "ia" chứ không phải một thực thể của riêng nó. Cách đánh vần "iê" vì thế cũng là "ia," chứ không phải là "i-ê." Trong mô hình chữ nhật mô tả "tiếng" ở bên trên, "iê" cũng được viết cùng nhau trong ô "âm chính," chứ không phải viết "i" ở âm đệm và "ê" ở âm chính, vì chúng đi liền nhau trong một "nguyên âm đôi".
Nguyên âm đôi cũng là một trong những điều chúng tôi học cuối cùng, và cũng là khó nhất, trong phần ngữ âm này, nhưng chúng thực sự không hề khó một khi bạn hiểu bản chất vấn đề. Người lớn có thể thấy khó hiểu vì họ quen khái niệm "đánh vần" tức là "đọc" lại chữ viết, tức là chữ có trước, âm thanh có sau. Công nghệ giáo dục quan niệm ngược lại. "Đánh vần" là đọc bật lên một âm thanh, độc lập khỏi con chữ, vì âm thanh có trước, chữ chỉ để ghi lại âm thanh mà thôi.
5. "Gà qué", "đi bể", "quả muỗm" dạy cách trân trọng sự khác biệt của mỗi địa phương
Nhiều người tự hỏi, tại sao lại dạy trẻ em những từ mà nó còn không biết nghĩa là gì. Ví dụ, "bể" là từ địa phương, tại sao lại dạy trẻ một phương ngữ không quen thuộc? Thứ nhất, như đã nói ở trên, chương trình này dạy cách phát âm đầu tiên, và trong quá trình học âm, chúng ta chưa quan trọng ngữ nghĩa.
Thứ hai, những người chỉ trích điều này có lẽ quên mất, đi học là để tiếp thu những điều mới, chứ không phải chỉ làm quen với những thứ quen thuộc. Tôi nhớ hồi học tới từ "bể," tôi cũng thắc mắc hỏi cô, thì được giải thích "bể" là một từ đồng nghĩa với "biển," có những địa phương khác dùng. Một giây sau, tôi hiểu ngay, thích thú, chứ không õng ẹo không chịu học như một vài câu chuyện trên mạng.
Đây là kiến thức mới, mình đến trường để học cái mới, chứ tại sao lại đòi chỉ học những cái quen thuộc? Nhờ học được từ "bể" mà tôi mới à ra, tại sao người ta lại gọi là "nem cua bể." Nó dạy cho tôi hai điều: một là cách liên kết giữa những từ đồng nghĩa với nhau, để biết nhiều hơn, tăng vốn từ cho mình, và hai là biết rằng Việt Nam có rất nhiều địa phương khác nhau, nhiều tỉnh thành khác nhau, nhiều phương ngữ khác nhau, từ đó hiểu thêm rằng không phải ai cũng nói giống mình, dùng từ giống mình, biết cách trân trọng sự khác biệt.
6. Câu chuyện "bé xách đỡ mẹ" dạy tư duy phản biện
Tôi cũng từng được học câu chuyện "Bé xách đỡ mẹ," hiện đang bị nhiều người phê phán là vô giáo dục, dạy cho trẻ em thói hư tật xấu. Tôi có thể chia sẻ trong trải nghiệm của tôi, là tôi đã từng đọc câu chuyện này ở trường Thực nghiệm, và tới ngày hôm nay vẫn chưa một lần vô ơn với ai. Hồi đó, khi đọc câu chuyện này, tôi chỉ cười. Tôi cười vì tôi hiểu thằng bé ranh ma, láu cá. Tôi cười vì tôi biết đây chỉ là một câu chuyện cười thâm thúy mà thôi.
Bài đọc "Bé xách đỡ mẹ" trong sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi về tính giáo dục.
Ở 6 tuổi, tôi nghĩ một đứa trẻ con đã hiểu đủ để biết đây không phải là cách cư xử nhà trường đang khuyến khích. Ở 6 tuổi, một đứa trẻ con đã đủ thông minh để biết đây chỉ là một truyện cười. Trong trường Thực nghiệm, chúng tôi chưa bao giờ được các cô bắt đọc một câu chuyện và yêu cầu, "Hãy làm đúng y hệt những gì người ta làm". Không, những bài đọc trong sách Thực nghiệm không mang tính chất giáo lý, mục đích không phải để khiến trẻ công nhận là đúng và học theo.
Những bài đọc này khuyến khích trẻ tự hỏi bản thân mình, cái gì ở đây hay, cái gì không hay, cái gì buồn cười, tại sao lại buồn cười. Đây là mấu chốt của Tư duy phản biện. Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi đã được học tư duy phản biện từ rất sớm như thế. Chúng tôi không học theo kiểu cái gì nhà trường giảng thì mình tự coi là đúng. Chúng tôi học cách tự đưa ra đánh giá, nhận xét của mình.
(Còn tiếp phần 2...)
Nguyễn Siêu
(Từ New York, Mỹ)
Theo Dân trí
9X Việt xuất sắc tại Mỹ: "Công nghệ giáo dục trang bị cho tôi tư duy ngôn ngữ cực tốt" Là một người đã từng học trọn vẹn 5 năm chương trình Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, du học sinh Nguyễn Siêu (tốt nghiệp xuất sắc ĐH Vassar, Mỹ) khẳng định, chương trình này tập trung phát triển cốt lõi của tư duy cực kỳ tốt, về lâu dài điều đó sẽ mang lại...