Cửu đỉnh Huế & hành trình được công nhận di sản tư liệu thế giới
Với những giá trị độc đáo, tinh xảo và duy nhất, Cửu đỉnh Huế có giá trị tiêu biểu, đáp ứng tiêu chí để được ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
Cửu đỉnh được xem là bách khoa toàn thư về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Tính xác thực có giá trị nổi bật
Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi công đúc từ tháng 10 năm Ất Mùi (1835) đến tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837). Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự nghiệp của bậc đế vương, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy và vững mạnh của một triều đại thống nhất.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cửu đỉnh như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Các nghệ nhân thời vua Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt.
Cửu đỉnh.
Cửu đỉnh Huế được hiểu như là bộ dư địa chí về đất nước Việt Nam thống nhất, có chủ quyền đầu thế kỷ XIX, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh. Những hình ảnh về biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh (Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh) sẽ là nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời cho thấy, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.
Trải qua thời gian dài chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, chín đỉnh vẫn là những bản gốc, duy nhất hiện vẫn đặt ở vị trí như ban đầu khi mới sinh ra. Với những giá trị đặc sắc, cửu đỉnh được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012. Những hiện vật gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới chính là tiêu chí xác thực của một di sản tư liệu, là điều kiện cần và đủ cho việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới nhằm ghi nhận những giá trị này ở tầm quốc gia và quốc tế, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong tương lai.
Mang tính quốc tế, độc đáo và duy nhất
Video đang HOT
Cửu đỉnh là loại hình di sản đặc biệt, tất cả những giá trị tư liệu được thể hiện bằng hình ảnh đắp nổi trên mỗi đỉnh đồng. Đây là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và của Việt Nam trong lịch sử. Những hình ảnh chạm nổi trên Cửu đỉnh là một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng đồng vô cùng độc đáo của dân tộc ta dưới thời vua Minh Mạng, không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ đúc đồng mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ bến về một đất nước Việt Nam hùng cường và giàu có. Cửu đỉnh vừa thể hiện bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng, kỹ thuật, tín ngưỡng, giao thông… vừa thể hiện bằng ngôn ngữ chữ Hán, ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đồng văn nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao.
Dạng tư liệu này ngoài chữ viết còn thể hiện bằng hình ảnh đắp nổi, chạm khắc tinh xảo của nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Đây là điểm rất đặc biệt và chỉ thấy xuất hiện ở cửu đỉnh Huế. Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: “Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện ở nơi nào trên thế giới có bộ cửu đỉnh độc đáo như cửu đỉnh Huế. Ngoài ý nghĩa quốc tế, di sản trên gần như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trong hướng dẫn chung về bảo vệ di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, như: tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, hình thức và phong cách”.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Cửu đỉnh là dạng “độc bản, duy nhất”, không thể thay thế. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn; là một cụm tượng đài bất diệt, hoành tráng về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX được biểu trưng bằng hình ảnh, thể hiện trí tuệ của tiền nhân và tầm cao nghệ thuật. Với những giá trị và ý nghĩa của bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới”.
Đối chiếu với hệ thống tiêu chí của Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, cửu đỉnh thật sự là một bảo tàng sống về đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XIX và là một di sản vô giá mà triều Nguyễn đã di tặng cho thế hệ sau. Vì thế, di sản này hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới.
Vua Khải Định - Người làm mới kiến trúc cung đình Huế
Xung quanh Vua Khải Định, vị Hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn, ở ngôi từ 1916-1925, các quan điểm đánh giá khá phức tạp, không đồng nhất.
Dẫu vậy, càng ngày người ta càng nhận ra và phải công nhận rằng, những công trình xây dựng mà Vua Khải Định để lại đều là những công trình có giá trị rất đặc biệt về kiến trúc, mỹ thuật. Đó thực sự là những di sản rất quý, góp phần làm nên sự phong phú, độc đáo của kho tàng di sản văn hóa Huế. Hơn thế, Vua Khải Định chính là người "làm mới" kiến trúc cung đình Huế theo một cách rất riêng.
Tượng đồng Vua Khải Định trong đình Trung Lập (Cung An Định)
Quần thể kiến trúc cung đình Huế được bảo tồn hiện nay chủ yếu đều là kiến trúc thời Nguyễn (1802-1945); tháng 12.1993, quần thể kiến trúc này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Kiến trúc cung đình Huế vừa mang bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống Việt Nam, vừa có những đặc điểm chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, đặc biệt là một số công trình kiến trúc được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Và vua Khải Định (1916-1925), chính là người có vai trò đặc biệt trong vấn đề này. Ông đã làm mới kiến trúc cung đình Huế.
Hoàng đế Khải Định trên ngai vàng.
*
Vua Gia Long (1802-1820) là vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Trong công cuộc phục quốc và thống nhất đất nước cuối thế kỷ XIX, ông đã tiếp cận và có phần dựa vào thế lực quân sự của người Pháp để đánh bại đối thủ (triều Tây Sơn, 1788-1801). Vì vậy, ông là người hiểu biết khá sâu sắc về sức mạnh quân sự của phương Tây, bao gồm cả các loại vũ khí, thuyền chiến, thành trì... Cũng chính vua Gia Long là người cho áp dụng kiểu thành quân sự Vauban của phương Tây vào việc xây dựng Kinh thành Huế (khởi công vào năm 1805, hoàn thành năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng).
Kinh thành Huế được xây bằng gạch đá và đắp đất ở bên trong, bình diện gần như hình vuông, mỗi cạnh hơn 2,2km, chu vi 10km, có 24 pháo đài chia đều ở 4 mặt, trên thành có tường bắn, pháo nhãn để đặt đại bác phòng ngự, ngoài có phòng lộ, hào hộ thành, thành giai, sông hộ thành bao quanh. Kinh thành Huế thể hiện đặc điểm kiến trúc thành Vauban rất rõ, tuy nhiên, tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống, kể cả cách thức xây dựng. Vì vậy có thể nói, cho đến cuối thế kỷ XIX, kiến trúc cung đình Huế vẫn chủ yếu mang bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, ít chịu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây.
Tháng 7 năm 1885, quân đội Pháp chiếm trọn kinh đô Huế sau khi cuộc phản công của triều đình Nguyễn do phe chủ chiến khởi xướng thất bại. Người Pháp đưa vua Đồng Khánh, một vị vua trẻ có xu hướng thân phương Tây lên làm vua. Vua Đồng Khánh trị vị được gần 4 năm (1885-1888), từ thời điểm này trở đi đến thời các vua Thành Thái (1889-1906) và Duy Tân (1907-1915), do ảnh hưởng của người Pháp và văn minh phương Tây, một số công trình kiến trúc được tái thiết hay xây dựng mới đã bắt đầu sử dụng vật liệu nhập khẩu từ phương Tây, đặc biệt là những công trình do người Pháp xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa ở bờ nam sông Hương, đối diện với kinh thành Huế như khách sạn Morin, cầu Trường Tiền, nhà Ga xe lửa Huế, trường Quốc học... Công trình đầu tiên của kiến trúc cung đình chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc thuộc địa là Cơ Mật Viện, xây dựng năm 1903, sau đó là phủ Phụ Chính (1906-1907)...
Lăng Vua Khải Định (Ứng lăng).
Tuy nhiên, phải từ thời vua Khải Định (1916-1925) trở đi, các công trình sử dụng vật liệu mới và chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc phương Tây mới trở nên phổ biến. Vua Khải Định là vị hoàng đế đầu tiên sử dụng vật liệu xây dựng nhập khẩu từ phương Tây như xi măng, sắt thép, ngói đá Ardoise, đĩa bát gốm sứ phương Tây vào xây dựng lăng mộ của Vua cha (tức vua Đồng Khánh) và ông nội (Kiên Thái Vương). Ông cũng dùng vật liệu mới để xây dựng các công trình kiến trúc bên trong Hoàng cung như cửa Chương Đức (1921), cửa Trường An-cung Trường Sanh (1921), cửa Hiển Nhơn (1923), lầu Kiến Trung (1921-1923)... Một văn bản của Bộ Công năm Khải Định thứ 2 (1917) còn cho biết, triều đình đã dùng xi măng để đúc các ống cống cho các thủy khẩu của Kinh thành và tu bổ các cổng, tường thành. Ảnh tư liệu do người Pháp chụp trong giai đoạn này còn cho thấy, bờ kè hào Kim Thủy Ngoại trước cửa Ngọ Môn đã dùng vữa bê tông để trùng tu, thay vì sử dụng kiểu xếp đá khan không vữa như trước đó (ảnh tư liệu). Nghĩa là vật liệu hiện đại đã được triều Nguyễn sử dụng để xây dựng tu bổ công trình, chỉnh trang đô thị.
Cửa Trường An của cung Trường Sanh.
Điện Kiến Trung (bản vẽ phục hồi).
Đặc biệt, từ năm 1917-1918, vua Khải Định đã cho xây dựng một biệt cung ở bờ nam sông Hương, bên bờ sông An Cựu (một chi lưu của sông Hương), đó là cung An Định, mang phong cách của một lâu đài châu Âu. Đây là công trình có quy mô lớn nhất (tổng diện tích cung hơn 23.400m2), kết cấu hoàn chỉnh nhất so với toàn bộ các công trình xây dựng theo phong cách mới thời bấy giờ. Khi hoàn chỉnh, cung An Định bao gồm các công trình: Bến thuyền, cổng cung, đình Trung Lập và hoa viên tiền sảnh, Khải Tường Lâu, nhà hát Cửu Tư Đài, Nhà ngang, chuồng thú, hồ nước và vườn sau. Các công trình bố trí theo một trục dọc, hoặc đăng đối qua đường Dũng đạo theo phong cách cung đình. Có thể nói, sự ra đời của cung An Định đã đánh dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng Tây phương, thường được gọi là thời Tân cổ điển (néo - classique).
Bên trong Khải Tường Lâu- cung An Định.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của Tây phương song mỹ thuật Huế với tư cách là một trung tâm mỹ thuật thời Nguyễn nổi tiếng vẫn giữ gìn và tiếp tục phát huy những nội dung và tính chất mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Cung An Định đã chứng tỏ cho thấy rõ điều này không chỉ ở tổng thể công trình kiến trúc mà còn ở từng chi tiết trang trí ở nội và ngoại thất.
Bài "Cung quy tổng xuất ngự chế" của nhà vua biên soạn được đắp nổi ngay trên bình phong của tòa Khải Tường Lâu.
Là cung điện quy mô và tiêu biểu nhất của thời Khải Định, dù ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc lâu đài phương Tây nhưng công trình này vẫn mang phong cách kiến trúc- mỹ thuật cung đình thời Nguyễn với kiểu bố cục đăng đối, có trục dũng đạo theo hướng bắc-nam và kiểu bố trí "tiền cung hậu uyển" (phía trước là cung điện, phía sau là vườn), các mô típ và chi tiết trang trí vẫn sử dụng kiểu truyền thống với tứ linh, tứ quý, bát bửu, bát tiên...
Cung An Định và các công trình kiến trúc thời Khải Định được giới thiệu trong bản tham luận của TS. Phan Thanh Hải tại Đại học Tokyo, tháng 3.2019.
Đình Trung Lập và cửa chính cung An Định.
Bên cạnh cung An Định thì thời Khải Định còn có khu lăng mộ của chính vị hoàng đế này, đó là Ứng Lăng. Khu lăng tẩm này từ quy hoạch, bố trí các công trình đến sử dụng vật liệu xây dựng đều khác hẳn các lăng tẩm Hoàng gia trước đó. Công trình thuộc đất làng Châu Chữ, thị xã Hương Thủy, được khởi công năm 1920, đến năm 1931 mới hoàn thành. Tuy công trình không phải hoàn thành trong thời vua Khải Định nhưng toàn bộ ý tưởng quy hoạch, bố trí công trình kiến trúc, hình thức trang trí đều từ ý tưởng của vị hoàng đế này. Ứng lăng (thường gọi là Lăng Khải Định) có diện tích 6.000m2 (60x100m), tọa lạc trên sườn một ngọn núi cao, được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông, sắt thép, vôi vữa, sành sứ và một số vật liệu ngoại nhập, gần như không sử dụng vật liệu gỗ. Nhìn từ xa tới, khu lăng tẩm này trông giống như một tòa lâu đài của châu Âu. Có thể nói, Ứng lăng là một biến tấu độc đáo trong hệ kiến trúc lăng tẩm hoàng gia thời Nguyễn.
Tượng đồng Vua Khải Định tại Ứng lăng.
*
Kiến trúc phương Tây đã ảnh hưởng vào kiến trúc cung đình Huế từ đầu thế kỷ XIX nhưng mới là ở kiến trúc quân sự, phải từ đầu thế kỷ XX thì mới có ảnh hưởng rõ ràng đến đến kiến trúc cung điện. Vua Khải Định là tác giả của nhiều công trình kiến trúc mang ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, từ cổng cửa, cung điện đến lăng tẩm hoàng gia. Có thể khẳng định, ông chính là người đã làm mới kiến trúc cung đình Huế cả về vật liệu, phong cách kiến trúc, tư duy mỹ thuật... nhưng vẫn kế thừa khéo léo những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Ở một góc nhìn khác ta có thể thấy, sự ảnh hưởng kiến trúc phương Tây đối với kiến trúc cung đình Huế đã tạo ra một loại hình kiến trúc khá đặc biệt (Tân cổ điển). Đây là một di sản quý trong di sản văn hóa của cố đô Huế, cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị./.
Nhà hát Opera Sydney - Công trình kiến trúc độc đáo nhất thế giới Nhà hát Opera Sydney luôn là niềm tự hào của đất nước Australia nói chung và người dân Sydney nói riêng. Chắc chắn không một du khách nào khi đến du lịch Úc lại bỏ qua địa danh nổi tiếng này. Nhà hát Opera Sydney, mang lối kiến trúc độc đáo với dáng hình con thuyền đang căng buồm no gió vươn mình...