Cựu CEO Google lý giải nguyên nhân 5G Mỹ đi sau Trung Quốc
Cựu CEO Google Eric Schmidt cho rằng sự chần chừ của chính phủ Mỹ đã khiến nước này đi sau Trung Quốc khá xa trong cuộc đua 5G.
Huawei vẫn thống trị thị trường 5G bất chấp lệnh cấm của Mỹ.
Trong bài xã luận đăng trên Thời báo Phố Wall, ông Schmidt cùng đồng tác giả Graham Allison, Giáo sư Đại học Harvard, hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa 5G là “ưu tiên quốc gia”, nếu không “Trung Quốc sẽ sở hữu tương lai 5G”. Ông Schmidt cho rằng sự “lập cập” của chính phủ Mỹ khiến nước này đi sau nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, trong cuộc đua 5G xét trên hầu hết mọi phương diện.
Thế hệ mạng di động 5G hứa hẹn tốc độ tải siêu nhanh, làm nền tảng cho các ứng dụng công nghiệp, quân sự, hình thành một cách tương tác mới giữa các thiết bị. Đó là lý do vì sao 5G được xem là công nghệ trọng yếu, là một trong những nguyên nhân Trung Quốc tăng tốc triển khai 5G và ứng dụng của nó.
Theo hai tác giả, đạt tới tốc độ 5G thực sự sẽ dẫn đến những đột phá trong xe tự hành, ứng dụng thực tế ảo như vũ trụ ảo và phát minh ra các lĩnh vực khác. Chúng sẽ tạo lợi thế cho cơ quan tình báo và nâng cao năng lực quân sự.
Video đang HOT
Ông Schmidt và ông Allison chỉ ra, tốc độ tải 5G trung bình ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Cụ thể, theo số liệu của công ty đo tốc độ Intenet Speedtest, vào quý III/2021, tốc độ tải trung bình tại Trung Quốc là hơn 299 megabit/giây, còn Mỹ là 93,73 megabit/giây.
“Tốc độ Internet di động là tiến bộ trọng tâm của 5G, kích hoạt loạt ứng dụng đột phá mới với những tiềm năng kinh tế và an ninh quốc gia”, hai tác giả viết. Cả hai cũng cho biết Huawei vẫn đang thống trị thị trường bất chấp những lệnh trừng phạt nhằm vào hãng thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đẩy nhanh phân bổ băng tần midband cho các hãng viễn thông, còn AT&T và Verizon của Mỹ vẫn phải dùng chung băng tần cho cả mạng 4G và 5G.
Trung Quốc cũng chi mạnh tay hơn cho 5G. Hai tác giả cáo buộc màn thể hiện của Mỹ trong cuộc đua 5G là dấu hiệu cho thấy thất bại lớn hơn trong việc theo kịp Trung Quốc về những công nghệ chiến lược. Trung Quốc còn đi trước Mỹ trong sản xuất công nghệ cao, năng lượng xanh, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo quỹ đạo này, đến năm 2030, Trung Quốc có khả năng cao dẫn trước Mỹ trong sản lượng chip bán dẫn và ứng dụng công nghệ sinh học trong điều trị bệnh như ung thư.
Ông Schmidt là cái tên quen thuộc khi thường chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Mỹ với những công nghệ mà ông xem là trọng tâm của tương lai. Chẳng hạn, năm 2021, báo cáo của Ủy ban An ninh quốc gia về Trí tuệ nhân tạo mà ông Schmidt làm Chủ tịch dự đoán Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ thành “cường quốc trí tuệ nhân tạo”.
Mỹ cần Nhật - Hàn trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc
Cựu CEO Google Eric Schmidt nhận xét năng lực AI của Trung Quốc gần với Mỹ hơn ông tưởng, đồng thời nhấn mạnh Mỹ không thể thành công nếu thiếu hợp tác với "những người bạn châu Á".
Cựu CEO Google Eric Schmidt.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei, cựu CEO Google - nay là Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia về Trí tuệ nhân tạo (AI) - cho biết Trung Quốc đang áp sát Mỹ trong một số lĩnh vực AI và điện toán lượng tử, với tốc độ nhanh hơn vài năm so với dự đoán trước đó của ông.
"Đó thực sự là chuyện lớn đấy", ông nói.
Báo cáo của Ủy ban công bố hồi tháng 3 cảnh báo, "nếu không hành động, Mỹ có thể mất vị trí lãnh đạo AI vào tay Trung Quốc trong thập kỷ tới và trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các nguy cơ dựa trên AI từ một loạt thế lực nhà nước và phi nhà nước".
Theo ông Schmidt, để chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, Mỹ phải duy trì sự dẫn đầu trong các lĩnh vực "chiến lược" như AI, bán dẫn, năng lượng, điện toán lượng tử và sinh học tổng hợp. Để làm được điều đó, "chúng ta cần quan hệ gần gũi hơn với các nhà khoa học, đại học, chính phủ Nhật Bản - tương tự như vậy với Hàn Quốc và châu Âu".
Ông Schmidt gợi ý thiết lập một nhóm điều phối tại Washington để giữ liên lạc với các nước đối tác. Ông cũng nhắc đến tổ chức Đối thoại an ninh 4 bên (Quad) - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. "Nếu Quad xây dựng một viện để bảo đảm các nước Quad đàm thoại với nhau, hay vì chỉ hội họp, tôi rất ủng hộ".
Ông nhấn mạnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh không nên thuần túy là cạnh tranh lẫn nhau. Ông cho rằng niềm tin "Trung Quốc là kẻ thù và chúng ta nên dừng giao dịch với họ, ngừng làm việc với họ" là một sai lầm. Ông mô tả quan hệ này là "đối tác cạnh tranh", liệt kê y tế và biến đổi khí hậu là các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác.
Ngoài ra, ông nhận xét các đề xuất phá vỡ Amazon, Apple, Facebook hay Google sẽ không hữu ích vì sẽ khiến Mỹ yếu thế hơn trước Trung Quốc. Khi nói tới sản xuất bán dẫn - mặt trận quan trọng trong cuộc đua công nghệ, ông tranh luận chỉ ném tiền thôi không đủ giải quyết vấn đề.
"Tôi không cho rằng chỉ cần bỏ ra 50 tỷ USD là chúng ta sẽ được như Đài Loan". Ông thừa nhận hãng sản xuất chip TSMC của Đài Loan đã làm điều đó 20 năm và đây là công việc vô cùng khó khăn. Dù TSMC thông báo đầu tư vào các nhà máy tại Trung Quốc và Mỹ, "vì nhiều lý do kỹ thuật, các nhà máy bán dẫn đó khó có thể hiện đại" được như cơ sở tại Đài Loan. Với ông, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang phụ thuộc vào hòn đảo này.
Ủy ban của ông đang thúc đẩy Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ tại Thượng viện, trong đó có những khoản đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu AI, điện toán lượng tử và công nghệ tân tiến khác. Tuy nhiên, Ủy ban sẽ phải giải tán vào tháng 10 sau khi nộp báo cáo cuối cùng hồi tháng 3. Ông Schimidt hi vọng có thể thành lập các tổ chức mới để tiếp tục công việc, đồng thời bày tỏ mong muốn hỗ trợ với tư cách cá nhân.
Google Chrome đạt cột mốc 100 phiên bản sau 14 năm ra mắt Sau 100 phiên bản, Chrome vẫn giữ vững vị trí thống trị của mình trên thị trường trình duyệt web. Google Chrome là trình duyệt phổ biến nhất thế giới hiện tại, phiên bản public beta đầu tiên của nó được phát hành vào tháng 9 năm 2008 dành cho hệ điều hành Windows và 14 năm trôi qua, giờ đây cuối cùng...