Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lo không đủ sức khỏe để thi hành án
Trình bày phần tự bào chữa, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, mức án mà đại diện VKS đề nghị là quá nặng và lo không đủ sức khỏe để thi hành án.
Sáng nay (24/4), tại phiên tòa xét xử vụ Sabeco, HĐXX dành thời gian cho cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tự bào chữa.
Ông Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việc Sabeco thoái vốn là theo chủ trương của Chính phủ, đề xuất của Sabeco chứ không phải theo chỉ đạo từ phía Bộ.
Thực chất việc thoái vốn xảy ra sau khi bị cáo được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng nên bị cáo không còn tư cách, khả năng gì để chỉ đạo quá trình thoái vốn.
“Tội danh quy cho tôi, thấy rằng quá nặng nề, không phù hợp với tình hình thực tế. Với mức án như đại diện VKS đề nghị, với tình trạng sức khỏe của tôi như thế này, giả định việc đề nghị án của VKS được HĐXX quyết định, liệu tôi có đủ thời gian để chấp hành quyết định này hay không”, lời bị cáo Hoàng.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được dìu đến tòa
Trình bày trước tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương nói: “Từ khi CQĐT khởi tố vụ án đến nay, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở. Nhưng ngày hôm nay, tôi thực sự bất ngờ trước kết luận của đại diện VKS về tội phạm có liên quan đến cá nhân tôi”.
Theo trình bày của ông Vũ Huy Hoàng, với sự đề xuất của Sabeco, sự tham mưu của các bộ phận chức năng mà đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ, ý kiến của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, suốt từ năm 2007, khi Sabeco Land được thành lập đến năm 2012, bị cáo không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc Sabeco triển khai dự án.
Video đang HOT
Đến năm 2012, Sabeco chủ động báo cáo Bộ về những khó khăn trong việc triển khai dự án khi các nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính.
Lúc đó đang xảy ra khủng hoảng bất động sản, sự quan tâm của nhà đầu tư với dự án này rất hạn chế. Nhu cầu của Sabeco về văn phòng làm việc là cần thiết.
Thời điểm Sabeco gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 26. Với Nghị quyết này, Chính phủ mở ra khả năng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“Tôi có phải là người cố ý làm sai Nghị quyết hay không, đề nghị HĐXX xem xét… Nếu tôi có mắc khuyết điểm thì đó là quá quan tâm, nhiệt tình, lo lắng chia sẻ những khó khăn của Sabeco”, ông Hoàng tự bào chữa.
Quan điểm của luật sư
Bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi: Vì lý do gì mà Sabeco Pearl lại được trực tiếp thực hiện nghĩa vụ tài chính, để rồi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Theo luật sư, điều này cần được làm rõ.
Ông Thiệp đưa ra quan điểm: Hồ sơ vụ án thể hiện một số cá nhân của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước hoàn toàn độc lập, chủ động thỏa thuận chuyển đổi nội dung cơ bản từ “Hợp đồng nguyên tắc” sang “Hợp đồng số 01″ mà không được HĐQT thông qua.
Bộ phận quản lý vốn Nhà nước cũng không báo cáo, xin ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề này. Đây phải coi là sự tự ý và không chấp hành chủ trương, chỉ đạo của Bộ của một số cán bộ Bộ phận quản lý vốn Nhà nước.
Luật sư cho rằng, dù Sabeco đã có đề nghị như thế nào, nhưng đó cũng chỉ là “đề nghị”. Việc quyết định cho Sabeco Pearl được thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc về trách nhiệm của Cơ quan quản lý đất đai, đó là UBND TP.HCM.
Ngoài ra, việc xác định giá 13.247 đồng/1 cổ phần và ra thông báo số 140 có nội dung không đúng với ý kiến chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, trách nhiệm trước tiên thuộc về trách nhiệm của Bộ phận quản lý vốn Nhà nước và Vụ Công nghiệp nhẹ, Văn phòng Bộ Công thương.
Theo ông Thiệp, cáo trạng đã không đánh giá đúng trách nhiệm của những người này mà đẩy toàn bộ trách nhiệm cho ông Vũ Huy Hoàng là không đúng bản chất sự việc, thiếu khách quan, không công bằng.
Mặt khác, cần phải khẳng định, việc ngày 8/4/2016 Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng, vì vậy kể từ sau ngày này, ông Hoàng không thể có thẩm quyền chỉ đạo và chịu trách nhiệm về những việc xảy ra sau thời điểm đó.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Tôi không đổ lỗi cho cấp dưới!"
Trình bày tại tòa, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương phản bác cáo trạng khi cáo buộc ông không nhận trách nhiệm về mình, đổ lỗi cho cấp dưới.
Tại phần thẩm vấn vụ án "đất vàng" Sabeco, đại diện Viện KSND TP Hà Nội hỏi cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng về việc trước đó ông có nêu rằng, ông phụ trách chung, không phụ trách trực tiếp các mảng đã phân công cho các Thứ trưởng, tại sao bị cáo lại có bút tích sửa văn bản của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký?
Ông Hoàng cho rằng, Bộ Công Thương cũng như các Bộ khác có quy chế làm việc theo nguyên tắc chung về tổ chức bộ máy cán bộ theo hướng dẫn của Chính phủ. Quy chế quy định rõ từng lĩnh vực do từng lãnh đạo Bộ phụ trách.
Ông Vũ Huy Hoàng tại tòa sơ thẩm. Do sức khỏe yếu, bị cáo được cho phép ngồi trả lời tòa.
"Khi xử lý các công việc có liên quan thì người phụ trách trực tiếp chịu trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo, nếu có gì xảy ra thì chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu người phụ trách đi vắng, có thể để một lãnh đạo khác xử lý thay nếu cấp bách, trong đó có cả người đứng đầu.
Người được phân công chủ động trong lĩnh vực của mình nhưng xét thấy cần tham khảo ý kiến các thành viên ban lãnh đạo hay người đứng đầu như tôi thì họ chủ động hỏi ý kiến hoặc qua bộ phận tham mưu hỏi ý kiến. Tức là tôi chỉ được hỏi ý kiến khi người ta có nhu cầu" - bị cáo Hoàng trình bày.
Tiếp lời, cựu Bộ trưởng xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát, phản bác phần cáo trạng cho rằng ông không nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho bà Hồ Thị Kim Thoa.
"Tôi xin khẳng định lại, tôi không hề có bất kỳ có một ý kiến nào đổi lỗi, đổ trách nhiệm cho các cá nhân khác về sự việc đang xảy ra. Tôi nhận trách nhiệm, ngoài trách nhiệm người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm cá nhân về những việc mình chỉ đạo hay việc mình được hỏi ý kiến. Tôi không có ý kiến nào đổ lỗi cho cấp dưới." - ông Vũ Huy Hoàng phân trần.
Trả lời VKS về trách nhiệm của bản thân khi xảy ra thiệt hại, bị cáo Hoàng cho rằng, theo quy định về quản lý Nhà nước, nhất là tài sản doanh nghiệp Nhà nước, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chung. Tuy nhiên, giúp cho người đứng đầu quản lý vốn Nhà nước đã được phân công rất rõ cho từng lãnh đạo, cho từng cơ quan tham mưu, trực tiếp nhất là doanh nghiệp.
"Tôi hay các thành viên khác quản lý chung, không có điều kiện tìm hiểu. Doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, Sabeco đã cổ phần hóa, việc quản lý thông qua bộ phận giúp việc." - cựu Bộ trưởng lý giải.
"Nếu không có quyết định của bị cáo thì bà Hồ Thị Kim Thoa, bị cáo Phan Chí Dũng có thực hiện được các hoạt động góp vốn, thoái vốn, chuyển nhượng vốn không?" - VKS truy.
Bị cáo Hoàng trình bày, tất cả quá trình đó, có vấn đề ông được hỏi, được tham gia ý kiến, hoặc do các vụ, Thứ trưởng đề xuất thì có tham gia ý kiến.
"Họ chưa nhất trí thì họ hỏi lại, nhưng không phải tất cả nội dung liên quan đến Sabeco tôi đều được hỏi ý kiến. Các Vụ chức năng, Thứ trưởng phụ trách thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công. Cái gì cần hỏi thì họ mới hỏi, làm sai thì họ chịu trách nhiệm." - bị cáo Hoàng nói.
Ông Vũ Huy Hoàng: 'Đất vàng' Sabeco không phải là công trình quan trọng Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, dự án ở khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng không phải là công trình quan trọng của Bộ, vì thế Bộ trưởng không thể nào nắm hết được. Chiều 22/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác trong...