Cựu binh Mỹ xây trường tại nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, học sinh trường Tiểu học Tam Kim tràn ngập niềm vui khi các em được học trong ngôi trường mới do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp phối hợp xây dựng.
Học sinh trường Tiểu học Tam Kim (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đa phần là người dân tộc Tày, Dao, Ngái, nhà ở xa trường. Hằng ngày, không kể nắng mưa, các em thường phải đi bộ đi học từ rất sớm để kịp vào lớp lúc 7 giờ. Ngôi trường vốn chỉ có 6 phòng học được xây dựng ở khu trung tâm từ những năm 1999, 2001, còn lại là học ở các xóm lẻ. Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò nơi đây vẫn nỗ lực vươn lên để xứng danh vùng đất anh hùng cách mạng.
Học trò trường Tiểu học Tam Kim đa phần là người dân tộc Tày, Nùng, Ngái.
Đến nay, ước mơ về một ngôi trường khang trang, thoáng mát của thầy trò nhà trường đã trở thành hiện thực khi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Công ty Boeing quyên góp xây tặng. Dự án xây trường do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cùng phối hợp với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và UBND huyện Nguyên Bình cùng triển khai. Sáng nay 21/1, lễ khánh thành nhà học 6 phòng Trường Tiểu học Tam Kim đã chính thức diễn ra.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nhà học 6 phòng.
Trong sâu thẳm tâm hồn những người dân Tam Kim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một người con của quê hương. Mảnh đất anh hùng vẫn còn lưu giữ biết bao hồi ức lịch sử. Nơi đây, Đại tướng được người dân nuôi giấu hoạt động cách mạng và là nơi Đại tướng hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ giao, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay vào ngày 22/12/1944.
Ngôi trường mới là món quà cuối cùng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng người dân Tam Kim trước khi qua đời. Các phòng học được khởi công xây dựng vào năm 2013 khi Đại tướng còn sống và ở tuổi 102.
Video đang HOT
Ngôi trường mới của học trò Tam Kim.
Ngôi trường bao gồm một toà nhà hai tầng xây mới, ba phòng học được nâng cấp, một phòng máy tính, khu sân chơi với tường rào bảo vệ xung quanh khuôn viên và hệ thống nước sạch. Các khu nhà đều được thiết kế đường dành cho xe lăn, tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật có thể sử dụng. Người dân nơi đây vẫn thường gọi ngôi trường bằng cái tên thân thương: Trường “Đại tướng”.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Khi còn sống ba tôi luôn mong muốn các em học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, ở các vùng căn cứ cách mạng được học như các em học sinh ở miền xuôi, các giáo viên được hưởng điều kiện công tác tốt hơn để có thể dạy tốt hơn. Đời sống đồng bào các vùng căn cứ cách mạng ngày càng cải thiện. Tôi tin rằng bây giờ khi đã ở nơi xa ba tôi vẫn luôn mong muốn như vậy. Hôm nay rất nhiều người giúp đỡ các em để có ngôi trường đẹp, có phòng máy tính kết nối internet. Mong rằng các ngôi trường khác ở Nguyên Bình, ở Cao Bằng ngày càng xây dựng khang trang hơn”.
Ông Nông Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Kim tiếp nhận món quà của ông Võ Hồng Nam – con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng nhà trường.
Ông Jim Polmanteer – đại diện Công ty Boeing tại Việt Nam gửi gắm: “Trong thực tế, chúng tôi đã tổ chức cuộc thi thiết kế máy bay thế hệ mới nhất của chúng tôi lấy tên là Boeing 787 Dreamliner bởi vì đó là ước mơ được bay. Một giới hạn duy nhất chính là khả năng dám ước mơ và dám khát khao học tập. Chúng tôi thật sự muốn các em học tập và phát triển từ chính ngôi trường này vì các em là thế hệ tương lai của chúng tôi”.
Đại diện học sinh trường Tiểu học Tam Kim tặng các đại biểu tranh vẽ của các em.
Cũng tại buổi lễ, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Công ty Boeing và Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã trao tặng tập thể giáo viên, học sinh trường Tiểu học Tam Kim những tấm chăn ấm, áo ấm. Bên cạnh đó, 30 suất học bổng, 200 cuốn sách, truyện, 300 đôi tất ấm cũng đã được trao đến tận tay các em học sinh Tam Kim.
Các du học sinh Việt Nam tại Mỹ và đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trao tặng học trò Tam Kim các suất học bổng.
Ông Nông Văn Tuấn – con trai ông Nông Văn Xương – người liên lạc viên đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa chính là Giám đốc đơn vị thi công công trình nhà học 6 tầng. Ông cho biết: “Việc chuyên chở khối lượng lớn các nguyên vật liệu xây trường, chủ yếu nhờ những đôi vai của bà con và tời kéo. Bà con không quản mưa, nắng góp sức xây trường. Công trình thành công, bên cạnh sự quyên góp của các nhà tài trợ thì công lao đóng góp của bà con là rất đáng quý”.
Cũng tại buổi lễ, khoảnh khắc xúc động nhất là khi ông Võ Hồng Nam được gặp lại bà Bàn Thị Chử ( dân tộc Dao) là người đã nấu cơm cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa. Đại diện gia đình, ông cũng trao tặng bà món quà Tết.
Phương Nhung
Theo Dantri
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng tài ba, giản dị
"Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một danh tướng tài ba, một nhà lãnh đạo lớn về chính trị, quân sự, kinh tế của thời đại Hồ Chí Minh. Những gì mà Đại tướng để lại là những tài sản vô cùng quý giá...".
Những lời ca ngợi sâu sắc này của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được nhấn mạnh trong Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế" diễn ra hôm qua (26/12), tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khẳng định: "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người có công lớn trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh Mỹ ở miền Nam. Rất tiếc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi quá sớm. Nhưng những gì mà Đại tướng để lại là những tài sản vô cùng quý giá cho Đảng, cho dân, cho quân đội, cho chúng ta.".
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng (ảnh: Báo GTVT)
Để hiểu rõ hơn về những công lao to lớn và sự tài ba của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Dân trí xin giới thiệu toàn văn tham luận "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - vị Đại tướng của nhân dân" của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tới bạn đọc:
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một danh tướng tài ba, một nhà lãnh đạo lớn về chính trị, quân sự, kinh tế của thời đại Hồ Chí Minh, có công lớn trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh Mỹ ở miền Nam
Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, trên cương vị Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu Bình - Trị - Thiên đã lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, kiên cường, dũng cảm, thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến vượt qua gian khổ, khó khăn, ác liệt, làm cho quân Pháp bị thiệt hại nặng. Thắng lợi của "Mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa" không những hạn chế được thương vong trong các cuộc tấn công ào ạt của thực dân Pháp vào địa bàn Thừa Thiên, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, mà còn góp phần chi viện hiệu quả cho cục diện chiến trường toàn quốc, đặc biệt góp phần không nhỏ trong đại thắng cuối cùng. Từ thực tiễn chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa, sống chiến đấu trong lòng nhân dân, đồng chí đúc kết, góp phần xây dựng, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam với ba thứ quân: chủ lực, địa phương, dân quân du kích; với chủ trương cốt lõi: "Bám dân, bám đất, một tấc không đi, một ly không rời"; "Có dân, có đất là có tất cả". Đây thực sự là những đúc kết về lý luận rất mới, rất sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống đế quốc Pháp xâm lược, trong đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện và có những đóng góp rất quan trọng.
Khi về làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Q uân đội nhân dân, đồng chí đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương về mặt chính trị, đẩy mạnh giương cao hai ngọn cờ: "Con người là nhân tố quyết định" và "Cán bộ là tại chỗ". Đại tướng ưu tiên nhấn mạnh: Cán bộ là tại chỗ, tức cán bộ phải từ cơ sở, am hiểu thực tế đơn vị, trưởng thành qua chiến đấu, được giáo dục đào tạo bài bản qua trường lớp; vừa có bản lĩnh, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt, vừa có trình độ theo công việc phụ trách; ngắn gọn là cán bộ phải từ chiến sĩ mà lên, từ nhân dân mà ra. Với quan điểm xuyên suốt đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo xây dựng, triển khai một chương trình đồ sộ nhưng rất cụ thể về công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang, chỉ đạo Tổng cục Chính trị thực thi một cách bài bản, kết hợp cả chiều rộng và chiều sâu, phát triển hàng loạt trường, lớp giáo dục trên lớp kết hợp rèn luyện thử thách qua thực tế, từ đó không ngừng nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị, quân sự, chiến thuật, kỹ thuật cho bộ đội các cấp. Trong chương trình đào tạo đó, tôi cũng vinh dự được Đại tướng chỉ định làm Hiệu trưởng Trường Chính trị đầu tiên của quân đội. Đại tướng có công đóng góp rất lớn giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương củng cố, xây dựng bài bản về chính trị cho lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam, thành Đội quân chiến thắng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sau hòa bình 1954, miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, miền Bắc bắt đầu xây dựng kinh tế theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị được phân công phụ trách mặt trận Nông nghiệp. Sau mấy tháng đầu lăn lộn với cơ sở, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo mô hình hợp tác xã nông nghiệp, lấy xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và xã Duyên Hải ở Thành phố Hải Phòng làm thí điểm xây dựng hợp tác xã để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đại tướng cũng có cách sáng tạo đặt tên cho phong trào xây dựng kinh tế này với mô hình hợp tác xã, rất ý nghĩa, rất thôi thúc, rất lôi cuốn hấp dẫn nhân dân, đó là: "Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải". Phong trào hợp tác xã được phát triển rộng khắp cả miền Bắc sau này, đã củng cố vững chắc hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vững lòng những người lính chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào phụ trách Trung ương Cục miền Nam. Ngay từ những ngày tháng đầu, Đại tướng đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về Bộ Chính trị: "Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh". Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, đồng chí đã chỉ thị cho quân dân miền Nam rằng: "Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi". Một khẩu hiệu chiến lược và rất chiến thuật mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này nhiều lần tâm đắc nhắc lại: "Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng".
Rất tiếc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi quá sớm. Nhưng những gì mà Đại tướng để lại là những tài sản vô cùng quý giá cho Đảng, cho dân, cho quân đội, cho chúng ta. Với lòng chân thành và tình cảm ngưỡng mộ sâu sắc, mãi mãi biết ơn, thương tiếc Đại tướng, chúng ta hãy học tập làm theo gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một Đại tướng tài ba, giản dị của quân đội, của nhân dân.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Việt Nam những ngày đầu Từ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng lớn mạnh, trưởng thành. Dân trí xin giới thiệu những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội Việt Nam những ngày đầu... Ngày 22/12/1944 đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do Đại...