Nườm nượp dòng người đến viếng mộ Đại tướng ngày đầu năm
Cuối giờ chiều 1/1, tổng cộng đã có hơn 19 nghìn đoàn với gần 170 nghìn lượt người tới Vũng Chùa – Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, trong ngày đầu năm, có khoảng 4.000 người đến viếng.
Theo Trung úy Nguyễn Khắc Tân Hào, từ ngày linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Vũng Chùa – Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), trung bình mỗi ngày có khoảng 300 đoàn với hàng nghìn người về thắp hương, viếng mộ Đại tướng. Trong đó, có nhiều đoàn khách là người nước ngoài.
Còn Thượng úy Hoàng Văn Quả, người ghi chép các đoàn khách đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, vào những ngày nghỉ lễ hay những ngày cuối tuần, có ngày khu mộ Đại tướng tiếp đón khoảng 1.000 đoàn với hơn 5 nghìn lượt người tới viếng.
Rất đông người tới viếng mộ Đại tướng trong ngày đầu năm 2014
Từ ngày linh cữu Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, Trung úy Nguyễn Khắc Tân Hào (Đội trưởng) cùng các chiến sỹ bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ bảo vệ và canh giấc ngủ cho Đại tướng rất cảm kích trước những tình cảm thiêng liêng mà người dân khắp mọi miền đất nước dành cho Đại tướng.
Kính cẩn nghiêng mình trước phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đặc biệt là hình ảnh cụ bà 93 tuổi, ở tận TP Cần Thơ nhưng vẫn vượt hàng ngàn km ra dâng bó hoa tươi thắm, thắp nén nhang cho Đại tướng, hay là trường hợp cụ ông 96 tuổi nhà ở sau khu vực núi Rồng, thuộc xã Quảng Đông, tuần nào cũng chống gậy lên mộ thắp hương cho Đại tướng.
Những bó hoa tươi thắm dâng lên mộ Đại tướng (Ảnh: Đặng Tài)
Những ngày cuối năm, PV Dân trí đã có mặt tại Vũng Chùa – Đảo Yến và ghi nhận rất nhiều đoàn khách khắp cả nước tới viếng mộ Đại tướng với cùng chung một tâm nguyện là được đến tận mộ dâng bó hoa tươi thắm, thắp nén nhang cho Người.
Video đang HOT
Hơn 7 giờ tối 31/12/2013, ông Trần Đại Quang cùng đoàn từ Hà Nội vào dâng hương cho Đại tướng tâm sự: “Vậy là ước nguyện một lần được đặt chân đến Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi Đại tướng yên nghỉ để thắp nén nhang dâng lên Người đã thành hiện thực. Trước anh linh Đại tướng, tôi cầu nguyện cho cuộc sống của người dân khắp cả nước luôn khỏe mạnh, ấm no và giàu đẹp”.
Riêng ngày đầu năm 2014, đã có hơn 4 nghìn người tới viếng mộ Đại tướng (Ảnh: Đặng Tài)
Trời về khuya, núi rừng ở mũi Rồng sóng biển ào ào kèm theo gió rét, nhưng lượng người dân đến viếng mộ Đại tướng vẫn rất đông. Trung úy Hào cho hay, chuyện người dân đến viếng muộn vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều đoàn khách vì lỡ đường nên có lúc 1 giờ sáng mới đến khu mộ Đại tướng, và cũng có nhiều đoàn khách đi xa nên sáng sớm tinh mơ đã tới viếng mộ.
“Những lúc như thế, chúng tôi đều tạo điều kiện tối đa cho người dân lên viếng mộ Đại tướng”, Trung úy Hào tâm sự.
Dự kiến trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh sẽ được đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa dâng lên anh linh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp lễ 100 ngày mất của Người (Ảnh: Duy Tuyên)
Dự kiến ngày 10/1, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa sẽ chuyển trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh dâng lên anh linh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến đúng vào dịp lễ 100 ngày mất của Đại tướng.
Đặng Tài
Theo Dantri
Chính thức đặt tên đại lộ lớn nhất là Đại lộ Võ Nguyên Giáp
Sáng 1/1, tỉnh Hậu Giang chính thức đổi tên đại lộ Hậu Giang thành Đại lộ Võ Nguyên Giáp. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và mở bảng tên đại lộ này.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp có tổng chiều dài gần 5km, rộng 53m, là tuyến đường 2 chiều, có 6 làn xe (mỗi chiều đi 3 làn xe). Điểm đầu từ nút giao thông huyện Vị Thủy đến điểm cuối là đường Lê Hồng Phong (TP Vị Thanh).
Đại lộ nằm trên địa bàn TP Vị Thanh, nối hai bên bờ sông Xà No (tuyến sông được mệnh danh là Con đường lúa gạo Hậu Giang) và đi qua nhiều công trình văn hóa, cơ quan nhà nước của tỉnh Hậu Giang như Tỉnh ủy, Công viên chiến thắng, Di tích lịch sử quốc gia chiến thắng Chương Thiện, khu hành chính tỉnh...
Đại lộ Võ Nguyên Giáp cắt và giao tại ngã tư với đường Võ Văn Kiệt tại đoạn vào khu hành chính tỉnh và Công viên chiến thắng. Trên tuyến Đại lộ có cầu Xà No nối hai bên Bắc- Nam sông Xà No.
Tại buổi lễ, đại diện tỉnh Hậu Giang đã nêu bật công lao to lớn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như ý nghĩa của việc đặt tên của Đại tướng cho tuyến đường chính ở tỉnh. Theo đó, việc đặt tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp là nguyện vọng của các cấp Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang để tỏ lòng tri ân và thành kính với cố Đại tướng.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp được xem là tuyến đường rộng và đẹp nhất trong tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Nhiều đại biểu là lãnh đạo Chính phủ và Bộ, Ban ngành cùng tỉnh Hậu Giang dự lễ đặt tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp sáng 1/1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cùng mở bảng tên Đại lộ Võ Nguyên Giáp.
Tuyến Đại lộ này có 2 chiều lưu thông, rộng 53m.
Mỗi chiều lưu thông có 3 làn xe: ô tô, xe máy, xe thô sơ.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp (hướng chiều xe máy đang lưu thông) cắt và giao tại ngã tư với đường Võ Văn Kiệt tại đoạn vào khu hành chính tỉnh Hậu Giang.
Trên Đại lộ có cầu Xà No bắc qua sông Xà No- tuyến sông được mệnh danh là "Con đường lúa gạo Hậu Giang".
Đại lộ đi ngang qua trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang...
...và khu di tích lịch sử quốc gia Chương Thiện nằm cạnh sông Xà No.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp là tuyến đường nội thị rộng và đẹp nhất tỉnh Hậu Giang hiện nay. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Đà Nẵng trang trọng gắn tên đường Tướng Giáp Sáng 28/12, Sở GTVT Đà Nẵng đã chính thức lắp đặt bảng tên tuyến đường Võ Nguyên Giáp nằm giữa hai đường Hoàng Sa - Trường Sa, chạy dọc ven biển TP Đà Nẵng. Đường Võ Nguyên Giáp dài 8.090 m, rộng 15 m, nằm giữa hai đường Hoàng Sa và Trường Sa, chạy dọc ven biển Đà Nẵng, có điểm đầu tại...