Cuốn đập Đà Nẵng ở Quán Ăn Ngon Khúc biến tấu đầy cuốn hút
Đập vụn chiếc bánh tráng thơm dậy mùi mè, khéo léo cuốn chiếc bánh đa nem bọc ngoài lớp bánh phở dẻo dai, bên trong là miếng nem Phùng thơm lựng và cơ man rau sống, chấm vào bát nước chấm chua ngọt thanh thanh đúng điệu Sài Thành,
Thưởng thức món Cuốn Đập Đà Nẵng qua sự biến tấu của đầu bếp Quán Ăn Ngon sao mà cứ “quyến luyến mãi thôi”.
Khi món Cuốn Đập được dọn ra bàn, bạn tôi – vốn là dân Đà Nẵng chính gốc nhìn với ánh mắt ngờ vực: “Món này mà gọi là bánh tráng đập ư?”. Tôi cười: “Cứ ăn thử đi rồi biết”. Giữ nguyên tâm trạng không mấy đón nhận, cô bạn cuốn miếng đầu tiên với nem Phùng, miếng thứ hai với tré Bà Đệ, rồi miếng thứ ba, thứ tư…. Sau cùng, cô xuýt xoa khi tay vẫn còn thoăn thoắt cuốn thêm cuốn nữa: “Trời ơi, biến tấu thêm thắt một chút thôi mà ngon hết sảy”.
Chẳng riêng gì cô bạn gái, ấy cũng là cảm xúc của nhiều người khi thưởng thức món Cuốn Đập Đà Nẵng ở Quán Ăn Ngon, nếu đã lỡ được ăn món này ở Đà Thành. Bánh tráng đập ở vùng đất miền Trung này chỉ giản dị với lớp bánh tráng giòn bên ngoài và một lớp bánh ướt dẻo mềm bên trong, chấm với mắm nêm có điểm chút hành phi giòn và dứa bằm nhỏ xào thơm. Thanh tao của bánh tráng vừa giòn vừa dẻo quyện trong vị mắm nêm đậm đà dịu cay, dịu ngọt, ấy đơn giản là món ăn chơi dễ chiều mọi khẩu vị.
Cũng là món ăn ấy, nhưng ở Quán Ăn Ngon bạn sẽ bắt gặp một phiên bản đa sắc màu, đa hương vị khi bánh tráng được cuốn kèm bốn loại cuốn: thịt chân giò, tôm sú, nem Phùng, tré bà Đệ. Mỗi loại cuốn mở ra một hương vị mới, cuốn hút người ăn trong sự háo hức và thích thú.
Cuốn đập Đà Nẵng ăn với nem Phùng Hà Nội, một sự “giao duyên” Bắc – Trung ngẫu hứng đầy thú vị. Sống ở Thủ Đô, ai còn lạ gì quả nem Phùng vừa thơm vừa bùi, làm “mồi” nhậu hay món ăn chơi thì hết sảy. Làm ra một quả nem cũng lắm công phu, công phu từ lúc luộc miếng bì lợn sao cho trong suốt rồi thái nhỏ y như sợi miến, từ lúc pha thịt, pha mỡ ướp gia vị sao cho hài hòa. Nhưng công phu nhất lại nằm ở chuyện rang thính. Thính ngon phải kén gạo ngon, được nếp cái hoa vàng là nhất. Nếp ấy pha thêm chút gạo tẻ rồi rang bằng than củi. Nhất thiết phải rang trên than củi, bởi than đá, bếp ga sẽ làm hỏng hết mùi thơm của thính. Rang thính không được lười, tay phải đảo liên tục để “om” cho nhiệt tỏa thật đều đến khi hạt gạo khô đều và có màu nâu sáng. Rang xong, lại dùng cối xay nghiền thật nhỏ mịn thành bột màu trắng đục và thơm nức. Công thức là vậy, nhưng những hàng nem ngon luôn giấu kỹ một bí quyết gia truyền để rang được mẻ thính thơm ngon bậc nhất, bởi nem ngon hay không, hầu như chỉ phụ thuộc vào một công đoạn đó thôi.
Video đang HOT
Khác với nem Phùng khai sinh ở Hà Thành, tré bà Đệ lại là đồng hương với bánh tráng đập. Món đặc sản nổi danh mà ai đến Đà Nẵng cũng mang về làm quà thoạt nhìn cứ thấy na ná nem chua, nem chạo ở một số vùng. Nhưng nếm thử xem, bạn sẽ thấy khác hẳn ngay khi miếng tré mềm thơm dịu vừa chạm lưỡi. Trong miếng tré là thịt lợn nạc, thịt ba chỉ và bì lợn đã luộc chín xắt nhỏ, khi bóc ra vẫn còn nguyên sắc tươi hồng của sợi thịt, sợi bì, sắc trắng óng của sợi mỡ tươi giòn.Hương vị của riềng, vừng, tỏi lên men rất nhẹ quyện vào vị ngọt đậm thoảng chua thanh của thịt đầy ngây ngất.
Bên cạnh hai thức cuốn kỳ công của hai miền Bắc, Trung ấy, đĩa Cuốn đập Đà Nẵng của Quán Ăn Ngon góp thêm hai thức cuốn đơn giản nhưng vô cùng hợp miệng: thịt chân giò luộc và tôm sú. Thịt chân giò thái từng khoanh tròn như bông hoa, phần nạc phần mỡ xen nhau đều tăm tắp, tôm sú đỏ hồng chắc nịch chỉ nhìn thôi đã tứa nước miếng khi tưởng tượng ra vị ngọt đậm trong từng thớ thịt. Hóa ra vị ngon hoàn hảo luôn ẩn mình sau những thứ thật giản đơn chẳng cầu kỳ.
Bánh tráng đập Đà Nẵng chuẩn vị chỉ chấm với mắm nêm, nhưng món bánh tráng đập Quán Ăn Ngon biến tấu thêm nhiều thức cuốn nên nước chấm cũng phong phú hơn.Ngoài mắm nêm, thực khách chắc hẳn còn phải xuýt xoa với bát mắm keo sánh quyện hay bát nước mắm chua ngọt đúng kiểu miền Nam. Nước chấm pha khéo làm hương vị của từng thức cuốn bật lên đủ đầy thật khó chối từ.
Bánh tráng đập biến tấu nên cách ăn cũng biến tấu cho vừa vặn. Thay vì để nguyên miếng bánh đa ép vào lớp bánh ướt dẻo mềm như cách ăn ở Đà Thành, hãy thử lấy một miếng bánh đa nem áp vào bánh phở mềm, đặt lên đó thức cuốn bạn yêu thích, một nhúm nem Phùng, một miếng tré bà Đệ hay một khoanh thịt chân giò luộc, một con tôm sú, điểm thêm vài cọng rau rừng, ngọn kinh giới, lá tía tô, lát chuối chát, dưa chuột giòn tan… rồi mới bẻ vụn mẩu bánh đa rắc vào miếng cuốn.
Chấm miếng cuốn xinh xinh gọn ghẽ vào bát nước chấm dịu thơm hài hòa chua cay ngọt mặn, cắn khẽ một nhát để thấy cái bùi, béo đậm đà xen lẫn thanh tao cuồn cuộn tỏa lan trong vòm miệng. Từng miếng, từng miếng, mỗi thức cuốn đem đến một xúc cảm háo hức và mới lạ: nem Phùng bùi thơm, tré thanh thanh chua dịu, tôm sú ngọt lừ, thịt chân giò béo ngậy. Cả miền ẩm thực tụ lại trong năm đầu ngón tay đang thoăn thoắt cuốn, khi miệng vẫn xuýt xoa tận hưởng dư vị còn đọng lại. Biến tấu hấp dẫn nhường ấy, món Cuốn Đập Đà Nẵng của Quán Ăn Ngon đâu chỉ còn là món ăn chơi đường phố, mà thành một món ẩm thực tinh tế hơn, quyến rũ hơn với nhiều cung bậc bổng trầm.
Cứ thử một lần thưởng thức mà xem, chắc rằng bạn sẽ yêu sự biến tấu đầy tuyệt diệu ấy.
Bánh căn món ngon của Đà Nẵng ăn là "nhớ"
Món bánh căn Đà Nẵng luôn hấp dẫn thực khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan với màu vàng ruộm đẹp mắt, nước chấm vừa miệng có vị chua ngọt và cay tùy sở thích từng người mà nêm, nếm cho chuẩn. Đây là một món ăn vỉa hè giá rẻ nên được đông đảo mọi người thưởng thức từ khách địa phương đến khách du lịch phương xa.
Bánh căn Đà Nẵng: Món ngon nức tiếng Đà Thành
Món bánh căn hấp dẫn nhân tôm được bưng ra cho thực khác (ảnh sưu tầm)
Khi đến điểm du lịch Đà Nẵng mà du khách chưa kịp thưởng thức những món ăn ngon Đà Nẵng thì quả thật chuyến đi của mọi người chưa thực sự trọn vẹn. Đặc biệt là món ăn vỉa hè một nét văn hóa dân dã cũng như gánh nặng mưu sinh cho cuộc sống gia đình; món đặc sản địa phương Đà Nẵng có món bánh căn hay còn có tên gọi khác là bánh khọt.
Bánh căn với đầy đủ loại gia vị tăng thêm độ ngon miệng của món ăn (ảnh sưu tầm)
Đối với những ai chưa từng đến Đà Nẵng thì việc tìm địa chỉ ăn món bánh căn truyền thống ngon miệng quả là khó khăn. Chúng tôi xin giới thiệu vài địa điểm ăn uống món bánh căn được đông đảo các ban trẻ yêu thích và là thực khách thường xuyên của quán. Đầu tiên phải kể đến quán bánh căn trên đường Nguyễn Trãi, Tháp Bà, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thụ; nổi tiếng hơn cả chính là bánh căn Ngọc Vân nằm trên đường Nguyễn Hoàng, bánh căn Thúy ở đường Nguyễn Trường Tộ.
Món bánh căn được làm từ gạo ngâm và cơm nguội thứ nguyên liệu chính yếu nhất sau đó đem phơi thật khô, rồi xay thành bột. Mỗi một quán bánh căn đều có cách chế biến riêng tạo thành bí quyết mà không phải đi ăn ở bất kỳ quán nào đều cùng một loại hương vị. Nhưng dù vậy để có bánh ngon đều phải có một quy chuẩn nhất định đã được đúc kết lại thành công thức chung. Đảo bảo độ thơm ngon, thì nguyên liệu từ gạo nên là gạo già của vụ trước, có pha ít cơm nguội để tạo độ giòn, xốp, dậy mùi thơm.
Bánh có màu vàng đẹp mắt và được nấu từ bộ đồ dùng bằng đất nung (ảnh sưu tầm)
Khi nhìn chủ quán thoăn thoát làm món bánh căn du khách đều gật gù tỏ vè thích thú và nghĩ món ăn này không quá cầu kỳ mà rất đơn giản. Nhưng điều tiên quyết đầu tiên phải có đủ bộ khuôn nước bằng đất nung với các lỗ tròn và nắp đậy. Cách làm bánh căn Đà Nẵng khá dễ khiến bất kỳ ai nhìn qua vài lần có đủ bộ đồ dùng là có thể bắt tay ngay vào khâu sản xuất món bánh căn. Khuôn phải được đặt lên bếp cho đủ nhiệt rực hồng, cho một chút dầu để bánh không dính khuôn. Sau đó sẽ cho nhân trứng hoặc nhân tôm, thịt, mực, nhân thập cẩm tùy nhu cầu của khách mà phục vụ rồi đậy nắp lại. Khi bánh tỏa mùi thơm thì lúc đó báo hiệu bánh đã chín cần được mang ra để thưởng thức ngay.
Chùm ảnh về món bánh căn luôn hấp dẫn khách địa phương và khách du lịch (ảnh sưu tầm)
Bánh sẽ mất đi độ ngon và nhanh ngấy nếu không có nước chấm, đây là khâu cuối cùng để ăn bánh trọn vẹn nhất. Nước chấm chủ yếu là nước mắm tỏi pha loãng cho ớt, đường, chanh và rau sống, nhiều hàng quán cho thêm xoài xanh hoặc đu đủ thái sợi nhỏ. Món bánh căn khá rẻ chỉ từ 8-10 một cái, người dân ở đây bán theo đĩa giá giao động từ 18-25 nghìn đồng.
Bánh căn vàng ruộm bắt mắt (ảnh sưu tầm)
Trong khoảng thời gian thăm thú cảnh đẹp bụng bắt đầu réo cần món ăn lót dạ trước bữa chính thì món bánh căn Đà Nẵng sẽ là lựa chọn hợp lý nhất. Ở Đà Nẵng các hàng quán không làm bánh nhiều tràn lan và để nguội khi có khách chỉ cần đun lại cho nóng. Mà tất cả chỉ được làm khi có khách gọi để bánh được giòn, nóng và thơm ngon nhất. Trong thời gian chờ đợi công việc pha chế nước chấm theo sử thích cá nhân cũng được nhiều người hứng thú mà không bị cảm giác chờ làm sốt ruột. Chiếc bánh căn vàng ruộm, lấp ló nhân tôm, nhân trứng cút, hải sản bắt mắt được bưng ra đã khiến nhiều người phải nuốt nước miếng đây là món ngon của Đà Nẵng được mọi người ưa chuộng.
Theo Vntrip
Những món hải sản ngon tuyệt cú mèo của thành phố Đà Nẵng Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là nơi đáng sống nhất tại Việt Nam, không chỉ có khí hậu trong lành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Đà Nẵng còn thu hút đông đảo du khách bởi những món hải sản cực ngon. Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày nghỉ lễ...