Cuối năm teen có quyền đối xử tệ với sách vở?
Thi xong kì thi cuối năm làm không ít bạn HS tự cho phép mình “gác bút nghiêng” để xả hơi. Nhưng thật không tốt chút nào khi các bạn giải trí bằng cách tàn phá sách vở mà mình đã bỏ công giữ gìn cả năm học.
Giữ cả năm “tàn phá” một giờ…
Cứ thử nhớ lại những ngày đầu năm học, từ quyển vở, bao bìa đến từng nét chữ trên tờ giấy nhãn cũng được bạn chăm chút một cách tỉ mỉ, thế mà giờ đây chỉ có vài cuốn là còn “hơi” nguyên vẹn. Cuối năm, học sinh lên lớp thường rất rảnh rỗi vì đã kết thúc hầu hết các môn học. Nếu có vào lớp thì cũng chỉ có mặt cho đông đủ để khỏi phải bị trừ điểm hạnh kiểm hay chờ nghe biết điểm thi mà thôi. Và để “vui cho qua giờ”, họ sẵn sàng tận dụng từng trang giấy trắng còn dư trong vở để chơi carô, oẳn tù tì cứu công chúa… hay chỉ cần vẽ bậy bạ cho đỡ chán. Những kiến thức đã ghi chép từng ngày trên bục giảng giờ chỉ như tờ giấy vụn không hơn không kém, thậm chí có bạn còn phát biểu “phải chi lúc đi học viết ít ít lại thì giờ còn nhiều giấy để… chơi carô rồi!”.
Q.T (học sinh lớp 11 trường N) vui vẻ khoe cuốn vở một môn học chỉ ghi có vài trang đầu còn phần sau thì dày đặc các kí tự O, X và các dấu khoach tròn nguệch ngoạc, T bảo đây là kết quả trong hai ngày chinh chiến với thằng bạn để có những chầu nước mía sau giờ học. M. Đ (bạn cùng lớp với T) thì đang hí hửng bứt vở để… xếp máy bay phóng chơi. Những tiết không có cô giáo còn loạn hơn bởi những trò rượt bắt nhau trên bàn ghế, thậm chí giẫm cả lên tập vở và dùng sách để ném nhau… và kết quả là không ít sách xứt bìa, vở lem luốt, sàn lớp thì đầy giấy vụn nhưng hình như chẳng ai còn để ý đến những việc nhỏ nhặt ấy nữa.
Video đang HOT
Với cô bạn N.L (học sinh lớp 10 trường T) thì lại có thú vui khác, những lúc rỗi cô bạn lại lôi hộp màu thủ sẵn trong cặp ra và bắt đầu “trang trí lại” những trang của mình. Chỗ nào có hình minh họa là L hí hoáy tô màu, thêm vài câu chữ vào cho sinh động rồi đưa cho các bạn xem để cùng cười. Nhiều bạn còn mạnh tay vẽ nhiều hình “không mấy văn hóa” vào sách, vở của mình chỉ để mua vui với bạn bè. Không biết các bạn í có cảm thấy day dứt vì đã chà đạp lên những cố gắng, công sức của mình đã bỏ ra trên từng tờ giấy trắng trong suốt cả năm học hay không nữa?
Đừng đối xử tệ với sách vở của chúng ta thế này, bạn nhé! (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân và kết quả
Không phải họ “không tiếc” sách vở mà là “tiếc làm gì khi năm sau đâu có học nữa?”, Đa số học sinh đều cho rằng “học mỗi năm một khác” nên chẳng cần giữ sách vở cũ năm rồi làm gì, huống hồ vở trắng còn nhiều vứt thì tiếc thôi thì “tận dụng làm bàn cờ carô cũng là cách giải quyết triệt để nhất thời” – M (học sinh trường L) thẳng thắn. Quả thật với con một như M thì việc mua một, hai bộ sách một năm học là chuyện bình thường, khi học xong thì cũng chẳng cần giữ gìn làm gì vì đâu phải nhường lại cho em út.
T.D (học sinh trường N) thì tuy em D chỉ kém D một lớp nhưng sách vở cũ của D sau mỗi năm học đều cho hàng xóm vì em D không chịu học lại vở cũ của chị mà cứ đòi mẹ mua bộ sách mới. Còn D thì không thích mẹ cho nhỏ hàng xóm sách cũ của mình nên cứ vô tư mà xé, mà vẽ vào.
Thế nhưng các teen của chúng ta không biết rằng với hành động ấy sẽ nhanh chóng biến chúng ta thành những con người thiếu ý thức trong việc học tập, từng chữ viết ra cũng dễ như xé đi sao? Đ.V(học sinh trường P) từng lâm vào cảnh chẳng biết tìm đâu ra bài vở cũ để ôn thi lại môn Sử vì chưa tới ngày thi T đã quăng vở đâu mất, hỏi mượn bạn bè thì chẳng ai còn giữ vở năm cũ nữa.
Dù cũ nhưng vẫn quý…
Những quyển sách cũ không phải mất đi giá trị của nó mà vì nó mất đi giá trị trong lòng của chúng ta. Dù nó hết giá trị sử dụng của bạn nhưng tin chắc vẫn còn rất nhiều người cần đến nó, vậy tại sao ta không đem nó tặng cho những học sinh nghèo, những người nhận thấy được giá trị của quyển sách. Thay vì tạo hình ảnh xấu xí về việc “thiếu ý thức giữ gìn sách vở” trong mắt mọi người, chúng ta hãy tạo cho mình một hình tượng đẹp bằng việc chia sẻ sách cũ mình cho những người thật sự cần nó.
Các bạn có thể đến các trung tâm hỗ trợ người nghèo để kí gửi bộ sách của mình và nhiều đồ dùng học tập, đồng phục cũ khác để giúp đỡ những học sinh khó khăn trong cả nước. Còn những trang vở trắng còn thừa, các bạn có thể tách chúng ra (nhưng nhớ bấm lại cẩn thận các trang đã viết) và đóng thành những quyển sổ tay hoặc dùng để ghi chép vào năm học sau. Nếu cần phải xem lại kiến thức cũ thì chẳng có gì phải khó khăn phải không nào?
Kết thúc một năm học mệt nhọc để có được một kì nghỉ hè thoải mái sắp tới, thay vì “tàn phá” sách vở để giải trí chúng ta có thể dành thời gian để bàn về những chuyến đi thú vị đổi gió trong hè này. Và nên nhớ rằng, sách vở là tài sản quý báu của mỗi học sinh, hãy tôn trọng nó như tôn trọng chính trách nhiệm học tập của mình, bạn nhé!
Theo PLXH
Cuối năm: Nghìn lẻ một chuyện họp phụ huynh
Đôi khi, thầy cô và bố mẹ quan niệm về ba chữ "họp phụ huynh" không như chúng ta mong đợi.
1. Chuyện (nhỏ như) con thỏ cũng... họp phụ huynh
Ở trường N, cứ nhắc đến ba chữ "họp phụ huynh", là cả trường lại nhớ đến H vì thành tích "thay phụ huynh như thay áo" của hắn: Chỉ trong một tuần mà có thêm tới 4 ông bố, 1 bà mẹ. Thứ hai, một bà bán bánh mì được tiếp kiến thầy Toán. Thứ năm một bà bán bún đã vui vẻ nhận lỗi, hứa hẹn với cô dạy Sinh...
Bạn nghĩ H. là học sinh cá biệt? Bạn nhầm đấy! Tuy H. hơi hiếu động, bày nhiều trò, nhưng không hư. Bố mẹ H. có một tiệm sắt nhỏ ở phố C., nhà không thuê người làm, công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Nhưng hai bác cũng không bỏ một buổi họp phụ huynh nào được thông báo, đầu năm, giữa năm, cuối năm, đều cố gắng đi đủ để nghe xem tình hình học hành của cậu con trai như thế nào.
Nhưng H. than thở: "Bố mẹ tớ không thể động tý là bỏ hết công việc để đi họp được, mà trường tớ thì: mặc không đúng đồng phục họp, đi học muộn dù chỉ một lần họp, đá bóng trong trường họp..."
V, trường Đ tâm sự: "Mỗi chuyện tớ xích mích với đứa bạn ngồi cạnh, con gái thỉnh thoảng vẫn thế, vậy mà cô nhất quyết mời mẹ tớ đến để nêu ra nào là gây mất trật tự, mất đoàn kết...".
Học sinh cấp 3 đã có những bạn đủ tuổi đi bầu cử. Nhưng nhiều thầy cô vẫn coi chúng ta là những nhóc con và kể cả những chuyện "bé xíu" như quần áo, đầu tóc, cự cãi với bạn bè... không có bố mẹ là không xong.
2. Họp phụ huynh - diễn đàn của riêng thầy cô
Ngay ở trường M., một trường nổi tiếng vì những hoạt động năng nổ của học sinh, thì thầy NA, trong một buổi họp phụ huynh, đã tuyên bố về hoạt động kinh doanh nghiêm túc của hai bạn Q và M như một... trò đùa. Thầy có ý hỏi xem "gia đình các em có cần trợ giúp khó khăn không hay các em muốn tình nguyện tham gia tổ bán báo xa mẹ".
Cô L. (trường K) thì cứ họp phụ huynh là báo động về chuyện "các em mải mê yêu đương, bỏ bê học hành", dù thực ra trong lớp chỉ có một nhóm các bạn chơi thân với nhau cả con trai lẫn con gái.
Nhiều thầy cô đã biến "họp phụ huynh" thành một diễn đàn để phát biểu những ý kiến phiến diện của riêng mình mà không hề cho học sinh có một cơ hội để phản hồi, hay bày tỏ.
3. Họp phụ huynh - chuyện tiền nong
Có một thực tế là, bố mẹ chúng ta đi họp phụ huynh thường mang theo nhiều... tiền, bởi đó cũng là ngày phải "hoàn thành nghĩa vụ tài chính" với các loại quỹ trường, quỹ lớp.
Cái D than thở là mẹ nó đóng các loại quỹ cho trường thường cái phong bì chuyển cho cô giáo cứ nặng hơn, dày hơn so với bình thường. Cô có ý hỏi thì mẹ D khéo léo "muốn góp thêm quĩ để lớp có kinh phí hoạt động". Và cứ đến sau hôm họp phụ huynh là cô giáo lại phải gọi nó ra "Mẹ em chắc không nghe rõ nên đóng dôi ra một ít, em cầm về cho mẹ."
Bác X, một phụ huynh trường P. than phiền, là trưởng ban phụ huynh lớp của con bác cứ cuối buổi họp là đứng lên hô hào đóng hết quỹ này đến quỹ kia, không tính đến chuyện là không phải phụ huynh nào cũng có một hầu bao dư dả để đóng các loại tiền quà Tết, 20/11, 8/3, 20/10, tổng kết học kỳ, tổng kết cuối năm, thậm chí sinh nhật thầy cô...
4. Những buổi họp phụ huynh chúng ta đều mong ước.
Thầy P, trường VĐ, trước buổi họp phụ huynh thường hỏi xem học sinh của mình có cần thầy "nói hộ" điều gì với bố mẹ không. Mọi ý kiến kiểu như: "Thầy ơi, ngày mai thầy nhắc bố mẹ con bật nhỏ cái ti vi cho con học thầy nhé", "Thầy nói hộ với bố mẹ là con học được khối D thầy nhé, bố mẹ con cứ thích con thi khối A", đều được thầy tế nhị nhắc lại.
Còn ở trường H, thầy T thường mời học sinh đi... họp phụ huynh. Bố mẹ ngồi trên, chúng nó ngồi ríu rít bên dưới, hồi hộp nghe thầy nhận xét về mình. Thầy nói: "Thầy muốn các em cũng có tiếng nói khi thầy trao đổi với bố mẹ, bởi không có nhiều dịp chúng ta nói chuyện thẳng thắn với nhau".
Theo kênh 14
13 năm nhặt rác kiếm tiền giúp học sinh nghèo Năm nay 54 tuổi, thầy Luo bắt đầu công việc thu gom rác thải phế liệu của trường từ năm 1997. Thầy Luo mang chai lọ nhựa và các bao rác đến bán tại trạm tái chế rác. Thầy Luo cho biết bằng cách bán phế liệu thu gom, thầy có thể kiếm được 1000 nhân dân tệ mỗi năm (146USD). 13 năm...