Cuộc thi viết ‘Người Thầy kính yêu’: Bao vất vả mình cô lo hết
Tôi muốn viết về cô bằng tình yêu của một người con dành cho mẹ của mình, hay bằng tình cảm của một học trò dành cho cô giáo vùng cao luôn cống hiến, tận tâm bám trụ ở những ngôi trường còn đầy khó khăn
Cô giáo đặc biệt nhất đời tôi là mẹ tôi – Phạm Thị Yến – giáo viên Trường THCS 19/5 huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La). Chính sự bình dị của cô, những việc cô làm có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và sự trưởng thành của tôi.
Ân cần, bao dung
Cô có thâm niên theo nghề hơn 16 năm. Khi tôi chưa được sinh ra cô đã công tác tại một ngôi trường mà cô kể 100% là con em bà con các dân tộc. Nơi mà bao năm bà con chăm chỉ canh tác thì cái nghèo vẫn cứ đeo bám cuộc sống của họ, đeo bám vào khuôn mặt, trang phục thiếu thốn của các bạn học sinh cô dạy. Những năm đầu mới vào công tác, giao thông đi lại khó khăn nên cứ 2 tuần cô về nhà. Sau này khi tôi ra đời, đường đi thuận tiện hơn, cô giáo của tôi hằng ngày đi về quãng đường hơn 60 km để chăm sóc gia đình cùng cô công chúa nhỏ là tôi khi ấy. Ngày nào cô cũng đều khoác lên mình bộ quần áo mưa mà cô nói là “tấm áo giáp” bảo vệ cô khỏi nắng, mưa, gió, bụi.
Năm tôi vào lớp 1, nhìn xung quanh tôi thấy các bạn ngoài cầm quả bóng bay thì hầu hết tay kia bạn nào cũng có mẹ hoặc bố đưa đến trường. Còn tôi, đã được cô giáo của tôi gửi đi từ sớm với mẹ bạn hàng xóm để cô còn phải đến trường cô dạy, đón học sinh lớp cô chủ nhiệm. Tôi òa khóc vì tủi thân. Cũng từ đó đến nay là 7 năm tôi cùng em gái nhỏ đã quen với hình ảnh vội vã của cô vào sáng 5-9 hằng năm.
Mùa đông năm đó, không như mọi ngày, trời đã gần tối tôi vẫn ngồi ghế đá sân trường, các bạn dần về hết và chỉ còn mình tôi. Tôi bắt đầu sợ hãi, nước mắt chảy dài, may sao có bác bảo vệ vẫn chưa về, bác an ủi: “Hôm nay, chắc mẹ bận họp đột xuất lên về muộn một chút, bác sẽ chờ mẹ cùng con”. Gần 18 giờ 30 phút tôi mới thấy cô xuất hiện cùng con ngựa sắt dính đầy bùn đất. Cô ôm tôi vào lòng, xin lỗi rối rít và cảm ơn bác bảo vệ, tôi khóc nức nở. Cô phân trần với bác bảo vệ sự chậm trễ của mình. Hóa ra vì phải đến nhà một học sinh lớp cô để vận động bạn ấy đi học, nhà bạn ấy ở bản xa cách trường 11 km, lúc cô quay ra thì trời mưa đường lầy lội, không về kịp đón tôi. Điện thoại cô lại hết pin không gọi được để nhờ cô giáo chủ nhiệm của tôi.
Cô giáo Phạm Thị Yến đang soạn bài. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Bài học về lòng yêu thương, vị tha
Gần 8 năm đi học là từng ấy năm tôi được nhận thật nhiều bài giảng của các thầy cô ở trường. Đến khi về nhà, tôi lại được hưởng một “đặc ân” mà nhiều bạn không có được đó là trở thành “học sinh đặc biệt” ở lớp học chỉ có tôi và cô.
Dù sáng sớm cô cùng tới trường đến sẩm tối mới về nhưng không ngơi nghỉ mà lại ngồi vào bàn nhẫn nại giảng giải cho tôi những bài học tôi chưa hiểu. Khi tôi hoàn thành các bài tập, lên giường đi ngủ cô mới ngồi vào bàn chuẩn bị bài mới cho những buổi lên lớp. Đôi khi bất chợt tỉnh giấc, nhìn ánh sáng từ góc phòng tôi không biết là mấy giờ, chỉ biết rằng mình cũng ngủ được một giấc, cô vẫn ngồi làm việc. Cảm giác thương cô trào dâng. Tôi tự hứa với chính mình phải luôn cố gắng để không làm cô buồn.
Cuối năm học lớp 3, tôi tham gia kỳ thi học sinh giỏi để vào lớp chọn của trường. Sự tự tin của tôi sau khi làm bài khiến cô rất yên tâm. Vậy mà tôi đã trượt lớp chọn vì sự chủ quan. Nghĩ đến sự thất vọng khi đối diện với cô chiều hôm ấy, tôi chẳng có tâm trí nào nhập tâm vào lời cô giáo giảng. Thế mà, khi cô đến đón, nghĩ cô chưa biết kết quả tôi định nói luôn, cô đã cười thật tươi cho tôi bớt phần hụt hẫng: “Bạn Nam vừa nói cho mẹ biết kết quả của con rồi, không sao. Học lớp thường cũng tốt mà, con hãy coi thất bại này là bài học để sau này cố gắng. Mẹ không buồn đâu”.
Video đang HOT
Mỗi lần tôi tự ti và không có lòng tin vào bản thân, cô đều vỗ về và khích lệ tôi: “Con gái mẹ giỏi mà, chỉ cần con tin mình làm được mẹ tin con sẽ thành công. Sự nhụt chí sẽ khiến con cảm thấy mọi thứ tồi tệ hơn. Vậy tại sao thay vì sự sợ hãi con không thử khẳng định chính mình?”.
Có lẽ nhờ sự khích lệ, động viên của cô mà cuối năm học 2019 – 2020 tôi đã thi đỗ trường chuyên của huyện nhà, ngôi trường đó chính là Trường THCS Chất lượng cao tôi đang theo học. Có được thành quả ấy phần lớn là nhờ công lao của cô. Cô khiến tôi từ một cô bé ít nói, ngại giao tiếp trở nên tự tin và hoạt bát hơn. Từ một cô bé sợ học tiếng Anh thì giờ đây tôi có thể chăm chú và thường đặt những câu hỏi “tại sao” với cô bạn thân giỏi ngoại ngữ mỗi khi không hiểu bài, bởi: “Không ai cười khi con học dốt, mà họ sẽ cười khi con giấu dốt”. Nhờ sự động viên khích lệ và những lần cô rút kinh nghiệm mà năm lớp 6 tôi đoạt giải khuyến khích, năm học lớp 7 vừa qua tôi đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn.
Cô không chỉ dạy tôi kiến thức trong sách vở mà còn dạy tôi cùng em gái bài học của tình yêu thương, lòng vị tha. Cô dạy tôi hiểu thế nào là sự sẻ chia, lòng biết ơn, sự kính trọng, sống thật thà, có trách nhiệm.
Có lần tôi đi chợ cùng cô, thấy một ông cụ ăn xin đang lê mông trên nền đất, một tay cầm ca xin người đi chợ chút tiền lẻ. Cô dừng xe đưa tôi tờ tiền rồi yêu cầu tôi xuống xe bỏ tiền vào ca cho cụ. Tôi nhìn cô với ánh mắt thắc mắc. Về nhà tôi chưa kịp hỏi cô vì sao tôi phải xuống xe trong khi trước đó có rất nhiều cô chú vẫn ngồi trên xe thả tiền vào ca cho cụ. Cô chậm rãi: “Cũng là sự sẻ chia nhưng mẹ muốn con bày tỏ sự kính trọng với những mảnh đời kém may mắn…”. Một điều thật nhỏ nhưng tôi thêm hiểu câu: “Của cho không bằng cách cho…”
Tôi rất muốn gửi lời tri ân tới những thầy cô giáo vùng cao trong đó có cô – người tôi gọi là mẹ, người tôi yêu quý và trân trọng suốt đời.
Nguyễn Phạm Gia Nhi (Lớp 8A2 Trường THCS Chất lượng cao huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)
Lo mai một kỹ năng dạy học trực tuyến
Năm học 2022 - 2023, việc dạy học đã trở lại với lớp học truyền thống.
Năm học 2022 - 2023, việc dạy, học của thầy - trò trên cả nước đã trở lại bình thường với lớp học truyền thống. Ảnh: TG
Nhiều người lo ngại, những kỹ năng, năng lực về dạy học trực tuyến của thầy trò trong hơn 2 năm qua sẽ bị mai một nếu không được duy trì.
Phụ huynh... thờ ơ
Hiện, nhiều phụ huynh không còn mặn mà với hình thức dạy - học trực tuyến, thậm chí còn phản đối nếu nhà trường, giáo viên áp dụng hình thức này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chị Dương Thị Ngọc - tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm, bắt đắc dĩ mới phải dạy - học trực tuyến nên không muốn lặp lại hình thức này như năm học trước. "Tôi không biết và không quan tâm đến chuyển đổi số. Quan trọng là các con được đến trường, lớp để học tập trực tiếp. Còn kỹ năng hay năng lực học trực tuyến, chuyển đổi số, khi cần các con sẽ phải thích ứng và đã có giáo viên, nhà trường hỗ trợ", chị Ngọc nói.
"Hơn 2 năm qua, các con tôi phải học trực tuyến trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Vì thế, trong điều kiện bình thường như hiện nay, tôi ủng hộ dạy học trực tiếp. Tôi cũng không tán thành việc nhà trường dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp" - anh Thuần bày tỏ, đồng thời không quan tâm đến việc các con có bị mai một những kỹ năng học trực tuyến hay không?
Có ba con đang tuổi ăn học (cháu đầu là sinh viên đại học, cháu thứ 2 lớp 11 và cháu thứ 3 lớp 7), anh Nguyễn Văn Thuần ở Sóc Sơn (Hà Nội) thể hiện rõ thái độ không quan tâm đến hình thức dạy - học trực tuyến. Với anh, dạy - học theo lớp học truyền thống vẫn hiệu quả nhất.
Theo thầy Nguyễn Trung Kiên - giáo viên Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang), hiện nhà trường và giáo viên chưa có kế hoạch dạy - học trực tuyến. Thứ nữa, qua thăm dò cho thấy, phụ huynh và học sinh không mấy quan tâm đến hình thức này, nhất là trong bối cảnh mọi hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường mới. "Trước mắt, tôi sẽ tập trung giảng dạy trên lớp thật tốt để bù đắp những thiệt thòi mà các em phải học trực tuyến trong năm học trước", thầy Kiên chia sẻ.
Tại Trường THCS & THPT Phenikaa (Hà Nội), cô Hồ Thị Huyền Trang cho hay, kế hoạch dạy học trực tuyến của năm học 2021 - 2022 vẫn được lưu trữ. Nếu năm học này có tình huống phát sinh, buộc phải học online sẽ kế thừa và chỉnh sửa nhằm phù hợp với bối cảnh thực tiễn.
Một lớp học của Trường THPT số 1 Lào Cai. Ảnh: TG
N guy cơ "bỏ bẵng"
63 tỉnh, thành phố đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong kế hoạch đó, rất khó nhận ra yêu cầu về duy trì hình thức dạy - học trực tuyến. Điều này khiến nhiều người lo ngại những năng lực, kỹ năng dạy - học online của giáo viên và học sinh bị mai một, thậm chí mục tiêu chuyển đổi trong ngành có nguy cơ đứt gãy.
Điển hình tại Hải Dương, trước thềm năm học mới, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023. Trong Chỉ thị có nêu: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, thích ứng linh hoạt với thiên tai, dịch bệnh; tổ chức dạy và học vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Khánh Hòa - nhấn mạnh, chuyển đổi số giáo dục không chỉ là có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn là cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận, truyền cảm hứng cho mọi người. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận không nhỏ học sinh, phụ huynh không mặn mà, tha thiết với hình thức dạy học trực tuyến. Và nếu các cơ sở giáo dục và giáo viên chủ quan, không xây dựng kế hoạch dạy - học trực tuyến trong năm học, thì nguy cơ bị gián đoạn, thậm chí là đứt gãy kỹ năng, năng lực dạy - học trực tuyến, rộng hơn là chuyển đổi số có thể xảy ra.
Từ hình thức dạy - học trực tuyến trong hai năm học vừa qua, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch, mà còn là phương thức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học. Qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính; đặc biệt, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Điều đáng nói là, cả giáo viên và học sinh đã có được những năng lực và kỹ năng nhất định để thích ứng với công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, thông qua hình thức dạy - học trực tuyến, học sinh phát triển kỹ năng tự học. Đây là cơ hội để chúng ta quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Song, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, những năng lực, kỹ năng trên cần được rèn luyện, bồi dưỡng thường xuyên, nếu "bỏ bẵng" không sớm thì muộn cũng bị mai một, nhất là với học sinh tiểu học. Do đó, cần coi dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế trong mùa dịch. Hình thức này cần tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với dạy học trực tiếp. "Nếu làm tốt được việc này, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với nhiều kiến thức, kỹ năng hiện đại trong và ngoài nước, mà còn có thể rút ngắn thời gian học trên lớp mà chất lượng vẫn đảm bảo" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Lớp học trực tuyến của cô Hồ Thị Huyền Trang trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Vẫn nên duy trì
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ viện dẫn, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT đều công nhận phương pháp giáo dục, đào tạo trực tuyến. Vì thế, trong năm học 2022 - 2023, dù các hoạt động đã trở lại bình thường, kể cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục vẫn nên duy trì hình thức dạy - học trực tuyến hoặc hội nghị, hội thảo kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
"Có thể không thường xuyên, nhưng nhà trường nên xây dựng kế hoạch giáo dục ít nhất mỗi môn có 1 tiết dạy học trực tuyến/tuần. Qua đó nhằm củng cố, rèn luyện và phát triển năng lực dạy - học online của thầy - trò. Đây cũng là giải pháp nhằm thích ứng linh hoạt khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi phải chuyển đổi từ dạy học tiếp sang trực tuyến (nếu cần); đồng thời tránh nguy cơ đứt gãy chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn: Singapore vẫn duy trì tồn tại song song hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Chúng ta có thể tham khảo để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, cơ sở giáo dục.
"Tôi không quan ngại giáo viên và học sinh thiếu kỹ năng dạy - học trực tuyến, điều tôi quan tâm là làm thế nào để có đủ điều kiện và phương tiện tổ chức dạy học trực tuyến hay không? Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giáo viên vẫn nên tương tác với học sinh qua hình thức online dựa trên các nền tảng công nghệ nêu trên. Đó cũng là cách để những kỹ năng, năng lực dạy - học trực tuyến của thầy - trò không bị mai một, đứt gãy" - bà Tăng Thị Ngọc Mai trao đổi.
Ở góc nhìn khác, bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh - cho rằng, công nghệ phát triển giúp thầy cô có thể sử dụng nhiều phần mềm để dạy học trực tuyến, phổ biến nhất là Zoom, hoặc trên một số nền tảng phần mềm công nghệ khác.
Bên cạnh đó, bà Mai nhấn mạnh: Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các giải pháp số mới trở thành hướng đi bắt buộc. Giờ đây, dạy - học trực tuyến là hình thức không thể thiếu trong giáo dục hiện nay. Do đó, sở khuyến khích các cơ sở giáo dục duy trì hình thức dạy - học trực tuyến trong năm học 2022 - 2023.
Trà Vinh vẫn duy trì kênh truyền hình để phát sóng các tiết học trực tuyến của bậc phổ thông. Ngoài ra, cơ sở giáo dục có thể duy trì hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến, kết hợp trực tiếp. Giáo viên học sinh có thể duy trì hình thức ôn tập trực tuyến để những kỹ năng liên tục được củng cố và bổ sung. Bên cạnh đó, các trường có thể triển khai kiểm tra, đánh giá trực tuyến, tiếp tục ứng công nghệ trong quản trị...
Trong giai đoạn bình thường mới, khi các trường học mở cửa trở lại, nhiều trường học có xu hướng quay về giảng, dạy theo các phương thức truyền thống như trước đại dịch. Đây là hệ quả tất yếu nếu những nỗ lực trong đại dịch chỉ đơn thuần là thay đổi phương thức liên lạc từ trực tiếp sang trực tuyến, mà thiếu đi những điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng cũng như sự chuyển dịch trong tư duy sư phạm và quản lý.
Trong vòng 4 tháng Bộ có 2 công văn chỉ đạo, giáo viên bối rối Trong 4 tháng, Bộ Giáo dục đã có Công văn 1469 và Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH chỉ đạo về soạn kế hoạch bài dạy chương trình năm học 2022-2023. Đầu năm học 2022-2023 ngành giáo dục đang "đau đầu" với thực tế thiếu nhiều giáo viên trên cả nước. Để cân đối, không ít cơ sở giáo dục đã có kế hoạch phân công...