Cuộc sống của nữ sinh ĐH Ngoại thương sau khi chữa khỏi ung thư
Bên cạnh việc trở lại học tập bình thường, Thủy Tiên đi làm thêm, tham gia hoạt động cộng đồng, chăm chỉ tập thể dục, ăn uống điều độ và luôn giữ thái độ sống tích cực.
Tôi là Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000, quê Hải Phòng), sinh viên năm 3 của Đại học Ngoại thương Hà Nội. Tôi phát hiện mắc ung thư vú vào tháng 6/2019. Tôi không nghĩ mình có thể mắc căn bệnh này ở tuổi 19.
Câu chuyện của tôi được nhiều người biết tới khi tham gia cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương 2019. Sự yêu thương, động viên từ mọi người giúp tôi nhận được danh hiệu “Miss truyền cảm hứng”.
Sau hơn 1 năm điều trị, tôi được bác sĩ thông báo khỏi bệnh vào tháng 11/2020. Sáng nay, tôi dậy từ 6h để tới Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tái khám theo lịch hẹn 3 tháng/lần.
7h45, tôi có mặt tại bệnh viện. Sau khi khai báo y tế ở cửa, tôi tới phòng khám theo yêu cầu để chờ tới lượt vào kiểm tra sức khỏe. Hơn 1 năm đi lại, tôi đã thuộc mọi ngóc ngách ở đây.
Tháng 12 năm ngoái, khi bị đau ở chân, tôi lập tức đi khám vì sợ có dấu hiệu bất thường. Bác sĩ nói không sao vì nếu bệnh di căn sẽ vào gan, mô mềm, chứ không tới xương. Nhận kết quả, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Lần tái khám này, bác sĩ nói mọi chỉ số về bệnh của tôi ở mức bình thường. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có nguy cơ tái phát nên tôi cần duy trì nếp sinh hoạt, ăn uống khoa học, rèn luyện thể thao đều đặn.
Sau khi khám xong, tôi có hẹn quay video hướng dẫn tập tay cho bệnh nhân ung thư vú hậu phẫu thuật. Các động tác này rất hữu ích vì tôi từng cắt nửa ngực trái vào tháng 7/2019. Tôi chăm chú nghe bác sĩ trị liệu hướng dẫn để có thể tự tập ở nhà.
Mỗi khi đến Bệnh viện K, tôi thường ghé thăm các em nhỏ ở khoa nhi. Lần này, bệnh viện quy định hạn chế việc thăm bệnh để phòng dịch, tôi về thẳng nhà, ăn trưa và nghỉ ngơi 1 chút để chiều đi làm thêm.
Video đang HOT
Hơn 1 tháng nay, tôi bắt đầu làm thêm ở công ty thủ công mỹ nghệ. Công việc chính của tôi là trông cửa hàng, bán hàng, giới thiệu sản phẩm cho khách, lên content bài viết quảng bá, lập kế hoạch kinh doanh.
Tôi rất thích công việc này vì được trò chuyện với nhiều người và góp phần quảng bá, gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi thường làm ca chiều, khi không phải đi học.
Khi vãn khách, tôi tranh thủ lau chùi trong cửa hàng. Hôm nay, tôi xin sếp về sớm vì có hẹn chụp photoshoot.
Tôi mất khoảng 30 phút để trang điểm, chuẩn bị trang phục. Từ sau khi phát hiện mắc ung thư, tôi mới thử sức với công việc mẫu ảnh. Trước đây, tôi thích tạo dáng trước ống kính nhưng thường chỉ chụp cho vui, lưu lại kỷ niệm.
Ngoài làm mẫu ảnh, thỉnh thoảng tôi được mời đến chia sẻ ở một số buổi tọa đàm, đối thoại về nghị lực sống. Tôi cố gắng đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là người mắc bệnh ung thư, về mặt tinh thần qua hành động nhỏ bé của mình.
Chụp xong, tôi gọi xe ôm về nhà. Sau khi bệnh tình ổn, tôi có thể tự chạy xe máy, không phải đi đâu cũng cần người đưa đón. Tuy nhiên, vì lo lắng, bố mẹ thường dặn tôi đi đâu xa nên gọi xe.
Tôi thuê căn hộ này cùng hai người chị. Vì giờ giấc làm việc, sinh hoạt khác nhau, chúng tôi thường ăn riêng. Tối nay, cả ba đều được tan làm sớm, tôi vào bếp nấu ăn cho cả nhà.
Bác sĩ nói tôi đã khỏi bệnh và không phải kiêng thực phẩm gì. Tuy nhiên, giống như trong thời gian điều trị, tôi hạn chế thịt đỏ và ăn nhiều đồ luộc.
Sau 4 mũi hóa chất đỏ, 12 mũi hóa chất trắng, tôi dừng vào thuốc và tóc bắt đầu mọc trở lại từ tháng 3/2020. Ngày trước, tôi rất thích tóc dài, giờ lại yêu mái tóc cá tính này hơn. Đây là minh chứng cho hành trình chữa bệnh của tôi.
Như thường lệ, khoảng 21h, tôi gọi video về cho bố mẹ và em trai ở Hải Phòng. Tôi kể cho họ nghe về tất cả hoạt động trong ngày. Từ khi tôi bị ốm, gia đình bớt đi sở thích riêng để cùng tôi ăn đồ luộc, tập thể dục và đi ngủ sớm vì những điều này tốt cho bệnh nhân ung thư.
Tôi từng nghỉ hơn nửa năm để điều trị nên giờ phải học bù nhiều môn. Vì dịch, trường tôi cho sinh viên nghỉ học từ 29/1. Tôi có chút lo lắng vì Hải Phòng đã ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Nếu cần thiết, tôi chấp nhận không về nhà dịp lễ để phòng ngừa virus lây lan.
Trước khi đi ngủ, tôi tập yoga khoảng 10 phút. Với tôi, từ khi phát hiện mắc ung thư đến lúc được cầm trên tay “tấm bằng tốt nghiệp trường K” là hành trình dài, đầy cảm xúc: từ u uất, tuyệt vọng đến hạnh phúc, bình yên trong tâm trí.
Thầy thuốc ưu tú 86 tuổi vẫn tham gia ca mổ
Dẫu ở tuổi 86, tiến sĩ, thầy thuốc ưu tú, chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức Phan Thị Hồ Hải vẫn minh mẫn, hăng say 'gác cổng' cho các ca phẫu thuật, lặng lẽ giúp đỡ mảnh đời khó khăn, không mong cầu đáp trả.
TS Hồ Hải (mang kính) trong một ca mổ - Ảnh: X.MAI
Vị thầy thuốc ưu tú đã làm thêm 26 năm từ tuổi về hưu, vậy "bí kíp" nào khiến người phụ nữ này luôn có một sức khỏe tốt để tiếp tục làm việc?
Tiếp tôi trong một chiều cuối năm cũ, TS Hồ Hải mời tôi một ly nước cam vắt rồi từ tốn nói: "Tôi duy trì việc uống nước cam mỗi ngày đã 26 năm qua". Dứt câu, bà chỉ vào làn da khỏe khoắn: "Vì thế mà ở tuổi này da tôi ít đồi mồi" (cười).
Đây là một trong những thói quen ăn uống lành mạnh bên cạnh sinh hoạt, thái độ sống tích cực, luôn yêu nghề, thương người vô điều kiện của TS Hồ Hải mà được bà nhận định là "chìa khóa" giúp sống lâu, vui khỏe ở tuổi xế chiều.
"Không có tiền nào mua được sức khỏe"
* Có dịp theo chân các bác sĩ tham dự một ca mổ tại một bệnh viện quốc tế ở TP.HCM, tôi rất ấn tượng khi thấy bà - một người phụ nữ với mái tóc ngắn trắng ngần cùng đôi mắt tinh anh - theo sát ca mổ đến khi các bác sĩ phẫu thuật rời đi, bà vẫn còn ở lại cùng bệnh nhân. Ở tuổi 86, bà vẫn làm việc?
- Hiện tôi đang là cố vấn y khoa tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh (TP.HCM). Hằng ngày, 4h sáng tôi đã thức dậy vì tuổi già vừa khó ngủ và việc này cũng trở thành thói quen. Để đảm bảo giấc ngủ đủ, buổi tối tôi đi ngủ từ lúc 21h30. Trừ những ngày tôi chỉnh sửa, chấm luận văn cho học trò thì thức khuya hơn chút nhưng không vượt quá 22h30.
6h sáng, xe đưa rước nhân viên y tế của bệnh viện dừng trước cửa nhà đón tôi. Tại bệnh viện, tôi và các bác sĩ gây mê hồi sức lo các thủ tục cần thiết để bệnh nhân bước vào cuộc mổ, và là người rời sau cùng khi ca mổ kết thúc.
Đến nay tôi đã có 50 năm kinh nghiệm làm việc gây mê hồi sức, trước đây tôi là trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và là chủ nhiệm bộ môn gây mê hồi sức Trường đại học Y dược TP.HCM.
Đối với nữ, ở tuổi 60 về hưu nhưng tôi vẫn đi làm, vẫn hướng dẫn, chấm luận án cho học viên tại Trường đại học Y dược TP.HCM. Đó là mong muốn của tôi, còn khỏe mạnh là còn làm việc, cống hiến, cứu giúp bệnh nhân, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ngoài xã hội.
* "Bí kíp" nào khiến bà có một sức khỏe tốt như thế?
- Tôi chẳng có "bí kíp" gì cả! Nghề gây mê hồi sức vất vả cả thể xác lẫn tâm trí ,nhưng tôi luôn ý thức phải giữ gìn, nâng cao sức khỏe của mình. Là bác sĩ, tôi thấu rõ rằng không có tiền nào mua được sức khỏe.
Hằng ngày tôi ăn uống vừa phải, không thúc ép bản thân ăn quá no, nghĩa là ăn vừa đủ calo để duy trì hoạt động trí não và thể lực. Vì phần lớn thời gian trong ngày tôi dành cho việc "gác cửa" các ca mổ tại bệnh viện, nên tận dụng việc di chuyển khi làm việc là bài tập thể dục mỗi ngày.
Trong bữa ăn tôi ăn nhiều rau xanh, dùng nước luộc rau thay canh, hạn chế ăn dầu mỡ. Điều đặc biệt khiến tôi khác biệt so với những người cùng trang lứa là làn da ít đồi mồi. Có lẽ là do tôi duy trì uống nước cam vắt mỗi ngày.
Trong khoảng thời gian học tập và làm việc tại Nga, tôi không tiết lộ cho bạn bè ngoại quốc rằng mình cũng biết uống rượu vì văn hóa ở đây cứ ai biết uống là phải uống đến giọt cuối cùng. Nếu tôi không biết các "mánh lới" để giữ sức khỏe và tư cách, phẩm chất cho mình mà "uống đến giọt cuối cùng" là chết vì rượu bia hại sức khỏe lắm.
Tuy nhiên, có những trường hợp tôi không thể từ chối những lời mời dự tiệc thân tình từ quý bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Lúc này, tôi cố tình tìm một chỗ ngồi gần các thanh niên để họ có thể ăn và uống rượu bia giúp tôi. Như vậy vừa không mất lòng, vừa tiết chế được khẩu phần ăn uống mà hằng ngày tôi áp dụng.
Thương người là thương mình
* Bà hay nói về tình yêu thương giữa người với người, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ngoài xã hội khi có thể, điều này giúp lòng bà cảm thấy nhẹ nhàng, sống an vui?
- Đúng vậy. Ngày xưa làm việc rất vất vả, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 1978 -1986. Lúc này đất nước khó khăn, các mặt hàng dụng cụ tiêu hao y tế phải sử dụng lại, trong khi đó bệnh nhân ngày càng đông do di chứng từ chiến tranh, bệnh tật, đói nghèo.
Lúc bấy giờ, chúng tôi phải lấy từng mũi kim tiêm (lúc bấy giờ bằng sắt) mài nghiêng mài dọc trên mặt kính để đầu kim tiêm bén nhọn trở lại, sau đó đem đi khử trùng để sử dụng cho bệnh nhân tiếp theo. Nếu chúng tôi không vững tin, không đồng lòng yêu thương bệnh nhân, yêu thương lẫn nhau trong thời buổi đất nước khó khăn thì chắc chắn sẽ bê trễ, bệnh nhân sẽ như thế nào?
Bệnh nhân đau đớn, cần điều trị và chăm sóc, nên mình phải yêu họ, qua đó cũng giáo dục tình yêu thương này đối với các nhân viên y tế trong môi trường bệnh viện. Tôi thấy ai có hoàn cảnh khó khăn lại mủi lòng thương, giúp đỡ họ.
Có em y tá mắc bệnh ung thư hiểm nghèo, hay gọi tôi bằng cái tên thân mật là chị Tư vì tôi là người con thứ 4 trong nhà. Trước khi qua đời, em ấy cầm tay tôi nói trong trạng thái rất tỉnh táo: "Nếu em qua đời trước khi con trai thi đại học, em bán cái (giao lại - PV) cho chị, chị "mua" không?". Tôi trả lời: "Mày chưa "bán", tao "mua" lâu rồi". Và tôi nuôi con của người em quá cố thi đậu vào ngành kinh tế.
Tôi luôn dành một khoản tiền, dù không nhiều, để hỗ trợ người nghèo, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Tôi giúp họ trong âm thầm, lặng lẽ, chẳng mong được ghi nhận gì cả. Nhiều khi đọc báo thấy những mảnh đời bất hạnh, tôi liên hệ giúp đỡ nhưng không để thông tin và cũng chưa biết mặt người mình giúp đỡ.
* Lối sống hiện đại khiến chúng ta sống nay lo mai. Những dòng tin tức về con bất kính với cha mẹ, những vụ đánh chửi nhau vì những điều cỏn con... ngày càng xuất hiện nhiều. Bà có lời khuyên gì cho giới trẻ?
Thầy thuốc ưu tú Phan Thị Hồ Hải - Ảnh: XUÂN MAI
- Phải nhẫn nhịn dù thực hành rất khó! Ông bà ta có câu: "Một điều nhịn bằng chín điều lành", tất cả mọi chuyện suy cho cùng đều do không nhẫn nhịn được. Người đối diện to tiếng, mắng nhiếc thì mặc kệ họ, mình phải hạ thấp cái tôi xuống. Khi họ bình tâm, cùng nhau ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân.
Dù ở tuổi này nhưng tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giữ gìn sức khỏe, tâm trí, ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, chi tiêu vừa đủ. Các bạn trẻ sống phải có mục tiêu, không nên uống rượu bia quá đà, chi tiêu phải "liệu cơm gắp mắm", hãy tiết kiệm để có một khoản dự phòng khi ốm đau, bệnh tật và biết yêu thương gia đình, mọi người.
Lối sống lành mạnh giúp giảm triệu chứng ợ nóng mãn tính TS Andrew Chan Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết: Việc tuân thủ lối sống lành mạnh có thể giúp loại bỏ nhu cầu cần dùng thuốc hoặc ít nhất là giảm sự phụ thuộc vào thuốc của người bệnh. Một báo cáo được công bố trực tuyến mới đây trên tạp chí JAMA Internal Medicine cho biết, đối với một...