Cuộc đối đầu của Trump với 3 nữ phóng viên
Tại cuộc họp báo hôm 11/5, khi hai phóng viên phản kháng Trump và người thứ ba từ chối hợp tác, Trump đột ngột dừng họp và bỏ đi.
Đó là cái kết bất ngờ cho một cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, sự kiện mà Trump kỳ vọng sẽ là dịp thuận lợi để quảng bá bản thân. Phía sau lưng ông là một hàng cờ Mỹ và hai tấm biển lớn ghi dòng chữ in hoa: “Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm”. Trump tuyên bố rằng “chúng ta đã đạt tới thời điểm đó, chúng ta đã chiến thắng”, bất chấp số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã vượt 80.000.
Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 11/5, đằng sau là hai tấm bảng ghi “Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm”. Ảnh: Reuters
Điều Tổng thống Mỹ không ngờ đến là sự hợp tác hiếm hoi giữa các thành viên của nhóm báo chí Nhà Trắng, những người không chấp nhận “chơi theo luật” của Trump, người thường né tránh trả lời câu hỏi khó của một phóng viên bằng cách gọi người khác đặt câu hỏi. Chiến thuật này của Trump từng nhiều lần phát huy hiệu quả, vì phóng viên đến từ các kênh truyền thông ganh đua nhau luôn háo hức chờ đến lượt mình đặt câu hỏi và xem Tổng thống sẽ quyết định chọn ai.
Bước ngoặt của cuộc họp báo hôm 11/5 diễn ra khi nữ phóng viên Weijia Jiang của CBS News đặt câu hỏi cho Trump. Jiang, người sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Mỹ, đã hỏi Trump tại sao ông tự hào Mỹ tiến hành xét nghiệm nhiều hơn các nước khác.
“Tại sao điều này lại quan trọng đến thế? Tại sao với ngài đây lại là cuộc ganh đua toàn cầu, trong khi nhiều người Mỹ hàng ngày vẫn chết vì dịch bệnh và chúng ta vẫn chứng kiến nhiều ca nhiễm mới?”, Jiang vừa giữ khẩu trang vừa nói, mắt nhìn thẳng vào Trump.
Phóng viên của CBS News Weijia Jiang tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 11/5. Ảnh: Reuters
“Người chết ở khắp nơi trên thế giới. Có thể đó là câu cô nên hỏi Trung Quốc, đừng hỏi tôi, hãy hỏi Trung Quốc câu đó, được chứ”, Trump đáp lời nữ phóng viên gốc Hoa đến từ bang Tây Virginia.
Ông vội chấm dứt cuộc trao đổi với Jiang bằng cách chỉ sang Kaitlan Collins, nhưng nữ phóng viên CNN này không lên tiếng, mà đợi đồng nghiệp từ CBS tiếp tục câu hỏi của mình.
“Thưa ngài, tại sao ngài lại nói điều đó với riêng tôi?”, Jiang hỏi tiếp, ám chỉ gốc gác của cô. “Tôi sẽ nói điều đó với bất kỳ ai hỏi câu khó chịu như thế”, Trump đáp lại và yêu cầu Collins đặt câu hỏi tiếp theo. Tuy nhiên, cô một lần nữa đợi Jiang kết thúc phần hỏi đáp.
“Đó không phải là một câu hỏi khó chịu. Tại sao lại thế?”, Jiang tiếp tục chất vấn.
Lúc này, Trump dường như quyết định trừng phạt Collins bằng cách bỏ qua cô và gọi Yamiche Alcindor, nữ phóng viên của PBS, đặt câu hỏi, bất chấp sự phản đối của phóng viên CNN. “Tôi đã gọi cô nhưng cô không hồi đáp và bây giờ tôi gọi cô gái trẻ phía sau”, Trump nói với Collins.
Lần này, đến lượt Alcindor từ chối đặt câu hỏi cho Trump và ra hiệu cho Collins tiếp tục hỏi. Nhận ra điều này, Trump đã đưa hai tay lên bày tỏ sự bực bội, tuyên bố kết thúc họp báo và quay đi.
Trump nổi cáu với 3 nữ phóng viên và bỏ đi trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 11/5. Video: CNN
Trump sau đó cáo buộc hành vi của 3 nữ phóng viên này là bằng chứng của một âm mưu chống lại ông. “Truyền thông Xuyên tạc thực sự đã mất kiểm soát. Hãy xem họ làm việc (thông đồng) cùng nhau như thế nào”, ông viết khi chia sẻ lên Twitter video về cuộc họp báo.
Bình luận viên Robert Mackey của Intercept cho rằng cách xử sự của Trump trong cuộc họp báo không chỉ cho thấy ông thiếu tự tin trong xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn khó chịu với những câu hỏi hóc búa từ các nữ phóng viên. “Khá thảm hại”, thượng nghị sĩ Bernie Sanders bình luận về video. “Trump là kẻ hèn nhát khi chà đạp người khác để khiến bản thân cảm thấy mạnh mẽ”.
Việc Trump không trả lời câu hỏi của Jiang cũng cho thấy ông đang tìm cách đánh lạc hướng chú ý người Mỹ khỏi sự ứng phó chậm trễ với đại dịch bằng những số liệu thống kê không liên quan hay gây hiểu nhầm. Trong những cuộc họp gần đây ở Phòng Bầu dục, các thống đốc bang luôn phải ngồi trước một tấm bảng liệt kê chi tiết có bao nhiêu trang thiết bị y tế mà chính quyền liên bang đã cấp cho họ kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Số liệu không được thể hiện trên những tấm bảng này là các thống đốc đã yêu cầu bao nhiêu trang thiết bị, hay bao nhiêu người dân của họ đã nhiễm hay chết vì nCoV, loại virus mà Trump hồi tháng hai từng tuyên bố nó đơn giản “sẽ biến mất”.
Trump (phải) ngồi cạnh Thống đốc bang Louisiana tại Nhà Trắng, sau lưng là tấm biển ghi các loại vật tư y tế chính quyền liên bang cấp cho bang này. Ảnh: NYTimes.
Trong cuộc họp báo ở Vườn Hồng hôm 11/5, Trump cũng nhắc lại phát ngôn từ giữa tháng 4 rằng Mỹ, cùng với Đức, là một trong hai quốc gia có số ca tử vong vì nCoV trên đầu người thấp nhất. Ông dường như đang nhắc đến thống kê mới nhất về số người chết tại 8 nước có số ca nhiễm nCoV lớn nhất thế giới. Theo bảng thống kê này, Mỹ đứng thứ 7, còn Đức xếp thứ 8.
Tuy nhiên, Trump dường như đã phớt lờ thực tế rằng hơn 130 quốc gia khác trên thế giới có tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn Mỹ, trong đó Đức có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Đến ngày 10/5, theo thống kê của Trung tâm Nguồn lực Covid-19 đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong của Mỹ là 24,31 trên 100.000 người, trong khi Đức là 9,13.
Theo bình luận viên Mackey, điều này có nghĩa là nếu chính quyền Trump thành công trong việc bảo vệ tính mạng cho công dân của mình như Đức, số người chết ở Mỹ sẽ không phải là hơn 80.000 như hiện nay mà chỉ là hơn 30.000. Nói cách khác, Trump đang sử dụng một kiểu thống kê “đánh lận con đen”, dường như nhằm kéo sự chú ý của dư luận khỏi thực tế rằng hơn 50.000 người Mỹ lẽ ra không phải chết vì Covid-19 nếu ông xử lý cuộc khủng hoảng thành công như Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nhà Trắng loay hoay đối phó nCoV xâm nhập
Hôm 11/5, vào ngày số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ vượt 80.000, Tổng thống Trump đứng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, tuyên bố về một "nhiệm vụ đã hoàn thành".
Phía sau lưng Tổng thống Mỹ là một hàng cờ Mỹ và hai tấm biển lớn ghi dòng chữ in hoa: "Mỹ dẫn đầu thế giới về xét nghiệm", đề cập tới tổng số xét nghiệm nCoV mà Mỹ đã thực hiện trong những tháng gần đây. Phía trước Trump là đội ngũ nhân viên của ông và các phóng viên. Họ ngồi cách xa nhau nhằm giữ cách biệt cộng đồng và tất cả đều đeo khẩu trang theo sắc lệnh mà Tổng thống Mỹ vừa ban hành chiều cùng ngày nhằm ngăn nCoV lây lan ở Cánh Tây, Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 11/5. Ảnh: AP.
Trong một sự kiện được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm trấn an các doanh nghiệp và thống đốc Mỹ rằng họ có thể tái khởi động nền kinh tế an toàn, Trump tuyên bố Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ xét nghiệm nCoV.
"Trong bất kỳ giai đoạn nào, vượt qua mọi thử thách, khó khăn và nguy hiểm, Mỹ đều vươn lên hoàn thành nhiệm vụ", Trump nói. "Chúng ta đã đương đầu với thử thách và thắng thế".
Lời tuyên bố này trái ngược với tâm lý hoang mang đang lan rộng trên khắp nước Mỹ trước câu hỏi liệu đã thực sự an toàn để mở cửa trở lại. Nó cũng trái ngược với tình trạng hỗn loạn bên trong Cánh Tây, nơi mà các quan chức đang phải chật vật kiểm soát virus sau khi hai nhân viên Nhà Trắng hồi tuần trước được xác nhận dương tính nCoV.
Văn phòng Quản lý Nhà Trắng chiều 11/5 công bố một bản ghi nhớ yêu cầu tất cả nhân viên Cánh Tây phải đeo khẩu trang hoặc dùng bất kỳ vật dụng che mặt nào khác mọi lúc trong tòa nhà, trừ tại bàn làm việc riêng. Các thủ tục mới bao gồm xét nghiệm nCoV hàng ngày cho hầu hết nhân viên Cánh Tây và tăng cường làm việc từ xa, phụ thuộc vào từng văn phòng, theo hai quan chức cấp cao chính quyền.
Trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, tất cả nhân viên Nhà Trắng, bao gồm cả con rể của Tổng thống Trump Jared Kushner, đều đeo khẩu trang, một sự thay đổi đáng chú ý so với chỉ cách đây một tuần.
Trước những câu hỏi từ phóng viên, Trump sau đó làm rõ rằng ông có ý nói Mỹ chỉ thắng thế trong việc xét nghiệm cho người dân, không phải đã kiểm soát được Covid-19.
"Không thể là chiến thắng khi chúng ta có 90.000, 100.000, hay 80.000 người chết như con số ngày hôm nay, khi hàng triệu người trên thế giới có nguy cơ tử vong vì virus", Trump nói. "Đó không phải là chiến thắng. Điều tôi đang nói đến là chúng ta có khả năng xét nghiệm tuyệt vời... Không nước nào trên thế giới bắt kịp chúng ta và chúng ta chắc chắn là đã làm rất tốt trong việc xét nghiệm".
Tuy nhiên, các phụ tá Nhà Trắng hiểu rõ rằng thông điệp của Tổng thống Trump thúc giục các bang tái mở cửa nền kinh tế không phù hợp với bối cảnh Nhà Trắng hiện nay khi mà nguy cơ virus lây lan chưa được dập tắt. Thậm chí theo họ, nguy cơ virus lây lan trong Nhà Trắng sẽ chỉ làm lu mờ đi những tiếng nói kêu gọi tái khởi động nền kinh tế cũng như nỗ lực của ông trong việc khơi dậy tinh thần quốc gia trước cuộc bầu cử tháng 11.
"Bác sĩ của Tổng thống và ban vận hành Nhà Trắng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo rằng mọi biện pháp phòng ngừa được thực hiện đầy đủ để đảm bảo Tổng thống, gia đình ông và toàn bộ Nhà Trắng đều an toàn và khỏe mạnh", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho hay.
Một cố vấn Nhà Trắng cho biết đội ngũ nhân viên tại đây đang ngày càng tỏ ra thận trọng và cố gắng thực hiện nhiều nhất có thể các cuộc họp qua điện thoại, ba ngày sau khi một phát ngôn viên của Phó tổng thống Pence dương tính với virus.
Hoạt động công khai duy nhất của Pence hôm 11/5 là tham gia một cuộc họp trực tuyến với các thống đốc bang và ông chưa có kế hoạch thực hiện chuyến công tác nào trong tuần này. Ông cũng không xuất hiện bên cạnh Tổng thống Trump tại họp báo như thường lệ.
Bản ghi nhớ mới của Nhà Trắng về khẩu trang đánh dấu một bước ngoặt đối với chính quyền Trump.
Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump, tham dự cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 11/5. Ảnh: Reuters.
Trump, Pence và các quan chức cấp cao khác tuần trước thực hiện các chuyến công tác nhưng đều không đeo khẩu trang dù Cơ quan Quản lý và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từ đầu tháng 4 đã kêu gọi người dân Mỹ chủ động đeo khẩu trang tại những không gian kín như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc hay những không gian có mức độ lây truyền cao.
Pence không đeo khẩu trang trong chuyến thăm mới đây tới bệnh viện Mayo dù sau đó ông nói mình hối tiếc vì việc làm này.
Đến nay, các văn phòng trực thuộc Nhà Trắng đang đối phó với mối đe dọa từ nCoV không thống nhất.
Phó cố vấn an ninh quốc gia của Trump Matt Pottinger đã đeo khẩu trang khi làm việc tại Nhà Trắng suốt nhiều tuần qua, thỉnh thoảng bắt gặp những ánh mắt khó hiểu từ đồng nghiệp. Các nhân viên của Đệ nhất phu nhân Mỹ cũng thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với bà và họ chủ yếu làm việc từ xa.
"Tất cả mọi người đều làm việc ở nhà và nếu tới Nhà Trắng họp, tôi sẽ được xét nghiệm mỗi ngày", Stephanie Grisham, chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News. "Nếu chúng tôi gặp mặt bà, chúng tôi sẽ ngồi cách nhau hai mét. Nếu bạn chưa được xét nghiệm, bạn phải đeo khẩu trang. Nếu phải làm video nào đó, bà ấy luôn giữ số lượng nhân viên và đội ngũ quay phim rất nhỏ. Điều đó rất quan trọng với Đệ nhất phu nhân. Bà ấy cũng đã giảm số lượng nhân viên nội trú và tất cả họ đều đeo khẩu trang".
Ba quan chức y tế hàng đầu của Trump đều đang tự cách ly và làm việc từ xa sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus hồi tuần trước tại một cuộc họp của nhóm chuyên trách chống Covid-19. Một lính cần vụ Nhà Trắng và phát ngôn viên của Phó tổng thống Pence là Katie Miller đều nhiễm nCoV. Katie Miller kết hôn với Stephen Miller, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Trump.
Giữ khoảng cách hai mét gần như là điều bất khả thi ở Cánh Tây vì hành lang và cầu thang ở nơi đây khá chật chột, các phòng nhỏ và trần nhà thấp. Vì thế, các trợ lý luôn phải đeo khẩu trang.
Ngoài yêu cầu mới về khẩu trang, một số chuyên gia y tế muốn Nhà Trắng sử dụng phương pháp xét nghiệm khác nhằm giữ an toàn cho đội ngũ nhân viên và các quan chức hàng đầu.
Nhà Trắng đang sử dụng kit xét nghiệm nhanh cho kết quả sau 15 phút của Abbott Laboratories song phương pháp này tuần trước bị giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) Francis Collins chỉ trích vì có tỷ lệ âm tính giả quá cao.
Công ty cho biết xét nghiệm cho ra kết quả chính xác nhất nếu mẫu được thử trực tiếp thay vì vận chuyển trong hóa chất. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng Nhà Trắng nên dùng cách xét nghiệm khác chính xác hơn dù mất nhiều thời gian hơn.
Tình báo Hàn Quốc nêu lý do Kim Jong-un "biến mất" bí ẩn 20 ngày Nguyên nhân khiến cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không xuất hiện tại các sự kiện công cộng trong một thời gian dài là vì nhu cầu sắp xếp các vấn đề nội bộ, cũng như do tình hình dịch Covid-19, theo Cơ quan Tình báo Nhà nước Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Quan điểm của tình...