Cuộc chiến sinh tồn giữa đống đổ nát của người dân Gaza
8 giờ sáng mỗi ngày, bà Amal al-Robayaa rời khỏi một trường học Liên hợp quốc, nơi bà cùng đại gia đình trú ẩn kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Gaza, để tìm kiếm thức ăn.
Các gia đình người Palestine nhận nước tiếp tế trên đường chạy trốn khỏi phía Bắc Gaza. Ảnh: AFP
“Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi thức dậy: hôm nay tôi sẽ cho bọn trẻ ăn như thế nào?”, bà Amal nói.
Những miệng ăn mà bà cần lo đến gồm có chồng, sáu người con, con dâu và hai cháu nhỏ. Trước mối đe dọa bị bắn phá liên tục ở Gaza kể từ ngày 7/10, nỗ lực duy trì bữa ăn cho gia đình mỗi ngày đã trở thành một nhiệm vụ quá đỗi gian nan.
Bà vượt qua đống đổ nát giữa trường học và khu dân cư mình từng sống ở Shabura, phía Nam Gaza, với hy vọng tìm được ai đó thân quen có bột mì để xin chút ít về làm bánh.
Anh con trai 24 tuổi Suleiman của bà tất tả chạy đến một tiệm bánh gần đó để lấy số thứ tự xếp hàng, trước khi nhanh chóng chạy đến điểm cấp nước.
Video đang HOT
Suleiman nói với hãng thông tấn AFP: “Tôi cố gắng lấy đầy một, hai bi-đông nước trước khi quay lại tiệm bánh chờ nó mở cửa”. Anh nói rằng nếu gặp may, anh có thể hoàn thành nhiệm vụ trong 2 tiếng, nhưng thường phải mất đến 4 – 5 tiếng.
Cũng không có gì đảm bảo anh sẽ kiếm được nước và bánh mỗi ngày. “Chúng tôi lần lượt xếp hàng. Hai ngày trước, tôi xếp hàng chờ suốt 4 tiếng rưỡi và khi đến lượt, họ không còn bánh mì nữa. Tôi van nài họ cho tôi vài miếng để cho bọn trẻ, song vẫn bị từ chối”, bà Amal kể lại.
Người phụ nữ này cho biết khu chung cư nơi bà sống đã bị phá hủy trong một cuộc ném bom của Israel vào ngày đầu tiên xung đột nổ ra. Theo Bộ Y tế Palestine, chiến dịch trả đũa Israel đã khiến trên 10.800 người ở Gaza thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Tìm kiếm những người sống sót tại hiện trường của một vụ tấn công của Israel vào Rafah. Ảnh: AFP
Bà nói: “Ngay cả con ngựa kéo xe của con trai tôi, phương tiện kiếm sống của nó, cũng đã chết”
Gia đình bà dành cả ngày tìm kiếm chút đồ còn sử dụng được trong đống đổ nát nơi từng là nhà của họ. May mắn, người em dâu của bà đã tìm được một bao bột nhỏ. Hai người mẹ bắt tay ngay vào việc.
Một người nhào bột, trong khi người kia nhặt những mảnh bìa cứng và gỗ để nhóm lửa nướng bánh mì. Phía trước là cậu bé Bilal, 9 tuổi, đang phơi quần áo trên tấm bê tông. Với nguồn nước vô cùng ít ỏi, họ phải chắt chiu từng tí một để tắm giặt.
Bà chia sẻ: “Bọn trẻ và tôi tắm rửa bốn hoặc năm ngày một lần. Đôi khi không có nước thì chúng tôi phải đợi lâu hơn”. Chồng bà, ông Imed cố gắng khuấy động để bọn trẻ quên thực trạng chiến tranh nghiệt ngã. Ông chơi những bài hát cổ của người Palestine bằng cây sáo ney truyền thống của người Arab.
“Cây đàn oud của tôi đã bị chôn vùi, nhưng ít nhất tôi cũng có cây sáo để giữ vững tinh thần và khiến lũ trẻ mỉm cười”, ông nói với AFP.
Đến chiều, gia đình 11 người này đã tích trữ được 27 lít nước, một túi mì ống nặng 500 gram và một gói nước sốt.
“Chúng tôi cho bọn trẻ ăn trước”, ông Imed nói. Những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình cầm đĩa xếp hàng để lấy vài miếng thức ăn rồi nhanh chóng chạy đi.
Với âm thanh của máy bay không người lái ngày càng lớn và bóng tối đang đến gần, gia đình này cùng nhau quay trở lại trường học, nơi họ ngủ qua đêm cùng với hàng nghìn người khác. Nếu may mắn, ngày mai họ sẽ lại tìm được thức ăn và nước uống và bảo toàn tính mạng được như hôm nay.
Xung đột Hamas-Israel: Đức kêu gọi Israel không bỏ lỡ cơ hội hòa bình với thế giới Arab
Ngày 10/11, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi Israel không bỏ lỡ "cơ hội lịch sử" để đạt được hòa bình với các quốc gia Arab, trong bối cảnh xung đột leo thang giữa nước này và Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Yerevan, Armenia, ngày 3/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu với báo giới khi bắt đầu lên đường thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh, trong bối cảnh bạo lực leo thang ở Trung Đông, Israel không nên bỏ lỡ cơ hội đạt được hòa bình với các quốc gia láng giềng Arab. Bà cũng khẳng định chỉ có giải pháp hai nhà nước mới mang lại hòa bình và an ninh cho Palestine và Israel và khu vực Trung Đông.
Ngoại trưởng Baerbock đang thực hiện chuyến đi thứ ba tới Trung Đông kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công, xâm nhập lãnh thổ Israel ngày 7/10, dẫn đến việc Israel triển khai chiến dịch tấn công đáp trả và phong tỏa Dải Gaza. Một trong những điểm dừng chân của bà Baerbock là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong những quốc gia đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020. Bà cũng sẽ đến Saudi Arabia, quốc gia đang đàm phán về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng sẽ đến Israel.
Theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Đức, chương trình nghị sự trong chuyến công du của Ngoại trưởng Baerbock sẽ bao gồm nỗ lực giải cứu các công dân Đức bị Hamas bắt cóc và tình hình nhân đạo xấu đi ở Gaza.
Đức là một trong những quốc gia kêu gọi các bên liên quan tạm dừng giao tranh ở Gaza để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở vùng lãnh thổ này.
Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi bảo vệ người Palestine tại Bờ Tây Ngày 10/11, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk nhấn mạnh Israel phải lập tức thực hiện các biện pháp để bảo vệ người Palestine ở Bờ Tây, trong bối cảnh họ đang trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực kể từ khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát tháng 10...