EU ủng hộ sáng kiến gửi viện trợ lớn cho Gaza bằng đường biển
Kế hoạch này nhằm cho phép người dân Gaza tiếp cận được khối lượng lớn hàng viện trợ được vận chuyển bằng tàu biển, thay vì chỉ số lượng nhỏ được đưa bằng xe tải từ Ai Cập.
Người dân Palestine xếp hàng chờ nhận thực phẩm viện trợ tại thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Một số quốc gia EU ngày 9/11 đã bày tỏ quan điểm ủng hộ kế hoạch của CH Síp (Cyprus) cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza bằng đường biển, mặc dù kế hoạch này vẫn còn một số trở ngại, chủ yếu là về tính khả thi của việc “đổ bộ” an toàn số lượng hàng hóa lớn tại các cơ sở cảng nhỏ bé của Gaza.
Tổng thống Síp, Nikos Christodoulides, đã trình bày đề xuất của đất nước ông về việc mở hành lang hàng hải nhằm giúp cung cấp thêm viện trợ cho Dải Gaza tại Diễn đàn Hòa bình Paris do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức.
Chỉ cách khu vực xung đột 210 hải lý (khoảng 400km), Síp là quốc gia EU gần Gaza nhất và đang tự coi mình là vùng đệm tự nhiên để thu gom và kiểm tra các chuyến hàng đến Gaza.
Ý tưởng then chốt ở đây là tăng cường cứu trợ nhân đạo cho Dải Gaza bằng cách đưa tới một số lượng hàng hoá lớn bằng tàu biển, thay vì số lượng hạn chế hiện đang được đưa bằng xe tải qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập, cửa khẩu trên bộ duy nhất còn kết nối với Gaza.
Bản kế hoạch dài 25 trang của CH Síp, được gọi là Sáng kiến Amalthea, phác thảo cách thu gom viện trợ nhân đạo tại một trung tâm hoạt động có trụ sở ở thành phố Larnaca phía Nam Síp. Ảnh: AFP/Getty Images
Video đang HOT
Theo các quan chức Síp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cũng như lãnh đạo một số quốc gia bao gồm Pháp, Bỉ, Croatia và Jordan đã ủng hộ kế hoạch này. Hy Lạp và Hà Lan cho biết họ sẽ cung cấp hỗ trợ thiết thực cho việc thực hiện kế hoạch. Tuy vậy, Sáng kiến Amalthea chắc chắn cần phải được Israel bật đèn xanh, bởi họ sẽ là bên muốn kiểm tra hàng hóa để tìm vũ khí hoặc hàng hóa bất hợp pháp khác có thể tuồn vào dải đất của người Palestine.
Một số nhà ngoại giao đã bày tỏ lo ngại về an ninh và những vấn đề thực tế khác, đặc biệt là việc thiếu một cảng lớn và an toàn ở Gaza.
Sáng kiến Amalthea
Sáng kiến Amalthea (được đặt theo tên mẹ nuôi của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp) phác thảo cách thu thập viện trợ nhân đạo tại một trung tâm hoạt động có trụ sở tại thành phố Larnaca phía Nam Síp, nơi có cảng và sân bay, và đã có sẵn một trung tâm điều phối đang hoạt động, với sự tham gia của 33 quốc gia.
Theo sáng kiến trên, viện trợ sẽ được thu gom, kiểm tra và lưu trữ tại Síp, sau đó được gửi đến Gaza trên các tàu được một ủy ban hỗn hợp bao gồm cả Israel kiểm tra hàng ngày. Các tàu này sẽ được tàu chiến hộ tống đến một địa điểm được chỉ định trên bờ biển Gaza, từ đó tàu hàng sẽ được đưa đến khu vực trung lập, an toàn.
Theo tuyên bố của Tổng thống Síp Christodoulides, “một kế hoạch cụ thể để thực hiện sáng kiến này đã được chuẩn bị với các giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn cũng như các thỏa thuận kỹ thuật”. Ông Christodoulides nói thêm rằng đây là “một đề xuất khả thi, được xây dựng kỹ lưỡng và có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” ở Gaza.
“Đề xuất của người Síp đã được cân nhắc kỹ lưỡng’, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bình luận tại hội nghị ở Paris.
Khía cạnh khó khăn nhất là xác định bãi đáp hàng phù hợp ở phía Nam Gaza, tạo ra cơ sở hạ tầng cảng cần thiết và đảm bảo an toàn cho tuyến đường, điều này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan.
Ông Mitsotakis nói thêm rằng nếu những điều kiện này được đáp ứng, Hy Lạp sẽ sẵn sàng hỗ trợ bằng tàu hải quân.
Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột xuống phía Nam Dải Gaza, ngày 9/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảng ở ngoài khơi Gaza từng bắt đầu vào năm 2016 nhưng bị bỏ dở. Và ý tưởng tạo ra một bến cảng nổi đã được nối lại tại Diễn đàn Hòa bình Paris.
Pháp cũng đề nghị mở rộng hành lang để sơ tán những người bị thương nặng từ Gaza lên các tàu bệnh viện nổi ở Địa Trung Hải.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết mọi giải pháp đều phải phối hợp chặt chẽ với Israel, và hàng hoá cứu trợ chỉ được bao gồm nước, thực phẩm, thuốc men mà không có nhiên liệu. Quan chức này nói thêm rằng Israel cũng đang thảo luận về ý tưởng bệnh viện nổi vì năng lực của các bệnh viện ở Gaza còn hạn chế.
Quan chức Israel cho biết: “Israel quan tâm đến việc tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo. Nhưng vấn đề kỹ thuật và việc chuyển giao đã được kiểm tra và chưa được quyết định. Nếu có nhu cầu nhiều hơn, chúng tôi đang xem xét tất cả các phương án để tăng nguồn cung.”
NYT tiết lộ lý do Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận phóng thích 50 con tin
Các cuộc đàm phán gián tiếp do Qatar làm trung gian từng gần đạt được thỏa thuận về phóng thích con tin trước khi bị dừng lại bởi chiến dịch trên bộ của Israel vào Gaza.
Người dân chuyển nạn nhân trong vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 7/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ New York Times (Mỹ) hôm 9/11, vài ngày trước cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza bắt đầu (27/10), Israel đã gần đạt được thỏa thuận theo đó Hamas thả tới 50 con tin để đổi lấy việc tạm dừng không kích.
Tờ báo dẫn nguồn từ các quan chức Arab và phương Tây giấu tên cho hay, các cuộc đàm phán liên quan đến phóng thích con tin để đổi lấy tạm dừng không kích Gaza đã đột ngột dừng lại trước khi xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Israel bắt đầu tiến vào Gaza vài ngày sau đó. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc "tạm dừng" chiến sự được cho là vẫn đang tiếp diễn.
Trong bối cảnh liên lạc bị gián đoạn, có thông tin cho rằng Hamas cần 5 ngày để tập hợp các con tin, trong khi Israel yêu cầu nhóm này phải hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng vài giờ. Hơn nữa, Israel yêu cầu danh sách chi tiết tất cả những người sẽ được thả vào phút cuối. Hai quan chức am hiểu về các cuộc đàm phán tiết lộ rằng những yêu cầu này là lý do chính khiến thỏa thuận cuối cùng không thành công. Các yêu cầu được coi là quá khó để Hamas đáp ứng trong bối cảnh Israel đang bắn phá Gaza.
Nhưng khi các cuộc đàm phán được cho là đã nối lại, Hamas được cho là đang bổ sung các yêu cầu của mình, kêu gọi cung cấp nhiên liệu để vận hành các bệnh viện ở Gaza, nhiều bệnh viện trong số đó hầu như không hoạt động do các cuộc không kích của Israel hoặc các dạng chiến sự khác. Tình trạng thiếu điện trầm trọng đến mức các ca phẫu thuật phải được tiến hành dưới ánh đèn điện thoại di động.
Cũn theo tờ New York Times, nguồn cung cấp y tế cũng đang cạn kiệt "với một số ca phẫu thuật lớn, bao gồm cắt chi và phẫu thuật não, được thực hiện mà không cần gây mê."
Là một phần trong nỗ lực thiện chí nhằm đàm phán một thỏa thuận con tin lớn hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ đến Gaza, Hamas đã thả hai con tin người Mỹ vào ngày 20/10 và hai phụ nữ Israel vào ngày 23/10 để thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với chính phủ Israel.
Ông Ron Dermer, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, xác nhận với các nhà báo vào tuần trước rằng Israel đã tạm thời dừng hoạt động quân sự ở các khu vực của Gaza để cho phép các con tin mà Hamas phóng thích được đưa đi an toàn. Nhưng "đây chỉ là sự ngừng hoạt động tạm thời để thực sự đưa con tin của bạn đến nơi an toàn", ông Dermer nhấn mạnh và làm rõ rằng những động thái như vậy không nên bị nhầm lẫn là việc nới lỏng quyết tâm của Israel trong mục tiêu vô hiệu hóa Hamas.
Thủ lĩnh Hamas và Ngoại trưởng Iran 'bàn mọi cách ngăn Israel không kích Gaza' Thủ lĩnh chính trị Hamas và Ngoại trưởng Iran đã thảo luận "cách sử dụng mọi phương pháp để ngăn chặn" các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel ở Deir Al-Balah, Gaza, ngày 22/10/2023. Ảnh: AP Hamas cho biết quan chức đứng đầu...