Cuộc cách mạng ở Vatican
Sau khi được Mật nghị Hồng y bầu chọn hồi tháng 3, Giáo hoàng Francis đã có những bước đi vững chắc để cải tổ toàn diện Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Francis mong muốn Giáo hội Công giáo kết nối hiệu quả hơn với thế giới – Ảnh: AFP
Ngày 26.11, Vatican công bố bản Tông huấn Evangelii Gaudium (tạm dịch: Niềm vui Phúc âm) do Giáo hoàng Francis soạn thảo, trong đó thể hiện những mục tiêu chủ đạo của Giáo hội Công giáo trong thời gian sắp tới, theo Đài Radio Vaticana. Đây có thể xem là văn bản chính thức quan trọng nhất của ông kể từ khi kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI cách đây hơn 9 tháng. Bản tông huấn dài khoảng 170 trang đã hệ thống lại nhiều ý kiến từng được Giáo hoàng Francis đưa ra trong những bài giảng, bài phát biểu hay trả lời phỏng vấn thời gian qua.
Giáo hội của người nghèo
Văn bản này tiếp tục cho thấy mục tiêu quan trọng nhất của Giáo hoàng Francis là xây dựng một “Giáo hội nghèo khó của người nghèo” và “mở tung cửa nhà thờ” để kết nối với thế giới. “Tôi mong muốn một giáo hội nếm trải khó khăn, đau thương và phong trần hơn là một giáo hội trì trệ trong tiện nghi và bảo thủ”, Giáo hoàng Francis viết. Muốn được vậy, bước đầu tiên cần làm là “cải cách việc điều hành hội thánh”, bớt tập trung quyền lực vào Vatican và tăng cường vai trò của các giáo phận địa phương, theo ông.
Giáo hoàng Francis tuyên bố: “Người nghèo là ưu tiên của giáo hội. Bất cứ cộng đồng Công giáo nào lãng quên những anh em khốn cùng cũng đứng trước nguy cơ tan rã”. Nhìn rộng ra hơn về những thách thức của xã hội, ông chỉ trích: “Hệ thống kinh tế hiện nay bất bình đẳng từ gốc rễ. Những người sống bên lề hệ thống này bị xem là rác rưởi, còn tệ hơn bị bóc lột. Không thể chấp nhận việc một người vô gia cư chết vì giá lạnh không có ai nhắc đến trong khi chỉ cần chỉ số chứng khoán tụt 2 điểm là lên trang nhất của các báo. Chúng ta sống dưới sự chuyên chế vô hình, có khả năng đơn phương “làm luật” và một thị trường trong đó sự đầu cơ tài chính đang lên ngôi, tham nhũng thì tỏa nhánh khắp nơi”.
Một điểm quan trọng khác của bản tông huấn là vấn đề đối thoại giữa các tôn giáo trong đó “Công giáo không phải là hình mẫu văn hóa duy nhất”. Giáo hoàng Francis nhận định: “Đối thoại liên tôn là một điều kiện cần cho hòa bình thế giới. Chẳng hạn ngày nay việc xây dựng quan hệ với các tín hữu Hồi giáo đóng vai trò rất quan trọng”. Thời gian qua, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo của các tôn giáo khác và tổ chức một số hoạt động như lập đội tuyển cricket Vatican, vốn rất phổ biến ở các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung (Anh, Pakistan, Ấn Độ…) để giao lưu với Anh giáo, Ấn giáo, Hồi giáo.
Video đang HOT
Minh bạch hóa Vatican
Trước khi công bố tông huấn, Giáo hoàng Francis đã từng bước khẳng định phong cách và quan điểm của mình tại tòa thánh. Như thời còn là tổng giám mục tại Buenos Aires, ông tiếp tục lối sống thanh khiết, gần gũi. Giáo hoàng Francis không dọn đến Điện Tông tòa mà tiếp tục ngụ tại nhà nghỉ Sanctae Marthae, nơi các hồng y từng ở trước kỳ mật nghị. Sau những buổi tiếp kiến chung vào thứ tư hằng tuần, ông thường dành nhiều thời gian trực tiếp gặp gỡ hàng ngàn giáo dân tập trung ở Vatican và từ chối dùng xe có lồng chống đạn. Vào tháng 10, Giáo hoàng Francis cũng thẳng tay miễn nhiệm Giám mục Giáo phận Limburg (Đức) Franz-Peter Tebartz-van Elst vì lối sống xa hoa.
Giáo hoàng Francis không ngần ngại dùng từ ngữ “gây sốc” để nói về những “căn bệnh” của Vatican khi trả lời giới truyền thông như “kẻ nịnh thần”, “kẻ cơ hội”… Một vị linh mục ở Vatican thừa nhận cách nói của giáo hoàng “không dễ chịu” nhưng thật sự giúp mọi người nhìn lại bản thân. Không nói suông, sau 9 tháng nhậm chức, Giáo hoàng Francis đã bắt tay thực hiện những bước đầu tiên của mục tiêu cải cách toàn diện Giáo hội Công giáo. Đáng chú ý nhất là việc thành lập Hội đồng Hồng y cố vấn gồm 8 vị, được truyền thông các nước gọi vui là “G8″. Nhóm G8 tập trung các hồng y từ 60 – 80 tuổi đến từ nhiều nước nhằm đảm bảo quy tụ được kinh nghiệm thực tế truyền giáo ở nhiều châu lục. Trong số này, nhiều hồng y như Sean Patrick O’Malley (Mỹ) hay Oscar Rodriguez Maradiaga (Honduras) từ lâu nổi tiếng là những nhà cải cách và thường xuyên kêu gọi “minh bạch hóa” hoạt động của Vatican.
Hồi đầu tháng 10, Hội đồng Hồng y cố vấn đã họp và đưa ra nhiều đề xuất quan trọng như: soạn thảo lại bản Tông hiến 1988, vốn quy định mọi luật lệ và phương thức điều hành của tòa thánh; củng cố vai trò của Thượng hội đồng giám mục (họp 2 năm/lần) để chia sẻ trách nhiệm điều hành hội thánh với giáo hoàng; cải tổ phương thức hoạt động của Phủ Quốc vụ khanh (chuyên trách các hoạt động đối nội, đối ngoại của Vatican)…
Một sự kiện quan trọng khác cũng diễn ra vào đầu tháng 10 là Viện Giáo vụ (IOR, còn gọi là Ngân hàng Vatican) lần đầu tiên đăng tải công khai tình hình tài chính. IOR được xem là “vùng cấm” của tòa thánh và những thập niên qua bị chỉ trích là hoạt động thiếu minh bạch, thậm chí có thể có liên hệ với các tổ chức mafia.
Theo TNO
Lý do các Hồng y phải họp kín
Các thủ tục bầu giáo hoàng chứa đầy bí mật và hồi hộp hiện nay có nguồn gốc từ thế kỷ 13, sau những lần bầu chọn người đứng đầu tòa thánh gay go và dài dằng dặc hàng năm trời.
Thuật ngữ "Mật nghị" xuất phát từ từ Latin "với một chiếc chìa khóa", nhắc đến việc các hồng y phải cách ly với thế giới bên ngoài và những con mắt tò mò, để có thể chọn được một vị giáo hoàng mà không bị các thế lực bên ngoài gây ảnh hưởng.
Từ hôm nay 115 hồng y - những người còn được gọi là các hoàng tử của Giáo hội Công giáo, sẽ không hiện diện trước công chúng. Họ vào nhà nguyện Sistine của Vatican để bầu lên người đứng đầu giáo hội gồm 1,2 tỷ tín đồ, kế nhiệm giáo hoàng Benedict.
Mật nghị hồng y bên trong nhà nguyện Sistine năm 2005. Ảnh: AP
Kể từ hôm nay, điều mà hàng tỷ người trên thế giới chờ đợi là màu của làn khói bốc ra từ ống khói nhà nguyện. Các nghi thức bầu giáo hoàng ngày nay có từ thế kỷ 13, khi việc bầu chọn này trải qua những quãng đầy gian truân.
Việc bầu giáo hoàng Gregory X tháng 9/1271, khi Giáo hội bị chia rẽ bởi các tư tưởng chính trị, diễn ra sau gần ba năm ở thị trấn Viterbo, 85 km về phía bắc so với Rome, theo Reuters. Sau hơn hai năm họp bàn liên tục mà không đi đến đâu, dân chúng địa phương bắt đầu nổi giận, họ dỡ mái cung điện nơi các hồng y tụ họp - với mong muốn để đấng tối cao có thể dự họp cùng, và giảm số lượng lương thực thực phẩm cấp cho các hồng y, để buộc họ phải phá thế bế tắc.
Điều kiện khi đó gian nan đến nỗi hai hồng y chết trong quá trình bầu cử, một vị nữa phải rời mật nghị vì quá ốm yếu. Cuối cùng các hồng y quyết định chọn Gregory.
Giáo hoàng Gregory quyết tâm ngăn chặn tình trạng bế tắc kéo dài tương tự. Năm 1274, ngài ra quy định rằng các hồng y phải được đưa vào bên trong cung điện của Giáo hoàng, trong một phòng kín có nhà vệ sinh ở gần. Việc này được tiến hành trong vòng 10 ngày sau khi giáo hoàng trước đó quá đời.
Sau ba ngày, nếu họ chưa bầu ra được giáo hoàng, các hồng y sẽ chỉ được cho ăn một bữa thay vì hai bữa trưa và tối. Sau 5 ngày, họ sẽ chỉ được cho bánh mì, nước trắng và một chút rượu vang, cho đến khi nào bầu được giáo hoàng. Tác dụng của các luật mới này được nhấn mạnh sau đó, khi mà vào năm 1294, các hồng y phải mất hơn hai năm để cuối cùng đi đến việc lựa chọn một giáo hoàng.
Thế bế tắc khi đó chỉ được giải quyết khi Hồng y người Italy Latino Malabranca tuyên bố rằng một vị tu khổ hạnh rất thánh, tên là Pietro Del Morrone, đã có sấm truyền rằng những hồng y nào mãi không quyết định được việc bầu giáo hoàng sẽ bị gặp một sự trả thù thần thánh.
Các vị hồng y lo lắng, bèn nhất trí bầu cho nhà tu khổ hạnh, và Morrone, khi đó đã ngoài 80 tuổi, hân hoan cho rằng đó chính là ý Chúa. Ngài tiến vào thành phố L'Aquila trên một con lừa và đăng quang thành Giáo hoàng Celestine V.
Nhưng rồi việc đứng đầu giáo hội dường như không phù hợp với vị tu khổ hạnh và chỉ vài tháng sau đó ngài từ chức. Đây là vị giáo hoàng cuối cùng tự nguyện từ chức trước Benedict XVI. Giáo hoàng Gregory XII cũng từ chức, nhưng không hoàn toàn tự nguyện, vào năm 1415, nhằm chấm dứt một tranh chấp với một nhân vật khác cũng đòi giữ ngôi vị đứng đầu nhà thờ. Ông là giáo hoàng mới nhất từ chức trước Benedict.
Năm 1492, lần đầu tiên nhà nguyện Sistine được chọn làm nơi diễn ra mật nghị hồng y. Từ 1878, mọi mật nghị đều diễn ra tại đây.
Trước khi từ chức, Giáo hoàng Celestine quyết định lập lại các quy định về mật nghi hồng y năm 1274, trong đó nghiêm cấm các hồng y liên lạc với thế giới bên ngoài trong thời gian bầu giáo hoàng. Và vì thế tính bí mật của Mật nghị Hồng y vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Giáo hoàng Benedict từng quy định sẽ rút phép thông công hồng y nào vi phạm lời thề giữ bí mật.
Các chi tiết nhỏ khác của Mật nghị Hồng y được tiếp tục quy định những năm sau đó. Năm 1970, Giáo hoàng Paul VI hạn chế tuổi của các hồng y được bỏ phiếu bầu là dưới 80. Theo quy định của Giáo hoàng John Paul II và điều khoản sửa đổi do Giáo hoàng Benedict ban hành, một giáo hoàng được bầu khi ông ta hội đủ hai phần ba số phiếu của hồng y đoàn, và bản thân ông ta chấp nhận kết quả bầu. Sau khi chấp nhận làm người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa La Mã, tân giáo hoàng sẽ được hỏi xem ngài muốn lấy hiệu là gì. Sau câu trả lời này, một chức sắc Nhà thờ sẽ công bố bằng tiếng La tin trên ban công Vương cung thánh đường Phero: "Chúng ta có Giáo hoàng". Thông báo cũng cho biết tên của người được bầu, cũng như hiệu mà ngài đã chọn.
Ngoài khói trắng trên nhà nguyện Sistine, năm nay, dự kiến chuông của Vương cung sẽ gióng lên báo tin về giáo hoàng mới. Trong thời đại kỹ thuật số, các nhà lập trình đã phát triển một ứng dụng giúp người dùng di động nhận được tin báo về việc có tân giáo hoàng.
Theo VNE
Vatican bác tin đồn về nhân sự Vaticanđã phủ nhận tin đồn vào hôm 22.2 rằng quyết định cử một giáo chức cấp cao đến công tác ở Nam Mỹ có liên hệ đến một báo cáo bí mật trong vụ Vatileaks. Kể từ khi Giáo hoàng Benedict XVI thông báo quyết định thoái vị vào ngày 11.2, báo chí Ý đã lan truyền nhiều đồn đoán về các âm...