Cùng lớp, cùng trường, cùng… phòng thi?
Còn rất nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện cũng như hiệu quả đối với những thay đổi trong phương án thi và tuyển sinh 2016.
Theo phương án thi THPT quốc gia 2016 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tổ chức 2 loại cụm thi gồm cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, do trường ĐH chủ trì, cụm thi thứ hai dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do sở GD&ĐT chủ trì. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH.
Thí sinh được tư vấn về tuyển sinh trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” 2016. Ảnh: Người Lao Động.
Cân nhắc mở rộng cụm thi
Với phương án này, ước tính số lượng cụm thi sẽ tăng đáng kể so với năm trước (năm 2015 có 99 cụm gồm 38 cụm do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm do các sở GD-ĐT chủ trì). Năm 2016, riêng số cụm do các trường ĐH chủ trì có ít nhất là 64. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có thể có nhiều cụm thi hơn các địa phương khác.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sự điều chỉnh quan trọng nói trên giúp thí sinh thuận tiện hơn khi đi lại, không phải di chuyển tới tỉnh lân cận như năm 2015.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra lo lắng. Một chuyên gia của ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích phương án này sẽ làm tăng xác suất thí sinh học cùng trường, cùng lớp ngồi thi cùng phòng ở các địa phương. Điều này có khả năng ảnh hưởng tới kỷ luật trường thi, vì vậy cần cân nhắc việc mở rộng các cụm thi nếu như chưa đủ những điều kiện bảo đảm việc tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.
Với các địa phương không có trường ĐH đủ sức tổ chức kỳ thi có quy mô lớn, Bộ GD&ĐT cần điều động một trường ĐH có kinh nghiệm đến chủ trì cụm thi.
Theo phân tích của một chuyên gia tuyển sinh, việc mỗi tỉnh đều tổ chức cụm thi riêng sẽ khiến các địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về việc tăng cường cơ sở vật chất, phòng thi, đội ngũ cán bộ coi thi.
Nếu không triển khai, bổ sung tốt những điều kiện cần thiết này thì rất khó có được một kỳ thi nghiêm túc. Không loại trừ khả năng vì áp lực mà địa phương nới lỏng việc coi thi khiến kết quả thi không chính xác, gây khó cho các trường ĐH, CĐ khi xét tuyển.
Video đang HOT
Lo nghẽn mạng
Năm nay, Bộ GD&ĐT không yêu cầu thí sinh phải đến các trường ĐH để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển mà thực hiện nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc qua internet. Thí sinh không có đường truyền internet có thể gửi phiếu đăng ký xét tuyển qua bưu điện và cũng không cần phải gửi hồ sơ xét tuyển như năm 2015.
Để khắc phục những hạn chế có thể xảy ra, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị một số biện pháp kỹ thuật. Một phần mềm đã được thiết kế để giúp thí sinh, với một đường truyền internet, có thể đăng ký xét tuyển tại nhà cùng một mã số đăng ký xét tuyển riêng.
Ngoài ra, năm nay, thay vì chỉ có 8 điểm công bố điểm thi như năm 2015, tất cả cụm thi đều thực hiện công bố kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh thi ở cụm nào sẽ tra cứu điểm thi ở cụm đó nên sẽ tránh được tình trạng nghẽn mạng.
Tuy nhiên, việc công bố kết quả thi khiến không ít chuyên gia băn khoăn. Thầy Trần Văn Tuấn – giáo viên một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội – phân tích Sở GD&ĐT được công bố kết quả thi thì khó có thể lường trước được tình trạng nghẽn mạng vì sẽ có chục ngàn thí sinh ở cụm thi địa phương phải vào mạng internet của sở cùng một lúc, cùng một ngày.
Còn nếu là đơn vị chủ trì cụm thi do các trường ĐH, CĐ được phép công bố kết quả thì liệu các trường đã được trang bị đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác xét tuyển?
Ảo sẽ rất lớn
Một giảng viên của ĐH Ngoại thương Hà Nội cho hay, việc thí sinh được đăng ký vào 2-3 trường trong mỗi đợt xét tuyển cũng tạo nên băn khoăn về tình trạng “trúng tuyển ảo”.
Để chống ảo, các trường dự kiến sẽ gọi lượng trúng tuyển dôi ra, thậm chí là vượt chỉ tiêu. Nếu như điều này không gây nhiều khó khăn cho các trường nhóm trên thì lại khiến các trường nhóm dưới phải thực hiện thêm các đợt xét bổ sung.
Theo Yến Anh/Người Lao Động
Tuyển sinh 2016: Bộ GD&ĐT điều chỉnh đối tượng ưu tiên
Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Theo đó, có nhiều điểm thí sinh cần chú ý.
Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách ưu tiên chuyển trường về những khu vực khó khăn nhằm được cộng thêm điểm.
Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối tượng 01 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại Khu vực 1 (KV1).
Khu vực 2 cũng được thông tư quy định rõ hơn, gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
Năm 2015, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới phát hiện hồ sơ có vấn đề, dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi.
Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Quy định rõ chỉ tiêu xét theo hình thức xét tuyển
Điểm mới của quy chế năm nay là Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng những tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, các trường xác định và công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới, ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành, cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng khối thi truyền thống.
Không có ngưỡng điểm sàn cao đẳng
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu, dự thảo thông tư cũng nêu rõ căn cứ kết quả của người dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với trường cao đẳng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.
Đối với những trường có đề án tuyển sinh riêng bằng hình thức xét học bạ, Bộ GD&ĐT cũng có quy định cụ thể: Điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10).
Thí sinh không nộp hồ sơ tại trường
Khác với những năm trước, năm nay, việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh được Bộ GD&ĐT thay đổi. Các em nộp Phiếu đăng ký dự thi và lệ phí đăng ký dự thi cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến.
Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Theo Zing
Đề thi sẽ tăng cường câu hỏi nâng cao: Cần thận trọng Đề thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2015 tăng cường các câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc. Qua theo dõi trao đổi của Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi về đề thi, qua đây tôi xin có...